NSND Trọng Khôi: Nhớ người cõi mộng

Thứ Năm, 30/12/2021, 10:55

Trong cuộc đời sẽ có những người lướt qua ta như một cơn gió thoảng, không để lại ấn tượng sâu sắc gì, nhưng cũng có những con người, những câu chuyện của người đó lưu lại trong tâm trí ta một sự yêu thương, kính trọng.

NSND Trọng Khôi là một người như thế. Đến hôm nay, sau 9 năm ngày mất của người nghệ sĩ tài hoa, nhưng mỗi lần nhắc đến ông, bạn bè, đồng nghiệp và công chúng hâm mộ vẫn dành một tình cảm thật đặc biệt, trọn vẹn như thể ông chưa bao giờ rời bỏ cõi thế này mà chỉ tạm thời đi đâu chơi xa, như cuộc rong chơi của người nghệ sĩ.

Sân 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, ngôi nhà chung cho các hội liên hiệp văn học nghệ thuật nước nhà, bức tường rêu xanh ẩm mốc của tòa biệt thự cổ thời Pháp thuộc, những tán cây cổ thụ sù sì, đã chứng kiến bao gương mặt nghệ sĩ đình đám, những tác nhân góp phần làm nên nền nghệ thuật cách mạng rực rỡ, họ đã dần dần đi xa.

NSND Trọng Khôi: Nhớ người cõi mộng -0
NSND Trọng Khôi.

Vào những năm 2000, ngày còn làm việc ở tạp chí Sân khấu, một căn gác nhỏ trên tầng hai, mỗi sáng tôi vẫn thường mở cửa sổ nhìn xuống dưới sân, bên cạnh cây sấu già, 8 giờ sáng, thấy NSND Trọng Khôi (Tổng thư ký của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) bước xuống xe ô tô với dáng vẻ khoan thai, lững thững đi bộ lên tầng làm việc. Ông là người vô cùng thân thiện, đặc biệt rất yêu trẻ nhỏ. Mọi người sẽ ngạc nhiên vì hiếm có nghệ sĩ nổi tiếng nào làm “quan” mà lại dễ gần như ông. Nụ cười của NSND Trọng Khôi bên ngoài đôn hậu chứ không giống như tiếng cười dâm đãng của Nghị Hách trong "Giông tố" của Vũ Trọng Phụng. Mặc dù bằng tài năng, cách cảm của nghệ sĩ, vai diễn Nghị Hách trên truyền hình đã đưa tên tuổi ông đến khắp khán giả công chúng cả nước.

Một lần, chúng tôi hỏi là sao ông lại có tiếng cười của Nghị Hách khác người như vậy, tiếng cười đến gai người ớn lạnh của viên quan Nghị với máu dê khi ve vãn Thị Mịch. Ông bảo khi nhận kịch bản, ông nghiền ngẫm vì đây là vai hay, phải như thế nào để diễn cho ra chất một tên quan háo sắc. Đang suy nghĩ miên man thì đột nhiên, ông thấy trong phòng mình có tượng con dê đá do một người bạn tặng (NSND Trọng Khôi tuổi Quý Mùi), nên một ý nghĩ táo bạo lóe lên trong đầu. Làm sao tiếng cười phải "be be" như tiếng dê kêu.  Và sau nhiều ngày đứng trước gương luyện tập ông đã có tiếng cười độc nhất vô nhị, vô cùng khác biệt để diễn tả tên tham quan mê hương sắc đàn bà.

