Nhà giáo Lê Gia Linh: Người thờ triết gia Trần Đức Thảo tại từ đường

Thứ Sáu, 28/12/2018, 17:19
Nhà giáo Lê Gia Linh là cháu nội sử gia Lê Trọng Hàm, tác giả bộ "Minh Đô sử" đã thờ phụng Giáo sư (GS) Trần Đức Thảo - Trưởng khoa Lịch sử đầu tiên của Đại học Tổng hợp (Đại học KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội hiện nay - PV) tại từ đường ở Nam Định.

Cười mỉm với mây trời

Tin ông Lê Gia Linh tức Lê Gia Loãn ra đi đến với tôi hoàn toàn bất ngờ. Thế là cuộc gặp gỡ 60 năm ra trường của lớp sinh viên Đại học Sư phạm Văn khoa (1954 - 1957) ngày 5 tháng 11 năm 2017 cũng là lần cuối cùng tôi được gặp ông. 

Theo lý lịch thì ông sinh ngày 5 tháng 3 năm 1935 tại quê nhà: làng Hội Khê ngoại, xã Hải Nam, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Tên khai sinh của ông là Lê Gia Loãn, gặp biến cố cuộc đời, ông dùng bút danh Lê Gia Linh. Cái bút danh ấy đồng hành cùng ông đến cuối cuộc đời. Vậy là cái tuổi 83, tuổi hạn, ông đã không qua khỏi mệnh trời.

Tôi ít gặp ông, phần vì ông ở hai nơi, quê nhà Nam Định và Hà Nội, cứ chạy đi chạy về như thế. Vậy mà kể từ lần gặp nhau ở Hội thảo kỷ niệm 95 năm ngày sinh Giáo sư Trương Tửu (2008), ông đã có sự quý mến riêng dành cho tôi. 

Gần đây nhất, khi hoàn thành mộ GS Trần Đức Thảo, ông đã giới thiệu về tôi với đầy sự trân trọng, khiến tôi cũng phải đỏ mặt vì tấm tình của một bậc tiền bối dành cho kẻ hậu sinh. 

Nhà giáo Lê Gia Linh tại lễ khánh thành mộ Giáo sư Trần Đức Thảo cuối năm 2017 - ảnh Kiều Mai Sơn.

Tôi còn nhớ rằng, tại Hội thảo kỷ niệm 95 năm ngày sinh GS Trương Tửu (2008), người học trò cũ Lê Gia Linh từ đất Nam Định lên dự, đã đọc bài thơ chữ Hán thất ngôn tứ tuyệt có tựa đề: "Cung tiến Trương lão sư", như sau: "Tứ thập niên gian tỵ thế trần/ Cô trung kiếp nạn, diệu đan tâm/ Thần bút hồi sinh, thanh trọc hiển/ Phiêu phiêu hàm tiếu, thượng thanh vân".

Ông tự dịch bài Kính dâng hương hồn Giáo sư Trương Tửu như sau: "Bốn chục năm qua lánh cõi trần/ Cô trung vương nạn, tháng ngày trôi/ Bút thần sống lại - Đời trong sáng/ Lâng lâng cười mỉm với mây trời".

Giờ đây, ở bên kia thế giới, chắc ông cũng đang hội ngộ cùng thầy - Giáo sư Trương Tửu và đúng là cả hai thầy trò cùng "Lâng lâng cười mỉm với mây trời".

Cùng một lứa bên trời

Lê Gia Linh là người quý thầy mến bạn, song tính ông cũng thẳng băng. Ông yêu quý các thầy lâm kiếp nạn "cô trung" và ông cũng ghét ra mặt các thầy "ra roi" với đồng nghiệp.

Với bạn học cũng vậy, ông xót xa những người bạn "Cùng một lứa bên trời lận đận" với mình. Đó là bạn đồng môn Tuân Nguyễn (vốn tên là Nguyễn Tuân nhưng ngại "phạm húy" nhà văn tác giả "Vang bóng một thời" nên đổi thành Tuân Nguyễn). 

