Về miền quan họ nhớ Hoàng Hồng Cẩm

Thứ Sáu, 28/03/2014, 14:57

Đầu xuân, về hội Lim nghe quan họ. Những liền anh liền chị mớ ba mớ bảy buông lênh đênh câu hát qua một miền sông nước. Nhớ về những mùa xuân đã xa. Và nhớ Cẩm. Anh đã biền biệt cõi tạm này mùa xuân thứ 3. Mà hình ảnh Cẩm với khuôn mặt đầy biểu cảm, đắm chìm trong quan họ cứ ám ảnh tâm trí bạn bè. Những người bạn ở lại, mỗi khi ngồi cùng nhau, mỗi mùa xuân về với quan họ không thể không nhắc Cẩm. Tưởng như trên chiếc chiếu hoa năm nào, Cẩm vẫn ngồi đó, gật gù trải lòng trong những làn điệu mê hoặc lòng người…

Tôi không thấy ai được bạn bè yêu chiều như Cẩm. Từ lúc anh còn trên dương gian đến lúc anh về trời, thì sự yêu chiều của bạn bè dành cho anh vẫn thế. Những người bạn ngồi đâu khi uống, khi vẽ, khi hát, vẫn ân cần nhắc Cẩm. Và ân cần dành cho Cẩm một chỗ ngồi đẹp nhất. Cẩm lúc nào cũng có mặt trong những cuộc trò chuyện của bạn bè, như thể anh không chịu vắng mặt, và như thể bạn bè không muốn anh vắng mặt. Cẩm là một nỗi nhớ. Giống như người ta nhớ về một vùng nào đó thật đẹp, thật trong suốt trong quá khứ hay tiềm thức của mình. Giống như những bức họa của anh, ngây thơ như thuở ban đầu con người đến với đời sống, không vướng nợ điều gì. Những bức tranh của Cẩm hình như có một sự gắn bó mật thiết nào đó với quan họ, với chèo, với âm nhạc nói chung.

Cẩm rất yêu âm nhạc dân gian. Cẩm có thể ngồi cả ngày nghe quan họ, và khi cảm hứng vụt trào, anh hát như lên đồng. Cẩm có một khả năng cảm thụ âm nhạc tuyệt vời. Tưởng như âm nhạc là thứ sẵn chảy trong máu anh. Ngẫm ra, những kẻ trời đày làm nghệ thuật, dù là vẽ hay viết, có ai không mang âm nhạc trong người. Với Cẩm, âm nhạc đã được thể hiện dưới một hình thức khác. Bằng màu, bằng hình, bằng cảm, bằng bố cục. Khi Cẩm hát quan họ vang, rền, nền, nẩy trên chiếc chiếu hoa, hay ở bến sông miền quan họ, nhìn anh cũng như một bức họa mà chính âm nhạc đã bố cục. Những ngất ngưởng thường ngày, những hư quấy thường ngày bạn bè vốn chẳng thèm chấp anh bỗng biến sạch, chỉ còn lại một tâm hồn bay bổng và chìm đắm. Đó cũng chính là một bức tranh đẹp nhất Cẩm tự họa về mình trong mắt bạn bè.

Vốn là đứa con được sinh ra từ nôi quan họ, gắn biển quan họ trên quê quán của mình, nên Cẩm dĩ ngẫu thuộc về vùng văn hóa đó. Cẩm nổi tiếng trong tranh như thế nào thì cũng nổi tiếng như thế trong bạn bè về tình yêu dành cho quan họ. Có những đêm mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, Cẩm gọi bạn bắt xe xuôi về miền quan họ, để được nghe và được chảy trong quan họ. Và nếu không thể có bạn bè đi cùng, Cẩm cũng không ngại một mình. Tình yêu dành cho các làn điệu thân quen ấy của Cẩm bao giờ cũng phải ngay lập tức. Giống như nỗi nhớ của kẻ đang yêu. Phải được nhìn thấy người yêu, dù đường xá thế nào. Phải được cầm tay người yêu dù thời gian thế nào. Nhiều người nghĩ cẩm điên. Mà Cẩm cũng thích ý nghĩ ấy. Còn bạn bè yêu mến Cẩm thì hiểu, anh luôn chạy theo một tiếng gọi của tiềm thức. Âm nhạc, hay nói khác đi, quan họ chính là quê nhà của Cẩm.

