Chuyện một người sưu tầm cả ngàn số báo

Thứ Ba, 04/02/2020, 08:30
Những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, tôi may mắn được du học ở đất nước hoa hồng tươi đẹp (Bulgaria). Ngoài những ngày học căng thẳng, tôi thường đi dạo phố, công viên vào những ngày nghỉ cuối tuần. Cũng trong thời gian đó, tôi quen thân được hai người bản địa, họ mời tôi đến nhà chơi và xem những bộ sưu tập của họ.

Có thể nói những bộ sưu tập thật hấp dẫn, đầy quyến rũ và không kém phần lý thú. Lần đầu tiên tôi biết đến những bộ sưu tập tem thư với nhiều chủ đề, nhiều thể loại. Những đồng tiền kim loại, tiền giấy cổ được để trong những cuốn album, thiết kế riêng cho từng loại. Những chai rượu lớn, nhỏ, tròn, vuông, hình chữ nhật, hình bầu dục, hình tháp,… còn nguyên rượu, nguyên hộp.

Những lọ nước hoa còn nguyên vẹn chưa bóc tem với nhiều màu sắc (tinh dầu cũng như thủy tinh) được trưng bày cẩn thận trên các loại kệ, tủ kính được đóng cầu kì. Có người còn dành cả căn phòng lớn để trưng bày những bưu ảnh đẹp của các nước và hàng nghìn hộp diêm nhỏ khổ 4x6cm với hàng nghìn tem dán khác nhau. Tôi vốn là người cẩn thận kĩ lưỡng, nên những bộ sưu tập của họ, tôi đã rút ra được những bài học bổ ích lý thú.

Thấy tôi say mê với các bộ sưu tập, ông bạn Liubomir Petrov hỏi: Bạn thấy thế nào? Tôi hào hứng: Đẹp và tuyệt vời lắm, tôi rất yêu thích những bộ sưu tập này). Nói xong ông rót rượu VINO đỏ MAVRUD hảo hạng, được chưng cất từ loại nho trồng ở vùng Melnik nổi tiếng của Bulgaria mời tôi thưởng thức...

Nhưng ngẫm ra những đồ sưu tập này, tất cả đều có sẵn với công nghệ in ấn và sản xuất hiện đại của những nước có nền khoa học và công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của từng người cũng như nguồn tài chính của họ.

Còn sưu tầm bằng tình yêu, niềm say mê, bằng tấm lòng, bằng chính đôi bàn tay, sự tỉ mẩn khéo léo với đồ vật mình trân quý để làm nên một thương hiệu "handmade" thì mới lắm công phu. Tôi xin được chia sẻ về câu chuyện "lắm công phu" của tôi với tờ báo An ninh thế giới Cuối tháng, Giữa tháng mà tôi là một độc giả trung thành với lòng hâm mộ sâu sắc.

Để phục vụ cho nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, tôi thường xuyên xem các loại sách báo. Thế là năm 1998, tôi "bén duyên" với tờ An ninh thế giới Cuối tháng (ANTGCT), một tờ báo uy tín lẫy lừng thời bấy giờ trên văn đàn báo chí, đề cập đến tất cả các lĩnh vực chính trị, văn hóa, nghệ thuật, từ trong nước đến thế giới. Sự hấp dẫn của tờ báo đã "gây nghiện" cho tôi và từ đó tờ ANTGCT gắn bó, đồng hành với tôi như một món ăn tinh thần không thể thiếu được.

Có thể nói tôi là người yêu thích tờ ANTGCT hơn tất cả. Đặc biệt, tôi vô cùng đam mê chuyên mục "CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT", đăng trên trang 31 hàng kỳ của tờ ANTG khổ to. Từ câu chuyện thứ nhất, giới thiệu vào số 15 (ra cuối tháng 11-2002 đến hết tháng 12-2018) tròn 16 năm trời, khi Ban biên tập viết lời giã từ chuyên mục này tới độc giả cũng là lúc tôi hoàn thành xong ba tập bộ sưu tập chuyên mục này.

Ngày xuân, thư thả nhàn đàm, tôi muốn chia sẻ cùng độc giả cái công việc với tôi vô cùng thú vị nhưng cũng rất tỉ mẩn, chi tiết, mất rất nhiều công sức của tôi để hoàn tất từng tập trong bộ sưu tập này. Bước đầu tiên để tập hợp được thành tập đóng gáy ngay ngắn đẹp đẽ tôi phải xén phần gáy từng tờ cho đều, thẳng và so le giữa tờ thứ nhất với tờ thứ hai.

