Giá dầu thế giới liên tục biến động

Khóc, cười khi “vàng đen” nhảy múa

Thứ Tư, 07/01/2015, 10:58
Giá dầu thô thế giới lao dốc mạnh sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) trong cuộc họp hôm 27/11 vừa qua tại Vienna (Áo) tuyên bố không cắt giảm sản lượng bất chấp tình trạng dư thừa nguồn cung “vàng đen” toàn cầu.

Ngay lập tức, giá dầu thô Brent rớt xuống mốc 72 USD/thùng, trong khi đó giá dầu WTI lao dốc còn 68 USD/thùng – giá thấp nhất kể từ năm 2010. Kết quả cuộc họp của OPEC đã gửi thông điệp rằng, “thị trường sẽ tự điều tiết”, trong khi chờ đợi một mức giá hợp lý hơn đang được bàn thảo.

Kể từ giữa tháng 6 đến nay, giá dầu thô đã giảm gần 30% do sản lượng ngày càng cao của Mỹ trong khi nhu cầu yếu đi tại châu Á và châu Âu. Đà sụt giảm của giá dầu đã khiến một số thành viên OPEC lo ngại vì đa phần các nước thuộc tổ chức này đều cần mức giá trên 80 USD/thùng để cân bằng ngân sách, trong khi nhiều nước cần mức giá trên 100 USD/thùng.

Ai lợi, ai hại?

OPEC, tổ chức gồm 12 thành viên, chiếm 1/3 sản lượng dầu của thế giới, đã quyết định sẽ duy trì mục tiêu sản lượng 30 triệu thùng dầu mỗi ngày. Hiện tại, OPEC đang sản xuất nhiều hơn mức sản lượng mục tiêu này, nên quyết định trên đồng nghĩa với việc nhóm sẽ cắt giảm khoảng 300.000 thùng dầu trong sản lượng mỗi ngày. Mức cắt giảm như vậy là nhỏ bé để có thể tác động tới tương quan cung-cầu hiện tại.

Trên thực tế, giá dầu giảm là một thông tin tốt lành đối với người tiêu dùng ở các quốc gia như Mỹ và châu Âu, nhất là vào thời điểm mùa mua sắm cuối năm đang tới gần. Giá bán lẻ xăng trung bình toàn quốc ở Mỹ hiện ở mức thấp nhất trong 4 năm là 2,8 USD/gallon, từ mức 3,68 USD/gallon hồi cuối tháng 6. Theo tính toán của ngân hàng Goldman Sachs, việc giá xăng giảm trong 6 tháng qua tương đương mức giảm thuế 75 tỷ USD cho người tiêu dùng Mỹ.

Trong khi đó, đối với các quốc gia xuất khẩu dầu, đây đang là một vấn đề gây lo ngại. Nga được xem là quốc gia thiệt hại nhiều nhất từ xu hướng hiện nay của giá dầu. Giá “vàng đen” lao dốc bị coi là “họa vô đơn chí” đối với Nga trong bối cảnh nền kinh tế nước này bị các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine đẩy tới bờ vực suy thoái.

Thông tin giá dầu giảm sâu đã đẩy đồng Rúp của Nga xuống mức thấp chưa từng có so với đồng Euro và gần thấp nhất trong lịch sử so với đồng USD. Hơn một nửa nguồn thu ngân sách của Nga đến từ dầu khí và giá dầu giảm khiến kinh tế nước này càng thêm lao đao.

Venezuela cũng là một quốc gia chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi giá dầu giảm. Nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ này đang rơi vào tình trạng kiệt quệ do sự yếu kém trong cách thức quản lý của chính phủ, cộng thêm nguồn thu từ xuất khẩu dầu sa sút.

Một số nguồn tin cho hay, cuộc họp của OPEC kéo dài hơn dự kiến vì Venezuela có cuộc họp tay tư “tranh cãi” với Ảrập Saudi, Mexico và Nga để thúc đẩy cắt giảm sản lượng nhưng không thành công. Cùng với Venezuela, Iran và Ecuador cũng kêu gọi giảm sản lượng để ổn định giá dầu.

Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc OPEC không cắt giảm sản lượng dầu. Tờ Business Week cách đây ít lâu có một bài viết cho rằng khối này đang chuẩn bị cho một “cuộc chiến giá dầu” trong bối cảnh Mỹ đang vươn lên thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới nhờ sản lượng dầu đá phiến tăng mạnh.

