Sẽ mọc lên ngọn lửa hạnh phúc

Thứ Sáu, 11/11/2022, 11:37

Lần này tôi háo hức lên đồi Văn hóa - Cầu Đen với nỗi nhớ những giọt nước mắt của cố nhà văn Nguyên Hồng (1918-1982) sau 40 năm ông đã ra đi. Ngôi nhà lưu niệm Nguyên Hồng côi cút trên lừng chừng đồi cao. Tôi bị mê hoặc với những câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm khi tiễn biệt nhà văn Nguyên Hồng. Bài thơ có tứ rằng, mọi điều ác, sự vô tâm sẽ rơi xuống nhưng qua những trang viết của Nguyên Hồng sẽ mọc lên ngọn lửa hạnh phúc.

Nguyên một khối Hồng

Đồi Văn hóa ấp Cầu Đen (làng Cầu Đen, xã Quang Tiến, thuộc Trấn Nhã Nam, Tân Yên, Bắc Giang) là căn cứ kháng chiến mà anh em văn nghệ sĩ hoạt động từ 1947 tới 1954. Nhà văn Nguyên Hồng cùng gia đình lên đây đầu tiên. Đường đời bao nỗi ai ngờ ông không thể xa rời mảnh đất khô cằn này cho tới cuối đời. Thật khó quên, khi ấy lớp nhà văn trẻ khóa 7 (1974-1975) chúng tôi được thầy Nguyên Hồng dạy ở Quảng Bá (Hà Nội).

Sẽ mọc lên ngọn lửa hạnh phúc -0
Nhà văn Nguyên Hồng.

Ông chỉ lên lớp có một buổi rồi cứ thế lầm lũi đạp xe về tận ấp Cầu Đen (dài chừng 80 cây số). Cho đến nay dù đã hơn 60 năm qua tôi cũng vẫn còn ngạc nhiên khi nhà văn Nguyên Hồng dứt khoát rời bỏ thủ đô về lại ngôi nhà tranh trên rú ngàn. Đó là một quyết định không tưởng với mọi người. Nhất là những anh em văn nghệ sĩ tham gia kháng chiến đã trở về Hà Nội sau 1954.  

Ông rời bỏ cuộc chơi chốn kinh thành lên núi như một thiền sư chân đất áo nâu. Người ta nhớ lại có lần ông bị kiểm điểm thời làm chủ bút báo Văn của Hội Nhà văn Việt Nam (vào những năm 1956-1957) đã để lọt một số bài bị đánh giá là lệch lạc về nhận thức tư tưởng (không liên quan tới vụ Nhân văn-Giai phẩm trước đó). Thế là ông vừa ứa nước mắt vừa vuốt chồng báo nghẹn ngào thanh minh. Rằng ông không thể sai lầm vì đã một đời đi theo Đảng. Rồi ông khóc tức tưởi với nỗi oan sâu thẳm. Sau đó ít lâu ông bỏ phắt mọi sự về rừng (1959). Chẳng còn tem phiếu, lương bổng, chẳng còn com lê cà vạt họp bàn, nhà văn bỏ hết lên nương cày ruộng kiếm gạo nuôi vợ con. Ông hát riêng bài ca của mình với những ẩn ức nơi rừng thiêng nước độc.

Vậy mà đã 40 năm nhà văn giã biệt đồi Văn hóa ấp Cầu Đen. Cây khế ông trồng năm nào giờ cao vút xum xuê hoa quả. Cô Loan con dâu của nhà văn Nguyên Hồng đưa chúng tôi xem những di vật quý còn lưu giữ lại được. Nhất là chiếc chõng làm bàn viết của nhà văn. Đây chính là hiện vật ghi lại những dấu vân tay cùng vết mực của hàng chục ngàn trang vở từ khi nhà văn trở lại ngôi nhà kháng chiến. Ngỡ như ông sống bằng những con chữ và suối nguồn nước mắt thương cảm của mình. Đó là một tấm lòng với những số phận buồn tủi trong nỗi cô đơn. Đã có lần ông khóc nức nở với con cái trong nhà chỉ vì nhân vật chị Gái trong tiểu thuyết “Sóng Gầm” bị chết. Ông buồn rầu cả ngày như giã từ một người thân vậy. Sau này nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết khi nhớ đến ông: “Ấp Đồi Đen, ấp Đồi Trắng những ấp đồi/ Nơi ấp ủ những trang văn rỏ máu/ Những vần thơ sáng ngời” (Thương nhớ).

