Cố NSND Trọng Khôi: Hồn nhiên như nhiên

Thứ Tư, 04/04/2012, 16:05
“Tôi thích cái câu nói này: Nếu ai đó tát má phải của con thì con hãy chìa cả má trái ra cho nó tát nốt. Không nên mua thù chuốc oán. Nếu nó đểu giả với ta mà ta cũng đểu giả với nó thì hóa ra ta bằng nó ư!” - tháng 8/2009, NSND Trọng Khôi đã kết thúc cuộc trò chuyện với tôi tại văn phòng của Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam ở 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), như vậy.

Lúc đó ông vừa qua một cơn bạo bệnh, phải mổ não nhưng may mắn thay, mọi sự đã tai qua nạn khỏi...

1. Tôi không bao giờ dám nhận mình là bạn, dù là bạn vong niên, với NSND Trọng Khôi. Đơn giản là vì tôi không được gần gụi anh nhiều, kể cả trong những năm gần đây, khi có rất nhiều điều kiện để làm như thế. Thế nhưng, từ rất lâu rồi, anh vẫn là một trong những nghệ sĩ sân khấu Việt mà tôi ngưỡng mộ, yêu quý nhất, cùng với các NSND Trần Tiến, Thế Anh, Đoàn Dũng... Tôi thích khá nhiều vai diễn của anh, cả ở trên sân khấu lẫn trong điện ảnh. Tôi đặc biệt thích cái kiểu cười của anh trong vai Nghị Hách ở trường đoạn dọa Thị Mịch: “Cẩn thận không ông lại ấy nữa bây giờ” trong phim Giông tố. Một lần, tình cờ gặp được TS Trần Yến Chi, người từng đóng vai Thị Mịch với Trọng Khôi trong phim Giông tố, “lợi dụng” mối cảm tình rất nhân văn mà chị dành cho tôi như một người bạn, tôi mới bạo miệng nói đùa: “Tại sao một người như thế mà em lại không mê nhỉ?”, thì mỹ nhân (ngay cả ở tuổi tứ thập) mới đáp rằng: “Chú ấy là bạn bố em, sao anh lại nói thế?!”. (TS Trần Yến Chi là con gái của nhà văn, nhà biên kịch điện ảnh Trần Kim Thành)...

NSND Trọng Khôi trò chuyện cùng PV Chuyên đề ANTG Cuối tháng.
Ảnh: Minh Trí.

Trong những dịp hiếm hoi được hầu rượu NSND Trọng Khôi và đặc biệt là trong chuyến tình cờ được đi cùng anh sang Ukraina mùa hè năm 2007, tới KharkovOdessa, tôi đã tận dụng mọi cơ hội để có thể hiểu anh được nhiều hơn. Một người hoàn toàn không có thiên hướng lý tưởng hóa các danh nhân như tôi càng biết nhiều về đời thường của Trọng Khôi càng khâm phục sự hồn nhiên như nhiên rất dễ thương, rất trẻ trung mà anh đã thể hiện ngay cả ở tuổi gần cổ lai hy rồi.  Anh làm việc gì cũng dễ thương, ngay cả những trò rất “phải quấy”.  Cái tâm sáng như gương của anh, rất “vô chiêu”, khiến cho mọi sự trên đời đều trở nên vô tội như chúng vốn dĩ thế... Gặp anh là tôi lại nhớ tới câu thơ của chính mình: “Bắt tay lưỡi dao sắc/ như ngắt một nhành hoa...”.

2. Sau cuộc trò chuyện với tôi tháng 8/2009 không lâu, NSND Trọng Khôi đã rời khỏi cương vị “cầm chịch” ở Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Những năm tháng cuối đời, anh không còn ở khu tập thể sau Nhà hát thành phố nữa mà chuyển về biệt thự tuyệt đẹp cạnh hồ Ba Mẫu. Anh có “hậu phương” quá vững chãi để khỏi phải lo nghĩ về chuyện vật chất đời thường. Nhưng tôi hiểu, có lẽ trong lòng anh vẫn đau đáu nhiều nỗi niềm nghệ thuật...