Sự lao dốc của giá dầu đã kéo theo một đám mây u ám bao phủ khắp các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, song lại là tin vui đối với những nước nhập khẩu “vàng đen”.

OPEC muốn giữ giá dầu thấp để giữ khách hàng, duy trì thị phần. Tuy vậy, một số chuyên gia nhận định, OPEC đang hành động khôn ngoan vì giá dầu giảm sẽ giúp nền kinh tế các nước tiêu thụ dầu hồi phục tốt. Một khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng tích cực, giá dầu sẽ tự động tăng lên.

Đáng ngạc nhiên, giá dầu lại sụt giảm liên tiếp vào thời điểm chiến sự căng thẳng ở những khu vực liên quan đến dầu mỏ (Iraq, Syria, nhất là Nga và Ukraine) mà theo lẽ thường, việc này sẽ khiến giá dầu leo thang.

Một nguyên nhân kỹ thuật khiến giá dầu giảm là do đồng USD đã tiếp tục mạnh hơn so với đồng Yên của Nhật, khiến giá hàng hóa tính theo đồng tiền này trở nên đắt hơn đối với các nước dùng đồng tiền khác. Tuy nhiên, các nhà phân tích của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng sự sụt giảm giá dầu liên tiếp các tháng gần đây chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ giảm, trong khi nguồn cung dầu thế giới đang tăng lên.

Cũng có quan điểm cho rằng giá dầu giảm như trong thời gian qua là do Mỹ và Ảrập Saudi mưu đồ liên minh nhằm làm suy yếu Nga, Venezuela và Iran. Mọi khả năng đều không thể bị loại trừ nhưng nhìn nhận một cách tỉnh táo thì sẽ thấy không phải vậy, bởi giá dầu giảm cũng có ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với cả Mỹ lẫn Ảrập Saudi.

Vì thế, người ta dự đoán giá dầu sẽ còn giảm nữa nhưng không nhiều và nhanh như thời gian qua. Giá dầu trượt dốc chưa tới chân dốc, nhưng chân dốc ấy, ít nhất thì ở giai đoạn này, hiện cũng không còn cách bao xa nữa.

Núp bóng một cuộc chơi chính trị?

“Tay chơi” bí ẩn trong cuộc chiến giá dầu lúc này là Ảrập Saudi, nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Tờ Business Week cho biết, Riyadh cần giá dầu ở mức 93 USD/thùng để cân bằng ngân sách nhưng vẫn “sống” được với giá dưới 80 USD/thùng trong vòng 1-2 năm. Lý do công khai để Ảrập Saudi không cắt bớt sản lượng là muốn giữ thị phần.

Ảrập Saudi sẵn sàng cắt giảm sản lượng để giảm nguồn cung nhằm đẩy giá dầu tăng lên, nhưng có lẽ điều này sẽ không mấy hiệu quả nữa. Bởi vì việc dự trữ dầu sẽ càng khiến việc sản xuất ở dưới mức công suất, và công suất dư thừa có thể khiến vương quốc dầu mỏ này phải sản xuất nhiều hơn để bù lại khi nhu cầu tăng lên hay nguồn cung giảm đi.

Giá dầu được ví như hàng hóa chính trị.

Yếu tố này khiến thị trường sẽ nguội bớt, và như thế việc cắt giảm sản lượng sẽ không còn hiệu quả như mong muốn. Ngoài ra, việc giảm sản lượng lúc này có thể ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi kinh tế mong manh trên toàn cầu.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đánh giá, Ảrập Saudi đang muốn hạ giá dầu nhằm thao túng chính trị. Ông Thomas Friedman làm việc tại tờ New York Times cho rằng, có thể Ảrập Saudi và Mỹ đang phối hợp dàn dựng thâu tóm tình trạng giá dầu nhằm mục đích chính trị cho “cuộc chiến tranh dầu mỏ” với Iran và Nga.

