Trắc trở đàm phán Brexit: Chưa thể “ly hôn”

Thứ Hai, 09/10/2017, 07:12
Tiến trình đàm phán để Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, diễn biến khá chậm chạp. 

Tại vòng đàm phán vừa qua, cả Anh và EU đã quy trách nhiệm cho nhau về việc không đạt được tiến triển trong quá trình đàm phán. Vấn đề dàn xếp tài chính để Anh rời EU được xem là rào cản lớn nhất, khi được EU định giá khoảng 100 tỷ euro, trong khi Anh cho rằng chỉ ở mức 40 tỷ euro. 

Bên cạnh đó, EU cũng bày tỏ quan ngại về đề xuất của Anh trong vấn đề biên giới Ireland, khẳng định EU sẽ không để Anh sử dụng Ireland như một "trường hợp mẫu" cho quan hệ thuế quan Anh - EU tương lai.

Hiện EU từ chối thảo luận về tương lai quan hệ thương mại với Anh cho đến tiến trình đàm phán Brexit đạt tiến bộ đáng kể về quyền công dân, vấn đề biên giới Ireland và hóa đơn tài chính của Anh để rời EU.

Theo thỏa thuận, để nước Anh có thể chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu vào đầu năm 2019, đoàn đàm phán của hai bên về vấn đề này sẽ nhóm họp mỗi tháng một lần để thảo luận và thống nhất các thủ tục cho "cuộc chia ly lịch sử". Tuy nhiên, trước những bất đồng có xu hướng ngày càng gia tăng, nhiều ý kiến nhận định rằng lộ trình Anh rời EU khó có thể thực hiện đúng kế hoạch.

Bất đồng còn lớn

Các cuộc đàm phán Brexit được bắt đầu vào tháng 6-2017. Ba vòng đàm phán đầu tiên đã kết thúc nhưng các bên chưa thể đi đến một quyết định quan trọng. Cả hai bên đang phải đối mặt với thời hạn chót vào tháng 3-2019 - thời điểm quyết định cho một thỏa thuận để Anh rời EU và bắt đầu bàn về mối quan hệ giữa hai bên thời hậu Brexit. 

Trong mỗi vòng đàm phán, London đều tỏ ra "nóng lòng" trong việc định hình mối quan hệ đôi bên hậu Brexit, nhưng phía EU lại kiên định với kế hoạch bàn thảo các vấn đề "chia tách" rồi mới nói đến quan hệ "hậu ly hôn". 

Brexit gây mâu thuẫn trong nội bộ khi Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond kêu gọi một Brexit "mềm hơn", đi ngược lại với kế hoạch của bà May đoạn tuyệt với thị trường đơn nhất.

EU nhấn mạnh phải có đủ tiến trình trong ba vấn đề chủ chốt (bao gồm quyền công dân EU, biên giới Bắc Ireland và "hóa đơn" rời khỏi EU), trước khi cân nhắc các yêu cầu của London trong các cuộc hội đàm liên quan sắp tới.

Phần lớn văn kiện nêu lập trường của Anh về Brexit đều đề cập đến mối quan hệ tương lai giữa hai bên, thay vì nhắc đến việc dàn xếp thỏa thuận "cuộc chia ly lịch sử". 

Theo EU, tài liệu này chưa đưa ra các câu trả lời theo đúng thứ tự. EU nhấn mạnh, sẽ không có cuộc đàm phán nào về mối quan hệ trong tương lai khi các vấn đề về việc Anh ra đi chưa được thống nhất. 

Theo kế hoạch, các lãnh đạo EU phải đưa ra quyết định về việc liệu có thể khởi động vòng đàm phán về mối quan hệ song phương hậu "ly hôn" hay chưa vào tháng 10 tới. Các nhà quan sát cho rằng, kế hoạch này khó lòng thực hiện khi mà khoảng cách bất đồng giữa hai bên chưa có dấu hiệu thu hẹp.