Không có nhiều dịp gặp anh nhưng tôi vẫn luôn cố gắng quan tâm tới  anh và hễ có dịp là lại nhờ các đồng nghiệp của mình tới thăm hỏi và viết bài về anh, bởi tôi tin rằng, trái tim và trí tuệ nghệ sĩ không bao giờ có tuổi về hưu... Thực sự thì tôi cũng muốn có thêm dịp được hầu chuyện anh nhưng rồi công việc sự vụ quá nhiêu khê nên cũng không thực hiện được ý định này. Đời chúng ta ngắn quá, bận rộn quá, không sao đủ được thời gian dành cho tất cả những người mà chúng ta yêu quý như mình muốn... Tôi cũng cảm thấy ân hận vì thế khi đến viếng anh sáng 19/3 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng ở Hà Nội. Một đám tang không quá đông người nhưng hình như cũng đầy đủ tất cả các tinh hoa sân khấu nhiều thế hệ...

Tối về nhà, đọc lại những gì đã trò chuyện với NSND Trọng Khôi gần ba năm trước, tôi như bỗng hiểu ra thêm nhiều điều. Và muốn cùng độc giả của Chuyên đề ANTG CT trải nghiệm lại nội dung cuộc trò chuyện đó. Để thêm có lý do mà suy ngẫm về chính những tâm sự của mình, về lẽ đời, về nghệ thuật...

- Hồng Thanh Quang: Không chỉ ở ta mà ở nước ngoài cũng thế, tôi biết rằng, có không ít người quyết định đi làm nghệ sĩ biểu diễn vì tưởng đó là một nghề “vui là chính”. Vì sao anh lại chọn con đường diễn kịch? Vì truyền thống gia đình?

- NSND Trọng Khôi: Không, gia đình mình không có ai theo con đường nghệ thuật, ngoài mình. Cha mình sau ngày giải phóng Thủ đô năm 1954 là một công chức lưu dung, phải đi làm nuôi mẹ vợ, vợ cùng 7 đứa con. Khỏi phải nói thì cũng hiểu gia cảnh nhà mình khi ấy khó khăn biết chừng nào. Mình cũng phải sớm đi lao động chân tay để tự kiếm sống và phần nào phụ giúp gia đình… Còn việc mình trở thành nghệ sĩ kịch thì có lẽ là chủ yếu nhờ người thầy giáo dạy mình hồi tiểu học ở Trường Lý Thường Kiệt. Người thầy ấy rất thích dàn dựng các vở diễn ngoại khoá và đã chọn mình cho nhiều vai. Thành ra lên 7 tuổi, mình đã diễn kịch rồi… Và mình tham gia vào các đội kịch của thiếu niên đường phố… Như một lẽ tự nhiên, lớn lên, mình học kịch rồi trở thành diễn viên.

- Nhiều diễn viên trẻ bây giờ than phiền rằng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn phải mải mê kiếm sống nên không thể trưởng thành hơn về nghề nghiệp. Khi anh còn trẻ, đời sống diễn viên kịch có dễ chịu lắm không?

- Thực ra, đời nghệ sĩ ở thời nào cũng khó khăn, vất vả về phương diện vật chất. Khi mình còn trẻ, đã là diễn viên kịch Trung ương rồi nhưng mình vẫn phải đi bốc vác nứa ngoài bãi để có thêm tiền sinh sống. Ngày đó, cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Mùa đông, rét quá, mình còn phải bồi mấy tờ Báo Nhân Dân lại rồi nhét vào ngực cho thêm ấm…

- Thực sự bây giờ tôi rất khó hình dung ra một Trọng Khôi đi vác tre nứa ngoài bãi…

