Hoàng Hồng Cẩm - Đào hoa lưu thủy khác là…

Thứ Sáu, 03/09/2021, 11:47

Đến nay cho dù đã 10 năm họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm (1959-2011) đi xa nhưng tôi vẫn thấy bóng anh dạo bước đâu đây. Bởi tác phẩm của anh người ta còn đấu giá. Hay đã có người vẽ tranh giả Cẩm để bày ở Gallery. Cái đầu trọc của Cẩm "mù" với cặp kính cận không lẫn vào đâu được. Sinh thời, ngoài Cẩm "mù" vì đeo kính cận số to bạn bè còn gán cho anh thêm Cẩm "điên", Cẩm "quan họ", Cẩm "say" và Cẩm "tẫu".

Cẩm "tẫu" nhắm mắt hát và vẽ

Những cái tên gắn với tính cách và thói quen sinh hoạt của Hoàng Hồng Cẩm đều có cái tích của nó. Nhưng anh chỉ tự xưng mình là Cẩm "tẫu". Đó là hình ảnh của chú Tễu hay chăng?. Lại có người nói vì mẹ anh là người gốc Hoa nên gọi là Cẩm "tầu" sau gọi chệch là Cẩm "tẫu" để kiêng kỵ. Nhớ hồi đầu thập niên 90 anh là một trong bốn họa sĩ cộng tác với báo Hà Nội Mới (HNM) nơi tôi làm việc. Cái tên Hoàng Hồng Cẩm khi đó đã nổi như một hiện tượng hội họa và bán được nhiều tranh.

Tuy vậy anh vẫn lọ mọ vẽ minh họa chuyên mục Hà Nội tạp văn hay truyện ngắn cho báo HNM Chủ Nhật (sau này là tờ HNM Cuối Tuần). Thời gian này đâu đã có công nghệ thông tin nên toàn phải làm bằng tay. Cứ mỗi tuần đến phiên ai thì họa sĩ đó đến báo lấy bản thảo phô tô về đọc để vẽ minh họa. Sau khi vẽ xong họa sĩ lại phải mang tranh đến báo nộp đưa duyệt in. Họa sĩ nào đến giờ hẹn mà không kịp nộp thường phải trực tiếp sang nhà in đưa cho họa sĩ thiết kế trang báo. Mà họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm thường hay bị chậm.

Hoàng Hồng Cẩm - Đào hoa lưu thủy khác là… -0

Tự họa.

Có lần anh bị gác cổng chặn lại không cho lên phân xưởng in. Hoàng Hồng Cẩm xưng danh là Cẩm "tẫu" lên nộp minh họa cho báo. Người bảo vệ không tin anh là họa sĩ vì thấy khuôn mặt anh nhàu nhĩ, hơi bặm trợn với cái đầu trọc tếu. Lại còn xưng danh Cẩm "tẫu" nữa nghe tựa như một thủ lĩnh cái bang nào đó. Cẩm "tẫu" đành đưa tranh ra để minh chứng, ngó mắt anh bảo vệ bất ngờ cười ngất vì thấy nét vẽ run run như trẻ con mới tập vẽ vậy. Cẩm "tẫu" càng lo muộn vì không gọi được cho ai. Bởi lẽ ngày đó không phải ai cũng có điện thoại di động. Cẩm "tẫu" ức quá khóc nức lên. Thấy một người đàn ông khóc như vậy không nỡ, anh bảo vệ vội chạy vào trạm gọi điện thoại cho tôi nói sự tình. Tôi cuống cuồng chạy vòng từ tòa soạn sang nhà in ở phía sau để đưa Cẩm lên nộp tranh. Mắt anh còn đỏ hoe qua cặp kính cận dầy cộp. Sau này tôi mới biết Cẩm "tẫu" có tật hay khóc nhè. Có khi khóc chỉ vì chuyện cỏn con nào đó. Tủi thân là khóc thế thôi.