Một trong những khúc mắc lớn nhất giữa hai bên là việc Anh sẽ phải tất toán các tài khoản tài chính cho EU, tức "lệ phí chia tay", trước khi rời khỏi khối. Các nhà phân tích cho biết, "hóa đơn Brexit", dựa trên các cam kết trong quá khứ, có thể lên tới 100 tỷ euro. Tuy nhiên, Anh vẫn chưa đồng ý chấp nhận con số đề nghị của Liên minh châu Âu. 

Quan điểm mới nhất của chính phủ Anh là cố gắng thuyết phục các nhà đàm phán EU rằng phía Anh cam kết tôn trọng các nguyên tắc về giải quyết tài chính nhưng sẽ không đưa ra lời hứa cụ thể. Anh muốn kéo dài thời gian càng lâu càng tốt trong vấn đề thanh toán tài chính, và không đưa ra bất kỳ cam kết ràng buộc nào cho đến khi ký một thỏa thuận tổng thể về Brexit.

Chưa hết, quyền công dân đang là vấn đề gây mâu thuẫn lớn. Cho đến nay, việc ba triệu công dân EU đang sinh sống tại Anh và một triệu cư dân Anh định cư tại EU sẽ trở về quê hương hay tiếp tục được ở lại nước sở tại vẫn chưa tìm được hướng giải quyết. EU muốn London cho phép công dân của Liên minh được tái định cư tại Anh, dù họ sống nhiều năm tại một nước khác. 

Thế nhưng, chính phủ của Thủ tướng Theresa May đề xuất công dân EU có thể mất quyền được cư trú vĩnh viễn tại Anh nếu như ra khỏi "xứ sở sương mù" quá hai năm và không chứng minh được có những mối quan hệ thân thiết tại Anh. Vì thế, EU đã trả đũa khi cảnh báo các công dân Anh ở một nước EU có thể không được phép sang sinh sống tại một nước khác trong khối.

Thử thách nước Anh

Cho đến nay, vấn đề Brexit đang được xem như cái cớ để giới chức châu Âu hả hê trước "mớ bòng bong" mà nước Anh vướng phải, khi họ buộc phải chấp nhận ý muốn của người dân và giải quyết hàng loạt khúc mắc trong việc chia tách các cam kết về thương mại, hệ thống pháp lý, tài chính và chính trị đã được xây dựng suốt 44 năm qua. 

Liên minh châu Âu hiện có ưu thế nổi trội hơn hẳn so với Anh nên có thể dẫn dắt quá trình đàm phán chứ không để cho Anh làm việc ấy. Vì thế, đàm phán càng đi vào thực chất thì khó khăn và khó xử của Anh càng tăng, và phía Anh càng cần thiện chí cũng như nhượng bộ của Liên minh châu Âu.

Không chỉ vậy, Brexit cũng gây mâu thuẫn trong nội bộ "xứ sở sương mù". Tiến trình thực thi Brexit của Thủ tướng Theresa May đã gặp thách thức lớn khi Công đảng - đảng đối lập lớn nhất tại Anh - bất ngờ ra tuyên bố ủng hộ việc Anh ở lại thị trường đơn lẻ của EU. 

Điều này có nghĩa Anh sẽ tiếp tục đóng góp cho ngân sách EU, đồng ý việc tự do đi lại của công dân Anh và EU, chịu sự phán quyết của Tòa án châu Âu vài năm sau khi nước Anh rời EU. 

Quyền công dân đang là vấn đề gây mâu thuẫn lớn trong đàm phán Brexit.

Trong khi những người theo trường phái Brexit ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch của bà May đoạn tuyệt với thị trường đơn nhất và liên minh hải quan thì Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond và một số quan chức khác đã kêu gọi một Brexit "mềm hơn", và duy trì mối quan hệ chặt chẽ về hải quan.

Chưa hết, Brexit cũng đặt ra mối đe dọa mới về sự toàn vẹn của Anh, khi làn sóng bất mãn ở Scotland và Bắc Ireland - hai khu vực thân EU - gia tăng vì phải đối mặt với đường biên giới mới của EU. Tất cả những vấn đề trên khiến chiến lược Brexit mà Thủ tướng May đưa ra có nguy cơ đi chệch hướng. 

