Bí mật cánh đồng hoang
Cánh đồng hoang ấy rộng mênh mông, cỏ mọc ngút ngàn, ít người qua lại, xa làng xa xóm. Tưởng quãng đồng ấy cứ để hoang mãi, nhưng ai ngờ một ngày Trần Thị Thuần - người phụ nữ nhỏ bé tay chống gậy, bước thập thễnh, khó nhọc tìm đường ra… ngắm đất.
Rồi Thuần quyết định sẽ lập nghiệp ở chính chỗ ấy. Ai cũng bật cười vì ý định viển vông ở nơi địa bất lợi, nhân bất hòa này. Thế mà, cánh đồng hoang ấy lại là nơi chứa những điều bí mật…
1. Đó là năm 1984, cô bé Trần Thị Thuần ở xã Đông Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội lên một tuổi, đang chập chững những bước đi đầu tiên. Chẳng ngờ sau một đợt sốt cao, chân trái của cô bé dần teo quắt lại, không thể đứng lên được nữa, chỉ bò lê la khắp nhà. Bố mẹ thương con, dù nhà nghèo cũng vay mượn tiền cho con gái đi chữa trị, nhưng càng chữa càng vô vọng. Từ đó cho đến khi 9 tuổi, cô bé Thuần chỉ di chuyển bằng hai tay và hai đầu gối.
Không đi được, nhưng Thuần bò rất nhanh. Từ nhà ra ngõ, Thuần lê la dọc đường làng, rồi bò ra cánh đồng chơi đùa cùng lũ trẻ trong làng. Tuy bị tật nguyền, nhưng bù lại Thuần không hề nhút nhát, tự ti mà mạnh bạo, sôi nổi. Sự tật nguyền của cơ thể không bó buộc nổi trí tưởng tượng bay bổng, sức khám phá và ước muốn được đi đây đi đó của Thuần.
"Ngày bé tôi bò lê lết nhiều đến nỗi tay lúc nào cũng lấm lem đất cát, hai đầu gối sứt sát, thâm tím, chai lì, cảm tưởng như mòn cả chân, cả đầu gối. Nhiều người bảo không đi được thì quanh quẩn ở nhà thôi, đừng lang thang làm gì cho khổ. Nhưng ở nhà tù túng tôi còn thấy khổ hơn" - Thuần nhớ về những tháng ngày thơ bé.
Thuần đến tuổi đi học mà bố mẹ cũng chẳng dám cho đi, phần vì con thương đi lại khó khăn, phần vì sợ con bị bạn bè trêu chọc. Hàng ngày, khi các anh chị trong xóm cắp sách đi học, Thuần bò theo sau. Đến lớp, Thuần ngồi nem nép ngoài cửa lớp, chăm chú như nuốt từng lời cô giảng. Nhìn vào đôi mắt to tròn, thông minh của cô bé tật nguyền, cô giáo thấy thương và cảm mến, nhiều lần đến nhà thuyết phục bố mẹ cho Thuần đến lớp.
"Cháu cứ bò lổm ngổm thế này thì đi học thế nào, mà có học được không mà đi cô giáo ơi"… - Câu nói bất lực của bố như một gáo nước lạnh tạt vào Thuần. Nhưng chính gáo nước ấy lại khiến cô nhận thức rõ hơn về tình trạng của bản thân và thấy rằng cần phải thay đổi.
Rồi một ngày ngồi đun bếp, sẵn có cái que cời than, Thuần thử vin vào đó mà đứng dậy. Lúc đầu không làm nổi, nhưng Thuần cắn răng chịu đau, cố gắng rướn người lên. Dần dần, cô bé đứng vững được nhờ vào cây gậy. Sau 9 năm, thời khắc rời mặt đất để đứng lên, Thuần mừng đến trào nước mắt. Đứng được rồi, Thuần quyết tâm tập đi. Và cuối cùng, cô bé cũng chống gậy di chuyển từng bước một. Đi được rồi, Thuần xin bố mẹ cho đi học.
Mười tuổi, cô bé bắt đầu học lớp một. Nhiều lần các bạn trêu chọc ném gậy đi, Thuần đành phải bò về nhà. Tuy vào học muộn nhưng Thuần thông minh và ham học nên cô giáo tin tưởng giao làm lớp trưởng. Điều đó làm Thuần vừa bất ngờ vừa vui. Các bạn cũng không bắt nạt Thuần nữa mà trở nên quý mến. Vậy là từ lớp một đến lớp chín Thuần đều làm lớp trưởng, rồi làm liên đội trưởng của trường. Năm nào Thuần cũng đi thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và đoạt giải. Bố mẹ bất ngờ về cô con gái nhỏ, mừng vì "con hỏng chân nhưng được cái đầu".