Sau dần thành quen, có lần Hoàng Hồng Cẩm còn lôi mấy người ở phân xưởng đọc soát "mo rát" ra hành lang để nghe anh hát quan họ. Nguyên cớ chỉ vì đọc xong bài viết về làng Diềm đất tổ quan họ ở Bắc Ninh anh liền nổi hứng lên cơn hát. Mấy người thấy giọng hát nhựa nhựa, phê phê của Cẩm "tẫu" lại rất khoái. Họ vỗ tay đôm đốp tán thưởng. Cẩm "tẫu" hát bài "Vào chùa" mà họ có hiểu gì đâu. Bởi đó là làn điệu quan họ cổ lắm thanh âm í...a kéo dài. Nhưng đâu có ngờ cái luyến láy, vang rền trong giọng hát như bã trầu của Cẩm lại làm mọi người thích thú. Họ dỏng tai lắng nghe câu ca: "Đào hoa lưu thủy khác là/ Cõi trần được mấy mươi mà chả chơi/ Giai nhân tài tử ở đời/ Thanh nhàn. lịch sự là người thần tiên...".

Hỏi thêm bạn bè anh thuở niên thiếu mới biết Cẩm "tẫu" mê hát quan họ từ nhỏ và thuộc lắm bài. Cẩm "tẫu" còn hay rượu nữa nên lúc nào cũng ngất ngưởng lơ mơ. Có người bạn anh nói Cẩm "tẫu" chỉ vẽ khi đã bén hơi men. Thậm chí anh còn nhắm mắt vừa vẽ vừa hát. Nét vẽ run rẩy theo cái hồn dẫn lối nên tranh anh có sự ám ảnh của tâm linh.

Không ít bạn đọc hồi đó còn cắt tranh minh họa của Hoàng Hồng Cẩm từ báo để sưu tập. Anh vẽ chính cho báo Âm Nhạc nơi anh làm việc sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật CN (1983). Hoàng Hồng Cẩm còn là người đã thiết kế logo cho Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Hình vẽ logo có tính biểu tượng cao tuy ít nét nhưng gợi cảm. Sau này tôi có dịp được Cẩm "tẫu" thiết kế bìa tập thơ "Phôn cho anh" (NXB Lao động-1996) cũng với phong cách đó. Ngôn ngữ nghệ thuật biểu hiện trong tranh của Hoàng Hồng Cẩm luôn gợi cảm với nét hồn nhiên trẻ thơ. Đó là mảng và khối màu sắc cùng những đường viền đậm nét của sự vật. Tranh của Cẩm gây được nỗi rung cảm và dư chấn để lại cho người xem một cách tự nhiên. Không ít những minh họa màu trên báo của anh trở thành họa phẩm cỡ nhỏ mà anh đã phục dựng lại với cảm xúc ban đầu khi nhập thân vào bản "tex" văn học.

Thần thái tự họa chân dung

Họa sĩ Nguyễn Hữu Thanh, người bạn thân chí cốt với Cẩm "tẫu" đã viết bài "Thác là thể phách, còn là chân dung" để tiễn biệt Hoàng Hồng Cẩm khi sớm về cõi (Mộ Cẩm đặt tại quê Văn Giang, Hưng Yên). Thật chí lý khi Nguyễn Hữu Thanh nói Cẩm vẽ chân dung bạn hay mình đều có nét bâng khuâng của ngày hôm qua. Đó là sự lưu luyến đến day dứt trong nỗi nhớ. Anh nhấn mạnh Cẩm vẽ ra hồn ra vía trong khoảnh khắc phác họa. Chính vì thế tranh chân dung của Cẩm luôn đọng lại nét hồn nhiên ngơ ngác.

Hoàng Hồng Cẩm - Đào hoa lưu thủy khác là… -0

Tác phẩm “Họa sĩ và người mẫu” của Hoàng Hồng Cẩm (2003).

Phải chăng những tác phẩm hội họa của Hoàng Hồng Cẩm luôn được thể hiện đúng phong cách khai thác những yếu tố tạo hình nguyên thủy của nghệ thuật biểu hiện? Hầu hết bộ tranh chân dung tự họa của Hoàng Hồng Cẩm đều có sự ám ảnh bởi nét vẽ rung rinh. Chúng khoanh vùng những mảng màu biết cất lên sự hòa thanh khi ở bên nhau. Đó chính là sự khác biệt của Hoàng Hồng Cẩm.

