Giáo sư Từ Giấy: Vị “hồng y” chăm lo sức khỏe quân dân

Chủ Nhật, 29/08/2021, 21:25

Năm 2021, tròn 100 năm ngày sinh cố Giáo sư, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động Từ Giấy. Ông là người đặt nền móng cho khoa học dinh dưỡng Việt Nam hiện đại, và là thân sinh của Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Từ Đễ, người đã từng dùng một chiếc máy bay thu được để ném bom sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 28-4-1975.

Gia đình Giáo sư Từ Giấy vì vậy là gia đình của hai người anh hùng. Một ngày tháng 8, thông qua nhà báo Vũ Công Lập, tôi đã biết đến Anh hùng Từ Đễ, và đã cùng nhà báo Vũ Công Lập thực hiện một cuộc trò chuyện với ông về những bài học lớn mà cha ông  để lại.

- Nhà báo Phan Đăng (PĐ): Thưa nhà báo Vũ Công Lập, ông nghĩ gì về một gia đình có tới 2 người anh hùng?

- Nhà báo Vũ Công Lập (VCL): Tôi nghĩ đấy là một gia đình quá đặc biệt. Tôi ở Học viện Quân y, là thế hệ hậu sinh, còn Giáo sư Từ Giấy là thế hệ tiền bối. Giáo sư có 3 người con trai đều rất có tài, người con cả Từ Đễ là phi công chiến đấu, người con thứ Thiếu  tướng Từ  Linh là giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học - công nghệ, Bộ Quốc phòng, còn người con út  là TS  Từ Ngữ, nguyên là bác sĩ quân y, hiện là thư kí Hội Dinh dưỡng Việt Nam. Như vậy, gia đình, kể cả 2 cô con dâu, có tới 6 người lính!

- PĐ: Đấy là góc nhìn của một người bên ngoài, còn góc nhìn của người trong cuộc thì sao, thưa Anh hùng Từ Đễ? Ông có thể nói gì về cha mình?

- Anh hùng Từ Đễ (TĐ): Gia đình tôi sống theo gương của cha tôi, trong đó điều lớn nhất chúng tôi tâm niệm chính là sự khiêm nhường. Cha tôi nói một câu tôi nhớ mãi: Con người ta 2/3 là nước lã, chỉ là nước lã thôi, không là gì cả, nên đừng huênh hoang. Ông luôn dạy chúng tôi: phải biết mình, biết người, và biết lúc nào thì nên dừng lại. Tôi cảm nhận ở cha mình là một nhà khoa học giỏi toàn diện trong 4 lĩnh vực hoạt động chính: nhà khoa học dinh dưỡng ứng dụng hàng đầu châu Á và Việt Nam, nhà vệ sinh quân sự hàng đầu, nhà báo lão thành  và nhà giáo uyên bác. Tôi nghĩ sự khiêm nhường được hình thành khi con người càng học rộng thì càng thấy mình “dốt”!

- PĐ: Nếu tôi nhớ không nhầm thì Giáo sư Từ Giấy sinh ra trong một gia đình rất nghèo?

- TĐ: Nghèo! Nghèo lắm! Ông nội tôi mất khi cha tôi chưa đầy 1 tuổi, bà nội tôi phải gồng mình vất vả nuôi con. Nhưng  nhờ  quê tôi là vùng đất học nổi tiếng  nên  cha  tôi đã vượt lên tất cả để quyết tâm học hành, thi đâu đỗ đấy. Lên Hà Nội, ngoài học bổng ông kiếm sống, nuôi mình bằng nghề gì anh biết không? Thứ nhất là dạy học thêm, thứ nhì là đánh đáo ăn tiền. Ông đánh đáo giỏi lắm. Và thứ ba là bán giấy khen. Ví dụ như nhà trường thưởng cho ông giấy khen thì ông xóa tên mình đi, thay tên một cậu con nhà giàu nào đó vào. Vậy mà ông đã tốt nghiệp xuất sắc Tú tài toán trường Bưởi và sau đó ghi danh  vào Đại học Y Hà Nội.

- VCL: Tôi đọc sách thì biết năm bác Từ Giấy 16 tuổi, có một cuộc thi giống như thi học sinh giỏi bây giờ vậy. Đề thi Ngữ văn hôm ấy hỏi: “Giả sử có một ông Bụt cho em 3 điều ước thì em ước điều gì?”, bác Từ Giấy liền ước 3 điều là: sức khoẻ - thông minh - khôn ngoan. Ngay từ lúc đó bác tin rằng 3 thứ ấy gộp lại có thể giúp mình làm được nhiều việc lớn. Điều đó cho thấy bác sớm có ý chí như thế nào. Và cuộc thi ấy bác cũng đoạt giải xuất sắc môn Ngữ văn.

