Tiến sĩ khoa học, nhà báo Vũ Công Lập:

Có những người khuyết tật khỏe hơn người bình thường

Thứ Bảy, 28/11/2020, 14:05
Đi nhiều, quan sát nhiều, làm việc nhiều, tham gia các dự án nhiều, đấy là ấn tượng mà những ai quen biết tiến sĩ khoa học, nhà báo Vũ Công Lập đều có thể cảm nhận rõ nét. Có đi công tác với ông, lăn lộn cùng ông mới thấy hóa ra sức khỏe của một ông già ngoài 70 tuổi nhiều khi còn khiến lớp trẻ chạy xa...

Vài năm trở về trước, tôi đã muốn đối thoại với ông về chủ đề này, rằng điều gì khiến ông luôn tạo cho người quan sát cái cảm giác về một “ông già gân” tràn đầy năng lượng đến như thế? Nhưng, bằng lý do này hay lý do khác, ông đều từ chối. Có lẽ, ở thời điểm đó ông không hoặc chưa muốn nói về mình. Phải đến một chiều mùa thu Hà Nội cách đây ít bữa, khi ông bất ngờ tiết lộ về cuộc phẫu thuật thập tử nhất sinh mình trải qua thì những thắc mắc bấy lâu của tôi mới dần được hé lộ.

Điều thú vị là sự hé lộ đó không chỉ thỏa mãn tôi, cũng không chỉ liên quan tới câu chuyện của cá nhân ông, mà qua đó chúng ta chợt nhận ra nhiều quan niệm mới mẻ về sức khỏe, hết sức cần thiết cho con người hiện đại hôm nay.

27 năm mang bệnh, nhưng…

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa tiến sĩ, nhà báo Vũ Công Lập, khách quan nhìn nhận, hiện ông có tự nhận thấy mình là một người khỏe hay không? (Cười...)

- Tiến sĩ, nhà báo Vũ Công Lập (Cùng cười): Tôi tin là tôi khỏe. Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ sức khỏe liên quan đến tuổi tác. Càng có tuổi thì càng không khỏe. Không ai phủ nhận mối liên quan giữa sức khỏe và tuổi tác nhưng bên cạnh yếu tố tuổi tác còn là yếu tố tinh thần nữa. Yếu tố tinh thần là điều quan trọng quyết định xem một người khỏe hay không khỏe. Tất nhiên cái tinh thần ấy, sức sống ấy sau đấy phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể, chứ không phải là cứ ngồi một chỗ, không làm gì, không hành động gì rồi bảo “tinh thần tôi khỏe lắm” là được.

- Thật ra, xưa nay có rất nhiều quan niệm khác nhau về sức khỏe. Có người nói khỏe nghĩa là phải chơi được thể thao. Có người lại bảo khỏe đơn giản là không có bệnh tật. Với tư cách một nhà nghiên cứu, theo ông chúng ta nên hiểu về sức khỏe như thế nào cho hợp lý? 

- Nếu bây giờ anh đặt câu hỏi cho tất cả mọi người “Điều gì là đáng quý nhất” thì đa phần sẽ trả lời là sức khỏe. Nhưng, nếu lại hỏi tiếp “Thế tóm lại, sức khỏe là cái gì?” thì có lẽ nhiều người sẽ bối rối. Nó cũng giống như trong ngành vật lý của tôi, tất cả đều biết năng lượng là quan trọng. Nhưng, nếu lại hỏi tiếp “Rốt cuộc năng lượng là gì?” thì nó lại trở thành một câu hỏi khó. Sinh viên ngành tôi khi bị hỏi thi, rất sợ những câu như vậy.

Trở lại với quan niệm về sức khỏe, ở đây ta không thách đố nhau về chữ nghĩa, mà nói như thế để thấy ai cũng đều biết sức khỏe là quan trọng. Tuy nhiên, nhiều người lại không hiểu làm thế nào để duy trì được sức khỏe. Nền y tế trước đây xoay quanh câu chuyện bệnh tật, nghĩa là bác sĩ phải tìm ra bệnh, phải chữa được bệnh, phải phòng, chống bệnh...