Nhưng dù Thuần có cố gắng đến đâu thì việc tiếp tục học tập cũng là điều xa vời. Cô ở nhà, rồi lấy chồng, sinh con. Hai vợ chồng vừa chăm con nhỏ vừa làm thuê ở một xưởng mộc. Những ngày tháng khó khăn mọi bề như thử thách ý chí của Thuần. Về sau, vững nghề hơn, hai vợ chồng Thuần mở xưởng mộc, thuê thợ về làm. Người nhỏ thó, đi lại khó khăn nhưng Thuần khéo tay và bạo tay, thậm chí cả việc cầm cưa máy cưa gỗ Thuần cũng dám làm.
Khi con trai đầu học lớp ba, con trai thứ hai vừa lên lớp một thì biến cố lớn lại xảy đến. Sau một vụ tai nạn xe máy, Thuần bị gãy một bên chân, đúng vào chân trái tật nguyền, phải mổ nẹp vít đinh cố định. Chồng Thuần, sau vài ngày chăm vợ trong bệnh viện đã lẳng lặng bỏ đi, không một tin nhắn để lại, không một câu giải thích. Từ viện trở về, Thuần đã yếu lại càng yếu hơn, lại nhúc nhắc tập đi những bước đi đầu tiên.
Một nách hai con, Thuần thường ngày đã chênh vênh nay lại càng chới với. Nhưng hoàn cảnh trớ trêu không làm gục ngã được người phụ nữ cứng cỏi. Thuần quyết tâm làm đủ mọi công việc để nuôi con. Thuần và mấy anh chị em khuyết tật ở địa phương tụ nhau lại để có bầu bạn động viên nhau, túc tắc mở cửa hàng photo và trồng thảo dược bán thô như hoa nhài khô, trà xanh khô. May mắn, sau những tháng ngày vất vả, Thuần lại tìm được một bờ vai vững chắc để tựa vào.
Thuần yêu thích loài hoa nhài bởi sắc trắng tinh khôi và hương thơm đượm dịu. Trồng một vài khóm nhài, Thuần mày mò tự chế biến trà nhài kết hợp với một số loại thảo dược. Bố mẹ, rồi bạn bè uống trà nhài do chính tay Thuần chế biến đều khen trà thơm ngon. Dù mơ hồ, ý tưởng về cây hoa nhài dần nhen lên, Thuần mơ ước có được mảnh đất rộng để trồng hoa, sẽ gây dựng mô hình làm trà hoa nhài thay vì chỉ trồng hoa cung cấp nguyên liệu thô.
2. Thuần bé nhỏ, tật nguyền. Bởi thế, làm việc gì chị cũng thường nhận về những câu hỏi nghi ngờ thay vì lời động viên, hỗ trợ. Nhưng chị bảo phải cảm ơn tất cả mọi sự ngờ vực đó đã trở thành động lực để chị vươn lên. Chị quyết tâm thành lập Hợp tác xã Tâm Ngọc vào tháng 10-2019 với bảy thành viên đều là người khuyết tật.
Tháng 3-2020, thời điểm đại dịch COVID-19 ập đến, Thuần quyết tâm tìm một khu đất để thỏa đam mê trồng trọt. Thấy một khu đất bỏ hoang đã lâu, Thuần hỏi thuê. Chẳng ngờ, nhiều người nhìn Thuần lắc đầu ái ngại: "Mấy đứa tấp ta tếp tểnh, đi chả xong, vướng ngọn cỏ đã ngã thì làm được gì ở nơi đồng không mông quạnh này. Người lành còn không làm ăn được thì người khuyết tật làm sao nổi". Lại một sự nghi ngờ nữa dành cho Thuần, nhưng Thuần quen rồi, càng quyết tâm thuê đất.