- Thì cũng như mọi người thôi. Mình còn nhớ, ở trong đội bốc vác tre nứa khi đó, lúc giải lao, mấy anh lớn hơn hỏi mình: Mày con cái nhà ai, làm nghề gì mà phải ra đây theo bọn anh đi vào cái công việc đầu tắt mặt tối này? Mình thật thà và hồn nhiên đáp: Thưa anh, em là diễn viên, em đến đây làm thêm là để có tiền ăn học tiếp! Mấy anh ấy tròn mắt nói luôn: Thôi, đừng bốc phét nữa, ngữ cậu mà là diễn viên ư?! Diễn viên ai lại đi bốc vác tre nứa?! Mình chẳng biết nói sao tiếp nữa nên đành im bặt luôn.

- Khi đó, anh có tủi thân không?

- Không tủi thân vì mình coi việc ấy cũng là bình thường thôi. Và rồi tới một hôm, tại Nhà hát thành phố chuẩn bị công diễn vở Đôi mắt của tác giả Vũ Dũng Minh mà trong đó, mình được đạo diễn Dương Ngọc Đức giao cho một trong những vai chính, vai anh bộ đội tên là Việt, bị thương ở mắt. Hôm đó, mình xin anh em nghệ sĩ cùng tham gia vở diễn cho mình tất cả các vé mời tiêu chuẩn rồi mình mang tới đội bốc vác của mình. Mình bảo, em không có quà gì tặng các anh, may mắn hôm nay em đi xin được đứa bạn của em mấy chục giấy mời để vào xem tại Nhà hát Lớn thành phố, em mời các anh đi xem. Các bố bảo, ôi giời, thằng em giỏi quá, bọn anh từ bé tới lớn chưa được tới đó bao giờ… Thế mà bây giờ tự nhiên chúng tao được vào Nhà hát Lớn thì sướng quá. Thế là các anh ấy bảo nhau lựa những bộ quần áo đẹp nhất mặc vào để tối đến là lên Nhà hát thành phố tham quan…

- Ngày trước, ngay cả những người ít học nhất vẫn đều mơ ước được vào Nhà hát Lớn chứ không phải như ngày nay. Bây giờ không ít người lại dửng dưng với Nhà hát Lớn.

- Đúng thế… Lại nói chuyện các ông anh ở đội bốc vác của mình, các ông ấy sướng lắm khi được tận mắt tham quan Nhà hát Lớn. Rồi khi vào vở kịch, thấy mình trên sân khấu, các ông ấy kinh ngạc lắm. Ngày hôm sau, khi mình đến chỗ đội bốc vác như bình thường thì thấy các ông anh đã chuẩn bị trà thuốc chờ sẵn rồi. Các anh ấy bảo, tiên sư thằng em, tao tưởng mày nói phét, hóa ra mày là nghệ sĩ đích thực. Hóa ra mày đi đóng kịch mà mày khổ như thế này. Tôi đáp: Khổ thì em cũng phải sống chứ, em làm thế nào được. Các anh ấy nói: Bọn tao không thể nghĩ lại như thế, được buổi hôm nay nhớ đời vì chưa bao giờ được vào Nhà hát Lớn, mà lại được xem thằng em, được chơi với nghệ sĩ thế này sướng quá. Và kết thúc buổi liên hoan tạm thời với nhau đi bốc vác tiếp thì ông Tổ trưởng bốc vác, giờ tôi cũng không nhớ tên ông ấy là gì, chỉ biết ông ấy có quyết định một câu thế này: Từ ngày hôm nay mày không phải bốc vác nữa, mày chỉ phục vụ các ông anh để các ông anh làm thì mày vẫn có tiền, tao không thể bắt mày bốc vác nữa, bây giờ mày được nghỉ, mày chỉ phục vụ những chuyện lặt vặt thôi, nhưng mày vẫn có tiền như bốc vác, chúng tao chỉ cố mỗi thằng vài cây là xong. Cảm động lắm chứ, mình không thể tưởng tượng được, việc những con người nghèo khổ nhất nhưng lại ưu ái nghệ sĩ đến như thế…

- Tôi nghe anh nói mà cũng thấy xúc động...