Cô Loan đưa chúng tôi xem những bộ sách mà nhà văn đã viết thâu đêm trong hai thập niên 60 và 70. Đó là bộ tiểu thuyết đồ sộ “Cửa Biển” (4 tập) in rải rác từ năm 1961 tới năm 1976, khoảng 2.000 trang sách. Cùng với đó là cuốn hồi ký “Một tuổi thơ văn” (1973) và “Những nhân vật ấy đã sống với tôi” (1978). Còn nữa, riêng dự án bộ tiểu thuyết “Núi rừng Yên Thế” (3 tập) cũng gây ấn tượng bất ngờ. Tập một mang tên “Thù nhà nợ nước” đã in và phát hành năm 1981. Ông hối hả viết tiếp tập hai (Núi rừng Yên Thế) thì cơn tai biến đã đánh gục ông bên chõng tre nghiêng vẹo trong một đêm hè gió hú. Điều kinh hoàng hơn là nhà văn chủ yếu viết vào ban đêm với chiếc đèn dầu khói tuôn mù mịt. Bởi lẽ ban ngày ông còn phải cày bừa trên đồng ruộng và cùng vợ con chăm nuôi lợn gà. Phải nói ông là một nhà văn độc đáo số một ở nước ta: “Cái người tất tưởi nắng mưa/ Nửa phu phen với nửa vừa nhà văn” (Anh Vũ)

Chòm râu ông đẫm rượu

Những ngày đầu nhà văn Nguyên Hồng trở lại Cầu Đen có người nói vui ông “dỗi” với anh em nên tự làm khổ mình. Giữ ông lại chả được nữa. Thôi ông tìm sân chơi riêng của mình. Ai cũng thương và nể trọng ông. Nói là về rừng nhưng ông luôn được mời về làm những công việc của Hội chỉ khổ chuyện đi lại vất vả thôi. Hội mời ông làm “Hiệu trưởng” trường bồi dưỡng viết văn trẻ thời kỳ đầu. Vì thế ông còn được mang danh là Đốc Hồng. Thậm chí Hội Văn nghệ Hải Phòng còn bầu ông làm Chủ tịch Hội ngay từ khi mới thành lập (1964). Đất Hải Phòng là quê thứ hai của nhà văn Nguyên Hồng. Mảnh đất cảng biển cần lao khốn khó này gắn bó với những con chữ đầu tiên trong sự nghiệp văn học của ông.

Sẽ mọc lên ngọn lửa hạnh phúc -0
Nhà lưu niệm Nguyên Hồng.

Đặc biệt là tiểu thuyết “Bỉ Vỏ” (in năm 1938) và sau đó là tập truyện ngắn “Bảy Hựu” và hồi ký “Những ngày thơ ấu” (1941). Cuối cùng là bộ tiểu thuyết bốn tập “Cửa biển” (viết trên đồi Văn hóa - Cầu Đen). Ông được làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Hải Phòng cho đến khi mất năm 1982 (18 năm liền). Sau này, năm 1996 nhà văn Nguyên Hồng được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

Chúng tôi theo cô Loan tiếp tục xem những di bút của nhà văn Nguyên Hồng. Đó là chồng bản thảo dày đặc những con chữ nắn nót trên giấy học trò còn ám khói đèn dầu. Đáng chú ý nhất là hàng chục cuốn sổ nhật ký mà nhà văn Nguyên Hồng viết hàng ngày. Những tư liệu này thật quý hiếm vì ông ghi chép tỉ mỉ những việc diễn ra hàng ngày. Không ít trang ông đã bày tỏ những cảm xúc bất chợt cùng dấu thấm của những giọt nước mắt đã rơi xuống giấy viết. Thời gian vừa qua nhà lưu niệm còn bổ sung được cuốn sách: “Nguyên Hồng qua những trang thơ” (NXB Hội Nhà văn -2013).

Ngỡ như cuốn sách in lại bài “Cửu Long Giang” của ông nhưng không phải. Đó là 100 bài thơ của các nhà thơ đã tưởng nhớ đến ông. Cuốn sách do Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng tổ chức nội dung (Tô Hoàng chủ biên). Phải nói đây là ấn phẩm đặc biệt có một không hai. Bởi lẽ ít có nhà văn nào được đồng nghiệp yêu quý đến thế. Mỗi câu thơ là một hồi ức khó quên mà người viết muốn trao gửi sự mến mộ của mình với nhà văn của những người cùng khổ này.