Bảy thành viên của Hợp tác xã Tâm Ngọc đã có những tháng ngày bỏ sức người để biến sỏi đá thành cơm. Không sử dụng thuốc diệt cỏ, chỉ lấy sức người tàn tật ra "chiến đấu". Biết bao mồ hôi, tiền của, công sức Thuần và sáu anh chị em khuyết tật đồng lòng dốc sức bỏ ra để biến khu đất hoang thành trang trại trồng trọt. Cả khu đất như được phù phép, quanh năm xanh mát, trồng đủ các loại từ cây dược liệu đến cây ăn quả. Những người ngày trước thương hại Thuần, giờ ngạc nhiên lắm. Họ không ngờ những người thiếu chân, thiếu tay, mắt kém lại biến đất thành vàng.
Thuần khéo tay, mát tay và kĩ lưỡng trong các khâu trồng trọt theo tiêu chuẩn sạch. Chẳng lúc nào Thuần chịu để đầu óc nghỉ ngơi, luôn có những dự định, kế hoạch trồng trọt nối tiếp nhau. Thuần chịu đi, ở đâu có thể học hỏi, tìm hiểu được về cách trồng, công dụng của các loại thảo mộc, là Thuần tìm đến, bất chấp xa gần. Chiếc gậy vịn vào, dáng người bé nhỏ, bước đi xiêu vẹo, nhưng cung đường thì nhiều người phải nể.
Lúc đầu chỉ có bảy anh chị em góp sức. Dần dần, nhiều người khuyết tật đến xin làm, có cả những người từ vùng cao xuống. Thuần đều nhận và dạy việc, tạo cơ hội cho họ được làm việc để tự nuôi sống bản thân. Dựa vào từng dạng tật, Thuần sẽ sắp xếp công việc phù hợp cho mỗi người. Giữa trang trại, ngôi nhà nhỏ làm bằng tôn cách nhiệt được dựng lên, nhìn xa như một tổ chim xanh.
Ở tổ chim ấy, từ Giám đốc hợp tác xã tới nhân viên đều cùng trú mưa trú nắng, cùng bạc mặt trên đồng ruộng từ sáng tới tối, cùng nấu những bữa cơm, cùng hát ca mỗi tối. Thuần bảo, đấy là "thiên đường" của những người khiếm khuyết. Bởi có những người khuyết tật khi ở gia đình bị nhốt vào một xó nhà, cuộc sống chỉ là sự tồn tại. Chỉ khi đến hợp tác xã, họ được làm việc, được giao lưu, họ mới dần nhận ra họ vẫn còn chút giá trị trong cuộc đời này.
Bởi thế, suốt một thời gian dịch bệnh COVID-19, mọi hoạt động trao đổi hàng hóa của Hợp tác xã bị đóng băng, không hề có bất cứ nguồn thu nào, nhưng Thuần không nỡ để họ về với gia đình. Ngoài trồng dược liệu, Thuần trồng thêm rau màu, củ quả, cây ăn trái để tự cấp tự túc cho cuộc sống của mấy chục con người. Nhiều người gọi Thuần là "CEO tài năng", bởi việc quản lý, phân công công việc cho những người khuyết tật của Thuần chả giống ai, chả ngày nào giống ngày nào.
Nhân viên sức khoẻ yếu, cả tháng có khi chỉ đi làm được 10 ngày là nghỉ. Để giữ được nhịp lao động, Thuần phải luân phiên, sắp xếp lao động tùy vào tình hình thực tế từng ngày. "Các bạn ấy trí não không nhanh nhẹn nên chỉ làm được những việc đơn giản, dập khuôn. Ví dụ bảo các bạn nhặt cỏ, các bạn ấy sẽ làm. Nhưng phải luôn trông chừng nếu không khi nhặt cỏ xong các bạn sẽ tiện tay nhổ hết cả cây. Có những bạn khi được giao đóng gói loại trà này gửi cho khách vẫn nhất nhất đóng gói loại trà khác. Không ít lần tôi phải gọi điện xin lỗi khách. Hoặc nhiều bạn mãi vẫn không nhớ được cung đường về nhà nên thường xuyên đi lạc" - Thuần vui vẻ kể những tình huống dở khóc dở cười.
Bây giờ thì cái tên Trần Thị Thuần và Hợp tác xã Tâm Ngọc đã trở nên "hot". Không chỉ bởi những sản phẩm trà thảo dược có tiếng, cây quả và hoa trồng theo phương pháp hữu cơ, mà còn bởi đó là sản phẩm được làm ra từ những người khuyết tật. Ngày nào nữ giám đốc hợp tác xã cũng chống gậy ra đồng bãi, luôn chân luôn tay làm việc. Chiếc gậy vẫn đều đặn in dấu chân tròn trên đồng đất, để giúp đất nở hoa…