- Thực sự là từ hôm đó, mình lại được nhiều tiền hơn khi mình đi bốc vác thật. Các ông anh ưu ái nghệ sĩ quá…

- Anh từng nhiều năm công tác ở Nhà hát Kịch Trung ương và từng được làm việc với nhiều đạo diễn gạo cội như Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức, Đình Quang… Anh có ấn tượng mạnh nhất về ai?

- Người mà tôi thích nhất là ông Đình Nghi. Ông Đình Nghi vụng nói chứ không phải là người nói giỏi, ông ấy không có khẩu khí, không thể so được với ông Đình Quang về phương diện này. Ông ấy cũng không biết cách nói năng chín chắn, nhẹ nhàng như ông Dương Ngọc Đức… Nhưng ông Đình Nghi là người có vốn tri thức rất sâu sắc và phong phú vì ông ấy rất chịu đọc từ bé, lại biết tiếng Pháp từ nhỏ và sau này, cả tiếng Hoa nữa vì được đi học ở Trung Quốc. Tôi may mắn được tiếp cận với “cụ” Nghi rất gần gụi. Qua “cụ” Nghi mà mình cũng được tiếp cận gần gụi với cụ Thế Lữ…

- Nhà thơ Thế Lữ, Nguyễn Thứ Lễ, là thân phụ đạo diễn Nguyễn Đình Nghi…

- Chỉ vì mình cùng ở khu tập thể của Nhà hát như “cụ” Nghi nên mình mới được “xách dép” đến nhà cụ Thế Lữ. Phải nói rằng trong số các học trò thì “cụ” Nghi quý tôi nhất. Mà tôi hồi đó cũng hiếu học lắm nên có lúc nào rảnh là tôi lại lên hầu chuyện “cụ” Nghi. Có nhiều cái “cụ” biết, “cụ” nói với mình và nhiều điều mình không hiểu thì mình hỏi “cụ”, “cụ” nói, “cụ” giải thích cho mình. Có lần mình hỏi, tại sao anh không viết sách như anh Đình Quang, anh cũng biết nhiều đến thế cơ mà? “Cụ” Nghi đáp, tôi không có tài viết, không có tài viết thì không viết thôi chứ có gì đâu. Không phải, nói thế nào chứ, em nói chuyện với anh thì thấy có bao nhiêu điều em có thể học được ở anh, tại sao anh không viết cho những đứa hậu sinh như bọn em học với? “Cụ” Nghi không nói gì. Chỉ sau này, có một lần, “cụ” Nghi mới tâm sự một ý này, “cụ” bảo: tôi không muốn lặp lại những điều mà người khác đã nói ra trước rồi.

- Tôi hiểu rồi, anh chỉ cần nói thế là tôi hiểu.

- Có những người viết sách chỉ là tổng kết, chỉ là lặp lại những điều người khác đã viết, đã nói.

NSND Trọng Khôi cùng các văn nghệ sĩ Việt Nam tại Kharcov (Ucraina).
Ảnh: H.T.Q.

- Trong khi đó bác Nguyễn Đình Nghi lại chỉ muốn sống để nói ý kiến riêng của chính bản thân mình thôi...

- Đúng thế. “Cụ” Nghi cũng từng nói, tôi không thích núp trong hình bóng của bố tôi; bố tôi như một cây đại thụ nhưng tôi không chịu đứng dưới bóng mát ấy. Ý kiến của tôi là ý kiến của tôi, tôi không dính gì đến ông cụ. Ông cụ giỏi đến đâu là việc của ông cụ, còn tôi được thừa hưởng truyền thống của cha mình nhưng cũng muốn chứng tỏ cái giá trị riêng của chính tôi.

- Người sáng tạo nào cũng muốn tạo dựng ra giá trị nghệ thuật riêng của mình, giá trị độc lập!

