“Tay chơi” Phạm Công Thắng

Chủ Nhật, 19/12/2021, 20:16

Có hai cái tóc gây ấn tượng bởi hình như dưới mái bạc ấy là cái… đầu thật? Đậm chất nghệ là gã đầu bạc, nhà phê bình kiêm dịch giả Phạm Xuân Nguyên. Còn lão đầu bạc, toát yếu lên sự chững chạc cùng chút đường bệ là học giả Dương Trung Quốc!

Lâu mới gặp lại. Lệ thường là trao đổi nhau chút thông tin. Lão đầu bạc Dương Trung Quốc đang gục gặc nhỏ giọt ra cái chuyện mà lão coi là một sự lạ ở Hà Thành.

Ấy là chuyện một tay chơi, chữ của học giả họ Dương. Tay ấy nhiều năm nay âm thầm gom có tới hàng trăm cái máy ảnh rồi camera đủ loại.

Không - học giả họ Dương nhăn mặt - để nói hết đã. Mình không nhắc đến những tay có bộ sưu tập máy ảnh này khác mà tay này gọi việc của hắn làm là sưu tập ký ức nhiếp ảnh.

Tay chơi này tôi có hơi biên biết!

Cuối những năm 80, ghé Tòa báo Văn hóa thông tin Thanh Hóa. Một gã trai bảnh bao. Trước gã là con Pratika cáu cạnh đặt hờ trên bàn làm việc. Loại máy ảnh này khi ấy là thứ của hiếm. Dạng đẳng cấp. Ông Triều Nguyệt, bạn tôi hồi ở Khoa Văn Tổng hợp phụ trách báo khi ấy giới thiệu tay này kiêm đủ việc. Phóng viên, biên tập, thư ký tòa soạn. Và việc chính là phóng viên ảnh.

Rồi những chuyến vô Thanh được hai tay máy khá nổi của xứ Thanh là Trần Đàm và Phạm Phú Thang dắt đi lung tung. Nghe nói là đến nhà một nhiếp ảnh mới, khá nổi. Hóa ra lại là hắn! Gã trai bảnh bao hồi nào ở Văn hóa thông tin…

Rồi có chuyến vô Thanh với nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam.

Dịp lang thang ấy, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh xứ Thanh giới thiệu với nghệ sĩ gạo cội Mai Nam các tập ảnh của ba tay máy xứ Thanh: Trần Đàm, Phạm Công Thắng, Phạm Phú Thang.

“Tay chơi” Phạm Công Thắng -0
Phạm Công Thắng (bên phải) và gia tài Ký ức nhiếp ảnh.

Tôi nhớ lâu những ngón tay tuổi tác run run nhưng lọc lõi của Mai Nam lần giở các tập ảnh và  chợt ngưng lại ở những thứ đáng dừng… Ánh mắt sắc lẹm cùng cặp mày bạc như chụm sát nhau mỗi khi bắt gặp những mảng miếng này khác. Có một lúc, ánh mắt sau cặp mày bạc ấy nheo nheo ở  tỷ lệ đen trắng - những tấm ảnh đen trắng của Phạm Công Thắng, khá lâu. Và kiêm cái thói quen cố hữu, nếu ưng ý, NSNA Mai Nam không bao giờ thốt lên hay xuýt xoa này khác mà chỉ lẩm bẩm ngộ nhỉ…

Ngộ? Có thể từ dĩnh ngộ mà ra, là hay, đẹp? Và ngộ, một từ nhà Phật, một cách gọi trân trọng trước một cách sống, một thái độ sống, một chân ra giá trị nào đó?

Bẵng đi vài năm. Đùng cái bắt gặp gã trai ấy, máy ảnh lỉnh kỉnh đang tung tăng ở một sự kiện ở Hà Nội. Được giới thiệu đó là Phạm Công Thắng, Phóng viên Báo Hàng không Việt Nam. Thì ra Thắng đã bốc cả bầu đoàn thê tử ra Hà Nội.

Chuyện những anh tài tỉnh lẻ chuyển địa bàn. Hoặc là thành đạt, lên đời. Hoặc chìm lút quên lãng. Có mà ối.

Lại bẵng đi một dạo. Cái gì thế này? Tấm giấy láng cóng mời dự buổi giao lưu và ra mắt cuốn sách ảnh “Lãng du cùng Phạm Công Thắng” cứ như một sự thách đố lẫn khoe và cả khẳng định? Bạn bè cũ mới của Phạm Công Thắng kéo nhau đến Nhà triển lãm Tràng Tiền, một vị trí đắc địa ở Thủ đô dự một cuộc chơi mới bày của tay chơi xứ Thanh. Buổi giao lưu cùng việc ra mắt tập sách ảnh có tên “Lãng du cùng Phạm Công Thắng”.