22.jpg -0
Hai cha con Giáo sư Từ Giấy - Từ Đễ ngày 4-5-1975.

- PĐ: Ông Từ Đễ vừa nói là Giáo sư Từ Giấy vào học Đại học Y Dược thời Pháp. Là một nhà khoa học, không biết tiến sĩ, nhà báo Vũ Công Lập thấy chi tiết này có ý nghĩa như thế nào? Giáo dục thời Pháp đã tạo ra được những nhà trí thức rất lớn của Việt Nam chúng ta, có phải không ạ?

- VCL: Bác Từ Giấy từng kể lại ghi tên vào học Đại học Y thời Pháp có 200 người. Nhưng hết năm thứ nhất chỉ còn 40 người, tức là rụng đến 160 người. Và đến khi ra trường thì chỉ  còn  lại 7 người. Những con số đó đủ cho thấy quá trình đào tạo nghề y thời Pháp khắc nghiệt như thế nào. Tôi thấy lứa trí thức thời Pháp có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử phát triển trí thức Việt Nam. Bởi đấy là một thế hệ trí thức được đào tạo bài bản trong một môi trường giáo dục nghiêm túc, sau đó lại được rèn giũa trong thực tế của các cuộc kháng chiến. Vì phải dùng kiến thức cụ thể trong những hoạt động sinh tồn khắc nghiệt của chiến tranh nên kiến thức của họ mang tính ứng dụng cao, chứ không hề viển vông. Chắc anh vẫn nhớ, bộ đội ta thời ấy thường dùng lương khô 701-702, nó chính là sản phẩm bác Từ Giấy nghiên cứu.

- TĐ: Anh Lập nói về lương khô trong chiến tranh thì tôi nhấn mạnh thêm, nó được cha tôi nghiên cứu làm ra từ đậu nành. Cha tôi bảo so với đạm động vật thì  đạm thực vật rất lâu hỏng, tức là một cái gì đó rất Việt Nam. Cha tôi luôn tuân theo lời dạy của cụ Tuệ Tĩnh: Nam dược trị Nam nhân, tức là người  Nam dùng thuốc  Nam. Và trong quan niệm của ông, thức ăn chính là thuốc, nên ông đặc biệt chú trọng tới các vấn đề dinh dưỡng trong bữa ăn. Vào những năm 80 của thế kỷ 20, khi cả xã hội đói ăn thì ông đã lường trước: Khi phát triển kinh tế, vấn đề béo phì sẽ xảy ra. Vì vậy phải điều chỉnh dinh dưỡng, tính toán việc ăn uống sao cho phù hợp. Thì bây giờ đúng như thế, rất nhiều người đang khổ sở vì bệnh béo phì. Qua đây tôi muốn nói, trong mọi vấn đề thì những nhà trí thức như ông luôn có một tầm nhìn rất xa.

- VCL:  Vâng! Sức khoẻ đến từ 2 nguồn gốc: vệ sinh và dinh dưỡng. Ở trong quân đội, bác Từ Giấy tham gia cả 2 khía cạnh này. Bác kể rằng ở giai đoạn kháng chiến chống Pháp, bác phụ trách việc tăng gia sản xuất để chúng ta sống được ở Việt Bắc. Mục tiêu này quan trọng lắm, đặc biệt giai đoạn đầu. Bác Từ Giấy đã giải quyết việc này bằng cách xung quanh các ngôi nhà đều cho trồng rau, xung quanh các ngôi nhà đều cho đào giếng, đào ao, rồi nuôi gà, nuôi lợn.  Ông nói với bộ đội Khu 5 hồi chiến tranh: “Người sống được thì rau sống được”. Tức là quanh mỗi ngôi nhà, mỗi doanh trại đã là một nền sản xuất có tính chất nông nghiệp. Theo tôi từ những thực tiễn nông nghiệp ở quê nhà Thường Tín cộng thêm thực tiễn cuộc kháng chiến chống Pháp nên sau này bác đã tạo ra mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) mà có một thời chúng ta nhắc đến rất nhiều.