- Và không thích núp bóng ai. Khi “cụ” Nghi dẫn tôi tới thăm cụ Thế Lữ, tôi vừa gặp đã buông một câu quen miệng: Em chào anh ạ! Thế là nhà thơ Thế Lữ cười ha hả và bảo: Cấm thay đổi. Mình đỏ mặt định thưa bác. Cụ Thế Lữ nói luôn: Cấm, cấm, cấm thay đổi, cứ phải gọi bằng anh. Hỏi tại sao? - Cậu gọi tôi bằng anh là cậu thừa nhận tôi là đàn anh trên mọi phương diện, nhưng cậu gọi tôi là bác là cậu chỉ thừa nhận tôi về mặt tuổi tác. Ông ấy nói với mình thế.

- Hay!

- Cụ nói tiếp: Và tôi thích như thế, bởi vì trước tiên tôi thấy tôi trẻ hơn, chứ tôi nghe người ta gọi là bác, là cụ làm gì… “Cụ” Nghi nói với bố, bố ơi, bố có điều gì bố có thể chỉ bảo được cho thằng Khôi nó chuẩn bị đóng vai Việt không..

- Lúc đó anh vào vai Việt trong vở “Đôi mắt”…

- “Cụ” Nghi không đạo diễn vở đó nhưng rất tận tình giúp tôi vào vai Việt. Rồi cụ Thế Lữ cũng hướng dẫn cho mình, cụ bảo: Vai Việt là một anh thương binh bị bom ở ngoài trận địa và mắt bị mù, nhưng mù ở đây có nghĩa “mù dở” do bị sức ép của bom, phải băng mắt nằm bệnh viện; sau đó đến thời gian hai bên cãi cọ nhau giữa người tốt và người chưa tốt về chuyện có mổ hay không, hay là chuyển về hậu phương vì để đây nhỡ tử vong thì mang tiếng. Một bên thì bảo không mổ ngay mà chuyển về hậu phương, nhưng chuyển về hậu phương thì anh này dễ bị mù mắt nên người ta quyết định mổ và anh Việt đã được sáng mắt trở lại…. Cụ Thế Lữ nói, vai này hay đấy, cậu như vậy là vào vai người mù chưa lâu năm. Người mù lâu năm thì họ “nhìn” bằng tai, tức là thường hướng tai về phía người nói chứ không bao giờ nhìn thẳng vào mắt người đang nói với mình. Thế nhưng cậu là cái anh “mù dở”, mới bị mù cho nên có lúc cậu có thói quen là phải nghe bằng tai chứ không “nhìn” bằng tai, nhưng có lúc cậu vô tình hỏi cái gì lại quay mặt lại. Nên cậu phải nhớ phải có những lúc động tác nó như thế, chứ không phải cậu “nhìn” bằng tai như những người mù thật. Mà những người mù thật người ta dùng...

- Xúc giác?

- Dùng xúc giác nhiều, dùng thính giác, dùng khứu giác, dùng sự sờ mó, - cụ Thế Lữ nói tiếp. Chứ còn cậu thì cậu không phải thế bởi vì cậu vẫn bị lẫn. Cậu nên nhớ đóng thế thì mới ra người mới mù, chứ không thì cậu đóng nó không ra.

- Thế là đúng!