Tóm lại là cái gì cũng phải gắn với bệnh. Nhưng, khi phát triển đến giai đoạn thứ hai thì người ta chợt nhận ra chức năng của y tế không chỉ gắn liền với câu chuyện bệnh tật, mà còn phải gắn liền với việc chăm sóc sức khỏe cho con người. Nghĩa là khái niệm sức khỏe dần dần phủ lên khái niệm bệnh tật, mặc dù hai khái niệm đó phải gắn liền với nhau.

Đơn giản thế này: Nói đến bệnh tật là nói đến các tổn thương, trong đó có tổn thương cấu trúc và tổn thương chức năng. Ví dụ cầu thủ Duy Mạnh hay Đình Trọng bị đứt dây chằng, đó là một tổn thương cấu trúc. Nhưng, vì đứt dây chằng nên anh ấy không đi lại bình thường được và sau đó tập mãi vẫn chưa đá bóng được, đó là tổn thương chức năng. Về mặt nguyên tắc, khi có tổn thương thì bằng mọi cách phải chữa được tổn thương ấy. Trong trường hợp của Duy Mạnh, Đình Trọng là phải tái tạo dây chằng, phải luyện tập để dây chằng mới tạo thành làm việc tốt như dây chằng cũ, thậm chí là tốt hơn cả dây chằng cũ. Giải quyết được điều này là ta giải quyết được tầng 1 của vấn đề sức khỏe.

- Và vấn đề câu chuyện sức khỏe không dừng lại ở đây. Nói chính xác là nếu theo quan niệm cũ thì nó sẽ dừng lại ở đây. Nhưng, theo quan niệm mới thì sẽ có tầng thứ hai, thứ ba nữa, phải không ạ?

- Đúng vậy! Tôi đã có một thời gian dài làm việc với những người bị tổn thương về chức năng và cấu trúc rất lớn, đó là những vận động viên khuyết tật và phải nói thật với anh, giai đoạn này làm thay đổi rất nhiều suy nghĩ trước đó của tôi. Tôi đã ở bên cạnh Lê Văn Công - vận động viên cử tạ. Tôi đã xuống Cần Thơ dự đám cưới của Võ Thanh Tùng - vận động viên bơi lội. Tôi đã vào Nghệ An đến thăm gia đình Cao Văn Hùng và Nguyễn Văn Hiệp - hai vận động viên điền kinh. Và, tôi đã làm một phóng sự mang tên là “Hạnh phúc tròn đầy” nói về cuộc sống của 10 đôi vận động viên khuyết tật ở Việt Nam. Xem phóng sự này, anh sẽ thấy cảnh người chồng hai chân bại liệt không đi lại được, vợ cũng thế, vậy mà hai vợ chồng vẫn có thể cùng nhau tắm cho một đứa con lành lặn. Tôi thấy đó là một khung cảnh vừa cảm động, vừa hạnh phúc. Lúc đấy tôi mới thực sự hiểu rằng ngay cả khi người ta bị tổn thương cấu trúc đến mức nặng nề như vậy thì người ta vẫn cứ khỏe mạnh đấy chứ! Lúc đó tôi có viết một bài báo nói rằng bản thân tôi nghĩ mình lành lặn nhưng trong tâm hồn, trong suy nghĩ, trong cảm xúc có khi mình lại khuyết tật. Còn họ khuyết tật nhưng ở thẳm sâu bên trong có khi họ lại khỏe hơn mình.

- Tôi hiểu rồi. Vậy là những người không may gặp phải những tổn thương cấu trúc hoặc tổn thương chức năng vĩnh viễn vẫn có thể nói với xã hội rằng: Tôi là người khỏe mạnh. Ngược lại, những người bình thường, không gặp bất cứ tổn thương nào vẫn sẽ rơi vào trường hợp không khỏe mạnh. Mấu chốt nằm ở cách chúng ta nghĩ, chúng ta cảm xúc về tình trạng thực tại của mình. Nhưng, cảm xúc trong nhiều trường hợp liệu có phải là một khái niệm mơ hồ không, thưa ông?

