Đàm phán Brexit: Leo lên mình hổ
- Europol thời hậu Brexit
- Hội nghị thượng đỉnh EU “nóng” vấn đề Brexit và nhập cư
- Trắc trở đàm phán Brexit: Chưa thể “ly hôn”
Theo đó, hai bên đã đạt được những tiến bộ đầy đủ trong đàm phán 3 vấn đề mấu chốt, gồm tình trạng đường biên giới giữa Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland, quyền lợi của các công dân EU đang sinh sống tại Anh và những cam kết tài chính của Anh đối với các thành viên còn lại trong khối. Đây được coi như bước đột phá lịch sử đầu tiên trong tiến trình đàm phán Brexit từng được dự báo sẽ rất gian nan.
Giới quan sát cho rằng, nước Anh có lẽ đã trải qua những ngày dài khó khăn, và giờ đây mọi chuyện đang bắt đầu trở nên “nhẹ nhõm” hơn khi Thủ tướng Anh cuối cùng cũng tháo gỡ được bế tắc.
Rõ ràng, bà May đang nỗ lực rất lớn để thúc đẩy đàm phán về tương lai quan hệ thương mại với EU, đồng thời đưa “xứ sở sương mù” đi theo đúng lịch trình đã vạch ra trong “cuộc chia tay” với Liên minh châu Âu.
Những tín hiệu đột phá
Truyền thông quốc tế vô cùng quan tâm đến từng động thái của chính quyền Thủ tướng Theresa May và “vụ ly hôn lịch sử” với Liên minh châu Âu. Khi mà quá trình đàm phán kéo dài suốt nhiều tháng qua chưa đạt được bất cứ kết quả cụ thể nào thì cuộc gặp giữa Thủ tướng May và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) càng khiến dư luận “nóng lòng hơn bao giờ hết”.
Tại cuộc gặp này, hai bên đã đạt được thỏa thuận lịch sử, liên quan tới các điều khoản cụ thể về việc Anh rời EU, cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đàm phán ở giai đoạn 2 đầy gian nan.
Theo đó, chính quyền Thủ tướng May nhất trí một số điều khoản quan trọng, bao gồm duy trì mở cửa biên giới với Ireland, trả 40-45 tỷ Euro cho các nghĩa vụ tài chính và bảo đảm quyền lợi của người châu Âu sống tại Anh.
Cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) càng khiến dư luận “nóng lòng hơn bao giờ hết”. |
Bà Theresa May nhận định, quyền công dân được xem là một trong những ưu tiên quan trọng nhất. Tổng cộng 4,5 triệu công dân EU sống tại Anh và công dân Anh sống tại EU vẫn giữ được quyền cơ bản là đi lại tự do giữa Anh - EU và ngược lại.
Theo bà Theresa May, mọi công dân của Anh và EU đang sống trên lãnh thổ phía bên kia trước khi Brexit diễn ra được quyền tiếp tục cư trú, làm việc và học tập. Tất cả trẻ em đều được hưởng quyền này, ngay cả khi chúng được sinh ra sau Brexit. Và đương nhiên, các thành viên gia đình của những người Anh sống tại EU cũng được hưởng các quyền tương tự.
Các công dân Anh và EU sinh sống tại lãnh thổ của phía bên kia vẫn giữ được quyền hưởng dịch vụ chăm sóc y tế, hưu trí và các khoản trợ cấp xã hội khác.
Nhằm đảm bảo quyền lợi công dân, chính quyền May đang lên kế hoạch xây dựng “một quy trình đặc biệt của Anh”. Trên thực tế, EU và Anh sẽ tiếp tục thảo luận một cách chi tiết về các cơ chế liên quan đến công dân, song phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc đã được nêu rõ ràng trong thỏa thuận.