Người xứ Huế, tốt nghiệp đại học về làm biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam, dù được nhiều bạn hữu trong giới văn nghệ quý mến nhưng do tính cách thẳng thắn nên Tuân Nguyễn thường xuyên gặp rắc rối với những đồng nghiệp cực đoan. 

Vương nạn, Tuân Nguyễn phải "đi chữa bệnh" 9 năm 7 tháng. Đó là bạn đồng môn Trương Văn Minh, người Hà Tĩnh, tốt nghiệp đại học về công tác tại trường cấp 3 Lê Hồng Phong (Nam Định), Ty Giáo dục tỉnh Ninh Bình. Sau biến cố cuộc đời, Trương Văn Minh đi lao động ở xí nghiệp đá Hệ Dưỡng, đi lao động tập trung ở Thanh Hóa. 

Cuối đời, vợ chồng ông Minh "ăn lộc" cô Chín, thành người viết sớ tại đền Sòng Sơn (Thanh Hóa). Và Lê Gia Linh cũng khinh thường những người bạn "cố bám lấy đầu dây kia kéo níu lại theo lệnh của trên", dù họ sau này có danh vọng với những học hàm, học hiệu xúng xính.

Năm 2009, lớp ông kỷ niệm 55 năm nhập trường Đại học Sư phạm Văn khoa. Có gia đình gửi đến cuốn sách "Bút danh người sáng mãi với thời gian". Ông Linh thẳng thừng: "Trước hết, ở Việt Nam chỉ có Hồ Chủ tịch mới được dùng chữ Người thôi". 

Bình luận tiếp thì ông nói với tôi: "Anh em chúng tôi cho rằng công lao ông tác giả ấy như thế, nhưng quá đà. Nói chung công tác tổ chức bao giờ cũng thế, họ xây dựng anh đấy nhưng mà cái anh quá đà người ta vẫn không tin".

Trước đó, chính ông lại động viên người bạn đồng môn Đ.A.H, người hơn nửa thế kỷ trước đã phê vào lí lịch các bạn trong lớp khá nặng nề, khiến ông ấy mặc cảm bao nhiêu năm. 

Lê Gia Linh nói với bạn: "Bây giờ chuyện nó đi qua rồi, chắc anh cũng tự nhận thấy rồi. Căn bản là bây giờ như thế nào thôi. Bây giờ anh em lên với nhau". 

Cùng học từ cấp 3 đến hết đại học, lại nghe những lời bạn già chia sẻ một cách cảm thông như vậy, hội lớp năm 2009, lần đầu tiên ông Đ.A.H. lên họp lớp. "Anh em vẫn bảo nhờ ông Linh đấy". 

Mười năm gió bụi

Tiếc rằng, tôi không có dịp hỏi ông về những năm tháng đi dạy học ở Ninh Bình, rồi cũng gặp rắc rối như một số bạn đồng môn đại học, ông phải đi lao động cải tạo tại xí nghiệp gạch ngói Ninh Phúc một năm rưỡi. 

Ôi, ông thầy giáo dạy văn mà được cho đi đóng gạch, rồi về hưu, lang thang vào Nam ra Bắc, học nhiều nghề suốt 10 năm gió bụi (1982 - 1992) khác nào Nguyễn Du "thập tải phong trần" ở đất Thái Bình? Tiếp đó là quãng thời gian 8 năm dạy văn ở trường THPT Dân lập TP Nam Định. 

Năm 2000 thì ông lên ở Hà Nội chơi với bạn bè. Trước tác của mình, ông tự nhận: "Có Tùy bút đăng báo một vài bài; Có thơ Việt âm để trao đổi với bạn bè; Thơ tâm tình bằng chữ Hán - Đường luật".

Tình cờ khi làm đề tài về an ninh trong bệnh viện, tôi đã có cuộc trao đổi cùng con trai của ông là bác sĩ - thầy thuốc ưu tú Lê Tuyên Hồng Dương, khi đó là Phó Giám đốc Bệnh viện Giao thông Vận tải. 