- Anh bảo là anh lạc quan, khỏe khoắn tinh thần không có nghĩa là anh cứ ngồi một chỗ để cười hay nói những lời có cánh. Lạc quan và sức khỏe tinh thần thể hiện ở chỗ: cụ thể anh đã làm gì?  Ví dụ như vận động viên khuyết tật Lê Văn Công mà tôi vừa nhắc đến, anh ấy đoạt huy chương vàng Olympic, anh ấy giúp cho lá cờ Tổ quốc Việt Nam tung bay trên đấu trường quốc tế. Vậy đó, sự lạc quan của anh ấy, tinh thần của anh ấy, thể trạng khỏe khoắn của anh ấy được thể hiện rất rõ ràng như vậy.

- Khi chúng ta nhìn vào những vận động viên khuyết tật nói riêng và cuộc sống của nhiều người khuyết tật nói chung, chúng ta hẳn sẽ nhận thấy: Ngay cả khi phải chịu những tổn thương cấu trúc hay tổn thương chức năng nào đó thì cũng đừng vì thế mà sụp đổ. Chúng ta vẫn có cơ hội chứng minh cho xã hội thấy là mình khỏe mạnh. Vấn đề là chúng ta có muốn hay không, có đủ nghị lực và lòng dũng cảm hay không?

- Điều quan trọng nhất là mỗi người đều phải thấy rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào thì mình vẫn còn nguyên cơ hội để chứng minh là mình khỏe. Không phải bây giờ tôi bị một tổn thất nào đó thì tôi cứ thế ủ ê và nói rằng mình không còn sức khỏe. Không! Không bao giờ được tư duy như thế. Trong bất luận hoàn cảnh nào thì chúng ta cũng phải sử dụng cảm xúc, sử dụng nhận thức, sử dụng hành động để có thể chuyển từ chỗ passive (thụ động) sang active (chủ động). Chuyển từ thụ động sang chủ động, con người được nâng lên một tầm mới. Mà tôi không hề nói những điều này một cách lý thuyết suông. Tôi nói với tâm thế của một người trong cuộc, một người trải nghiệm và đúc kết. Có lẽ, khi làm việc cùng tôi, anh luôn nghĩ chắc tôi không có vấn đề gì về sức khỏe đúng không?

- Vâng! Khỏe đến mức nhiều lúc thanh niên cũng phải chào thua!

- (Cười). Anh em làm việc cùng tôi đều nhận xét: ông này là người ăn khỏe, đi khỏe, làm việc khỏe. Nhìn vào đấy ai cũng nghĩ là tôi khỏe. Nhưng, hôm nay, nhân chúng ta nói về chủ đề sức khỏe, tôi xin nói thật với anh là tôi bị nhồi máu cơ tim vào năm 1993. Tức là suốt 27 năm nay tôi là người có bệnh tim. Đến năm 1998, tôi bị thêm bệnh tiểu đường. Đến năm 2014, tôi lại bị thêm huyết áp cao. Cộng tất cả những bệnh tật này lại, từ nhiều năm nay tôi sống với những đe dọa, hiểm nguy thực sự về sức khỏe. Suốt từ năm 1993 đến giờ, trong túi tôi luôn có thuốc cấp cứu, thuốc dãn mạch để nhỡ có xảy ra nhồi máu cơ tim thì còn xử lý kịp thời.

- Đúng là ông không nói thì không ai có thể tưởng tượng được!

- Năm 1997, tôi đi khám ở Đức, và các bác sĩ phát hiện là bị hẹp mạch vành. Nói đơn giản để anh hiểu: mạch vành cơ bản có 3 nhánh, đó là mạch vành phải, mạch trái xuống và mạch mũ. Thông thường người ta có thể hẹp 1 nhánh hoặc hẹp 1 đoạn, còn tôi bị hẹp hết. Chưa xong, bình thường người ta chỉ bị hẹp theo kiểu thắt cổ chai, tức là hẹp 1 đoạn ngắn nhưng tôi lại hẹp hết, hẹp từ trên xuống dưới. Thế nên là tôi không đặt stent được và thậm chí phẫu thuật bắc cầu cũng khó khăn.

