Kỷ niệm Tết của nhà văn Nguyên Hồng và ông Chủ tịch tỉnh

Thứ Ba, 01/02/2022, 13:24

Hồ Hoàng Cầu - Đống Đa bây giờ chật chội bít bùng bê tông, chồn tức những sải chân khách dạo. Những năm chưa cải tạo, hẵng còn thông thoáng ấy, tôi may được nhịp những sải chân thể dục sớm vài vòng hồ với ông cựu Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân.

Vừa đi vừa chuyện. Chuyện với những người hưu thường không đầu không cuối. Chuyện buồn vui ấm lạnh cuộc đời (tên cuốn hồi ký của ông) Chuyện anh cán bộ kỹ thuật trồng trọt tốt nghiệp Trường Nông - Lâm về Bắc Ninh công tác. Cũng chỉ tưởng một vài năm nhưng liền một mạch gần 40 năm. Từ anh phó phòng thành ông Phó Giám đốc Ty Nông nghiệp rồi Phó Chủ tịch tỉnh kiêm Giám đốc Ty Nông nghiệp. Rồi nhiều năm là Chủ tịch tỉnh Hà Bắc rộng thênh.

Lần ấy ghé qua nhà, ông đưa tôi tấm ảnh đã ngả nước thời gian, lốm đốm mọt nhưng vẫn rõ khuôn hình hai người. Ảnh ông chụp với nhà văn Nguyên Hồng mà ông nói anh em chụp cho áp Tết Dậu năm 1981. Ông xuýt xoa mãi rằng, chả thể ngờ được đó là lần đầu cũng là lần cuối ông ngồi với nhà văn ở xã Quang Tiến, xưa có tên là Ấp Cầu Đen này. Ai ngờ được chỉ mấy tháng sau (5-1982) nhà văn mất đột ngột.

Chả phải lần đầu mà vài lần Chủ tịch tỉnh Hà Bắc Mai Thúc Lân có dịp gặp nhà văn ở mấy cuộc hội thảo văn hóa hay hội quan họ. Nhưng, chỉ chốc nhát. Để có cuộc ngồi lâu lâu thế này nhân chuyến đi công tác Yên Thế, ông đã định bụng một cuộc qua Nhã Nam ghé nhà Nguyên Hồng.

...Chủ khách bệt giữa nhà. Ngay chỗ nhà văn vẫn thường kê chiếc ghế con làm bàn viết. Ngó một lượt đồ dùng tuềnh toàng, vườn tược, sân sướng rõ ra gia cảnh một ông nông dân nghèo không thạo làm vườn, ông chủ tịch tỉnh ái ngại khi nghĩ đến nhiều chuyện về nhà văn nổi tiếng này mà ông từng nghe nay mới tận mắt chứng kiến.

Kỷ niệm Tết của Nhà văn Nguyên Hồng và ông Chủ tịch tỉnh -0
Nhà văn Nguyên Hồng và ông Mai Thúc Lân

Không biết câu chuyện chiều ấy khởi từ đâu nhưng nhà văn như đương ân cần chú thêm về một danh nhân mà hồi nãy ông ngỏ rằng chưa tường lắm.

...Như ông Chủ tịch đã biết - Đến đây ông Lân cười với tôi, nhà văn Nguyên Hồng chắc quý đám cán bộ chúng mình nên trong câu chuyện luôn mở đầu bằng cụm từ như vậy. Có khối việc, ối chuyện mà đám chúng mình có biết tý nào đâu!

Chất giọng rủ rỉ của nhà văn về một Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm vốn là người giỏi giang tài hoa. Ngay từ nhỏ đã được mang tên là cậu bé kỳ tài, có tên Kỳ Đồng là vậy! Kỳ Đồng được đi Pháp du học trong khoảng 10 năm. Sau khi về nước, ngài (trong câu chuyện nhà văn kính cẩn dùng từ ấy) lại từ chối tất tật chức sắc của ngạch quan lại Nam Triều mà xin đi khai khẩn đất hoang tít tại  xứ đồng rừng Yên Thế này.

Đến xứ hoang vu giờ có tên là Đồng Kỳ Yên Thế, ngài đã lập ra một khu kinh tế mới theo thế trận “Thất diệu đồn điền”. Ngài huy động rất nhiều dân thất tán khắp nơi về  khai hoang lập ấp. Thứ dân mà như Nguyễn Trãi từng thay mặt cho Lê Lợi viết cái câu trong “Cáo Bình Ngô” là manh lệ chi đồ tứ tập (người cày ruộng và kẻ lưu manh, trộm cướp).

