Nhớ "nhà khổ hạnh" Trần Đức Thảo
- Nhà giáo Lê Gia Linh: Người thờ triết gia Trần Đức Thảo tại từ đường
- Triết gia Trần Đức Thảo: Đạo đức người trí thức
Đã nhiều trang sách báo trong và ngoài nước viết về ông - Giáo sư triết học Trần Đức Thảo. Con người ông sinh ra như chỉ để cống hiến cho triết học. Ông là người dám rũ bỏ mọi ràng buộc, hệ lụy của đời thường, để dồn hết tâm lực của mình cho... triết học.
Lớp cha chú, những người có học ở quê tôi thường lấy tấm gương ham học của gia đình ông để khuyên dạy lũ con cháu chúng tôi. Rằng đó là một gia đình hiếu học, có lòng yêu nước, yêu quê. Thời trước, Song Tháp còn là làng nghèo, người cha của ông, là cụ Trần Đức Tiến, có lòng hảo tâm đã bỏ tiền xây cây cầu bắc qua con ngòi để dân làng đi lại cho thuận tiện.
Cụ Tiến là người nho học chuyển sang tây học, luôn đi đầu trong việc xóa bỏ các hủ tục, kêu gọi mọi người học quốc ngữ, rồi cụ tham gia phong trào Đông kinh nghĩa thục. Chẳng biết đất Song Tháp tích tụ âm dương phát tích thế nào, mà hầu hết các ngôi mộ dài (mộ chưa sang cát) quê tôi đều đặt hướng quay đầu về Song Tháp, hướng đêm đêm có quầng sáng của thủ đô Hà Nội vọng về.
Sinh thời, triết gia Trần Đức Thảo sống như người khổ hạnh. Có lẽ người chú tâm làm những việc lớn, nên sao nhãng việc đời thường. Những năm tháng sống trong căn hộ khu tập thể Kim Liên, ông lặng lẽ như một cái bóng. Những người hàng xóm, là những người lao động tốt bụng, thi thoảng vẫn thấy ông cụ đạp cái xe đạp thiếu nhi Liên Xô thấp, phía sau buộc mớ rau, khi củ su hào, khi mấy thanh củi bé nhỏ như thanh đóm từ chợ về, tự lo cơm nước.
Từ lâu, ông quen cuộc sống một mình. Không vợ, không con. Hình như ông muốn khước từ tất cả hoặc số phận buộc ông như thế, để ông tập trung hết năng lực cho việc nghiên cứu triết học. Có khi, vừa đạp xe, ông vừa ngửa cổ lên trời, cười nói một mình. Họ đâu ngờ, đó lại là một triết gia danh tiếng thế giới.
Thời gian cuối đời, ông lại được nhà nước cử sang Pháp để nghiên cứu tiếp các công trình dang dở. Tuy ở ngay tại khu nhà đại sứ, nhưng ông vẫn lặng lẽ, lọ mọ như một cái bóng khiêm nhường và bí ẩn.
Cái số lận đận thì lận đận cho tới khi chết. Tâm niệm của ông, khi chết, được nằm yên nghỉ trên cánh đồng quê cha đất tổ, làng Song Tháp (Từ Sơn, Bắc Ninh). Nhưng rồi cũng không thực hiện được. Di hài của ông, Sứ quán của ta bên Pháp, đưa từ nghĩa trang Pere Lachaise về Hà Nội. Mà lọ tro cốt nhà triết học Trần Đức Thảo lại phải nằm đợi hơn bốn mươi ngày tại Nhà tang lễ Phùng Hưng, để chờ thủ tục.
Việc phân cấp chôn cất tại nghĩa trang Mai Dịch chỉ dành cho những người được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Giáo sư triết học Trần Đức Thảo chỉ được Huân chương Độc lập hạng Ba. Dùng dằng mãi, di hài ông được chuyển về chôn cất tại khu A, nghĩa trang Văn Điển.
Thương thay, người tri thức lớn, khi chết rồi vẫn phải long đong.
Những ngày lọ tro cốt của ông còn dùng dằng tại nhà tang lễ Phùng Hưng, nhiều người cao tuổi ở làng quê Song Tháp vô cùng ái ngại. Họ muốn được đưa hài cốt nhà triết học về chôn cất tại nghĩa trang quê hương. Nhưng lực bất tòng tâm. Người cháu thân thiết của nhà triết học, người nhà gần gũi duy nhất, đã là người cao tuổi, đang ốm yếu trong thành phố Hồ Chí Minh.
Những cán bộ địa phương sở tại, là thế hệ trẻ, họ không hiểu rõ tầm vĩ đại và gốc gác của người tri thức xa quê lâu năm. Không ai dám quyết việc này. Và thế là, nguyện vọng trở về nằm nghỉ trên cánh đồng quê cha đất tổ của nhà triết học Trần Đức Thảo không thành hiện thực.
Nhiều giáo sư hàng đầu bộ môn khoa học xã hội, những năm 1956-1957, may mắn được là học trò của ông, đều chung nhận định, đó là người thầy "siêu sư phạm".