Chúng tôi trầm mình trong cảm xúc của mỗi câu thơ thương nhớ Nguyên Hồng. Chân dung ông được khắc họa đậm nét với khí phách ngang tàng và đẫm lệ. Nhà thơ Mai Văn Phấn có gắn bó thâm niên một thuở với nhà văn Nguyên Hồng ở Hải Phòng đã chia sẻ: “Sá gì những lọc lừa/ Sá gì thân bèo bọt/ Đem nước mắt làm mưa/ Tưới trái đất khô khốc” (Nguyên Hồng vào nhà thờ). Thật ấm áp sao khi nhà thơ Đào Cảng viết: “Người ta gọi anh là nhà văn hay khóc/ Trải đau nhiều nên thương cảm nhiều hơn/ Đời nuôi anh dòng sữa nghèo chắt lọc/ Trái tim anh nguyên vẹn một khối hồng”.

Cố thi sĩ Lê Đại Thanh cũng đã từng chia sẻ khi bạn mình rời xa cõi tạm: “Rượu còn, bạn mất đã say/ Nhấp môi nắng sớm, đưa cay gió chiều/ Núi rừng Yên Thế thân yêu/ Rừng bao nhiêu lá bấy nhiêu rụng rời” (Nhớ Nguyên Hồng). Ấn tượng nhất khi nhà thơ Vân Long đã vẽ chân dung ông: “Chiếu rượu ấy-tôi ngắm ông/ Mắt hấp háy-tiếng cười hào sảng/ Ông giảng lẽ văn/ Tôi hiểu lẽ đời/ Chòm râu ông đẫm rượu” (Nhớ Nguyên Hồng). Hoặc thương cảm sao với những vần thơ của Thi Hoàng, người đã từng được nhà văn Nguyên Hồng muốn gả con gái cho. Thi Hoàng viết: “Vái về Nhã Nam, Yên Thế/ Ngóng chân không lìm lịm chân dung/ Chòm râu rưng rưng thương mình ngày ấy/ Như ngụm gió tươi thơm dạ mát lòng” (Cảm khái lộ)

Mây xa

Sẽ mọc lên ngọn lửa hạnh phúc -0
Nhà văn Nguyên Hồng (thứ hai từ phải sang) cùng gia đình đón khách quốc tế tại đồi Văn hóa - Cầu Đen.

Hai ngôi mộ vợ chồng nhà văn Nguyên Hồng nằm bên suối núi Án gần đồi Văn hóa - Cầu Đen. Dòng nước trong vắt chảy từ trên núi cao róc rách rỉ rả làm chúng tôi ngỡ như tiếng con trẻ đùa vui đâu đây. Chúng tôi bỗng nhớ đến câu thơ của thi sĩ Anh Vũ đã viếng ông: “Mơ mơ núi Án với tay sang/ Tỉnh đạo thành xưa ấm bóng làng/ Nuốt tiếng “Sóng gầm” rung gáy nhớ/ “Núi rừng Yên Thế” gió xô trang” (Mây xa). Nơi nhà văn nằm không xa thành Phồn Xương (Yên Thế) là mấy. Bản giao hưởng về Hoàng Hoa Thám vẫn còn đang réo sóng trên rừng xanh ngút ngát. Đôi mắt sầu muộn trong ông đọng mãi nỗi bi thương của người anh hùng cái thế: “Hồn về cõi xa xăm bi tráng/ Đầu ta rơi vì kẻ đớn hèn/ Máu nhuộm đỏ sa cơ thất thế/ Ngạo nghễ cười lộng gió Phồn Xương” (Vịnh thành cổ Yên Thế).  Những trang văn dở dang dưới bàn tay ông khô gầy cuộn trào cảm xúc bay lên trời. Bao ẩn ức nỗi đời hòa lệ cảm thương. Và nghe như: “Đất thở núi thở và cây thở/ Mặt người hiện khói đĩa đèn sương/ Thoáng tiếng đoàn quân về đâu đó/ Lóc vóc xa đưa suối tự nguồn” (Anh Vũ).

Vương Tâm
.
.