Cô gái Nùng và hành trình tới Tokyo

Thứ Tư, 02/03/2022, 13:32

“Nhà mình có ba chị em gái, bố mẹ đặt tên là Anh, Nga, Nhật. Chẳng biết có phải mình tên Nhật, nên có duyên gắn bó với xứ sở Mặt trời mọc hay không. Chỉ biết rằng 10 năm sống và làm việc tại Tokyo, dù có những thăng trầm, nhưng điều mà mình cảm thấy vui và ấm áp là luôn kết nối và hỗ trợ nhiều mặt cho cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản”, Bế Minh Nhật – cô gái người dân tộc Nùng đã chia sẻ với tôi như vậy.

Nhật biết ơn hành trình từ quê hương Đình Cả, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên tới thủ đô Tokyo đã khiến cô vững vàng hơn, cả lúc nhìn thấy được cầu vồng hay lúc vượt qua những cơn mưa.

Vấp phải khủng hoảng

Không giấu giếm, Bế Minh Nhật tự tổng kết những dấu mốc đáng nhớ với cô. Điều khiến tôi ngạc nhiên là những dấu mốc đó lại gắn với những lần cô gái sinh năm 1987 này rơi vào khủng hoảng. Năm 21 tuổi, Nhật tốt nghiệp khoa Kinh tế đối ngoại - Đại học Ngoại thương và sau đó đi làm tại một công ty của Nhật tại Hà Nội. Nhật rơi vào khủng hoảng lần đầu tiên vì công việc áp lực và sự khác biệt so với kỳ vọng của bản thân.

Cô gái Nùng và hành trình tới Tokyo -0
Bế Minh Nhật – cô gái người dân tộc Nùng đã gắn bó với Tokyo 10 năm.

Năm 2012, khi Nhật 25 tuổi, cô nhận được học bổng ADB cho chương trình đào tạo thạc sỹ ngành Chính sách công tại Trường Đại học Tokyo danh giá. Mọi chuyện tốt đẹp cho đến khi Nhật học xong thạc sĩ và rơi vào khủng hoảng lần hai. Khi ấy, Nhật đã lạc lối trước nhiều lựa chọn cho cuộc đời: ở lại hay về nước, học lên hay đi làm. Mà nếu đi làm thì làm công việc gì, nếu học lên thì học như thế nào, cần thu xếp thời gian, tài chính, công việc và chuyện riêng tư ra sao…

Cuối cùng, Nhật đã quyết định làm nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS) với học bổng của Quỹ Học bổng Quốc tế Hirose ở tuổi 28. Với những thành công đến sớm, mọi chuyện tưởng như cứ thế thẳng tiến, nhưng Nhật lại rơi vào khủng hoảng lần ba với nhiều loại phúc cảm yếu kém về bản thân. Thời gian đó, trong mắt bạn bè, Nhật là người thành công và có tương lai phía trước, là niềm tự hào của gia đình và bà con dân bản người Nùng quê Nhật. Nhưng có ai biết đâu rằng trong tâm hồn Nhật luôn giằng xé nhiều mâu thuẫn. Nhật thấy ghét những gì cô đang theo đuổi, có lúc muốn từ bỏ nhưng lại không thích cảm giác là kẻ thất bại.

Suốt 4 năm sau đó, Nhật rơi vào trầm cảm kéo dài, không ăn không ngủ được và thường có suy nghĩ tiêu cực. Không thể chia sẻ những rối lẫn của bản thân với gia đình ở Việt Nam, Nhật cảm nhận rõ tình trạng tồi tệ của mình và luôn tự dằn vặt vì điều đó. Muốn tự thoát ra, cô đã tìm đọc và nghiên cứu sâu hơn về tâm lý, đồng thời tìm đến những chuyên gia tâm lý xin tư vấn và tự áp dụng một số phương pháp trị liệu.