Cũng tình cờ, trong lần đến nhà ông ở phố Khâm Thiên, tôi mới biết ông nội của ông là cụ Lê Trọng Hàm (1872 - 1931), tác giả bộ "Minh đô sử" - bộ lịch sử đồ sộ đúng 100 quyển (93 quyển chính và 7 quyển phụ). Minh đô là một danh từ cổ, nghĩa là vùng đất ở phía Nam. 

Tên sách như ngụ ý của tác giả nghĩa là viết Lịch sử Việt Nam trong khoảng 150 năm - từ đời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng (năm 1762) đến đầu thế kỷ XX.

Quý tôi, ông cho tôi xem cuốn sách "Phong trào nông dân Việt Nam thế kỷ XVIII (ở Đàng Ngoài)", do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phát hành (2005), tác giả PGS Nguyễn Phan Quang đã viết lời đề tặng tại Tây Hồ, ngày 21-7-2009, như sau: "Kính tặng anh Lê Gia Loãn (cháu nội Sử gia Lê Trọng Hàm)". 

Cùng với lời đề tặng là một bài lục bát: "Việc này [chép sử] là việc của anh/ Truân chuyên "thứ sáu" Anh dành cho tôi/ Vụng về viết lách lôi thôi/ Đọc xong, Anh ráng nhịn cười… nghe Anh". Ký tên: Nguyễn Phan Quang.

Hội lớp cựu sinh viên Đại học Sư phạm Văn khoa cùng các Giáo sư (1977) - tư liệu KMS.

Lập bàn thờ triết gia Trần Đức Thảo tại từ đường

Như ở trên tôi đã viết, Lê Gia Linh là người học trò quý thầy. Ông là người đã thờ tự GS Trần Đức Thảo tại quê nhà Nam Định. Vì sao lại thờ thầy giáo - một người khác họ - trong từ đường gia tộc?

Ông giải thích: "Tôi thấy thầy Trần Đức Thảo không có con cái. Khi thầy bị tai nạn, lúc bấy giờ ông cụ tôi ở quê còn sống. Tôi nói cái thì ông cụ bảo: Mày ơi, mời thầy về đây sống với tao. Khi thầy còn sống, cha tôi đã mong muốn thầy về ở cùng. Đến khi thầy khuất núi, từ đường thờ ông nội tôi, là nhà sử học; thầy Trần Đức Thảo là Trưởng khoa Lịch sử đầu tiên của Đại học Tổng hợp (Đại học KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội hiện nay - PV). Chút tình cảm tôi dành cho thầy là như thế".

Đầu tháng 11 năm 2017, ông Lê Gia Loãn cùng các bạn đồng môn Trường Đại học Sư phạm Văn khoa (1954 - 1957) hoàn thành việc tôn tạo mộ GS Trần Đức Thảo ở khu A nghĩa trang Văn Điển đúng kỷ niệm 100 năm sinh triết gia.

Có lẽ, khi ông giáo Lê Gia Loãn tức Lê Gia Linh "Phiêu phiêu hàm tiếu, thượng thanh vân" hội ngộ cùng các thầy Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Trần Đức Thảo… ông có điều tự hào về cốt cách của mình cùng tình cảm đã dành tưởng nhớ các thầy.

MỘT TRIẾT GIA VIỆT CÓ TẦM VÓC PHƯƠNG TÂY

GS Trần Đức Thảo (1917 - 1993) sinh tại Thái Bình trong một gia đình viên chức, quê làng Song Tháp, Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông có bằng Thạc sỹ Triết học tại Cộng hoà Pháp năm 1944. 

Được Nhà nước Việt Nam phong Giáo sư Đại học đợt đầu tiên năm 1956.  GS Trần Đức Thảo đã đảm nhận các chức vụ: Phó Giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa (1954), Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-1957).

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn đã đánh giá: Trần Đức Thảo là người Việt Nam độc nhất, ở thế hệ của mình, có con đường học vấn Triết học thực thụ. Cho đến nay, Trần Đức Thảo cũng là triết gia Việt Nam duy nhất nổi danh trên diễn đàn khoa học và được công nhận có tầm vóc quốc tế ở phương Tây.

Năm 2000, GS Trần Đức Thảo được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ cho công trình "Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức".

Kiều Mai Sơn
.
.