Cẩm "tẫu" có những màu sắc riêng mang tính cách tân mạnh bạo nhưng lại gần gũi với người xem. Đó là những sắc màu giầu cảm xúc có nét liêu trai trầm buồn với sắc nâu, vàng của thế giới Phật pháp. Nghệ thuật dùng màu để diễn tả cảm xúc của Hoàng Hồng Cẩm nằm ở chỗ đó. Tranh của anh đa phần ám ảnh người xem ở những sắc độ vừa phải đôi khi còn thể hiện sự tan rã của vật thể. Sức mạnh ấy nằm trong những quãng màu nâu vàng, nâu ghi, nâu hồng hoặc sắc hồng nhạt, xanh nhạt thậm chí là sự tương phản đen trắng. Không ít bức chân dung tự họa anh  đã chú thích tên mình như Cẩm "họa", Cẩm "say", Cẩm "điên"....

Hoàng Hồng Cẩm thích vẽ chân dung như cha mình, họa sĩ Hoàng Lập Ngôn. Nếu với Hoàng Lập Ngôn vẽ chân dung ra tinh ra tướng qua những nét cách điệu độc đáo thì ở chân dung của Hoàng Hồng Cẩm là toát lên cõi hỗn mang cuốn hút thị giác qua những mảng màu u trầm. Tranh của Hoàng Hồng Cẩm bán rất chạy là vì thế.

Hoàng Hồng Cẩm tham gia trưng bày triển lãm chung và cá nhân rất sôi nổi vào những năm từ 1991 đến 2005. Tranh của anh lưu lạc tại nhiều châu lục do các nhà sưu tầm chọn lựa. Giai đoạn hơn 10 năm đó anh vẽ như lên đồng vậy. Họa sĩ Nguyễn Hữu Thanh kể, có tranh của Cẩm chưa kịp ráo mực đã có người đến mua. Hoàng Hồng Cẩm là một hiện tượng lạ và có một bảng màu giời cho thật sự khác biệt. Có người nói anh vẽ và sống một cuộc đời trẻ thơ với sự dịu dàng hòa sắc. Hàng chục bức chân dung tự họa "Cẩm" xem không chán mắt bởi nghệ thuật thể hiện nỗi cô đơn bất tận. Đó là sự đặc quánh của mọi cơn điên say cùng những giọt nước mắt ứ đầy trong cuộc đời Hoàng Hồng Cẩm.

Bức tranh "Tự sự"

Trong những năm cuối đời Hoàng Hồng Cẩm vẽ với nhiều nỗi trăn trở ai hoài. Ẩn sâu trong mỗi bức tranh là nỗi niềm ứ nghẹn. Màu sắc của anh vẫn đậm chất dân gian nhưng cất lên tiếng thở dài thân phận. Hình hài, đường nét trong tranh anh giờ đây toát lên triết lý thiền tự. Sám hối và thanh thản. Những sắc màu đặt cạnh nhau vang lên tiếng mõ, tiếng chuông chùa thỉnh ngân nga trong hang núi. Ở một góc tranh nào đó chiếc đèn dầu le lói thấp thỏm nỗi đời. Nghe như lời bài hát của Trịnh Công Sơn mà Hoàng Hồng Cẩm vẫn thường hát thì thầm: "Không còn ai. Đường về ôi quá dài/ Những đêm xa người. Chén rượu cay một đời tôi uống hoài/ Trả lại từng tin vui/ Cho nhân gian chờ đợi".

Bức tranh "Tự sự" và hàng chục bức vẽ vào năm 2010 đã ủ màu thời gian lặng lẽ chia xa. Suy tư với khối màu đen trắng ăm ắp nỗi buồn thoát xác. "Tự sự" trong im lặng. "Tự sự" ẩn giấu những nỗi niềm ngổn ngang u tối. Những giọt rượu rơi trong men đắng đời. Hai màu đen trắng nhưng lại thổn thức sự ấm nóng của tàn tro sau linh hồn bốc cháy. Bức tranh chính là chân dung cuối cùng của anh hiện lên với hình ảnh: "Về lại trong những ngày/ Nhìn từng hôm nắng ngời/ Nhìn từng khi mưa bay/ Có những ai xa đời quay về lại/ Về lại nơi cuối trời làm mây bay" (Phôi pha-Trịnh Công Sơn).

Vương Tâm
.
.