Bác sĩ Đức nói với tôi có một loại thuốc rất tốt, thuốc ấy lúc đầu là sport - thể dục, sau đó là trainning - tập luyện đúng theo nghĩa thể dục thể thao. Và thế là tôi tập suốt từ năm 2004 đến năm 2019. Chính sự tập luyện đó giúp tôi có thể giải quyết những yếu kém về thể trạng.

Như thế, từ chỗ phải đối diện với những khiếm khuyết về cấu trúc và chức năng trong cơ thể mình thì bây giờ, nhờ tập luyện, tôi vẫn có thể hoạt động bình thường. Vẫn khỏe mạnh. Và suốt quá trình cố gắng để đạt tới trạng thái khỏe mạnh này, tôi tự trải nghiệm được nhiều nấc thang hạnh phúc, thấm thía được nhiều khía cạnh của hạnh phúc.

Vận động hay là chết?

- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn được không ạ?

- Con người ta đôi khi nghĩ hạnh phúc là những gì khó khăn, xa xôi, trừu tượng đúng không? Xin kể anh nghe câu chuyện này: Sau khi tôi bị nhồi máu cơ tim, thì vào năm 1995 tôi đi du lịch với gia đình ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Ở đó phong cảnh rất đẹp, có Vọng Giang đài, Vọng Hải đài... Nhưng, với tình trạng sức khỏe của mình làm sao tôi leo lên đó được. Các thành viên trong gia đình không đành bỏ tôi ở lại để đi lên. Tôi thì bảo mọi người cứ lên, tôi ở lại không sao.

Nhưng, nói thật trong lòng lúc đó cũng có cái gì đó nuối tiếc lắm. Nói thật là không thấy thoải mái, không vui. Chẳng nhẽ trạng thái này sẽ lặp đi lặp lại trong các chuyến du lịch sau đó hay sao? Không! Không thể để nó lặp lại. Và anh biết điều gì xảy ra không?

Sau quãng thời gian dài luyện tập, vào năm 2018, tôi đã cùng gia đình đi du lịch Mexico, Cuba, Panama. Ở Mexico có kim tự tháp mặt trời, tôi leo một mạch từ dưới lên trên, với tổng cộng hơn 400 bậc. Hôm đó cả nhà tôi đều cảm thấy hạnh phúc. Đấy, qua trải nghiệm của mình, tôi thấy giá trị hạnh phúc nằm ở đấy.

Tới đây, tôi muốn nói tới tầng thứ ba, tầng cuối cùng trong khái niệm sức khỏe của WHO. Xin nhắc lại, chúng ta vừa nói đến tầng 1 của sức khỏe, liên quan đến tổn thương cấu trúc, chức năng. Người ta gọi đấy là tầng sinh học. Tầng 2 là tầng tâm lý và hành động. Còn tầng 3 là tầng xã hội, thể hiện ở sự hòa nhập của chúng ta vào trong cộng đồng. Cộng cả 3 tầng này, ta có mô hình sức khỏe sinh học - tâm lý học - xã hội học, theo quan niệm của WHO. Và vì vậy, chăm sóc sức khỏe là phải chăm sóc toàn diện theo chuỗi các giai đoạn này, các giá trị này.

- Theo tôi hiểu thì với quan niệm sức khỏe hết sức mới mẻ này, vai trò của thầy thuốc - bác sĩ có lẽ cũng khác đi. Bởi nếu thầy thuốc chỉ đơn thuần kê đơn chữa bệnh thì mới chỉ giải quyết được những vấn đề ở tầng 1 của sức khỏe liên quan đến những tồn thương cấu trúc, chức năng. Bác sĩ còn phải tạo ra những tác động tích cực ở tầng 2, tầng 3 nữa, phải không, thưa ông?

- Chính xác! Thông thường, chúng ta thấy bác sĩ là người kê đơn khi bệnh nhân bị ốm. Bây giờ bác sĩ vẫn kê đơn nhưng sau giai đoạn kê đơn thuốc còn là kê đơn tập luyện, nghĩa là kê đơn xem bệnh nhân của mình sẽ phải tập đi bộ, tập sức bền, tập sức mạnh, tập hồi phục như thế nào... Và chính vì vậy trong y học mới nảy sinh một ngành mới gọi là “medical trainning therapy” - huấn luyện trị liệu y học. Và cũng có một khái niệm mới, đó là “sport therapy” - trị liệu bằng thể thao, xem thể thao như một phương pháp của trị liệu. Rồi cao hơn là “trainning therapy” - chữa bệnh bằng huấn luyện. Trước đây mình nghĩ y học thể thao đơn thuần là chữa bệnh cho vận động viên thể thao nhưng thật ra bây giờ, ta phải hiểu nó một cách mới mẻ hơn nhiều.

