Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và thú chơi "Cây ánh sáng"
Bộ sưu tập vô giá
Sau đó tôi mới biết nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có thú chơi giá nến từ hàng chục năm nay. Bộ sưu tập giá nến của anh thực độc nhất ở nước ta. Tôi cũng là người có thú sưu tập ấm trà nên rất tò mò về chuyện săn tìm giá nến của anh. Khi đụng tới thú chơi từ thuở còn đôi mươi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bỗng như trở về với những giấc mơ.
Những giá nến trong bộ sưu tập của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều |
Anh say sưa kể lại bao ký ức nóng bỏng. Dẫn tôi vào trong phòng sưu tập hàng trăm giá nến, anh trở nên trầm tĩnh như một ông già bồi hồi nhớ lại những câu chuyện cổ tích. Giá nến có những kiểu dáng khác nhau. Khi là một cô gái đang giơ cao bàn tay để nâng cây nến. Kia lại là một chú bé bằng gốm nhoẻn cười với vương miện đội trên đầu. Bởi đó sẽ là ngọn lửa màu sẽ bừng lên. Và đây là hình năm người khoác tay nhau trong niềm vui hoan ca chung quanh giá nến tựa bông hoa bất tử tràn ngập ánh sáng.
Bên cạnh giá nến cao lớn lại có những loại nhỏ xíu với hình trái tim dễ thương. Nhà thơ kể mỗi loại giá nến được dùng với những hoàn cảnh khác nhau. Bởi với anh mỗi khi thắp nến phải được coi là một nghi lễ được diễn ra.
Đó là khi nến được thắp để chào đón một sinh linh chào đời. Hoặc có thể những dàn nến cháy sáng với niềm vui bừng dậy trong lễ cưới trong nhà thờ. Còn khi hàng nến còn sưởi ấm cho một chuyến đi xa cách biệt ngàn trùng. Nhà thơ kể mỗi khi thắp nến là luôn nghĩ tới những điều tốt đẹp. Đó cũng có thể coi là một nghi lễ cuộc đời. Khi ấy độ âm vang của thi ca xuất hiện. Bay bổng và thâm trầm.
Nhiều lắm trong kho tàng của anh. Ngoài những giá nến bằng gỗ, nhà thơ còn sưu tầm nhiều chủng loại khác nhau. Nào giá nến bằng đồng, sắt, nhôm. Nào giá nến bằng sứ, bằng gốm, bằng thủy tinh hay pha lê. Thậm chí anh còn đưa cho tôi xem giá nến được mạ vàng, bạc. Anh kể hầu hết những kỷ vật này đều được sưu tầm từ nước ngoài. Hàng trăm giá nến đều nhuốm màu thời gian. Bởi có giá nến đã bị mòn tay cầm. Nhà thơ nói đây toàn là những giá nến cũ. Chúng đã có người dùng và có đời sống của nó.
Anh luôn tưởng tượng mỗi khi cầm cây giá nến là chạm vào bàn tay của ai đó. Chủ nhân cũ của nó đã truyền lại một hơi ấm tình người. Và khi đó những câu chuyện được bay bổng theo trí tưởng tượng của thi ca. Nhà thơ còn ước sẽ có một đêm đặc biệt trong đời. Anh sẽ mang hàng trăm giá nến bày theo hình trái tim được thắp sáng. Bạn bè sẽ vây quanh trò chuyện cùng với thùng vang nho của xứ sở Colombia. Khi đó mọi người sẽ đọc những câu thơ hay nhất của mình trong tiếng đàn dương cầm chậm rãi vang xa.
Ký ức chợt bừng dậy khi nhà thơ đứng bên cửa sổ. Đây là câu chuyện về một giá nến với bao điều thú vị. Đó là vào chuyến đi Mỹ năm 2003. Xong công việc anh trở về nhà nghỉ của một người bạn. Anh chợt thấy trong vườn có một cây gỗ bỏ rơi. Một ý tưởng đã nảy sinh. Ngay sau đó nhà thơ đi xuống phố tìm mua một bộ đục sắt.
Anh sẽ tạc một cây giá nến đặt trong khu vườn đầy hoa đó. Suốt ba ngày ròng rã với trí tưởng tượng mơ mộng nhất, anh đã tạc được một hình cô gái trẻ trung. Hai tay cô gái giơ lên cao. Đó chính là nơi những cây nến đặt lên được thắp sáng. Bức tượng giá nến hiện vẫn được bày trong vườn hoa đó. Giờ nó đã bị phai bạc theo thời gian. Nhưng bức tượng cô gái vẫn vẹn nguyên nét tươi trẻ với ngọn lửa không khi nào tàn phai.
Ngọn nguồn "Cây ánh sáng"
Ánh sáng ngọn nến luôn tạo một không gian thiền định. Ngọn lửa có sự hòa nhập giữa khoảng tối và sáng đầy gợi mở cho tư duy và trí tưởng tượng. Tôi đoan chắc nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã viết không ít những bài thơ trong sự ảo mộng ấy. Bởi không gian trong thơ anh luôn là sự đối lưu, đôi khi khốc liệt giữa ánh sáng và bóng tối.