Cuộc triển lãm ảnh mới của Thắng gần như hội tụ mảng miếng ngũ sắc của mọi miền đất nước. Nghĩ nể, sợ cái công đi thì một, mà xen sự phục tấm lòng tử tế của tác giả phải mười!

Chợt chữ Ngộ của NSNA Mai Nam dường như là tiền đề và cũng là cái đích của một gắng gỏi? Lẩn thẩn nghĩ, nếu như cho Phạm Công Thắng chỉ được phép chọn trong cuốn Lãng du… của mình 10, rồi 5, rồi 3 hay 1 thôi, tấm hình nào ưng ý nhất thì gã hẳn sẽ lúng túng?! Bởi cái di chứng, cái máu tham cố hữu của cái giống phó nháy. Vậy nên tập sách ảnh Lãng du này cũng là cái cớ là duyên do để mà Phạm Công Thắng phải tiếp tục những quăng quật bầm dập với nghề để mà bù lại những hụt hẫng?

Cứ lẩn thẩn, cái anh ảnh thông tấn thì rõ là báo rồi! Từ cách nhìn, bố cục ý tưởng cho đến chú thích. Nhưng đã là NSNA phải là… văn? Mà nữa, bức ảnh nào của thiên hạ cũng đều có chú thích cả là sao?  Có lẽ phải đủ tài, phải chằn chặn sự tự tin thì mới dám hạ hai từ không lời cho một bức hình mãn nhãn!  Trong cuộc bày cái sự Lãng du của mình, thấy khá ấn tượng với Phạm Công Thắng đã đường được với những chú thích. Khi lãng đãng, khi đượm chất văn dưới các bức ảnh “Giữa gió đồng”, “Dõi” (Đền Đô) “Ngõ nắng”, “Xen vụ”… Phạm Công Thắng đã và đang mày mò, đang cố vượt thoát sự đèm đẹp (nội dung ảnh) lẫn thoát khỏi sự dễ dãi của việc đặt tên cho những đứa con của mình?

Vậy nên dạo gần đây, thi thoảng bắt gặp những truyện ngắn của Phạm Công Thắng in rải rác đây đó tôi đã không mấy ngạc nhiên, bất ngờ. Tâm thế của cái anh từng tạm, dứt mắt và cả chút dứt khoát với ánh nhìn, góc nhìn thông tấn để được xoải hết mình với địa hạt ảnh nghệ thuật đã xui khiến Phạm Công Thắng tự tin dấn thân vào lối rẽ gai góc, một lộ trình thăm thẳm mịt mù đến ngôi đền văn chương. Tập truyện ngắn “Ngả rẽ” ra mắt bạn đọc mới đây (lấy một tên truyện) cứ như một thứ tuyên bố một cuộc chơi mới của Phạm Công Thắng? Cái sự vượt thoát khỏi những đèm đẹp (ảnh) và bây giờ  đương gắng để thoát khỏi cảm giác đường được trong tập truyện ngắn đầu tay này nó mới nhọc nhằn làm sao? Mà đơn thuần một tay chơi có lẽ khó can dự vào những nhọc nhằn cùng chỉn chu máu thịt ấy?

Không tự tù hãm mình. Luôn phải làm mới mình như là khát vọng của cái giống nghệ sĩ? Đương say và mải mê với địa hạt truyện ngắn, đùng cái, Phạm Công Thắng lại làm mới mình! Mà sự ấy lại lọt vào mắt xanh của những người chuyên tò mò có lý như học giả Dương Trung Quốc?

Với tư cách và tâm thế của kẻ đã từng đốt nhiều trăm cuộn phim nên tôi có cảm giác rón rén khi đến và được ngó nghiêng cái gia tài đồ sộ của Phạm Công Thắng. San sát, giăng giăng trên giá những là trắng toát những nhưng nhức đen hoặc nâu đằm toát lên vẻ sang trọng lịch lãm của bao nhiêu máy ảnh!  Gạn thêm chủ nhân số lượng, chủng loại máy ảnh, Camera cùng dụng cụ chuyên cho nghề nghiếp ảnh là bao nhiêu thì Phạm Công Thắng nói chưa kịp thống kê cụ thể nhưng có hơn 300 nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia gửi, đem đến đây hơn 400 hiện vật!  Việc bày biện căn phòng trên gác 2 đã phải tràn cả ra hành lang. Cái áo của căn hộ ở phố Đặng Tiến Đông có vẻ đã quá chật?