Từ năm 2014, song song với quá trình học tập, Nhật làm việc tại MPKEN - một tổ chức phi lợi nhuận của Nhật Bản với nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên và thanh niên Việt Nam rèn luyện kỹ năng, tìm việc và ổn định cuộc sống tại đất nước này. Có điều kiện được gặp nhiều “đồng hương”, Nhật nhận ra rằng khủng hoảng mà cô vấp phải không phải của riêng cô, mà của rất nhiều người Việt Nam ở Nhật. Hoàn toàn khác với những chuyến đi du lịch ngắn ngày, chỉ khi sống và làm việc lâu dài ở nước ngoài thì áp lực công việc, những cú sốc tâm lý vì sự khác biệt văn hoá, nỗi cô đơn khi phải xa quê hương mới thấm dần dẫn đến trạng thái hẫng hụt, lo lắng về tương lai. Lâu dần có thể dẫn đến trầm cảm với nhiều loại cảm xúc phức tạp, đặc biệt là suy nghĩ tiêu cực về bản thân.

Theo kết quả thống kê mới nhất, hiện có khoảng hơn 400 nghìn người Việt Nam ở Nhật. Trong đó, hai nhóm người sang Nhật lao động xuất khẩu và du học sinh chiếm số lượng lớn và cả hai nhóm này  đều gặp nhiều áp lực khó giải toả. Nhật ám ảnh với những cái chết trong vô vọng, bế tắc của người Việt ở xứ sở mặt trời mọc bằng cách nhảy tàu hoặc tự huỷ hoại cơ thể mình. Hơn ai hết, Nhật nhận ra rằng cần có người lắng nghe, chia sẻ và hỗ trợ kịp thời cho họ.

Ngã rẽ bất ngờ

“Chị ơi, em cảm thấy đau đớn trong lòng mà không sao thoát ra được. Chỉ còn một cách, em sẽ tự làm cơ thể mình bị thương. Biết đâu sự đau đớn về thể xác sẽ giúp em quên đi nỗi đau trong lòng…” – Nhật đã bị đánh thức bởi những lời này của bạn nữ sinh viên H.A gọi điện cho cô lúc 2 giờ đêm.

Nhận thấy H.A đang trong tình trạng rất xấu, cần hỗ trợ tâm lý kịp thời nếu không sẽ dẫn đến hậu quả đau lòng nên Nhật đã chủ động kéo dài cuộc nói chuyện đến 5 giờ sáng. H.A (21 tuổi) đang là sinh viên năm thứ 3 tại Nhật. Cô gái xinh xắn, học giỏi, tính tình vui vẻ được nhiều người quý mến. Nhưng sự sôi nổi chỉ là vẻ bề ngoài, không ai có thể biết được rằng H.A đang bị tổn thương trong mối quan hệ tình cảm với bạn trai cũng là một người Việt Nam ở Nhật. Lâu dần, cô gái suy sụp, mất phương hướng sống, không thiết ăn uống và mất ngủ kéo dài. Ở Nhật, H.A hầu như không có bạn bè thân thiết, lại xa gia đình nên chẳng biết chia sẻ cùng ai, cứ nén lại và ngày càng tồi tệ khiến cô nghĩ đến cái chết.

Cô gái Nùng và hành trình tới Tokyo -0
Bế Minh Nhật (giữa) luôn nỗ lực trong việc kết nối và hỗ trợ nhiều mặt cho cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản.

Nhận thấy đây là trường hợp mắc rối loạn lưỡng cực, Nhật đã theo sát H.A. Hàng ngày, Nhật tìm cách kiểm soát những cảm xúc xảy ra với H.A để có những lời khuyên và chỉ dẫn kịp thời. Hiện tại, H.A vẫn có những cơn chấn động tâm lý khi cảm xúc tiêu cực kéo đến và cô gái đang cố gắng vượt qua với sự hỗ trợ sát sao của Nhật.

Nếu một vài năm trước, Bế Minh Nhật được biết đến là người có những bài phản biện sắc sảo về chính sách công trên mặt báo. Thì hiện tại, Nhật là cái tên quen thuộc và đầy tin cậy với cộng đồng người Việt ở Nhật qua các hoạt động tư vấn hỗ trợ tâm lý hiệu quả. Đó là một ngã rẽ lớn mà phải mất một thời gian dài trăn trở Nhật mới có thể đưa ra nổi quyết định của mình. Đó là năm 2020, sau khi đã thoát khỏi cơn trầm cảm và bình ổn trở lại, Nhật nhận thấy mình cần phải tự tin để thay đổi. Không chỉ thế, Nhật muốn làm điều thiết thực hơn, đó là hỗ trợ người Việt ở Nhật học cách đối mặt với những khó khăn trong quá trình tiếp biến văn hóa, trong việc hòa nhập hay lựa chọn lối đi của riêng mình. Nhưng nếu chỉ dựa vào trải nghiệm cá nhân và những điều tự học thì sẽ chẳng đủ để làm điều đó. Nhật đã đưa ra quyết định chẳng giống ai, đó là bỏ dở việc học tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản để rẽ sang một hướng khác trong sự ngỡ ngàng, tiếc nuối của thầy cô và bạn bè.