Nếu tờ thứ nhất để ra 22 mi-li-mét cách khung in thì tờ thứ hai là 8 mi-li-mét rồi gắn lại bằng băng keo trong. Gấp đôi hai trang đó lại để tạo gáy, đến khi khâu đường chỉ sẽ đi qua phần giấy và băng keo, như vậy sẽ chắc chắn hơn. Phần gáy là như vậy, còn ba cạnh khác của trang báo tôi đều dùng băng keo trong loại 2.5 xăng-ti-mét cán phẳng để bảo vệ, tránh "vô ý làm rách" trang báo.

Trước khi đóng, tôi cẩn thận đánh số thứ tự từ 01 đến tờ cuối tùy theo tập tôi định đóng. Trước khi đóng tập dày, tôi gộp 16 tờ thành tập mỏng và tập hợp 8 tập mỏng lại, dùng kim chỉ đóng sách theo truyền thống.

Tôi chia chiều dài của khổ A3 tờ báo ra làm 12 đoạn tương ứng với 12 lần luồn kim, khoảng nọ cách khoảng kia 3 xăng-ti-mét. Và cứ thế, lần lượt từng đường kim mũi chỉ tôi xiết chặt, thắt nút và gộp 8 tập mỏng thành một tập dày có gáy rất bằng và đẹp. Khi đóng xong tập dày, tôi định vị và đánh dấu ba đường kẻ ở ba cạnh để đưa cho dịch vụ cắt xén sao cho trang nào cũng vuông thành sắc cạnh.

Phần ruột sách tôi chăm chút, cẩn thận, kỹ lưỡng từng công đoạn, chính xác đến từng mi-li-mét biết bao nhiêu thì phần bìa sách tôi đầu tư công sức và tâm huyết cầu kì bấy nhiêu. Tôi chọn loại carton cứng dày 3 mi-li-mét, cắt xén cẩn thận và dùng băng keo hai mặt để căng dán loại vải tím than (xanh, đen) vào bìa carton rất  phẳng.

Có người bạn thấy tôi làm cầu kì cẩn thận bộ sưu tập như vậy bèn đặt vấn đề thiết kế in ấn cho tôi để hoàn chỉnh bộ sưu tập. Tôi nhất trí đặt tên cho bộ sưu tập là "101 CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT" cùng những tên chuyện tiêu biểu nhất trong tập được đóng khung và in nhỏ trên trang bìa đính kèm lời tòa soạn được đăng trên câu chuyện thứ nhất khi tòa soạn quyết định ra chuyên mục này.

Khi tôi gắn bìa vào quyển sách, nếu người không thấy từng công đoạn tôi làm thì cứ tưởng sách được "ra lò" hàng ngàn cuốn tại nhà máy in uy tín được đầu tư những thiết bị đóng và làm bìa của những nước có nền kỹ thuật công nghệ cao ở Nhật, Nga hoặc Đức chứ không phải làm hoàn toàn thủ công bằng tay được.

Ngắm nghía kỹ cuốn sưu tập ta thấy bìa sách rất tinh xảo, ba cạnh lớn hơn ruột sách 5 mi-li-mét rất đều và đẹp. Phần trên dưới chỗ tiếp giáp giữa gáy ruột và gáy bìa là hai miếng vải nhung khác màu, cuộn tròn gọn nhỏ để che chắn 8 phần tập mỏng lại và trang trí cho đẹp cuốn sách. Trang lót bìa hai có in tên và địa chỉ người sưu tập cùng dòng chữ "TƯ LIỆU QUÝ, XIN GIỮ GÌN CẨN THẬN" cùng dải ruy băng nhỏ mang dòng chữ "ĐÁNH DẤU TRANG".

Công đoạn cuối cùng của bộ sưu tập là hộp đựng cuốn sách được tôi làm tỉ mỉ và chu đáo như chiếc hộp đựng băng video cassette cách đây vài thập kỉ người ta hay dùng.