- Nó không chỉ là chữa bệnh cho các vận động viên thể thao chuyên nghiệp, mà là trị liệu và nâng cao sức khỏe cho tất cả mọi người?

- Nói chính xác thì y học thể thao một mặt đúng là dùng y học để phục vụ cho thể thao nhưng mặt khác là sử dụng thể thao để phục vụ cho y học. Tôi xin minh họa bằng ca phẫu thuật tim của chính tôi. Sau 26 năm tập luyện liên tục để duy trì trạng thái sức khỏe bình thường thì cuối cùng cũng đến lúc tôi phải mổ tim vào ngày 7-11-2019. Ca mổ của tôi khá nặng và khó. Tôi phải mổ phanh, làm 4 mạch máu mới cho hệ mạch vành bị hẹp. Nhưng, anh biết không, tỉnh lại vào 19h30 hôm trước thì 6h sáng hôm sau đã có người vỗ vai gọi dậy để tập phục hồi. Lúc ấy tôi thắc mắc: Thôi chết, vừa mổ xong bây giờ phải nghỉ ngơi, chứ sao lại tập phục hồi? Nhưng, họ giải thích, phải áp dụng các phương pháp vận động phục hồi thì cơ thể tôi mới sớm trở lại bình thường.

- Tức là các bác sĩ Đức đã áp dụng các phương pháp tập luyện từ rất sớm, ngay sau một ca phẫu thuật tim có thể nói là thập tử nhất sinh?

- Anh sẽ thắc mắc, vừa mổ xong, lẽ ra phải bất động, sao các bác sĩ Đức lại đề nghị vận động? Thực tế người ta vẫn bất động vết mổ, bằng cách lấy tay chặn bên mép vết thương, rồi lấy tay day ở vùng lân cận bên ngoài. Tức là vết thương được bất động còn những vùng khác trên cơ thể, kể cả những vùng ngay gần vết thương thì vẫn phải hoạt động. Chứ không phải là cứ nằm im để bất động toàn thân.

Các bác sĩ đề nghị tôi vận động như vậy trong 2 ngày. Đến ngày thứ ba, họ yêu cầu tôi xuống đi bộ. Ngày thứ tư là lên xuống 1 bậc cầu thang. Ngày thứ năm thì lên xuống 2 bậc cầu thang. Ngày thứ sáu tập đạp xe. Ngày thứ bảy ra viện. Nhưng, khi ra viện thì họ vẫn không trả về nhà ngay, mà đề nghị tôi phải tìm một chỗ để tập thể thao trong 3 tuần. Sau 3 tuần ấy mới là người tự do. Vậy là tôi phải tìm một cơ sở để tập phục hồi chức năng trong 3 tuần. Thời gian ấy tôi phải tập hô hấp, vật lí trị liệu, massage và trainning. Tất cả quá trình vận động ấy đều phải thực hiện theo đúng đơn của các bác sĩ.

Nói như vậy để anh thấy vận động quan trọng như thế nào. Tôi học ở nước ngoài, thấy họ nói thế này: Vận động với con người quan trọng đến mức quyết định. Và người ta còn nói: ngay cả khi anh hoàn toàn không thể vận động được thì vẫn phải tưởng tượng là mình đang vận động, bởi hoạt động vận động thực tế có mối liên kết với hệ thần kinh. Khi anh không thể vận động thì hệ thần kinh anh bị ảnh hưởng. Khi anh nghĩ mình đang vận động là anh đang bảo toàn hệ thần kinh.