Không chỉ có dân lưu tán phiêu dạt mà có cả những ông quan chức nhỏ thôi nhưng bất đắc chí, những người chí cao nhưng không hợp thời đem cả gia sản dưới xuôi lên theo. Cùng với việc tích cực khai khẩn đất hoang, ngài đã đặt ra 7 khu, sau này gọi là 7 trại, gọi Thất diệu là thế gồm: Trại Nhất, Trại Nhì, Trại Ba, Trại Tư, Trại Năm, Trại Sáu, và Động Thiên Thai. Những chân tre ấm bụi dần hình thành nên ngõ xóm đông đúc. Những xóm thôn sầm uất bây giờ là thoạt kỳ thủy từ 7 trại ấp ấy mà ra.

Thì ra ngài đã có cơ mưu cả! Sau khi lập ấp tại đây, như ông Chủ tịch biết, Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm dần dà có những hoạt động liên lạc cùng liên quan đến căn cứ nghĩa quân Hoàng Hoa Thám cách đó không xa. Mà sử sau này coi đó là những đóng góp rất lớn cho cuộc khởi nghĩa Yên Thế và Hoàng Hoa Thám, như: cung cấp lương thực, vũ khí, đạn dược và hiến kế đánh Pháp. Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm là một trong những nhà yêu nước tiêu biểu trong phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ngài đã xây dựng mối liên hệ mật thiết với các lực lượng yêu nước Việt Nam, nhất là vùng đồng bằng và trung du Bắc Kỳ, tiêu biểu là hoạt động tiếp tế lương thực cho nghĩa quân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám. Nhưng, vì Thiên Thai nằm gần trung tâm Phồn Xương, một vị trí nhạy cảm nên bọn Pháp theo dõi rất sát sao hoạt động của Kỳ Đồng, vì vậy năm 1898 Kỳ Đồng bị thực dân Pháp bắt đi đầy biệt xứ ở đảo Tahiti quần đảo PolyNésie - thuộc địa của Pháp ở Thái Bình Dương và ông mất ngày 17-7-1929 tại xứ người, khi tròn 54 tuổi.

Như ông Chủ tịch biết, tôi lấy bối cảnh cùng cảm hứng về Thất diệu sơn của ngài Kỳ Đồng để viết về khởi nghĩa Yên Thế là do phục tài cái cách lãnh đạo và quản trị của ngài trí thức trẻ tuổi ấy. 7 trại ấp ấy cứ như một xã hội thu nhỏ một đơn vị hành chính hội đủ những thứ hết sức đặc thù. Thế mà hằng bao năm vùng ấp trại ấy luôn yên ổn tuyệt không xảy ra vụ xích mích oán thù nào lớn. Ông Chủ tịch ạ, dân thời nào cũng là lương dân cả nếu người cầm trịch biết khéo dùng nhân, dùng trí cùng luật pháp mà ước thúc, mà ứng xử. Kể đến đây, ông cựu Chủ tịch tỉnh và Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân thoáng dừng lại. Một lúc ông mới bộc bạch.

Là tôi hơi giật mình vì cái câu cuối ấy của nhà văn. Câu ấy là phải khéo dùng nhân, trí cùng luật pháp mà ước thúc ứng xử.

Rồi câu chuyện như vô tình nhắc đến sự kiện hơi bị động giời năm xa ở Hà Bắc. Đó là năm 1986.

Tiếng nổ của quả lựu đạn ở sân nhà ông Chủ tịch tỉnh Hà Bắc Mai Thúc Lân làm kinh động cả thị xã Bắc Giang và dư luận cả nước. May mà chỉ là tiếng nổ suông bởi lựu đạn nổ nhưng không phạm phải một người nào trong gia đình ông lẫn người qua đường.

May mà cơn mê bóng đá đã cứu ông. Đêm ấy, ông ở lại cùng coi bóng với anh em. Vì cơ quan có tivi màu. Cơ quan điều tra nhanh chóng vào cuộc. Thủ phạm chính là giám đốc một công ty xuất nhập khẩu của huyện Lạng Giang, có lẽ cũng do ngu dại mà ra.

Thay vì nhận tội, khung hình phạt tương ứng với tội, thì cũng chỉ năm hơn năm kém nhưng hắn và đồng bọn dùng lựu đạn tương thẳng vào nhà Chủ tịch tỉnh để trả thù! Mà duyên do tiếng nổ của quả lựu đạn đó cũng là từ cái tính ngay thẳng của ông Chủ tịch Mai Thúc Lân mà ra, bởi ông kiên quyết chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ vụ việc nhập nhèm mặc dù đương sự từ hồi ấy đã biết chạy chọt.