Thủ tướng Theresa May khẳng định, quyền của các công dân sẽ được đảm bảo bằng những cơ chế hiệu quả, và thỏa thuận về “ly dị” sẽ được đưa vào luật của Anh. Các thẩm phán Anh sẽ sử dụng luật của nước này khi xét xử nhưng tòa án Anh phải tham khảo Tòa Công lý châu Âu trong các cuộc xét xử. Ngoài ra, nước Anh sẽ thành lập một cơ quan độc lập để đảm bảo việc áp dụng đúng các điều khoản của thỏa thuận và trợ giúp công dân của mình.
Trong vấn đề đường biên giới Ireland, Thủ tướng Theresa May tuyên bố nước Anh và EU đã thống nhất tránh việc tái lập một đường biên giới cứng trên đảo Ireland nhằm bảo vệ thỏa thuận “Ngày Thứ sáu tốt lành” được ký năm 1998 mang lại hòa bình cho Bắc Ireland sau hàng thập niên xung đột và đảm bảo phát tiển kinh tế của Ireland.
Thủ tướng May cho biết, phần quan trọng của thỏa thuận Anh - EU này là bảo đảm việc sẽ không có những chốt biên phòng được dựng lên ở biên giới giữa lãnh thổ Bắc Ireland và lãnh thổ của Cộng hòa Ireland (nước thành viên EU sau ngày 29-3-2019 - thời hạn Anh ra khỏi EU). Trong khi đó, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker nhận định rằng thỏa thuận này mở đường cho những cuộc đàm phán tiếp theo về quan hệ Anh - EU trong tương lai.
Gánh nặng sau cùng liên quan đến vấn đề thanh toán tài chính. Chính quyền Thủ tướng May đã thống nhất với EU về danh sách các mục phải thanh toán và những điều kiện để Anh tham gia các chương trình trong Khuôn khổ tài chính trong giai đoạn 2014-2020, ngay cả khi rời EU.
Bên cạnh đó, Anh và EU cũng thống nhất nhiều vấn đề liên quan đến Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Phát triển châu Âu. Anh cũng cam kết sẽ đóng góp vào ngân sách năm 2019 và 2020 của EU với mức tương đương như khi còn là thành viên EU.
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cho biết các cuộc đàm phán Brexit giữa Anh và EU đã đạt được những tiến bộ đầy đủ để mở ra giai đoạn 2 bàn thảo về tương lai quan hệ thương mại. Với những bước tiến này, các cuộc đàm phán giữa Anh và EU về thương mại cũng như giai đoạn chuyển tiếp sau Brexit sẽ có thể được khởi động vào đầu năm 2018.
Chặng đường gian nan
Giới quan sát nhận định, sau 6 tháng đàm phán gian nan, cuối cùng thì cả chính phủ của Thủ tướng Theresa May và EU đều đã đạt được mục tiêu quan trọng trong ngắn hạn, hoàn tất đàm phán giai đoạn 1 trước khi bước sang giai đoạn 2 được dự báo sẽ cam go hơn.
Chặng đường sắp tới sẽ còn rất nhiều khó khăn với cá nhân bà May vì EU đã nêu 4 lĩnh vực “sẽ không có chuyện có thể thương thuyết, đàm phán” là tự do hàng hóa, dịch vụ, con người và vốn tư bản.
Trên thực tế, giới quan sát cho rằng cuộc thảo luận chính về vấn đề gai góc căn bản nhất - tương lai mối quan hệ Anh-EU thời hậu Brexit sau tháng 3-2019 - không thể bắt đầu sớm hơn tháng 2-2018. Việc Anh và EU “ly hôn” là một quyết định khó khăn, nhưng để xây dựng một mối quan hệ mới sau khi chia tay còn khó khăn hơn rất nhiều.
Dù đã đạt được một số thỏa thuận song thách thức gian nan nhất vẫn đang đợi các bên ở phía trước. Nếu chính quyền Theresa May “nhượng bộ” chấp nhận tất cả các điều kiện của EU thì đàm phán sẽ diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, điều đó không dễ thực hiện, khi mà Pháp và Đức không muốn nhượng bộ Anh “quá nhiều và quá sớm”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng May từng tuyên bố London sẽ không thực hiện các cam kết tài chính đã thỏa thuận với EU nếu khối này không đảm bảo một thỏa thuận thương mại. Thế nhưng, quan điểm này đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Ireland, khiến nước Anh rơi vào tình thế khó khăn trong cuộc đàm phán ở giai đoạn 2.