Friedman đã lấy dẫn chứng trong lịch sử khi bản thỏa thuận giữa Mỹ và Ảrập Saudi đạt được năm 1985 để giảm giá dầu từ 35 USD xuống hơn 10 USD/ thùng dẫn tới việc GDP của Nga sụt giảm do sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

Các quan chức Điện Kremlin cũng cáo buộc Mỹ bắt tay với Ảrập Saudi kéo giá dầu xuống nhằm gây thiệt hại cho các đối thủ như Nga, Iran. Nhưng dường như ngay cả Washington cũng nằm trong tầm ngắm của Riyadh bởi lẽ giá dầu giảm sẽ gây khó khăn cho ngành công nghiệp dầu đá phiến sét của Mỹ. Qua đó, Ảrập Saudi có thể gây ảnh hưởng đến các quyết định chính trị của nước đồng minh “khó bảo” này. 

Số ít người lại nghĩ, hiện tượng giá dầu giảm lần này không phải do biến động chính trị mà do cung tăng bền vững, đều đặn nên chắc chắn mức giá giảm sẽ còn tiếp tục cho đến chừng nào các nước sản xuất dầu thô truyền thống như Ảrập Saudi (đại diện tiêu biểu của khối OPEC) hay Nga chịu không nổi phải giảm sản lượng để giữ giá dầu, tránh sự thâm hụt ngân sách thêm trầm trọng.

Có vẻ như Ảrập Saudi và cả Nga đang muốn chơi trò “cù cưa” với Mỹ nhằm đo lường xem Mỹ trụ lại được bao lâu khi giá dầu giảm. Tuy nhiên, có thể thấy ngay là “trò chơi nguy hiểm” này cũng sẽ chẳng làm Mỹ suy yếu đi bao nhiêu mà ngược lại, có thể rơi vào trường hợp “gậy ông đập lưng ông”.

Lý do dự đoán Mỹ không suy yếu bao nhiêu là vì: Mỹ vẫn chưa bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô cho nên sản lượng dầu đá phiến tăng đều đặn hoàn toàn được cung cấp cho thị trường nội địa. Giá dầu giảm có chăng sẽ làm giảm mức tăng sản lượng dầu thô của quốc gia này (vì nguồn đầu tư vào hoạt động khai thác dầu sẽ giảm) chứ không thể ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế đa dạng và đang trên đà hồi phục. Đó là chưa kể nguồn cung khí đốt khai thác từ đá phiến dồi dào dẫn đến giá khí đốt tại Mỹ vẫn rất rẻ so với bình diện chung, kéo theo hàng loạt ngành công nghiệp khác phát triển và thu hút nhiều đầu tư từ nước ngoài.

Một vấn đề nữa cần chú ý là loại dầu khai thác từ đá phiến là dầu ngọt và nhẹ trong khi dầu của Ảrập Saudi là loại nặng và chua (vì chứa nhiều lưu huỳnh). Dù Ảrập Saudi có “đổi ý” muốn giảm sản lượng hòng bình ổn giá dầu cũng không thay đổi được mức cung ngày càng tăng cao của loại dầu ngọt và nhẹ. Nghĩa là họ cũng chẳng còn khả năng xoay chuyển, thao túng tình hình như những thập kỷ trước.

Một trong những lý giải phổ biến nhất cho việc giá dầu bất ổn xuất phát từ tình trạng sản lượng dầu mỏ dồi dào do khai thác “nở rộ” tại Ảrập Saudi bởi nước này ấp ủ mục tiêu duy trì thị phần tại châu Á. Tại thời điểm hiện nay, sản xuất và khai thác dầu tăng mạnh trên toàn thế giới đặc biệt là ở Mỹ, một gã khổng lồ về năng lượng. Chính vì vậy, các nhà phân tích nhìn nhận rằng động thái của Ảrập Saudi là một trong những nỗ lực để áp đảo mức giá của Mỹ.

Trong tình hình hiện tại khi Mỹ đang ngày càng tiến gần đến mục tiêu độc lập về năng lượng và thậm chí chấm dứt xuất khẩu dầu thô, thì Ảrập Saudi bắt đầu mon men đề nghị giảm giá dầu với thị trường châu Á. Đây chính là một bước đi được Ảrập Saudi ưu tiên để duy trì thị phần tại thị trường châu Á nhiều tiềm năng và giữ ổn định vị thế ông hoàng trong ngành công nghiệp dầu đầy lợi nhuận…

Lê Nam – Doãn Anh Quân
.
.