Trường đại học Sư phạm những năm ấy luôn ấn tượng những tiết giảng của triết gia Trần Đức Thảo. Đấy là người thầy đặc biệt, lên lớp không mang giáo án, không ngồi ghế, không nhìn học sinh, mà ông thường ngước nhìn vòm cao giảng đường. Khi giảng về các trào lưu triết học đình đám thế giới, thi thoảng ông mỉm cười một mình.
Ảnh: L.G. |
Theo GS Nguyễn Đình Chú, thì đó là người thầy tưởng như "phản sư phạm", nhưng thật là "siêu sư phạm". Con đường nghiên cứu triết học của ông luôn thống nhất, thông suốt. Nhưng cuộc đời của ông lại chịu nhiều khúc ngoặt, gập ghềnh.
Từ giảng đường sang trọng tại thủ đô Pa-ri hoa lệ, ông tự nguyện về nước, hăng hái lên chiến khu Việt Bắc tham gia cách mạng, với lý tưởng phụng sự Tổ quốc. Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng vui mừng đón tiếp ông. Song Bác Hồ và thủ tướng cũng băn khoăn vì cách mạng đang thời kỳ khó khăn, không có đủ tài liệu và phương tiện để triết gia làm việc.
Ngay vụ Nhân văn giai phẩm, Trần Đức Thảo cũng chịu nhiều hệ lụy. Chỉ khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng trực tiếp gửi tấm danh thiếp động viên, ông mới đỡ phiền túy. Những học giả đương thời với ông, đều kính trọng mà nói rằng "Ông vừa là sản phẩm, vừa là nạn nhân của thời đại. Đồng thời, là người góp phần tạo ra thời đại".
* * *
Trong số các bức chân dung triết gia Trần Đức Thảo, theo tôi, bức chân dung sơn dầu do họa sỹ Bùi Quang Ngọc vẽ, là đẹp nhất, thể hiện đúng nhất cốt cách của triết gia.
Họa sỹ Bùi Quang Ngọc là người bạn vong niên và từng làm việc cùng tờ báo với tôi một thời gian dài. Họa sỹ Ngọc kể, bức chân dung vẽ vào những năm tháng cuối, trước khi ông Thảo sang Pháp. Vẽ ròng rã cả mấy ngày liền. Vẽ với lòng trân trọng triết gia, cùng nỗi niềm sẻ chia và đồng cảm của một họa sỹ từng chịu nhiều hệ lụy, thăng trầm. Bức chân dung thể hiện được thần thái của triết gia: Vầng trán cao. Đôi mắt nghĩ ngợi, thẳm buồn.
Khi họa sỹ Bùi Quang Ngọc trao bức tranh cho triết gia Trần Đức Thảo, khuôn mặt đau khổ của triết gia chợt ánh lên niềm vui trong trẻo.
Triết gia trân trọng treo bức tranh lên tường.
Rồi ông loanh quanh tìm trong căn phòng trống trơn và sơ sài của mình một cái gì đó. Mà không có gì thật. Cuối cùng, ông bóc tấm ảnh mình trong thẻ chứng minh thư, trao tặng cho họa sỹ.
Đó là kỷ niệm thiêng liêng của triết gia Trần Đức Thảo với họa sỹ Bùi Quang Ngọc. Tấm ảnh nhỏ bé đó, họa sỹ vẫn lưu giữ cho đến ngày nay.
Một con người tầm vóc Giáo sư Trần Đức Thảo là người quê làng Song Tháp (Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh). Ông sinh ngày 26-9-1917, mất ngày 24-4-1993, từng là học sinh xuất sắc của trường Albert Sarraut (Hà Nội). Năm 1935, đỗ tú tài xuất sắc, ông theo học Trường luật Hà Nội. Năm 1936, ông được gửi sang Pháp học. Năm 1939, ông thi đỗ vào Trường cao đẳng sư phạm phố d'Ulm (Pa-ri), trường nổi tiếng về truyền thống tư tưởng tân tiến, văn hóa, khoa học. Đây cũng là nơi đào tạo các nhà tư tưởng, chính khách cho nước Pháp. Năm 1944, ông bảo vệ thành công thạc sĩ triết học. Trần Đức Thảo là một trí thức có lòng yêu nước cao cả, sẵn sàng hiến thân cho cách mạng. Giã từ Pa-ri, thủ đô ánh sáng với đầy đủ tiện nghi cho sinh sống và nghiên cứu, ông tự nguyện về Việt Nam, vào chiến khu Việt Bắc tham gia cách mạng, 1951-1952. Hòa bình 1954, ông được cử làm Phó Giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa. Là Chủ nhiệm khoa Lịch sử, dạy môn Lịch sử triết học ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-1957). Những hướng nghiên cứu chính của triết gia Trần Đức Thảo, là: Đối chiếu hiện tượng học của Hussert với chủ nghĩa duy vật biện chứng. Sự chuyển hóa phép biện chứng duy tâm Hegel thành phép biện chứng duy vật ở Mác, cùng vai trò của chủ nghĩa Mác trong nhận thức và cải tạo thế giới. Nhà thơ Huy Cận nhận định "Trần Đức Thảo là nhà triết học lớn của thế kỷ". Giáo sư Trần Văn Giàu thì khẳng định "Việt Nam chỉ có một nhà triết học duy nhất là Giáo sư Trần Đức Thảo". Năm 2000, Giáo sư Trần Đức Thảo được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình "Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức". |