Tôi biết những người bạn của Cẩm: Họa sĩ Văn Sáng, KTS Huỳnh Quốc Khánh, đạo diễn Trần Lực, Kiến trúc sư Đỗ Trọng Hưng (Hưng Tửu), Họa sĩ Trần Hồng Đức, Họa sĩ Trịnh Tú, ca sĩ Minh Châu… Họ ngồi đâu là nhắc Cẩm. Những câu chuyện về Cẩm dường như không bao giờ vơi. Những kỷ niệm về Cẩm dường như mỗi năm tháng lại đầy. Hàng năm vào ngày giỗ Cẩm, bạn bè thường về với Cẩm, rót rượu trên mộ mời anh, và chắc chắn không thể không hát cho Cẩm nghe. Hát quan họ, hát Chèo, hát nhạc Trịnh Công Sơn, là những âm nhạc mà thuở còn vui đùa trên đời Cẩm thích. Họa sĩ Văn Sáng là một người bạn mà Cẩm rất yêu và tin cậy. Yêu như tình ruột thịt. Anh Sáng là người tỉ mỉ, chu đáo và kiên nhẫn với bạn bè, đặc biệt là với Cẩm. Có năm anh Sáng đặt một cây đàn piano hàng mã, đốt trên mộ Cẩm. Anh Văn Sáng sợ ở nơi nào đó Cẩm buồn, vì không có cây đàn để chơi những bản nhạc mình thích.

Sinh thời, Hoàng Hồng Cẩm yêu nhất cây đàn piano. Cứ nhìn thấy cây đàn là Cẩm muốn đến gần, muốn chạm vào những phím, ngây ngất với thanh âm dịu dàng của nó. Và, Cẩm thích chơi nhất một bản nhạc, bài Hạ trắng. Tôi đã hơn một lần nghe Cẩm chơi bản nhạc đó, trong quán rượu hay quán cà phê. Thật nhẹ nhõm, thật bay bổng… KTS Huỳnh Quốc Khánh, đạo diễn Trần Lực thì thường hay nhắc Cẩm trong những kỷ niệm. Họ có với Cẩm quá nhiều kỷ niệm. Mà kỷ niệm nào cũng đặc biệt. Trong phòng làm việc của KTS Huỳnh Quốc Khánh hiện treo một bức tranh khổ cực lớn của Hoàng Hồng Cẩm. Tôi đồ rằng đó là bức tranh khổ lớn nhất mà Cẩm từng vẽ. Anh Huỳnh Quốc Khánh sở hữu tương đối nhiều tranh của Cẩm, nhưng bức tranh khổ to này là một câu chuyện đặc biệt. Hai tháng trời anh Khánh hầu rượu anh Cẩm. Hầu rượu và chiều chuộng mọi sở thích rồ dại của Cẩm, để Cẩm đủ thăng mà vẽ. Cẩm thì yêu bạn. Phần lớn là yêu bạn trong sự quấy quả nào đấy. Nhưng cơ hồ là rất hiểu và chiều bạn. Cẩm quý mến bạn thì có thể ngồi cả buổi vẽ bạn, vẽ cho bạn. Vẽ xong thì chăm chút nâng niu, ân cần thương mến, khiến người được nhận tranh cảm động vô cùng…

Người viết bài muốn kể về một kỷ niệm với Cẩm. Đó là khi anh nhận lời vẽ phụ bản và trình bày tập thơ cho tôi. Thời điểm mà tôi chỉ là một người cầm bút còn rất trẻ, đến nỗi chưa hiểu hết tầm vóc của Cẩm trong hội họa. Ngoài đời Cẩm bông lơn, có lúc cẩu thả với mọi việc đến đâu, thì trong nghệ thuật anh cầu toàn sốt ruột đến đó. Anh lụi hụi trình bày từng bài thơ, từng dấu chấm dấu phẩy. Anh vẽ phụ bản chưa hài lòng thì vẽ đi vẽ lại. Anh chưa ưng một chi tiết nhỏ anh cũng làm lại. Anh vẽ ký họa tôi trên bìa 4 của tập thơ, lãng đãng như một bài thơ. Tập thơ đó của tôi năm ấy vào chung khảo giải sách đẹp của Cục xuất bản. Nhắc lại không phải để khoe, mà để yêu quý thêm một người anh, khi đã đụng vào câu chuyện nào đó của nghệ thuật, của tâm hồn thì toàn tâm toàn ý. Cẩm thực chất chỉ cẩu thả với chính sức khỏe của mình. Anh luôn chu toàn với bạn theo một nghĩa nào đó. Và với chính những vẻ đẹp thuộc về tâm hồn, Cẩm khi nào cũng nâng niu như một chốn thiêng. Nếu không phải là như vậy, tranh của anh đã không mê hoặc lòng người đến thế…