Chủ nhân thuộc loại nhà… có điều kiện? Tất nhiên. Cũng có tí ti khoản tài chính! Nhưng nhiều người dám chắc, nếu phải bỏ tiền ra để có thứ gia tài máy ảnh này thì tay chơi Phạm Công Thắng chịu cứng! Nếu bỏ thời gian để đôn đáo có  bộ sưu tập này thì phải mất rất nhiều năm!

Tôi đồ rằng tay chơi Phạm Công Thắng đã có duyên gặp duyên trong việc này. Tất tật hiện vật này về đây đều có những ngả duyên thầm. Các chủ nhân các tác giả trực tiếp hoặc người nhà mang đến. Hoặc gửi theo đường bưu điện. Thời gian dịch COVID thì có các Shipper. Mà lạ, Phạm Công Thắng chưa hề quảng cáo. Mà bao nhiêu người đã từng coi ảnh, đọc sách Phạm Công Thắng nhỉ?  Bỗng như đang phát lộ một hệ thống bạn bè cùng mối quan hệ quen biết hơi bị khủng của tay chơi này? Như đang toát yếu lên sự tin cậy của các chủ nhân từng sở hữu bao nhiêu là máy ảnh ấy, duyên gì xui khiến họ tin tưởng trao vào tay Phạm Công Thắng kiểu quý vật gặp được quý nhân như thế?

“Tay chơi” Phạm Công Thắng -0

Tôi đang nói đến cảm giác ngợp bên gia tài Phạm Công Thắng. Nhưng nếu chỉ có vậy thì đây chỉ là cái kho chứa máy ảnh vô hồn hoặc một bộ sưu tập hoành tráng, câm lặng? Chợt nhớ đến cụm từ ký ức nhiếp ảnh của Dương đầu bạc. Tỷ mẩn cúi sát hiện vật là những dòng thuyết minh ngắn gọn cho từng thứ. Chưa đủ ý thì gạn thêm chủ nhân. Hóa ra mỗi cái máy ảnh, dụng cụ nghề ảnh là cả một câu chuyện lý thú.

Cái máy Pentax xù xì kia ở xứ sở Phù Tang từng chụp 3.000 cô gái Nhật ai từng sở hữu và lưu lạc sang nước Nam như nào? Chủ nhân con Polaroid nhãn Hoa Kỳ có hơn 100  tuổi chụp bằng đèn Mange (mỗi lần chụp thay một bóng tóc) là ai vậy? Con Pentax và đèn Flash kia kè kè gần 50 năm bên NSNA Hoàng Kim Đáng từng chụp những Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, Nguyễn Tuân. Hiện vật máy ảnh cùng dụng cụ làm ảnh của gia đình Nguyễn Đình Khánh như câu chuyện sinh động về nghề ảnh cổ truyền làng Lai Xá nổi tiếng.

Góc kia là khiêm tốn chiếc máy ảnh Nikon và Horizon đa năng có thể xoay được 4 góc. Chủ nhân là NSNA, Anh hùng lao động Trần Lam, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Kiên Giang. NS đã dùng chiếc Nikon tạo nên tác phẩm “Mặt trời trong Lăng sáng tỏa”. Tác phẩm ảnh  từng được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ghi lưu bút năm 2008. Đặc biệt tấm hình ấy đã được Tập đoàn Tân Tạo mua với giá 1 triệu USD.  Toàn bộ số tiền này được ông Trần Lam trao cho Quỹ Bảo trợ Trẻ em khuyết tật tỉnh Kiên Giang. Hơn 500 ca phẫu thuật cho trẻ em bị tim bẩm sinh đã được thực hiện bằng số tiền ấy!

Các tay máy nổi tiếng nước Việt như Nguyễn Thành, Hữu Nền, Cao Phong… đều có hiện vật lưu tại đây. Tôi bùi ngùi ngó lại chiếc Minonta của ông bạn Cao Phong - Thông tấn xã Việt Nam từng đi với nhau trên những ngả chinh chiến Nam Bắc và cả nước ngoài. Bây giờ máy đây mà người đã khuất!

Một nhóm thợ xuất hiện. Ấy là Loan, vợ Phạm Công Thắng, một người đàn bà ẩn nhẫn đảm đang dịu dàng người luôn đứng đằng sau bảo hộ cho các cuộc chơi của chồng! Chị gọi thợ vào để nâng lại cái giá đỡ bị xệ cho hàng chục cuốn sách ảnh, cuốn nào cũng cỡ vài ký lô, tác phẩm của các anh tài nhiếp ảnh nước Việt tặng Phạm Công Thắng.

Tôi có nghe loáng thoáng là vợ chồng Thắng đương sắp bày ra một cuộc chơi nữa. Ấy là đĩa và băng dùng làm quà tặng bạn bè ghi lại những chương trình văn nghệ của hai ông bà Công Thắng và Thúy Loan?

Xuân Ba
.
.