- Nếu không phải là người rất từng trải thì không thể nói được như thế. Sau đó trên cái đà ấy, cụ Thế Lữ còn dạy mình thêm nhiều điều nữa. Cụ bảo, cậu có lúc cậu sơ sểnh không như người mù thật, người mù thật người ta đi đứng rất thận trọng, nhưng có cái là trong nhà đồ đạc để ở đâu người ta biết hết, người ta biết cả chỗ, thậm chí người ta đi từ từ đến gần đó người ta dừng lại, người ta rờ ra là đúng. Thế nhưng cậu thì cậu chưa quen được cái chuyện đó, bởi vì trong phòng bệnh của cậu, cậu chưa quen nên cậu đi đứng chậm chạp hơn vì cậu chưa biết các chỗ đó đầy đủ, có khi cậu còn va đập, đụng độ, đó là cái thứ hai. Nhưng cái thứ ba là nó cũng lại có những chỗ nó quá quen với cậu vì từ đường ra cửa, cậu biết chỗ thì cậu đi phăng phăng, chỉ có gần đến cửa cậu mới dừng thôi, cậu mới rờ rờ tí thôi, như thế nó mới ra người mới mù… Cụ dạy mình, mình thấy có lý lắm, mình sướng. Từ đó, khi vào vở Đôi mắt, tôi đóng hơn những người khác ở chỗ là mình đóng các động tác chính xác chứ không phải giả vờ mù. Đấy là cái thứ nhất. Còn cái thứ hai là, đây là điều mà “cụ” Nghi dạy mình chứ không phải cụ Thế Lữ. Trong kịch bản Đôi mắt, vì tác giả lúc đó mới vào nghề nên có những lời thoại mang tính “làm văn chương” quá, nói rất khó vào. Thí dụ: “Anh Việt ở đâu nhỉ?” - “Tôi ở Tiên Yên, Hà Bắc...” - “Chắc quê anh đẹp lắm nhỉ?” - “Cũng không đẹp lắm đâu nhưng thế nọ thế kia, quê tôi có những cánh đồng cánh cò bay lả lướt, những dòng sông đỏ nặng phù sa, rồi...”.

- Nói hơi bị màu mè quá, nó không thật...

- Đó là nói theo kiểu làm văn. Nhưng mình nói, mình cứ ấm ức mãi, bảo với “cụ” Nghi: Em nói thế nào nó không vào những câu này. Ông Nghi ông ấy mới bảo, tôi nghĩ kiểu làm văn thế này khó nói kịch lắm. Sau ông ấy bảo tôi, à, tôi nghĩ ra rồi, cậu phải vừa nói như là vừa rất ngượng ngùng, khiêm tốn thì được. Thế là mình nghe câu đó thì mình vừa nói vừa cười khiêm tốn, hơi thật thà, hơi ngượng ngập, thì lại trôi được… Đã từng có 16 nghệ sĩ đóng vai Việt trong vở Đôi mắt nhưng nói một cách khách quan, không ai qua được mình (cười). Đấy là nhờ mình có hai người thầy lớn dạy!

- Gần đèn thì rạng mà.

- Cụ Thế Lữ còn dạy nhiều điều hay lắm. Tôi nói ví dụ có cái này rất độc đáo, tôi chưa thấy một bài nào, sách giáo trình quốc tế nào dạy. Một hôm tôi đến nhà cụ Thế Lữ thì cụ cứ ngẩn nga, hút thuốc lào điếu bát rồi thủng thẳng: Khôi là người chịu đóng nên tôi mới nói với cậu thế này, diễn viên đóng giỏi không phải chỉ đóng cho nó đúng nhân vật mà thôi. Đóng đúng nhân vật đã là siêu rồi, mà đóng đúng nhân vật thì cách đóng của Khôi, như con tôi nó nói, Nghi nó nói, tôi biết cậu đóng rất dung dị, đóng rất dễ chịu ở mức bình thường chứ cậu không đóng khoa trương. Hai là, cậu có cái không bị cái thói tật là biểu diễn mà là cậu sống thực, thì hai cái đó là hai cái rất đẹp, nhưng còn cái này nữa. Khi nào các cậu đến mức độ đó thì hẵng nói là toàn năng. Tôi hỏi, dạ, thưa anh, là cái gì ạ? Cụ bảo, phải biết tìm một kẽ hở cho khán giả họ chê. Tôi nói câu này thì không có một bài bản nào dạy. Kẽ hở cho khán giả họ chê là thế nào? Cụ bảo, thế này nhé, cậu đóng hay đến mấy thì khán giả họ khen nhưng khán giả họ vẫn có một sĩ diện riêng là không bao giờ họ đứt lưỡi khen hết, phải để cho một chỗ họ chê cậu đóng dở thì họ sẽ thừa nhận những chỗ khác cậu đóng hay một cách rất xởi lởi và nhiệt tình. Có một chỗ cậu cần phải đóng kém đi!

