Nhớ nhà thơ Thy Ngọc: Con ngựa thồ trong văn chương thiếu nhi

Thứ Sáu, 19/05/2017, 12:58
Lần đầu tiên tôi biết đến nhà thơ Thy Ngọc là nhờ đọc một đoạn ngắn trong quyển Thơ Việt Nam hiện đại (NXB Hồng Lĩnh, Sài Gòn - 1969) của Uyên Thao phát hành tại miền Nam.

Sau này gặp ông, tôi cảm thấy ông không khác bao nhiêu trong trí tưởng tượng tuổi thơ của tôi. Đó là nhà thơ hiền lành, đôn hậu và dễ mến. Còn nhớ, khi kỷ niệm tuổi “cổ lai hy”, ông đã cho xuất bản tập Thơ tặng cháu (NXB Kim Đồng) và tự bạch:

Gầy như anh bút chì
Dong dỏng cao không thấp 
Tuy cứ bé dần đi
Nét vẫn đều tăm tắp
Tội nghiệp anh quá chừng
Vì việc chung không tiếc
Mòn tới mẩu cuối cùng.

Cứ miệt mài, “Mẩu bút chì” đó, nếu được gọi như thế thì từ năm 1943 cho đến khi nhắm mắt lìa trần, ông chỉ viết đề tài duy nhất: Sáng tác cho thiếu nhi với trên 50 tác phẩm.

Nhà văn Thy Ngọc tên thật là Nguyễn Ngọc, sinh ngày 4-10-1925 tại quê gốc Cửa Ông, tỉnh Quảng Ninh. Ông làm biên tập viên NXB Kim Đồng từ ngày đầu thành lập (6-1957) cho đến khi về hưu (1987). Bút danh khác của ông còn có Thy Thy Tống Ngọc, Ông Ngoại. Ông tham gia viết văn, viết báo khá sớm, từ thời Mặt trận Việt Minh ở Hải Phòng (Báo Dân chủ). 

Năm 1950, ông làm Bí thư Hội Văn hóa kháng chiến tỉnh Thái Bình. Từ 1955-1957, ông làm giảng viên môn văn - họa ở Hà Nội. Từ 1957-1987, ông làm cán bộ biên tập của NXB Kim Ðồng, sau đó cộng tác thường xuyên với Báo Khăn quàng đỏ (TP HCM) từ 1987 đến 2001 qua các vai trò: trợ lý thư ký tòa soạn, phó quản đốc xưởng in, phụ trách phòng tư liệu...

Các giải thưởng văn học ông đã nhận: Giải A về truyện và thơ cho lứa tuổi nhi đồng do Ủy ban Thiếu niên nhi đồng Việt Nam tặng (1969); Bằng khen của Bộ Giáo dục vì “Ðã có nhiều sáng tác tốt phục vụ sự nghiệp giáo dục thiếu nhi” (1987). 

Với 88 tuổi đời, nhà văn đã có tròn 70 năm chuyên sáng tác cho trẻ em. Ngoài viết văn, làm thơ, ông còn làm bìa, vẽ minh họa cho gần 300 cuốn sách Kim Đồng. Các tác phẩm của ông được bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích. Tác phẩm Lớp học của anh bồ câu trắng đã được Đài Truyền hình Việt Nam chuyển thể thành 8 tập phim hoạt hình.

Ngồi với tôi, có lúc ông bùi ngùi kể lại thuở chập chững vào nghề:

“Hà Nội những năm 1940 ấy, lúc tôi đang còn học phổ thông, sách báo cho thiếu nhi quá ít. Trước đó do có vài bài báo nhỏ đăng báo Cậu ấm, Cô chiêu, rồi Học sinh, tôi tập viết dài hơn. Bấy giờ có mấy loại sách ra đều kỳ như Sách hồng, Truyền bá, Hoa mai... 

Tiện đường đi học tôi rẽ vào NXB Cộng lực, gửi bản thảo có tên Vỡ đê. Dè đâu, ít lâu sau được in. Vậy là tác phẩm đầu tay của tôi ra đời - nhân vật là những em nhỏ nghèo ở nông thôn. Nhuận bút được 12 đồng, may được bộ đồ mặc đi học và chi 3 tháng tiền cơm trọ. Biết đâu rằng, từ cuốn sách đầu tiên ấy hóa thành cái nghiệp của mình suốt đời.

Khi cuốn sách phát hành được vài tuần, tình cờ đến NXB, tôi đã gặp nhà văn Nam Cao từ Phủ Lý lên Hà Nội. Tuy chúng tôi còn trẻ lắm nhưng ông Lê Diệu - chủ NXB vẫn giới thiệu: “Đây là bác Ngọc, còn đây là bác Trí (Nam Cao)”. Nam Cao hôm ấy đến lĩnh nhuận bút cuốn Người thợ rèn, biết tôi có quen ông Lê Văn Trương nên anh nhờ tôi dẫn đến nhà ông ấy để cảm ơn. 

Vì nhờ có ông Trương viết lời tựa cho cuốn Đôi lứa xứng đôi mà tác phẩm này bán rất chạy. Trên đường đi, Nam Cao nói có đọc tác phẩm của tôi và khuyên: “Anh nên viết về những người nghèo”. Lời của một nhà văn tên tuổi như Nam Cao không chỉ là sự khích lệ lớn, mà còn định hướng cho việc cầm bút của tôi”.

Ông kể tiếp: “Tôi học với cậu em vợ Lê Văn Trương, thường đến nhà và chứng kiến những lúc Lê Văn Trương viết văn. Bàn viết đầy bản thảo và sách in, không khí và tấm gương làm việc không mệt mỏi ấy đã kích thích tôi rất nhiều”.

Từ đó, cậu học trò ban Thành chung (tương đương cấp 2 bây giờ) bền bỉ đi trên con đường gian nan của mình. Có lần, ông kể lại: “Tôi mê văn học và hội họa từ nhