Nhớ Lê Quốc Minh

Thứ Hai, 24/07/2017, 08:15
Năm 1988, ngoài năm mươi tuổi, nhà giáo Lê Quốc Minh từ bỏ chiếc ghế Phó Giám đốc Sở Giáo dục đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo chuyển sang làm chuyên viên Hội Văn nghệ đặc khu, thực sự bắt đầu cuộc đời của một nhà văn chuyên nghiệp.

Như để bù cho cơn khát viết đã kéo dài nhiều năm, ông lao vào sáng tác. Thơ, truyện ngắn, kịch (kể cả kịch bản phim), tiểu thuyết. 

Những tác phẩm của ông trình làng khá dồn dập. Trong khoảng ngót mười năm cuối đời, mỗi năm ông có một đầu sách được xuất bản, bao gồm các thể loại nói trên. Tuy nhiên, có lẽ chỉ có tiểu thuyết Người đẹp tỉnh lẻ là thể hiện được đầy đủ nhất bút lực của ông - một bút lực đủ vinh danh tên tuổi Lê Quốc Minh trong làng văn cả nước lúc bấy giờ. Ngay từ khi mới ra đời, cuốn tiểu thuyết đã gây hứng thú cũng như gieo nỗi bất an cho nhiều cư dân Vũng Tàu trong một thời gian dài. 

Trong câu chuyện hằng ngày, những tên đất, tên người do nhà văn bịa ra đã được dùng thay cho... tên thật! Không phải ngẫu nhiên mà báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) đã kịp thời dành hẳn mấy trang cho một cuộc bàn tròn khá sôi nổi về cuốn sách đó.

Thị xã M., một thị xã bé nhỏ thích được gọi là "thành phố", thời kỳ chớm chuyển sang cơ chế thị trường, có đầy đủ cả "sáu mươi tám cơ quan ban ngành đoàn thể". Một đám cưới. Một đám ma. Một cuộc thi hoa hậu. Một cuộc bầu bán để chia chác ghế ngồi. 

Một chuyến tham quan nước ngoài của các nhân vật có máu mặt. Một cuộc đón tiếp các quý vị vừa đi tham quan nước ngoài về. Đấy là cái "khung" chính của cuốn tiểu thuyết. Bám vào cái "khung" ấy là đám nhân vật bung xung với đủ thứ mưu mô, thủ đoạn, phe nhóm, dốt nát, dị hợm, ăn chơi trác táng, khao khát quyền lực... Nói tóm lại, vô số chuyện cười ra nước mắt. 

Nhà giáo Lê Quốc Minh và một góc thành phố Vũng Tàu.

Văn xuôi Lê Quốc Minh mỗi khi được ông trau chuốt, o bế, định đánh quả lớn là y như rằng trôi tuột đi đâu mất. Nhưng thật bất ngờ, với Người đẹp tỉnh lẻ, bạn đọc hoàn toàn có thể đọc một hơi ngon lành từ đầu đến cuối 250 trang sách in. Cảm giác như nhà văn không hề dụng công. Lỏng lẻo, dễ dãi ngay từ bố cục. Nhà văn nhớ gì kể nấy. 

Thực tế ngoài đời thế nào, cứ thế nguyên đai nguyên kiện đi vào tác phẩm. Ai cũng đã từng nghe vài ba chuyện, từng gặp vài ba nhân vật ở đâu đó, bây giờ đọc sách để nghe thêm, biết thêm. Văn chương nhiều khi "ăn nhau" ở cái thật. Trong trường hợp này, cái thật phong phú lấn lướt, vô tình đẩy văng kỹ xảo ra khỏi ngòi bút mà có khi chính Lê Quốc Minh cũng không kiểm soát được.

Nhưng thật đến thế thì người ta chột dạ động lòng, lộn ruột sôi tiết lên cũng phải.

Nghe đâu có một cuốn Người đẹp tỉnh lẻ được gạch đít xanh đỏ chi chít ở từng trang đã được chuyển lên cấp lãnh đạo thị xã. Một bác có vai vế đùng đùng nổi cơn thịnh nộ, đòi kiểm điểm Lê Quốc Minh. May, người trợ lý của bác đã tỉnh táo ngăn lại. Người ta viết tiểu thuyết, là chuyện hư cấu, kiểm điểm cái nỗi gì? Không khéo mua cười cho bàn dân thiên hạ, lạy ông tôi ở bụi này. 

Một nhân vật khác tự ngượng cáo ốm không đến cơ quan, tránh xuất hiện ở chỗ đông người. Nhưng cũng không hiếm những bộ mặt sa sầm, những nụ cười khẩy, cười nhạt thấp thoáng đâu đó. 

Có một người không lạ cũng không quen đến gặp và khuyên Lê Quốc Minh: có đi đâu ra ngoài thì nên đi một đường, về một đường! Đến cơ sự này thì nhà văn buộc phải... "bàn tròn" với vợ. Bà giáo Hoa, vợ ông, một người phụ nữ có tính cách khác thường mà chúng tôi sẽ nói tới ở phần sau, chỉ nhẹ nhàng tìm cách trấn an ông. Bà quá hiểu công việc của chồng cùng với những hệ lụy mà nó có thể mang lại. Bà giúp ông yên lòng, nhưng chính bà cũng thấp thỏm. 

Có lần trên đường tới trường, bà Hoa bắt gặp cả những cô công nhân quét rác, những người đàn bà đi chợ sớm đang tranh nhau đoán mò xem nhân vật ấy, nhân vật nọ trong Người đẹp tỉnh lẻ là ông nào bà nào ngoài đời.

Cuối năm đó, Lê Quốc Minh thực hiện một cuộc xê dịch nhỏ: ông bán nhà ở Vũng Tàu, cùng gia đình chuyển lên sống ở Gò Vấp, bấy giờ còn là vùng ngoại ô Sài Gòn. Một xóm nhỏ quần tụ nhiều gia đình nhà văn nổi tiếng khác là bạn bè thân thiết với ông như Nhật Tuấn, Nguyễn Mạnh Tuấn, Trần Hoài Dương, Ý Nhi... Tôi đồ rằng sức ép của dư luận quanh vụ Người đẹp tỉnh lẻ chỉ là một phần. 

Lý do chủ yếu có lẽ là sau thành công của cuốn sách, ông cảm thấy cái thành phố biển nhỏ bé này đã trở nên vướng víu chật chội. Ông muốn tuông ra môi trường rộng lớn, thông thoáng và chuyên nghiệp hơn. Nhưng rất tiếc, không ai lường trước được mệnh trời. Lê Quốc Minh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994, đâu như chỉ ít ngày trước khi ông làm cuộc xê dịch cuối cùng, trọn vẹn cho mình vào cõi vĩnh viễn.

*

*   *

"Cái giống nhà văn như anh, không yêu không viết được. Tình yêu là cội nguồn cảm xúc. Cạn yêu là cạn văn"...

Có lần Lê Quốc Minh ú ớ với vợ như vậy. Rất khó biết ông chân thành gan ruột hay chỉ giả vờ chơi trò tiểu xảo. May sao bà Hoa vợ ông lại là người đàn bà có năng lực phi thường - bà yêu ông, yêu luôn công việc cùng những sai quấy của ông.

Lê Quốc Minh trải qua không ít cuộc tình. Mỗi lần đụng chuyện, ông chưa kịp tự thú thì vợ đã biết. Ông hơn bà mười tuổi. Khi hai người yêu nhau và lấy nhau, Lê Quốc Minh là thầy giáo dạy văn ở trường bổ túc công nông tỉnh Hải Dương, còn bà Hoa đang theo học ở đó. 

Tuy thế, khôn ngoan lọc lõi ở đâu chẳng biết, còn ở trong ngôi nhà có bóng bà Hoa suốt cả mấy chục năm về sau, ông luôn giống như cậu học trò ngờ nghệch. Vợ ốm nằm đấy, vội đến chỗ người tình đến nỗi chỉ kịp nấu nồi cháo suông cho vợ! 

Đã thế khi bị "nhắc nhở" lại còn ngẩn ra: làm sao bà biết tôi đi với người ta? Vợ ông rơm rớm nước mắt: "Tôi biết, vì những lần trước tôi ốm, bao giờ ông cũng đủ thì giờ để nấu cháo thịt".

Ở tuổi năm mươi, Lê Quốc Minh vẫn kềnh kếnh cang vì một cú sét ái tình. Nàng kém ông ngót ba mươi tuổi, là người ở tỉnh xa đến tham quan Vũng Tàu, yêu văn chương, ghé thăm Hội Văn nghệ lúc chiều muộn và tình cờ gặp ông đến lĩnh lương. Ngay buổi tối, ông đã kịp chở nàng vi vu phố biển trên chiếc xế nổ cũ kĩ lúc nào cũng dọa tắt thở nếu chạy quá tốc độ mười lăm cây số giờ. 

Vài ngày sau, ông đề nghị vợ chấp nhận cho nàng đến ở trọ. Ông đã hứa xin việc cho nàng ở Vũng Tàu. Nếu được, cũng còn phải chờ thêm một thời gian để cơ quan bố trí nhà cho nàng.

Bà Hoa chấp nhận.

Nhưng lại có những người khác phản đối.

Một cô tự xưng là bạn của một cô khác đến gặp bà và xin phép được nói chuyện với Lê Quốc Minh. Bà Hoa lui xuống bếp. Ở nhà trên, khách dằn giọng: ông "phải" thế này, "phải" thế nọ với... cô bạn kia! Chẳng qua vì quá yêu bạn, lo cho "quyền lợi" của bạn bị thiệt thòi nên khách mới ra điều kiện như vậy. Nghe thấy chướng, bà Hoa lẳng lặng đi lên:

- Này! Tôi đây mới là vợ ông Minh. Nhá! Tôi còn chưa dám bắt ông ấy "phải" thế này, "phải" thế khác. Cô về bảo với bạn cô muốn nói chuyện phải quấy gì thì tự đến đây, không phải nhờ sứ giả!

Khách cứng họng. Về nhà đay nghiến nhau: "Sao mày bảo mụ ấy đần? Mày đần thì có"!

Lại một cô nữa đùng đùng đến nhà đòi đốt xe ông Minh. "Xe này là xe dành để chở em. Bây giờ anh chở đứa khác. Em đốt"!... Bà Hoa lại thong thả hỏi cô ta:

- Sao cô không nhận đường Bacu cũng là đường của cô?

Nhà ông Minh bấy giờ ở trong con hẻm ở đường Bacu - một đường phố sầm uất nổi tiếng của Vũng Tàu. Ông Minh hay chở cô này đi về trên con đường ấy. Thấy cô ớ ra, bà Hoa chìa luôn cho cô cái bật lửa, bảo thích thì cứ đốt.

Rất lâu sau này, khi có dịp ngồi vui vẻ nhắc lại những kỷ niệm về Lê Quốc Minh, tôi mới dám hỏi bà Hoa:

- Em thật không hiểu cách xử sự của chị?

- Lúc đầu tôi cũng khổ tâm lắm chứ. Tôi bảo lão ấy: các con lớn rồi, ông đưa người ta đi đâu thì đưa. Khách sạn nhà trọ ở ngoài thiếu gì. Nhưng lão ấy cùn: nhà mình kín đáo, ở ngoài lỡ chuyện vỡ lở thì xấu mặt tôi mà bà cũng mang tiếng lây. Nói thế, giá gặp phải người vợ khác thì nó đập cho phù mỏ. Nhưng với tôi, tôi hiểu trong cái cùn ấy có cái thật. Chẳng thế mà hôm trước thích ai, hôm sau lão đã khai ra tuốt tuồn tuột.

Bà Hoa cười cười, nhưng chả giấu được vẻ nhẫn nhịn trên gương mặt:

- Nói thế, nhưng tôi đâu phải gỗ đá. Có lần tôi bảo lão: “Tôi mệt mỏi lắm rồi. Khi nào chán nhau, ông nói một câu cho tôi biết. Tôi giải phóng ông ngay”.

- Ông Minh bảo sao?

- Lão ấy im lặng.

- Nhưng vẫn để cho cái cô ấy ở trong nhà?

- Cũng như các cô khác thôi... Tôi xui lão: ông lấy cô ấy đi. Cô ấy trẻ, xinh đẹp, lại là dân văn nghệ, hiểu nhau, chăm cho nhau cũng tốt. Ấy là tôi tình thật, chứ không phải đem mồi nhử lão. Lão im như thóc. Ít lâu sau thì thấy cô ta chuyển lên làm ở Sài Gòn. Khi nhà tôi về Gò Vấp, cô ta đến thăm, dẫn theo một chàng cao to, đẹp giai, ngượng ngùng giới thiệu với ông Minh...

Tôi không hỏi gì nữa. Tôi đang hình dung ra quãng thời gian cuối đời của Lê Quốc Minh. Căn nhà cấp bốn của vợ chồng ông ở Gò Vấp vẫn ấm áp mỗi khi tôi đến thăm. Hai ông bà vồn vã cơm nước, ân cần hỏi thăm tình hình Vũng Tàu. Cuối bữa ông Minh bổ mấy quả lê đãi khách, vừa làm vừa xuýt xoa: "quả lê ngon đủ năm mùi, quả lê ngon đủ năm mùi"...

Những cái mụn đo đỏ xuất hiện trên người ông hình như ngày một nhiều. Nàng - người tình sau nhất, trẻ nhất trong đời ông - đã có con với chàng cao to đẹp giai. Lê Quốc Minh vẫn cặm cụi ngồi viết. Rồi ông tình cờ phát hiện ra phổi bị hư. Vài cuốn sách mới lần lượt ra đời, lần lượt rơi vào im lặng.

*

*   *

Bà Hoa kể: sau khi Lê Quốc Minh mất, cô "bồ" cuối cùng của ông còn lui tới thăm bà nhiều lần. "Biết thế ngày trước em có con với anh Minh" - người đàn bà trẻ thú nhận. "Thế sao không có"? - bà Hoa hỏi lại. "Ngày đó em sợ chị. Chứ biết chị như bây giờ thì... chả phải bảo"! Hai bà, một còn trẻ một chưa già, nhìn nhau cả cười. Rồi lại thi nhau tiếc nhỉ, tiếc nhỉ? Người tiếc cho ông Minh, người tiếc cho mình.

Bà Hoa khoe tôi: ngôi nhà cấp bốn ở Gò Vấp đã phá đi, xây lầu. Mai mốt trai gái dâu rể sẽ về ở tất đấy. Cuối năm xin phép tái bản cho ông Minh cuốn Người đẹp tỉnh lẻ. Gia đình bỏ tiền in, in thật đẹp. Ngày giỗ ông ấy, bè bạn xa gần đến thăm có cái làm quà. "Tôi tính thế được không"? - bà hỏi.

Ôi trời! Nhất bà. Nhất cả ông nữa đấy, ông Minh ạ.

Trần Đức Tiến
.
.