- So với toàn bộ những phần còn lại của vai diễn?

- Để cho người ta nhận ra chỗ này là cậu đóng kém… Cậu phải cố tình làm ra cái điều đó, chứ không phải là vô tình mà là cố tình, làm cái điều kém đi cho người ta nhận ra. Đến khi người ta nhận ra người ta bảo chỗ này thằng này đóng kém quá, đóng dở, chỗ kia mới hay.

- Tuyệt vời! Và trong cuộc đời chúng ta đôi khi cũng phải làm một việc gì đó dở dở một chút để cấp trên thấy rằng, những việc kia mới là sở trường của chúng ta và chúng ta đã làm tuyệt vời những việc đó…

- Biết khôn hơn người một chút và biết ngu hơn người một chút thì mới tồn tại và phát triển được (cười).

- (Cũng cười):...

- Đấy, cụ nói cho mình cái đó thì mình thấy không có sách nào dạy… Cũng có những thứ mình tự đúc kết được. Thí dụ, cảnh bữa ăn cơm đang nói chuyện bình thường, cậu đi đâu đấy, tôi đi đằng này nhá, thì kịch bản như thế thì có cái gì để mà đóng. Nhưng từ đấy mình lại rút ra được một điều: Khi đã rơi vào những động tác sinh hoạt thì không dại gì cố gắng dồn sức diễn, vì dồn cũng không được, nó có đất gì đâu mà diễn, có bột đâu mà gột nên hồ. Lúc đó thì đóng như chơi đi, khỏi phải nghĩ ngợi gì. Chỗ nào cần dồn thì đóng tập trung. Và người ta nhớ gì? Người ta nhớ một nhân vật thì người ta chỉ nhớ những điểm quan trọng, những chốt quan trọng mà vào những chốt quan trọng thì mình phải đóng cho nó bóp tim người ta đi, còn những chỗ chơi chơi thì cứ diễn chơi chơi…

Và tôi cũng đã nghĩ ra một điều nữa là khi phải đóng ở những đoạn không có gì thì cố gắng đóng “song trùng”, đóng với một tâm trạng khác.

- Đóng “song trùng” là như thế nào, thưa anh?

- Đóng “song trùng” nghĩa là đóng như kiểu, nghĩ một đằng mà đóng một nẻo. Đóng như thế giúp nhân vật có thêm một tâm trạng khác. Và một khi nhân vật có hai tâm trạng cùng một lúc thì nó trở nên đầy đặn hơn, đa dạng hơn…

- Đúng rồi!

- Mình cũng đúc kết được điều này nữa. Thí dụ như đóng thằng say mà lại cứ lè nhè ngật ngưỡng giống hệt thằng say thì ai người ta còn muốn xem mình nữa, những cảnh say như thế ra ngoài chợ  thì đầy. Đóng người say mà lại làm như không say mới khó, đóng thằng say cho đúng nhất là phải đóng cho rằng mình rất tỉnh.

- Đúng rồi!

- Chứ thằng say mà vẫn còn biết, bảo tôi say rồi tức là thằng đấy nó vẫn còn tỉnh, nó chưa phải là say hẳn. Cái thằng say hẳn bao giờ cũng bảo không, tao không say, đó mới là say. Phải đóng chuyện nó cố gắng nó ghìm lại làm nó như là tỉnh táo, nhưng mà thực ra nó say rồi. Đóng thế bao giờ cũng hay và giữa những cái đó chỉ đệm những cái rất nhỏ như là tiếng nấc cục hoặc là ợ một tí của thằng cố giữ mà không được… Cách đóng này rất thích hợp với con người hiện đại, khi vui thì không cười, lúc buồn lại cố tỏ ra tươi tỉnh…

- Khi vui thì khóc, buồn tênh lại cười

- Đúng thế. Điều thứ ba mà tôi đúc kết được là, cần lập tức xóa ngay cái trò diễn trên nét mặt. Mặt giỏi lắm vui buồn, yêu ghét chỉ có mấy nét thôi, làm sao diễn tả hàng nghìn tâm trạng con người qua nét mặt được. Vậy anh phải đóng trên toàn thân, chứ không chỉ đóng trên nét mặt

- Đúng rồi, cả bằng các cử chỉ nữa.

