"Quân bài" Montenegro trong cuộc chiến Nga - NATO:

Giằng co Đông - Tây

Thứ Hai, 10/07/2017, 12:19
Montenegro tuy không phải là một quốc gia có sức mạnh quân sự đáng kể nhưng lại có vai trò quan trọng đối với sự ảnh hưởng chiến lược của Nga và phương Tây.

Với quân đội chỉ có 2.000 quân, Montenegro sẽ không thể giúp tăng cường sức mạnh phòng vệ của phương Tây trong trường hợp xảy ra căng thẳng với Nga. Tuy nhiên, Montenegro hiện là một vấn đề trung tâm trong "sự giằng co" giữa phương Tây và Moscow về ảnh hưởng ở Balkans (Ban-căng). 

Việc quốc gia này chính thức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngay lập tức đã vấp phải phản ứng gay gắt của Nga, đẩy quan hệ Đông - Tây tiếp tục lún sâu vào mâu thuẫn. Kết quả của sự căng thẳng này có thể định hình hướng đi của toàn bộ khu vực phía Tây Balkans: hướng tới Liên minh châu Âu (EU), NATO và hội nhập với phương Tây, hoặc trở lại với vòng tay của Nga.

Gia tăng mâu thuẫn

Việc Mỹ "bật đèn xanh" cho Montenegro gia nhập NATO là một bước đi mang tính chính trị vì trên thực tế Montenegro là một quốc gia nhỏ với bốn máy bay quân sự đang được rao bán và hai tàu chiến còn khả năng hoạt động hầu như không rời cảng. 

Do đó, kết nạp Montenegro sẽ không thể giúp tăng cường sức mạnh phòng vệ của phương Tây trong trường hợp xảy ra căng thẳng với Nga. Nói cách khác, tiếp nhận đất nước vùng Balkans này sẽ chỉ làm NATO phải gánh thêm chi phí. Washington cho rằng, bất chấp khả năng quân sự của Montenegro không mạnh, vị trí địa chiến lược cho phép liên minh quân sự NATO tăng cường kiểm soát khu vực Balkans. 

Việc NATO tiếp nhận Montenegro là một bước tiến quan trọng nhằm mở rộng liên minh quân sự này sau 8 năm tạm ngừng.

Theo đó, việc Montenegro gia nhập NATO là tốt cho hoà bình và an ninh quốc tế, giúp gửi tín hiệu đến các quốc gia đang muốn trở thành thành viên NATO rằng nếu họ thực sự cải cách, thúc đẩy dân chủ, củng cố luật pháp, hiện đại hóa lực lượng vũ trang hay đóng góp vào công cuộc phòng thủ chung của NATO thì đều có thể gia nhập liên minh.

Với quyết định gia nhập NATO, Montenegro lập tức vấp phải lời đe dọa của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin khi Điện Kremlin đã lên tiếng cảnh báo về việc sẽ "hành động trả đũa". 

Mối quan hệ giữa Montenegro và Nga đã trở nên tồi tệ sau khi Montenegro tỏ ý muốn gia nhập NATO - liên minh được thành lập năm 1949 và được Moscow coi là một tổ chức chống Nga. 

Trước đó, Montenegro vốn là một nước thuộc Cộng hòa Nam Tư cũ, được coi là thành trì và đồng minh thân thiết của Nga. Tuy nhiên, sau khi tách ra khỏi Serbia trong một cuộc trưng cầu dân ý năm 2006, nước này đã có bước đi mạnh mẽ hướng tới hội nhập châu Âu. 

Theo nhiều nguồn tin, Điện Kremlin đã có những hoạt động vận động chống lại NATO ở Montenegro, cũng như ở các nước láng giềng, và đã hỗ trợ giới quan chức cũng như các nhóm dân tộc chủ nghĩa thân Nga tại tất cả các nước này. Có vẻ như, Nga muốn cảnh báo Montenegro không nên gia nhập NATO mà nên giữ mối quan hệ chặt chẽ với các "anh em Slavic chính thống giáo" ở Nga.

