Trung Quốc: Công cuộc “xanh hóa” vàng đen

Chủ Nhật, 03/09/2017, 08:36
Trung Quốc đứng đầu thế giới về sản xuất và tiêu thụ than. Ước tính trữ lượng than đá của Trung Quốc khoảng trên 128 tỷ tấn, tương đương 13% tổng trữ lượng than đá toàn cầu. 

Trong ba thập kỷ, sản lượng than ở Trung Quốc tăng gấp 6 lần, đạt mức đỉnh với gần 4 tỷ tấn. Hiện nay, trung bình 75% sản lượng điện của Trung Quốc được tạo ra từ than. Tuy nhiên, sau nhiều chỉ trích về nguồn nhiên liệu than rẻ nhưng bẩn, Trung Quốc đang dần dần chia tay với loại hình năng lượng gây ô nhiễm trầm trọng nhất này.

Theo một thống kê, kể từ năm nay, nhu cầu than đá của Trung Quốc đã bắt đầu giảm; nói cách khác, "đỉnh than" của Trung Quốc đã bị vượt qua. Giờ đây, sự tăng trưởng trong ngành công nghiệp năng lượng của Trung Quốc chủ yếu đến từ các loại năng lượng thay thế hay công nghệ "xanh hóa".

Thâu tóm ảnh hưởng

Dù không có trữ lượng than đá lớn nhất thế giới, nhưng trở thành quốc gia sản xuất, tiêu thụ và nhập khẩu than đá nhiều nhất thế giới đồng nghĩa với việc là vai trò của Trung Quốc với ngành công nghiệp khai thác than đá toàn cầu là rất lớn. Sự "hưng vong" của thị trường than đá toàn cầu có lẽ phụ thuộc phần lớn vào những biến chuyển của ngành năng lượng Trung Quốc.

Theo ước tính của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), một nửa nhu cầu tiêu thụ than đá toàn cầu thuộc về Trung Quốc. Hiện nay, có 27 trên 34 tỉnh của Trung Quốc đang có ngành công nghiệp khai thác than đá rất phát triển, và hơn một nửa lượng than đá được sử dụng vào ngành nhiệt điện.

Khi lượng than đá khai thác được không đáp ứng nổi nhu cầu tiêu thụ trong nước, chính quyền Bắc Kinh bắt đầu tìm kiếm các thị trường cung ứng than đá và tỏ ra quan tâm tới những mỏ than của các quốc gia châu Á láng giềng nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển. Đà suy thoái kinh tế không kìm chân được tốc độ phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Quốc gia này cần một lượng lớn nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu khổng lồ của các ngành công nghiệp sản xuất trong nước.

Trung Quốc đứng đầu thế giới về sản xuất và tiêu thụ than với trữ lượng ước tính trên 128 tỷ tấn, tương đương 13% tổng trữ lượng than đá toàn cầu.

Trong các thị trường cung ứng than đá mà Trung Quốc nhắm tới, đặc biệt phải kể đến Indonesia. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ than đá khổng lồ và đầy tiềm năng của các doanh nghiệp Indonesia, song thực tế là các tập đoàn than khoáng sản của Indonesia lại thường xuyên bị các doanh nghiệp nhập khẩu than của Trung Quốc "chơi xấu", "trữ hàng" và "ép giá" khi có cơ hội.

Trong quá khứ, các doanh nghiệp Indonesia có thể xuất khẩu dễ dàng than đá sang Trung Quốc với số lượng lớn và kiếm lời nhanh chóng. Tuy nhiên, khi thị trường biến động do suy thoái kinh tế vào thời điểm đầu năm 2012, các đầu mối thu mua than đá tại Trung Quốc đã vin vào đủ lý do để ép các doanh nghiệp cung ứng than đá Indonesia phải bán than đá cho họ với giá rẻ mạt. Mọi chuyện có lẽ sẽ dễ dàng hơn với các doanh nghiệp Indonesia nếu họ có nhiều bạn hàng luôn sẵn sàng thu mua than đá.

Vậy nhưng, khi Trung Quốc đã trở thành bạn hàng số 1 của các doanh nghiệp Indonesia thì họ khó lòng có thể tìm mới bạn hàng trong ngắn hạn. Hệ quả tất yếu là, các công ty khai thác than đá Indonesia buộc phải chấp nhận mức giá bất lợi từ phía Trung Quốc để gắng gượng duy trì sản xuất.

Bẩn và ô nhiễm

Than hiện vẫn là một nguồn năng lượng quan trọng với thế giới. Kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, sản lượng tiêu thụ than không ngừng tăng lên. Than cung cấp 30% nhu cầu năng lượng trên thế giới và là nguồn nhiên liệu để sản xuất 40% sản lượng điện toàn cầu, nhưng riêng nó đã chiếm tới 45% lượng khí thải ô nhiễm. Thế nên, than đá là nguồn năng lượng bẩn nhất.

Từ lâu, các nước mới nổi đã bất chấp mọi hậu quả vì mục tiêu phát triển. Điển hình như Trung Quốc, khi 75% sản lượng điện đến từ các nhà máy nhiệt điện đốt than và riêng nước này đã dùng hết một nửa trong tổng số lượng than được tiêu thụ trên toàn cầu.

Thời gian gần đây, Trung Quốc đang "bị nghẹt thở" bởi những đám mây ô nhiễm độc hại. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở thủ đô Bắc Kinh và những khu công nghiệp lâu đời thuộc vùng Đông Bắc. Ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh ở mức "báo động đỏ" do hoạt động của nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, nhất là vào mùa đông.