- Có chỗ anh chỉ cần dùng một ngón tay, có chỗ anh dùng toàn thân, có chỗ anh biết khi anh dùng một dáng người, chứ không phải chỉ diễn trên nét mặt. Cái trò diễn trên nét mặt là trò biểu hiện như kiểu các em đóng truyền hình bây giờ, nghĩ gì là bặm môi, nhíu mắt, chán ngấy lên được.

- Đến bây giờ mà tính thì anh có nhớ là mình đã có bao nhiêu vai diễn trên sân khấu và bao nhiêu vai diễn trong các bộ phim?

- Sân khấu thì có rất nhiều, mà phim cũng có rất nhiều, nhưng phải nói thế này, có những phim hoặc vở diễn sân khấu không để lại cái gì nhiều đâu, bởi vì nhân vật nó không có đất để cho mình có thể làm được, chứ không phải lúc nào tác giả viết cũng có đất cho mình diễn đâu. Nhưng cũng có những vai, những vở nó không có đất diễn mà mình vẫn tạo ra đất diễn được, chứ không phải mình không biết cách tạo ra và nó mới đẻ ra cái quan niệm diễn mới thế này: Diễn viên không làm con rối cho đạo diễn mà diễn viên phải tự hào nghĩ rằng, đây là sáng tạo cộng hưởng với đạo diễn. Mà như thế mới là diễn viên. Và có lẽ cái nét đấy là cái nét mà “cụ” Nghi cho đến khi “cụ” ấy mất là “cụ” ấy quý mình nhất. Bởi thế nên khi làm việc, có những việc mà “cụ” không ép mình phải làm mà “cụ” rất tôn trọng mình, cụ hiểu mình là người có đủ trình độ, vì từ lúc trước khi tôi đóng vai Việt, tôi đã phải đi học Đại học Văn ở Sư phạm và Đại học Văn ở Tổng hợp vì tôi nghĩ, có khi không làm được việc gì trên sàn diễn thì ra làm giáo viên còn hơn, mình có công hơn vì mình còn đào tạo được ra học trò…

- Một trong những vai diễn của anh mà tôi rất có cảm tình và rất nhớ là vai Nghị Hách. Đọc trong sách của Vũ Trọng Phụng, tôi rất ghét Nghị Hách nhưng xem anh trong phim, tôi lại không hoàn toàn ghét, trong cái xấu xa ấy vẫn còn một chút gì “thì cũng người ta thường tình”. Hình như khi vào vai “lệch”, anh thường muốn khán giả ghét cái ác trong nhân vật chứ không ghét đào đất đổ đi toàn bộ con người nhân vật?

- Đúng như thế.

- Bản năng của những người nghệ sĩ là luôn xót xa phận người và xót cái tình người còn sót lại cả ở trong những kẻ ác nhân, đúng không anh?

- Cái đó là quan niệm sống của mình.

- Anh ghét cái ác chứ không phải ghét người không may nhiễm phải “virus ác”?

- Tôi thích cái câu nói này. Nếu ai đó tát má phải của con thì con hãy chìa cả má trái ra cho nó tát nốt. Không nên mua thù chuốc oán. Nếu nó đểu giả với ta mà ta cũng đểu giả với nó thì hóa ra ta bằng nó ư? Đấy là điều tôi vẫn nghĩ.

- Xin cảm ơn anh!

H.T.Q.
.
.