Việc NATO tiếp nhận Montenegro là một bước tiến quan trọng nhằm mở rộng liên minh quân sự này sau 8 năm tạm ngừng, đồng thời cũng sẽ đẩy mâu thuẫn giữa Nga và Mỹ - hai cựu địch thủ thời kỳ Chiến tranh Lạnh - lên những nấc thang căng thẳng mới. Việc NATO kết nạp thêm "tân binh" được ví như một thông điệp cứng rắn chuyển tới Moscow. 

Trước đó, hơn 1.100 binh sĩ (gồm 900 lính Mỹ, 150 lính Anh và 120 lính Romania) đã được triển khai tới Orzysz, cách vòng cung Kaliningrad của Nga 57km về phía Nam. Tư lệnh tối cao của NATO tuyên bố: "Việc triển khai các binh sĩ là minh chứng rõ ràng cho sự thống nhất và kiên định của NATO, đồng thời là thông điệp gửi tới bất kỳ lực lượng gây hấn nào". 

Trong một động thái đáp trả, Nga đã phát triển khả năng có thể tấn công các nước "nguy hiểm" trong vòng 24 giờ và có thể ngăn chặn NATO tăng viện. Ngoài ra, Nga đã nâng cấp sức mạnh quân đội bằng việc bổ sung các máy bay chiến đấu Su-30, hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tên lửa.

Xung đột lợi ích

Với sự gia nhập của Montenegro, NATO sẽ tạo ra một đường biên giới tiếp giáp dọc theo bờ biển Adriatic. Do Montenegro tiếp giáp với 5 nước Balkans khác, bao gồm các nước thành viên NATO như Croatia, Albania và Hy Lạp, nên có thể nhận được hỗ trợ trong tiến trình hội nhập, cải cách dân chủ, thương mại - an ninh. 

Chính vì vậy, quyết định gia nhập NATO của Montenegro chắc chắn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Nga, vì nước này cho rằng việc NATO mở rộng "biên giới" tiến sát nước Nga là nhằm lôi kéo, mở rộng tầm ảnh hưởng của mình, cũng như đe dọa an ninh của Nga.

Trong một động thái đáp trả, Nga đã phát triển khả năng có thể tấn công các nước "nguy hiểm" trong vòng 24 giờ và có thể ngăn chặn NATO tăng viện.

Ở vào thời điểm hiện tại, giới quan sát lo ngại việc mở rộng của NATO về phía Đông, vốn đã vấp phải nhiều chỉ trích của Nga, sẽ dẫn đến những căng thẳng ở mức độ chưa từng có trong 30 năm qua tại châu Âu. 

Theo quan điểm của Moscow, NATO đang ngày càng thúc đẩy chính sách kiềm chế đối với Nga. Điều này có nghĩa liên minh quân sự lớn nhất thế giới đang tái sử dụng công thức bảo đảm an ninh thời Chiến tranh Lạnh và đang nỗ lực đối thoại với Nga "dựa trên sức mạnh".

Đằng sau tất cả những căng thẳng trên (từ cả Nga và NATO) tiềm ẩn các mục tiêu chiến lược chính. Việc NATO kết nạp Montenegro cho thấy cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng tại Balkans vẫn phức tạp. Nga luôn phản đối mạnh mẽ việc mở rộng liên minh quân sự phương Tây tại một khu vực nước này cho là có lợi ích chiến lược. Moscow tin rằng vùng Balkans phía Tây là một phần nằm trong phạm vi ảnh hưởng của chính mình. 

Đối với Nga, việc có được ảnh hưởng ở khu vực này sẽ giúp tiếp cận các cảng biển sâu cho các tàu chiến được triển khai ở Địa Trung Hải, và tiếp tục duy trì lợi ích kinh tế - chính trị tại vùng đất quan trọng này. Còn NATO, sau những quan ngại về ảnh hưởng của Nga trong khu vực vẫn bất ổn này, rất muốn đưa Montenegro vào liên minh. 