Theo thống kê, số người chết do ô nhiễm lên đến 400.000 người/năm. Báo cáo của chính quyền Bắc Kinh cho biết, số lượng các hạt bụi mịn PM 2,5 (tức là có đường kính 2,5 micron) trong không khí dao động 200-330 hạt, gấp 10 lần mức khuyến cáo tối đa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). 

Trong cơ thể người, hạt bụi mịn có thể thâm nhập vào phổi và truyền sang máu, từ đó làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh như viêm phế quản mãn tính, ung thư phổi và bệnh tim.

Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, ô nhiễm cũng tạo ra nhiều vấn đề liên quan đến xã hội và chính trị. Điển hình như việc chính quyền Bắc Kinh nhìn thấy mối đe dọa trật tự xã hội tiềm tàng từ trong những cuộc biểu tình vì môi trường.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành khai thác than, dù tiếp sức cho nền kinh tế khát năng lượng Trung Quốc, nhưng kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng một khi các mỏ than cạn kiệt. Theo số liệu điều tra trong sáu tháng vừa qua, khai thác than là nguyên nhân của hơn 26.000 sự cố liên quan tới địa chất, khiến cuộc sống của hàng triệu cư dân bị tác động.

Ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh ở mức "báo động đỏ" do hoạt động của nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, nhất là vào mùa đông.

Nỗ lực "xanh hóa"

Đứng trước những chỉ trích của dư luận về các vấn đề môi trường, Bắc Kinh đã phải loan tin rầm rộ về kế hoạch cắt giảm thị phần sử dụng than đá. 

Tính đến đầu tháng 8-2017, việc tiêu thụ than tại Trung Quốc giảm liên tiếp trong 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đây vẫn là nước tiêu thụ than nhiều nhất trên thế giới, do than là chất đốt không thể thiếu trong nền kinh tế và cung cấp 60% sản lượng điện của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh đã phải đóng cửa nhà máy nhiệt điện đốt than lớn nhất tại đây.

Theo đó, giới chức trách muốn động thái trên sẽ giúp nước này tiến tới một mô hình "carbon thấp". Việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện đốt than xuất phát từ lời hứa hẹn của chính quyền rằng họ sẽ "trả lại cho người dân một bầu trời trong xanh".

Bắc Kinh đã đầu tư khá nhiều nguồn lực vào các sáng kiến môi trường nhằm giảm bớt mối lo ngại của cộng đồng về vấn đề ô nhiễm, đồng thời gây ấn tượng với thế giới. Các nhà máy chạy bằng than bị thay thế đều đã hoạt động được hơn 20 năm và nhà máy bị khai tử gần đây nhất đã tồn tại 93 năm.

Hiện nay, Bắc Kinh là thành phố đầu tiên sản xuất điện hoàn toàn từ khí thiên nhiên, hoàn thành một trong những mục tiêu của "kế hoạch 5 năm" từ năm 2013. Sản lượng điện của nhà máy chạy bằng khí gấp 2,6 lần so với chạy bằng than, cho phép đáp ứng nhu cầu của thành phố, và loại nhà máy điện mới này sẽ tiếp tục được nhân rộng một cách nhanh chóng. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy ngành năng lượng, đóng góp tới hơn 80% tổng phát thải carbon toàn quốc, đang chuyển đổi mạnh mẽ sang năng lượng tái tạo.

Bắc Kinh cũng thể hiện nỗ lực "xanh hóa" điện than khi đặt ra tiêu chuẩn phát thải và hiệu suất năng lượng đối với các nhà máy điện than rất "lý tưởng" là 50 mg NOx/m³ ( so với 95 mg/m³ tại Mỹ và 150 mg/m³ tại châu Âu). Công nghệ sản xuất điện than siêu tới hạn dự kiến cũng sẽ giúp các nhà máy điện than đạt tới các tiêu chuẩn khắt khe hơn.

Những nhà máy này đốt than ở nhiệt độ cao hơn rất nhiều (760ºC) với áp suất bên trong cao hơn (trên 2.000kg/in2) so với các nhà máy truyền thống, từ đó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất điện. Bắc Kinh đã vượt qua Washington với hơn 90% trong số 100 nhà máy điện than hiệu quả nhất của Trung Quốc được trang bị các công nghệ siêu tới hạn (so với 0,76% tại Mỹ). 

Bắc Kinh hiện đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhằm tăng cường hiệu quả như công nghệ nghiền vụn than hay chưng cất hóa lỏng quy mô lớn, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hóa chất từ than bằng cách đầu tư vào công nghệ nhiệt phân, khí hóa than, thu thập và tích trữ carbon.

Trên bình diện quốc tế, Trung Quốc tái khẳng định cam kết đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Theo đó, Trung Quốc cam kết tới năm 2020 sẽ giảm 40-45% tỷ lệ khí thải CO2 trong hoạt động sản xuất, và tới năm 2030 sẽ giảm tối đa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong năm tới, Trung Quốc sẽ xử lý 8.000 công ty thuộc các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhiều nhất.

Nhìn chung, Trung Quốc hoàn toàn có đủ điều kiện để lèo lái chính sách năng lượng quốc gia theo hướng sạch hơn. Thế nhưng, Bắc Kinh vẫn chưa thể trở thành mô hình tiêu biểu về năng lượng sạch toàn cầu bởi còn tồn tại nhiều khác biệt giữa các địa phương về phát triển năng lượng và phát thải carbon. Nhiều khu vực ô nhiễm vẫn gặp thế khó xử giữa mục tiêu môi trường và đáp ứng nhu cầu phát triển và việc làm cho người dân địa phương.

Dù vậy, Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ than nhiều nhất thế giới - vẫn mang lại hy vọng rằng nỗ lực "xanh hóa" điện than sẽ tạo nên con đường hướng tới phát triển bền vững...

Nguyễn Tuyết
.
.