- TĐ: Cha tôi từng nhiều lần nói rằng sở dĩ ông xây dựng ra mô hình VAC là vì ông đã quan sát, tổng hợp và phát triển từ trong cuộc sống của chính người nông dân. Ông luôn nhắc đi nhắc lại câu tục ngữ: “Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền”, tức là lãi nhất là nuôi cá, thứ nhì là  làm  vườn, thứ ba  mới đến trồng lúa. Quê Thường Tín nhà tôi là nơi sản xuất rau cho Hà Nội nên có hẳn miếu thờ “Thần” phân  bắc. Cứ gần tết là các cụ làm mấy đĩa chè đậu, nặn hình phân bắc dâng lên thần!

- PĐ: Chúng ta vừa điểm lại những sản phẩm nổi tiếng của Giáo sư Từ Giấy như lương khô 701- 702 trong thời chiến hay mô hình VAC trong thời bình, nhưng tôi còn nghe loáng thoáng hình như có giai đoạn ông còn làm Tổng biên tập một tờ báo, và cũng thể hiện rõ cá tính của mình trên trận địa này?

- TĐ: Thần tượng của ông là nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, thế nên thời đi học ông  cùng một số bạn học làm tờ báo  “Văn” nhưng chỉ ra 2 số là bị đình bản vì mang tư tưởng tự do, chống Pháp. Sau khi mặt trận Khánh Hòa bị vỡ, ông từ bác sĩ phẫu thuật được điều ra Hà Nội phụ trách tờ báo “Vui sống” của Cục Quân y theo gợi ý của Quyền Chủ  tịch nước  Huỳnh Thúc Kháng. Năm 1946, tờ báo đã có lời ra mắt động viên tinh thần người đọc như sau: “Tuy nghèo nhưng vẫn vui. Vui để mà sống. Có vui sống mới tin tưởng. Có tin tưởng mới thắng lợi. Chúng ta sẽ thắng lợi”. Trong 6 năm tồn tại tờ “Vui sống” đã là tờ báo hấp dẫn nhất với công nông binh thời đó, có lượng phát hành tới 3 vạn bản/ kì.

- VCL: Thành ra càng nghiền ngẫm lại cuộc đời bác Từ Giấy chúng ta càng thấm thía về giá trị của người trí thức trong cuộc đời. Người trí thức trước hết phải là người có chữ. Nhưng quan trọng là phải làm sao để cái chữ ấy ứng dụng vào đời sống. Tôi thấy mọi việc bác Từ Giấy đã làm đều phục vụ cho sự nghiệp phòng bệnh cho quân và dân ta.

- PĐ: Tôi vẫn muốn trở lại với tinh thần giáo dục thời Pháp, không biết là có bao giờ Giáo sư Từ Giấy chia sẻ với con mình về tư tưởng cốt lõi, quan trọng nhất của tinh thần giáo dục này không ạ?

- TĐ: Xin kể một câu chuyện nhỏ: Giáo sư Trương Ngọc Ninh nguyên là Hiệu trưởng Đại học Y Sài Gòn có gửi 1 bức thư bằng tiếng Pháp từ nước ngoài về cho cha tôi. Tò mò tìm hiểu thì tôi mới biết hoá ra hai cụ cứ trao đổi đi trao đổi lại quanh việc phải dịch bài thơ “Chim hải âu” của Nhà văn Pháp thế kỉ 19 Baudelaire ra tiếng Việt như thế nào. Trong quá trình giải thích, cha tôi nói rằng con chim hải âu thường tự do bay cùng các con tàu trên đại dương. Nhưng nếu thấy nó bay cùng mà lại bắt nó, ném nó lên con tàu của mình thì nó trở thành con vịt què. Ý cha tôi là:  Khi con người ta được tự do đi cùng nhau thì họ sẽ đi hết cuộc đời theo con đường phục vụ cho khoa học, cho đất nước.

Được tự do và có phương pháp tốt nên ông đã tự học 5 ngoại ngữ. Ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Giáo sư năm 1980. Anh em chúng tôi luôn phấn đấu sống theo hình tượng của cha mình, cố gắng noi theo ông, nhưng phải nói thật là không theo nổi. Ba anh em tôi chụm lại cũng chỉ như cái oản  so với ông thôi (cười).

- PĐ: Vâng! Ông đúng là một con người toàn tài, một trí thức lớn, một tấm gương lớn! Nhân 100 năm ngày sinh của ông, kể lại những câu chuyện của đời ông, hy vọng là những người hậu thế chúng ta cũng sẽ ít nhiều học thêm được những bài học quý từ ông. Xin cảm ơn Anh hùng Từ Đễ và nhà báo Vũ Công Lập!

Phan Đăng (thực hiện)
.
.