Ngay sau đó, Nhật lao vào học để lấy chứng chỉ tư vấn tâm lý của một tổ chức tư nhân tại Nhật. Đang là nghiên cứu sinh, Nhật quay lại làm sinh viên theo học chương trình cử nhân Tam lý học tại Trường Đại học Mở Nhật Bản. Năm 2021, cô bắt tay thực hiện dự án Tomorrow.Care Project chuyên hỗ trợ tâm lý online dành riêng cho người Việt ở Nhật. Điều khu biệt của dự án này là chỉ người Việt tư vấn tâm lý cho người Việt. Bởi theo Nhật, nếu tư vấn viên là người Nhật, thì rào cản ngôn ngữ, sự khác biệt về văn hóa hai nước sẽ khiến việc tư vấn không hiệu quả.

Khi bắt tay vào thực hiện dự án, Nhật càng thấy không ít gia đình Việt đang vấp phải những khủng hoảng sâu. Như chuyện nhà anh P. (sinh năm 1982) là một vệt buồn dài. Anh P. sang Nhật làm kĩ sư với mức thu nhập khá tốt. Để gia đình được  đoàn tụ bên nhau, chị T. vợ anh đã bỏ công việc ổn định ở Việt Nam để đưa hai con sang Nhật cùng chồng. Ở nơi xứ lạ, không biết tiếng Nhật, chị T. chấp nhận bắt đầu lại từ đầu. Là một người có trình độ, nhưng sang Nhật, chị T. chỉ có thể xin được công việc chân tay. Tưởng họ sẽ có những tháng ngày hạnh phúc, nhưng những áp lực từ đủ mọi phía bủa vây lấy gia đình nhỏ của họ. Đến nay, đã là năm thứ năm họ ở Nhật, nhưng mớ bòng bong ngày càng rối. Hai vợ chồng anh P. thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến bạo hành gia đình. Khi những xung đột không thể điều hòa, họ đã ly hôn ngay trên đất Nhật. Ngay cả sau khi chia tay, họ vẫn bế tắc và chán nản. Quá trình tranh chấp tài sản và quyền nuôi con đã ảnh hưởng nặng nề đến hai người con của họ. Hiện tại, anh P. đã tìm đến Nhật để được hỗ trợ tư vấn tâm lý.

Niềm vui của Nhật hàng ngày là được lắng nghe và tìm hiểu những vấn đề ngổn ngang của nhiều người Việt, cùng họ "dọn dẹp" và "sắp xếp" một cách ngăn nắp, gọn gàng hơn. Cô luôn ở bên cạnh và giúp họ học cách yêu thương bản thân, yêu thương những cảm xúc của mình. Thật khó có thể loại bỏ hoàn toàn những cảm xúc tiêu cực khỏi cuộc sống, điều quan trọng là phải học cách lướt qua nó, coi nó như một đợt sóng trào, để sau mỗi cú “nhảy sóng” sẽ vững vàng và trưởng thành hơn.

Ở xứ sở hoa anh đào, Nhật đã tìm được một nửa của đời mình. “Ông xã mình là người Nhật. Từ năm 2014, khi mình bắt đầu làm việc cho tổ chức MPKEN, chồng mình lúc ấy là sếp của mình. Bọn mình kết hôn năm 2019. Bây giờ vẫn thế, mình vẫn là nhân viên của chồng ở MPKEN. Bọn mình vẫn bền bỉ với những dự án, hoạt động phi lợi nhuận để hỗ trợ về nhiều mặt cho cộng đồng người Việt Nam ở Nhật. Anh ấy yêu quê hương Việt Nam, yêu văn hóa của người Nùng quê mình, cũng như mình yêu văn hóa Nhật Bản vậy”, Nhật chia sẻ.

Huyền Châm
.
.