Cuộc đời ta được cộng lại bởi nhiều đơn vị

- Nói chuyện với ông mới thấm thía những giá trị của vận động đối với sức khỏe con người và đặc biệt hiểu được việc các hoạt động trị liệu, hoạt động thể thao có vai trò lớn đến thế nào đối với nền y học. Nhưng, tôi tự hỏi, thực tiễn nền y học Việt Nam hiện nay đang nhìn nhận điều này như thế nào? Bao giờ chúng ta tiệm cận tới trạng thái bác sĩ không chỉ là người kê đơn thuốc chữa bệnh mà còn là người kê đơn trị liệu, kê đơn tập luyện để sức khỏe bệnh nhân được phục hồi nhanh nhất?

- Tôi nghĩ rằng trong khoảng 3-5 năm. Bởi hiện nay, trong các hội nghị khoa học, tiếng nói của y học phục hồi càng ngày càng tăng. Và cũng bắt đầu có các bệnh viện chuyên trách về phục hồi chức năng rồi. Khi tôi đến thăm các bệnh viện thì tôi thấy lượng bệnh nhân chờ vào tập phục hồi chức năng ở đâu cũng lên tới cả trăm người. Như thế là nhu cầu đã rõ và ngành này có rất nhiều tiến bộ, bây giờ chỉ còn chờ kết hợp với bên thể thao để được đẩy lên và phổ cập mà thôi. Mà có lẽ anh sẽ thắc mắc, tại sao tôi lại đam mê ngành này đến như vậy? Vì bản thân tôi chịu ơn nó. Nếu không có nó có lẽ tôi đã không thể ngồi nói chuyện với anh từ lâu rồi.

- Trời!

- Thật đấy! Đến bây giờ tôi vẫn đang tích cực tập luyện, theo chỉ định của bác sĩ. Tôi mổ xong khoảng 1 năm rồi, giờ ngày nào tôi cũng tập luyện 2 tiếng, trong đó đi bộ từ 12.000 - 14.000 bước (cỡ 8-10km). Hôm vừa rồi, tôi ngồi tổng kết thì anh đoán tháng 10 tôi đi bộ được bao nhiêu km không? 263 km. Bây giờ tôi mới hiểu cái gì cũng có ngưỡng, nếu anh vượt qua ngưỡng thì anh sẽ sang một trạng thái khác. Những bước đi bộ đầu tiên khiến nhịp tim tôi tăng lên nhưng đến một lúc nào đó nhịp tim sẽ hằng định trở lại. Và sau khoảng 10 phút thì tôi cảm tưởng như đang thưởng thức bước chân của mình. Nhưng, để đạt được như vậy thì ta phải khổ luyện và khó nhất là vượt qua được bước đầu tiên.

- Nghe nhà báo Vũ Công Lập kể về câu chuyện tập luyện của mình, thực sự tôi thấy có nhiều động lực rèn luyện hơn, không chỉ trong lĩnh vực rèn luyện sức khỏe mà còn nhiều lĩnh vực khác nữa. Thực sự là dù đang ở tuổi sung sức nhưng tôi tự thấy sức tập luyện, sức làm việc, sức nghĩ ngợi của mình vẫn là vô cùng yếu ớt.

- Tôi nghĩ cuộc đời chúng ta được ghép lại bởi nhiều đơn vị và chúng ta phải nỗ lực rèn luyện để mỗi đơn vị đều trở nên hữu ích với mình. Ví dụ bây giờ anh thắc mắc: tôi cứ đi bộ liên tục, vậy thời gian đâu để làm các công việc khác? Bây giờ tôi phải chia việc đi bộ thành 3 đơn vị, mỗi đơn vị khoảng 3.000-4.000 bước chân. Trước khi đi bộ, tôi đọc một đoạn sách nào đó. Đọc thì chưa thấm ngay. Đến khi đi bộ, tôi nhẩm lại, ngẫm lại cái mình vừa đọc cho nó thấm thía. Tôi rèn luyện theo cách đó để các đơn vị trong cuộc đời không trôi qua lãng phí. Giờ đây tôi đã luyện được khả năng vừa đếm bước chân, vừa ngẫm nghĩ một điều gì đó.

- Xin chân thành cảm ơn ông. Chúc ông tiếp tục tràn đầy sức khỏe và lan tỏa năng lượng tích cực cho những người xung quanh!

Phan Đăng (thực hiện)
.
.