Đàm phán giai đoạn 1 đã đạt được thỏa thuận lịch sử liên quan tới vấn đề biên giới với Ireland, “hóa đơn ly hôn” và quyền lợi của người châu Âu sống tại Anh. |
Một trong những ưu tiên hàng đầu mà chính quyền Theresa May mong muốn đạt được là khởi động các cuộc đàm phán về thỏa thuận chuyển tiếp càng sớm càng tốt, nhằm tránh những ảnh hưởng bất lợi cho kinh tế Anh. Tuy nhiên, có lẽ Thủ tướng May phải kiên nhẫn đợi chờ các nhà lãnh đạo EU. Liệu EU có muốn sớm tiến tới một thỏa thuận chuyển tiếp hay không vẫn là một câu hỏi mở.
Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng Thủ tướng Theresa May đã ghi điểm về khả năng lãnh đạo sau khi tạo nên bước ngoặt cho đàm phán Brexit.
Bà đã chứng minh sự cứng rắn và bền bỉ của mình khi tuyên bố “chắc chắn sẽ có kết quả tốt đẹp” vào thời điểm đàm phán Brexit lâm vào bế tắc khi đảng Dân chủ Liên hiệp (DUP) theo đường lối cứng rắn tại Bắc Ireland - một đồng minh quan trọng của Thủ tướng Theresa May - đột ngột quay lưng lại với thỏa thuận về tương lai đường biên giới giữa Anh và Cộng hòa Ireland.
Việc Thủ tướng May “nói được và làm được” cũng khiến những người nghi ngờ khả năng dẫn dắt đàm phán của bà phải im lặng. Điều này đồng nghĩa những ý kiến yêu cầu bà từ chức vì không dẫn dắt được Brexit cho nước Anh sẽ lắng xuống. Thế nên, bà May nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng ít nhất là cho đến khi Anh chính thức rời EU vào tháng 3-2019.
Giờ đây, Theresa May - người dẫn dắt tiến trình Brexit của Anh - như đang “leo lên mình hổ”, bởi lẽ thành hay bại sẽ quyết định số phận chính trị của bà. Hiểu rõ sự nghiệp chính trị của mình gắn chặt với kết quả đàm phán Brexit, bà May đã không còn duy trì cách tiếp cận không khoan nhượng ban đầu, mà hướng tới một chiến dịch thương lượng thực dụng hơn.
Việc các nhà đàm phán Anh đưa ra một loạt nhượng bộ then chốt đối với EU bất chấp sự phản ứng từ trong nước, cho thấy quyết tâm của bà May trong việc tạo ra đột phá cho đàm phán Brexit.
Trong trường hợp kịch bản “không đạt được thỏa thuận” xảy ra, khó khăn sẽ càng chồng chất đối với chính phủ của Thủ tướng May, báo hiệu một thảm họa kinh tế tàn khốc cho nước Anh. Đó là lý do vì sao Thủ tướng May đành phải chấp nhận một số yêu cầu của EU như chi trả “hóa đơn ly hôn” với cái giá rất cao, cũng như Anh tiếp tục chịu sự phán quyết của tòa án châu Âu trên đất Anh cho đến ít nhất là cuối năm 2020.
Dẫu sao, “đầu có xuôi thì đuôi mới lọt”. Bước đột phá đầu tiên trong đàm phán Brexit có thể giúp cả Anh lẫn EU định hình rõ hơn tương lai mối quan hệ hai bên, bởi dù muốn hay không thì cả hai bên đều cần có nhau, hợp lực vì vị thế kinh tế và chính trị của cả châu Âu...