Có thể thấy, Anh bắt đầu phải trả giá đắt cho cuộc phiêu lưu chính trị nội bộ Brexit. Hiện nay, Thủ tướng Theresa May chỉ có trong tay chính phủ thiểu số, nội bộ đảng cầm quyền không thống nhất và sự ủng hộ của dân chúng cho Brexit suy giảm, tức là áp lực đạt được kết quả đàm phán với EU đang tăng lên đối với chính phủ May. Hơn nữa, thời gian không ủng hộ phía Anh. 

Việc chính phủ Anh lần đầu tiên lộ ý công nhận nghĩa vụ tài chính đối với Liên minh châu Âu là bằng chứng về nhận thức phải tranh thủ "câu giờ" với EU, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự yếu thế so với tổ chức này.

Mô hình "trong mơ"

Khi Anh và EU mới bắt đầu thảo luận về Brexit, đã xuất hiện đề xuất mô hình mới cho mối quan hệ mới giữa hai bên "hậu ly hôn". Theo đó, bên cạnh việc xây dựng một cơ cấu siêu quốc gia như hiện nay, EU vẫn cần tạo ra một nền tảng cơ cấu liên chính phủ, tạm gọi là mô hình "đối tác lục địa". Mô hình này sẽ mở ra những lĩnh vực hợp tác về thị trường chung, an ninh, đối ngoại và cả quốc phòng. 

Với mô hình này, Anh sẽ giữ lại được quyền tiếp cận vào thị trường chung duy nhất mà không bị yêu cầu ràng buộc với ba trong số các quyền tự do cơ bản của EU là tự do lưu thông hàng hóa, tự do dịch vụ và tự do dịch chuyển trên thị trường vốn. Anh sẽ không cần phải thừa nhận quyền tự do đi lại của công dân EU vào nước họ. 

Bên cạnh đó, Anh vẫn có cơ hội tham gia thảo luận về tất cả các dự án luật để điều chỉnh thị trường chung, xây dựng các đề xuất và yêu cầu sửa đổi.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhận định mô hình này còn tồn tại khá nhiều mâu thuẫn. Từ góc nhìn thuần túy kinh tế, tự do thương mại hàng hóa, dịch vụ và vốn đều có thể xảy ra xung đột lợi ích nếu không gắn với quyền tự do di chuyển của người lao động. 

Chưa hết, việc đi lại của công dân sẽ gặp nhiều rắc rối khi EU và Anh đã thống nhất hạn ngạch hàng năm cũng như thời gian giải quyết giấy phép lao động cho công dân của cả hai phía. Tiếp đó, mô hình chắc chắn sẽ gây khó chịu cho các nước Pháp và Đức khi vẫn tồn tại ảnh hưởng của nước Anh trong việc xây dựng chính sách về thương mại toàn cầu của EU. 

Giới quan sát đánh giá, trên thực tế chưa có mô hình nào phù hợp, và kể cả tồn tại một mô hình "trong mơ" thì nó cũng không nằm trong lợi ích lâu dài của EU để duy trì mối liên kết bền lâu với London.

Theo kế hoạch, mục tiêu đặt ra là đến mùa thu năm nay, Anh và EU sẽ chuyển sang giai đoạn đối thoại về các nội dung liên quan đến quan hệ thương mại song phương trong tương lai. Các cuộc đàm phán sẽ phải kết thúc từ nay đến tháng 10-2018. Tuy nhiên, nếu không bên nào chịu nhún nhường, cuộc tranh cãi sẽ khó tìm được hồi kết và có thể làm tăng thiệt hại không mong muốn cho cả hai phía. 

Bởi lẽ, quyền công dân, "hóa đơn Brexit" và vấn đề biên giới giữa Anh và Bắc Ireland là ba nội dung quan trọng gắn bó chặt chẽ với nhau nên nếu chỉ giành được tiến triển trong một hoặc hai vấn đề thì giai đoạn đầu của vòng đàm phán Brexit coi như chưa hoàn thành. 

Ngoài ra, để đạt được mục đích "chia tay" cuối cùng theo đúng nguyện vọng của người dân Anh thì EU và London cần hợp tác để đưa ra những nhượng bộ nhất định, thay vì trông chờ vào những mô hình "không rõ có hiệu quả hay không"...

Việt Dũng
.
.