Khúc nhạc ánh sáng |
Trong trường ca “Nhịp điều châu thổ mới" của anh ngọn lửa nến đã bừng lên. Đó là một cuộc tiễn đưa người thân về cõi vĩnh hằng. Tâm trạng thi sĩ đã xốn xang trong nhịp điệu của một nghi lễ: "Nến được đốt lên sớm hơn mọi thế kỷ trước/ Những vết rạn dương gian chầm chậm tràn đầy". Ánh sáng nến trở nên trầm tư trước nỗi niềm: "Ra đi như giấc ngủ của cây, và hơn thế/ Như tan chảy qua những kẽ tay ký ức, và hơn thế/…Ra đi… đó là ánh sáng".
Ánh sáng và bóng tối là mảng màu tâm trạng hiện lên trong thơ Nguyễn Quang Thiều từ rất sớm. Trong những không gian đó, ý tưởng thi nhân được bày tỏ. Tôi rất nhớ ánh sáng của ngọn đèn dầu trong bài thơ "Bài hát về cố hương" anh đã viết năm 1992.
Đó là ánh sáng thân thiện của đồng quê hiện lên trong ký ức: "Tôi hát bài ca về cố hương tôi/ Trong ánh sáng đèn dầu/ Ngọn đèn đó ông bà tôi để lại/ Nó đẹp và buồn hơn tất cả những ngọn đèn/ Thuở tôi mới sinh ra/ Mẹ đã đặt ngọn đèn trước mặt tôi/ Để tôi nhìn mặt đèn mà biết buồn, biết yêu và biết khóc". Mới đây tôi được biết "Bài hát về cố hương" là tên tập thơ của anh mới được chọn in bằng tiếng Tây Ban Nha (gồm 80 bài). Tác phẩm sẽ được phát hành tại các nước như Colombia, Venezuela, Cuba, Chile…vào năm 2021.
Đúng như anh quan niệm, ánh lửa coi là một nghi lễ mỗi khi được cháy lên. Ngọn nến có đặc trưng đó trong thi ca. Tôi như đắm chìm trong nghi lễ sám hối qua đêm tối với trường ca "Cây ánh sáng". Đây là một thi phẩm trong tập "Dưới ánh trăng và một bậc cửa" của Nguyễn Quang Thiều (NXB Hội Nhà văn -2020). Câu chuyện bắt đầu từ: "Ngồi sâu trong bóng tối bệnh tật, một thi sĩ trong thị xã bé bỏng bị trúng mũi tên của số phận bất trắc và ái tình, trái tim chàng nhiễm trùng sưng tấy". Sau bao đấu tranh giằng xé tâm trạng muốn tìm đến cái chết để giải thoát nhưng ánh sáng cuộc đời đã giải thoát cho chàng.
Cuối cùng số mệnh đã được cứu rỗi: "Và lúc này những cái cây trên thế gian, những ngọn nến xanh khổng lồ thắp lên trên tất cả con đường". Đó cũng là giây phút trong đêm tối: "Khi chàng đủ can đảm đứng lên thì ban mai lại đến với chàng sớm hơn thần chết một bước chân". Và khi ấy "Dòng sông vươn lên, những vòm cây được thắp sáng bình minh". Chàng thi sĩ đã vượt qua cái chết để tồn tại vì những cây ánh sáng đã biến chàng "trở thành một chiếc lá nhỏ không bao giờ tàn úa/ Trên cành của tán lá ban mai kỳ vĩ trong vũ trụ ngập tràn".
Cung đàn trầm tư
Mới đây khi có dịp làm một phim tài liệu cùng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tôi phát hiện ra anh chơi đàn dương cầm khá hay. Trong lúc chờ đợi sẵn có cây đàn dương cầm để bên góc nhà anh bất ngờ ngồi xuống lướt nhẹ những phím đàn rồi chơi bài "Sonat Ánh trăng" (Beethoven). Nhà thơ kể tâm trạng mỗi khi chơi đàn gần đúng với hồn thơ đã thể hiện trong thi phẩm "Bài hát về cố hương". Giọng anh trầm ấm cất lên: "Tôi hát bài hát về cố hương tôi/ Khi tất cả đã ngủ say/ Dưới những vì sao ướt đẫm/ Những ngọn gió hoang mê dại tìm về". Nhà thơ thường thắp ngọn nến bên bậc cửa sổ. Những giai điệu cất lên trong những nỗi niềm trăn trở về quê hương hay về con sông Đáy thân quen.
Thơ anh thường lắng đọng sâu sắc về cha mẹ và quê hương. Tiếng đàn dương cầm vẫn vang ngân trong ánh sáng ngọn nến. Một không gian ấm áp và dịu dàng kề bên. Nhưng lại có một không gian huyền ảo xa xôi. Chuỗi âm thanh lăn hoài như sóng nước hiền hòa. Những câu thơ của anh bỗng vang lên trong tôi: "Sông Đáy ơi chiều nay tôi trở lại/ Những cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởi/ Em đã mang đôi môi màu dâu chín sang đò một ngày sông vắng nước/ Tôi chỉ gặp những bẹ ngô trắng trên bãi/ Tôi nhớ áo em tuột rơi trên bến kín một trăng xưa" (“Sông Đáy”).