Tranh của Cẩm, là âm nhạc từ chốn nào đó vọng về. Những lát cắt trong suốt của hoài niệm hay yêu thương, nhớ nhung hay suy tưởng.  Nó hiển hiện một dấu chân của người đến từ địa đàng hay từ trong quá khứ. Một cái nhìn của hồn nhiên thơ trẻ, như chính nụ cười của Cẩm khi vui với bạn bè. Một gương mặt tự họa của Cẩm, cô đơn và trong trẻo, không phải cố gắng mà là tự nhiên như kiếp người vốn vậy. Những người đàn bà mang gương mặt hắt sáng, đến từ một vùng nào đó tưởng như đã mất tích trong tiềm thức, bên cạnh cây đèn dầu tỏa một nỗi gì không rõ hân hoan hay buồn bã. Tranh của Cẩm tuyệt nhiên không dạy bảo ta điều gì, mà đơn giản chỉ là trò chuyện. Trò chuyện rất kiệm lời, chứ không ồn ào như Cẩm nhiều lúc trong cuộc đời. Cẩm luôn tối giản nhất có thể. Giống như tính cách của Cẩm, chưa bao giờ muốn nhiều, trừ nhiều bạn. Mỗi một nét vẽ của Cẩm đều là một linh ứng nào đó của tâm trạng. Vì thế mà luôn có rất nhiều khoảng trống trong tranh của Cẩm, và mắt người xem chưa bao giờ bị Cẩm làm phiền. Cẩm cũng không bao giờ thèm kể chuyện cuộc đời ồn ào trong tranh. Anh uống rượu, rồi nhiều khi phá quấy, nhiều khi nói tục, nhiều khi quát mắng bạn bè, nhiều khi điện thoại bấm chuông nhà bạn không đúng lúc, đúng giờ. Cẩm khuấy cái mặt hồ đời sống lên, bằng ồn ào, để giấu nhẹm cái tĩnh lặng, cái cô quạnh của mình đi. Rồi khi ngồi trước toan trắng, là lúc những vắng lặng hiện về. Toan trắng chính là chiếc sàng, lọc hết tất cả những tạp nham bụi bặm đời thường, còn lại là nguyên khiết, là trong trẻo, là thơ ngây. Thơ ngây như hoàng tử bé lần đầu đến vũ trụ. Mới hay, những ồn ào chỉ là cái vỏ. Người nghệ sĩ bao giờ cũng tự bóc vỏ mình, dâng cho đời sống những gì thanh khiết nhất.

Sinh thời, Hoàng Hồng Cẩm tuồng như không bao giờ ý thức về tầm vóc hay giá trị của mình trong đời sống nghệ thuật. Anh không màng những chữ nghiêm trọng ấy. Anh hồn nhiên trong cư xử với nghệ thuật. Vì thế, Cẩm không giữ nhiều tranh cho mình. Tranh của Cẩm nằm trong bạn bè, trong những người Cẩm thương mến và thương mến Cẩm. Những người hiểu giá trị của Cẩm, hôm nay tìm mua tranh của Cẩm không dễ. Giá tranh của anh cũng chẳng dễ chịu chút nào, nhất là với những nhà buôn tranh. Nhưng tôi chắc khi còn sống, Hoàng Hồng Cẩm xem nhẹ mọi điều, vì anh hiểu hơn ai hết sức nặng của nghệ thuật. Không có giá nào cho một bức tranh đủ để thỏa mãn ý nghĩa nghệ thuật mà Cẩm hướng tới. Anh thường cười khì trong lúc uống rượu, khi ai đó thốt nhiên bàn về chuyện làm giàu bằng tranh pháo. Cẩm ghét câu chuyện thị trường, câu chuyện mua bán. Anh chỉ có một mối bận tâm, là bạn bè. Và khi ngồi vẽ, anh chỉ ám ảnh khái niệm thân phận con người. Câu hỏi về ý nghĩa của sự tồn tại trong cõi người xoay vần trong tranh Cẩm. Xoay vần thật, nhưng lại nhẹ như sự rơi của một chiếc lá trên mặt hồ. Ta đến từ đâu và ta đi về đâu. Đó là câu hỏi, là câu trả lời, là nỗi buồn. Trong vắt mà vô thường, như sự nở của một bông hoa buổi bình minh...

Thời gian đang phủ tiếp những lớp lá lên đời sống. Lại một mùa xuân vắng Cẩm. Anh đã uống rượu và chơi đàn piano, rồi hát quan họ ở một miền nào đó. Chỉ còn có thể nhìn Cẩm trong hình hài của những bức tranh. Nhưng Cẩm vẫn vẹn nguyên trong lòng bè bạn. Anh không thể nào vắng mặt. Như mùa đi rồi mùa lại tới. Như những làn điệu quan họ mỗi xuân về lại vang lên trên bến dưới thuyền…

B.N.T.
.
.