Đối với NATO, khối này sẽ có thể ngăn cách hải quân Nga hùng mạnh cách xa khỏi khu vực biển chiến lược khi Montenegro là quốc gia Adriatic duy nhất chưa phải là thành viên của NATO. Có được Montenegro đồng nghĩa với việc "thâu tóm" Balkans, thế nên khối quân sự hùng mạnh NATO sẽ có thể tách hải quân Nga cách xa khỏi khu vực biển chiến lược.

NATO lại quyết định kết nạp Montenegro vì một chiến lược chỉ ra sự tồn tại của khối quân sự lớn nhất thế giới ra đời từ sau Chiến tranh thế giới lần II. Theo đó, mở rộng khối là "lẽ sống còn" của NATO. Việc này đã diễn ra liên tục kể từ khi thành lập khối cho đến nay. 

Kể từ sau khi bức tường Berlin sụp đổ (1989), tiếp theo đó là khối Xã hội chủ nghĩa Đông Âu không còn, NATO bắt đầu tăng tốc mở rộng khối. Từ năm 1999, tốc độ kết nạp thành viên của NATO gia tăng chóng mặt, với hàng loạt quốc gia Đông Âu. 

Qua mỗi giai đoạn mở rộng, NATO đều dự kiến thay đổi tên gọi khối cho phù hợp hơn với sự biến đổi về địa chính trị nhằm đáp ứng mục tiêu chiến lược "Đông tiến" bao vây nước Nga, nhưng rồi tên gọi NATO vẫn không thay đổi, và chiến lược xâm lấn vùng ảnh hưởng của nước Nga vẫn giữ nguyên.

Không ít quan điểm đã vạch ra một kịch bản chiến tranh, cho rằng những rạn nứt trong quan hệ Nga và NATO có thể làm bùng lên một cuộc chiến trong năm 2017. Xu hướng chiến tranh giữa Nga và NATO chủ yếu bắt nguồn từ những âm ỉ kéo dài từ trước, với việc NATO đưa khí tài quân sự đến Ba Lan và các nước Đông Âu, tiến sát biên giới nước Nga làm cho Nga không thể không chủ động phòng thủ. Vì "sự nguy hiểm" của nước Nga đối với NATO nên liên minh quân sự này càng phải có những biện pháp phòng vệ thích đáng. 

Cũng có luồng quan điểm khác khẳng định, chính phương Tây (bao gồm NATO và Mỹ) đã và đang theo đuổi một chính sách làm suy yếu Tổng thống Vladimir Putin nhằm làm cho ông không còn lãnh đạo nước Nga được nữa, để phương Tây dễ bề thao túng nước Nga. Tuy nhiên, điều này dường như không đáng tin khi uy tín của Tổng thống Putin còn rất cao với trên 80% người dân Nga vẫn đang ủng hộ ông.

Với một loạt động thái đáp trả lẫn nhau, từ lời nói tới hành động, dễ dàng nhận thấy mối quan hệ chồng chất căng thẳng giữa Nga và NATO không phải một sớm một chiều có thể "xuôi chèo mát mái". 

Sự xuất hiện của Montenegro chỉ khiến mâu thuẫn giữa Nga và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tiếp tục bị đẩy lên cao khi Nga tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả sự mở rộng của NATO trong khi khối liên minh quân sự này cũng thể hiện sự kiên định "không chịu nhường bước". 

Tất nhiên, NATO cũng phát đi thông điệp "cần đối thoại chính trị" với Moscow trong bối cảnh Moscow là láng giềng lớn nhất của khối, và thể hiện thái độ "chúng tôi chỉ đang củng cố hệ thống phòng thủ mạnh mẽ mà thôi, chứ không phải đang tính đến đến việc dùng vũ lực". 

Thế nhưng, các động thái gây hấn hay tạo xung đột vẫn chỉ nhằm phục vụ cho ý nghĩa tồn tại của NATO, và khó có thể khôi phục lại quan hệ hợp tác với Moscow như trước đây...

Lê Nam
.
.