Nhưng, bây giờ trong câu chuyện như hồi cố này, ông nói mình chưa có cái cách nhân lẫn trí như cụ Nguyên Hồng đã giáo, đã nhắc cứ như vô tình trong buổi chiều cuối năm Tết Dậu 1981 ấy. Ông Lân nói mình nếu khéo hơn, uyển chuyển hơn trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng Hà Bắc thời điểm ấy thì đâu có việc xảy ra tiếng nổ của lựu đạn cuốn theo những đồn thổi này khác?

Ông Lân đương rành rẽ một chuyện nữa níu khấu thời gian của cả hai. Đó là chuyện ông phát biểu trong một hội nghị của Sở Văn hóa đã lâu. Vậy mà nhà văn đột nhiên nhớ ra và nhắc lại.

Ấy là lần ông Chủ tịch tỉnh tha thiết hối thúc, chúng ta hãy mạnh dạn chỉnh sửa ngôn ngữ trong các văn bản hành chính đã thành nếp và thói quen rất xấu trước nay. Đó là thay cụm từ “Đơn xin” bằng “Giấy yêu cầu”, “Giấy đề nghị”. Bác Hồ từng tha thiết khuyên nhủ cán bộ là đày tớ là công bộc của dân. Nó vô lý là tại làm sao ông chủ lại làm cái chuyện ngược xin đầy tớ thế này thế khác? Như thế là mặc nhiên ta dung dưỡng cái thói hỗn hào coi thường dân!

Nhắc lại chuyện ấy, chất giọng nhà văn thoắt trở nên da diết. Rằng không biết bao giờ và tự khi nào, trong quan hệ giữa công dân với các cơ quan công quyền, trong đơn từ hoặc thưa gửi cần việc gì bao giờ dân cũng phải làm “đơn xin...”, đó là điều ngang tai trái mắt. Cụm từ đầy tớ công bộc của dân trong di chúc cùng nhiều văn bản khác, Ông Cụ nhà mình có để nó trong ngoặc kép đâu? Là Cụ có ý cả! Không phải và chẳng phải ẩn dụ mà là đúng trần sì theo cái nghĩa đen của nó đấy ông Chủ tịch ạ.

Nói đến đây, nhà văn dừng lại lắc đầu. Rồi lại tiếp.

Tôi biết để khắc chế, ước thúc cái thói quen tưởng như nhỏ nhặt này nhưng đầu têu trượt đà cho cái thói xa dân khinh dân, một cung cách đã ăn sâu thâm căn cố đế trong cả một hệ thống, là cả một thứ khó như chuyển núi. Ông Chủ tịch và hệ thống cán bộ của ông hãy dũng cảm lên. Mà lạ! Là tôi nghe được cánh cán bộ đi họp về nói lại chứ tôi theo dõi trên Báo Hà Bắc, trên cả Báo Nhân dân nữa cấm có báo nào nói lên cái điều ông Chủ tịch đã tha thiết đề nghị ấy!

Ông Mai Thúc Lân dừng, nâng tấm ảnh cũ chụp hai người lên coi lại rồi thủng thẳng.

Nghe ông cụ nói, tôi lại giật mình với cụm từ “ông Chủ tịch và cả hệ thống của mình”. Thú thật với nhà báo, là mình xuất phát từ tâm trạng sốt ruột mà bột phát việc nhắc nhở như vậy chứ đâu đã dứt khoát rằng thực thi việc ấy phải sử dụng cả một hệ thống! Nó như từ việc nhỏ đến một chính sách, chỉ thị lớn. Sau này, ở các cương vị Chủ tịch Quảng Nam - Đà Nẵng rồi Phó Chủ tịch Quốc hội, tôi có trao đổi, thậm chí ráo riết với anh em việc ấy. Nhưng, như nhà báo biết đó, việc thay cụm từ “Đơn xin” thành “Giấy yêu cầu”, “Giấy đề nghị” mãi vẫn chưa trở thành hiện thực được. Cả cho đến khi về nghỉ, tôi vẫn áy náy, trăn trở chuyện ấy... Nghĩ mình dường như đã vô tình phụ cả tấm lòng từng bộc bạch bằng cái chất giọng da diết của nhà văn Nguyên Hồng ngày nào?

...Chủ tịch Mai Thúc Lân trân trọng đặt lên bàn thờ gia đình nhà văn mấy hộp mứt tết. Cành đào phai đương ngậm nụ, quà nhà văn Nguyên Hồng vừa nãy ra chặt vội chỗ góc vườn buộc toòng teng sau cái đít xe com-măng-ca cứ lùi mãi vào chiều cuối năm đã xuộm. 

Xuân Ba
.
.