Có bạn hỏi tôi tại sao tôi yêu thích chuyên mục này và đầu tư nhiều công sức vào bộ sưu tập như vậy?. Tôi xin được chia sẻ thêm, vì bản thân đầu đề của chuyên mục này là "CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT" nó đã đánh thức tính tò mò vốn có của con người, gợi mở lòng trắc ẩn của con người, và giúp con người có cái nhìn cách hành xử nhân văn ấm lòng hơn với mọi lỗi lầm khó tin nhất mà chúng ta đều có thể một ngày nào đó tự dưng vướng phải.

"Đó là những câu chuyện hy hữu, những câu chuyện ngỡ không bao giờ có thật nhưng đã xảy ra trong cuộc đời này bất kể nó kỳ lạ, vô lý và khó tin đến mức nào. Nhân vật những câu chuyện này đều là những con người bình thường, dung dị nhất. Những cuộc đời ẩn khuất trong dòng chảy đời sống ào ạt quanh ta. Họ không phải là người của công chúng, càng không phải là tầng lớp trên của xã hội.

Đơn giản họ chỉ là những số phận lam lũ chân chất như hạt lúa, củ khoai hay bậc tri thức, học giả. Những con người đã có mặt, tồn tại và làm nên một xã hội Việt muôn hình vạn trạng trong cuộc sống này. Những số phận, gương mặt ở quanh ta, chỉ đến khi những uẩn khúc phía sau mỗi cuộc đời đó được chia sẻ và cũng chỉ khi họ cất tiếng giãi bày về nỗi đau, niềm hạnh phúc lạ kì của họ ta mới giật mình.

Có hàng tỷ người sống trên trái đất này. Vì vậy có hàng tỷ câu chuyện khó tin nhưng có thật. Hiểu như vậy nhưng chúng ta vẫn ngỡ ngàng trước bao nhiêu câu chuyện, hoặc ta được chứng kiến hoặc nghe kể lại những câu chuyện có những nhân vật rất tốt bụng giàu yêu thương có một không hai trên đời này về tình yêu, về sự hy sinh, lòng cao thượng,…

Đặc biệt một số câu chuyện mà tôi thích nhất là câu chuyện về một cái kết có hậu, đẹp và cảm động như một phép nhiệm màu không thể giải thích. Nó thắp lên trong cuộc sống của mỗi chúng ta những ánh sáng lung linh về lòng cao thượng, đức hy sinh. Đánh thức trong tâm hồn, trái tim chúng ta, khơi gợi về hai chữ "SỐNG ĐẸP".

Ngoài những giá trị về nhân văn, từng câu chuyện mà ta được thưởng thức, tôi còn hài lòng ưng ý những lời nhận xét, lời khuyên của người phụ trách chuyên mục này. Có thể nói đây là những ý kiến và nhận xét rất cảm động, chân tình, sâu sắc với những lối thoát hợp tình hợp lý cho người trong cuộc. Tôi gọi đó là những giải pháp thông minh đậm tính nhân văn làm cho tác giả những câu chuyện cũng như độc giả xa gần rất đỗi vui lòng, tin yêu và cảm phục.

Khi được hỏi "Phải chia tay chuyên mục này, tôi đón nhận như thế nào?". Tôi giãi bày: 16 năm gắn bó với chuyên mục này, giờ phải chia tay cũng ngậm ngùi và tiếc lắm… Nhưng xem những câu chuyện - những suy ngẫm được giới thiệu gần đây trên chuyên mục mới "Cuộc sống nhiệm màu" hoặc "Những bí mật của đời sống" tôi thấy cũng hay và tương đồng với chuyên mục cũ mà mình yêu thích.

Tôi sẽ đón nhận, tập hợp và sưu tầm nó như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống. Và biết đâu, nếu chuyên mục đủ sức thuyết phục tôi, tôi lại tiếp tục thực hiện thêm một bộ sưu tập ý nghĩa nữa.

Sự say mê và yêu thích công việc sưu tầm của mỗi người có khác nhau, nhưng đam mê và yêu thích sưu tầm và kỳ công làm thủ công bằng tay tỉ mỉ được ba tập chuyên mục "CHUYỆN KHÓ TIN NHƯNG CÓ THẬT" như in ấn ở những nhà in tân tiến nhất hiện nay, xem ra "CÔNG PHU" của tôi cũng xứng đáng dâng tặng ấn phẩm An ninh thế giới Cuối tháng mà tôi trân quý chăng?.

Đồng Nai tháng 11-2019

Văn Sỹ Thành
.
.