NSND Trọng Khôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ngôi nhà trên ngõ Yên Thế, phố  Nguyễn Thái Học gắn bó với kỷ niệm thủa thơ bé. NSND Trọng Khôi sớm bộc lộ năng khiếu diễn xuất, và dường như định mệnh đã dẫn lối để ông trở thành sinh viên khoá 1 của Trường Sân khấu Việt Nam (1959-1964). Sau này cùng với những người bạn nghề, ông được học những cây cổ thụ trong làng sân khấu: GS-TS-NSND Đình Quang, NSND Dương Ngọc Đức, NSND Thế Lữ, NSND Nguyễn Đình Nghi... Từng cây cao bóng cả của làng kịch nghệ đã thổi vào tâm hồn lãng đãng gió mưa của người nghệ sĩ trẻ Trọng Khôi một tình yêu, cống hiến vô bờ với sân khấu kịch. Để hàng chục năm sau trên con đường sự nghiệp diễn xuất của mình, NSND Trọng Khôi đã có hàng loạt vai diễn ấn tượng và nhiều vai diễn để đời.

Trong số đó, phải kể đến vai diễn đầu tiên được diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Đó là khi ra trường, ông đầu quân về Nhà hát kịch Việt Nam. Sớm nhận ra tố chất đặc biệt của người nghệ sĩ trẻ, NSND Dương Ngọc Đức giao cho ông vai chính trong vở "Đôi mắt". Năm 1971, vở "Đôi mắt" ra đời trong bối cảnh chiến sự nổ ra rất gay cấn ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, khẩu hiệu "tất cả vì tuyền tuyến thân yêu" nằm lòng trong những người dân Việt. Vai nói về anh thương binh Việt bị mù từ tiền tuyến trở về hậu phương.

Hàng chục năm qua đi, nhưng mỗi khi nhớ về vai diễn này, NSND Trọng Khôi vẫn đầy hào hứng như câu chuyện mới ngày hôm qua, ông kể: Một buổi sáng, vai Việt được diễn thể nghiệm cho đạo diễn Dương Ngọc Đức, thầy Đức xem xong không nói câu gì, chỉ lắc đầu một cái rồi thở dài. Trọng Khôi thấy thầy như vậy thì buồn lắm, đến tối bèn sang nhà thầy. Lúc này, thầy mới quay ra nói: "Khôi quan sát xem người mù họ đi như thế nào? Người mù lâu năm thì bước đi của họ tự tin lắm, không giống như người mới mù đi lò dò từng bước một. Người mù tuy mắt không nhìn thấy được nhưng  thính giác lại rất phát triển và đặc biệt rất ngăn nắp. Họ biết cái gì để ở đâu và khi cần sẽ lấy được dễ dàng". Nghe những lời thầy nói, người nghệ sĩ trẻ chạy ngay về nhà và bắt đầu tập, ít lâu sau công diễn vở, xem xong thầy gật gù bảo: "Có tiếp thu, vai diễn tốt".

NSND Trọng Khôi: Nhớ người cõi mộng -0
NSND Trọng Khôi trong vở “Hồn Trương Ba, da Hàng thịt”.

Tuy đảm nhiệm vai chính của nhà hát, nhưng cuộc sống khi ấy rất thiếu thốn, ngoài lịch hằng ngày tập vở diễn, lúc rảnh NSND Trọng Khôi lại tranh thủ ra bến Phà Đen làm bốc vác hàng. Một lần, trong câu chuyện với nhóm bạn bốc xếp ở bến phà, mọi người hỏi chuyện, NSND Trọng Khôi bảo mình là diễn viên của Nhà hát kịch. Mấy anh em bốc vác hàng cười phá lên quay ra nhìn người thanh niên trẻ, chân tay nứt nẻ, mặt mày đen đúa, người ngợm nhễ nhại mồ hôi, thật đúng là một phu cửu vạn chuyên nghiệp. Chả ai tin chàng trai trẻ làm diễn viên mà còn đóng vai chính thì cuộc sống phải nhung lụa, được cưng chiều chứ đời nào lại đi bốc vác hàng ở bến bãi cực khổ thế này.

Hai tháng sau, cậu thanh niên mới rút từ túi quần ra một tập vé trên chục chiếc đưa cho anh em bốc vác, đĩnh đạc bảo: "Tối nay có vở diễn của em ở Nhà hát Lớn Hà Nội, mời các anh em đi xem cho vui". Lúc này mọi người mới bán tín, bán nghi. Chiều hôm đó, mọi người xin chủ cảng về sớm, ai nấy cũng cố gắng chọn bộ quần áo tươm tất nhất để tối còn vào Nhà hát Lớn. Vở diễn bắt đầu, khi thấy Trọng Khôi bước ra sân khấu với vai anh thương binh mù mọi người mới chính thức tin là thật. Có tiếng thì thầm ở dưới hàng ghế: "Nó kìa. Đúng thằng bé bốc hàng ở bến Phà Đen rồi. Thằng bé thế mà giỏi...".

Một lần khi ông còn đang đương chức Tổng thư kí của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, tôi đến thăm ông tại nhà riêng, trong nhiều câu chuyện ông kể thì câu chuyện nào cũng liên quan đến tình người, về sự trắng - đen tốt xấu của một kiếp người. Trước khi đất nước thống nhất, căn nhà nhỏ của NSND Trọng Khôi ở ngay đằng sau Nhà hát Lớn, một chiều mùa đông lạnh giá, ông thấy người mẹ bồng đứa bé gái chừng 3 tuổi đi xin ăn ngang qua cổng, dáng vẻ nhếch nhác, cùng cực của họ khiến ông mủi lòng. Ông đã lấy đồ ăn trong nhà mang cho hai mẹ con, trong túi có ít tiền ông cũng dốc nốt cho hai mẹ con người ăn mày. Vậy là cứ tháng nào, hai mẹ con người ăn mày đều qua nhà NSND Trọng Khôi để xin cơm, và ông lại dành dụm dấm dúi cho ít tiền. Sự việc như vậy được hơn một năm, rồi sau, không còn thấy hai mẹ con người ăn xin đấy đến nữa.

Ông bảo, ngay kể cả bây giờ khi ngồi ở đâu thấy người mẹ và đứa trẻ đi vào các hàng quán để xin ăn là ông lại cảm thấy nao lòng khi nhớ về hình ảnh khi xưa. Ông thương từng người đi bán vé số dạo, đứa trẻ đi bán báo, hay những chú đánh giầy trên các con phố của Hà Nội...

Để rèn luyện cho mình một nhân cách sống, sự lương thiện, làm người tử tế, NSND Trọng Khôi bảo với tôi: "Ngày hôm nào trước khi ra khỏi nhà chú cũng đều đến bàn thờ thắp hương khấn vái bố mẹ, ông bà để chỉ dẫn cho mình làm những điều tốt. Nhà chú có hai cái bình to bằng thủy tinh. Ngày hôm nào chú làm được điều tốt, khi trở về nhà chú sẽ thả vào cái bình đấy hạt đỗ trắng. Còn hôm nào chú làm việc không tốt, mình cáu giận hay nặng lời với ai, chú  lại thả một hạt đậu đen vào cái bình bên cạnh. Khi nào bình có hạt đỗ trắng nhiều hơn hẳn bình có hạt đỗ đen thì khi đấy mình đã là người tốt". Sau buổi nói chuyện hôm đó, hơn một năm sau thì NSND Trọng Khôi qua đời vào một ngày đầu xuân 2012.

Sau hơn mười năm rời khỏi sân 51 Trần Hưng Đạo để sang chỗ làm việc khác, và cũng đủ 9 năm kể từ ngày NSND Trọng Khôi ra đi, tôi có dịp quay lại thăm sân 51. Bên cạnh cây sấu già là xe ô tô của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Xe này trước đây dùng để đưa đón NSND Trọng Khôi, giờ đã lâu không có người đi, nó xịt lốp, ọp ẹp, xẹo xọ, cũ kĩ và buồn thiu. Tôi quay ra hỏi, bạn tôi bảo: "Chiếc xe cũ lắm, hỏng đủ thứ, cho cũng không ai lấy, giờ đang đợi thanh lý, chắc chả được bao nhiêu tiền". Một chút cay cay nơi khoé mắt...

Trần Mỹ Hiền
.
.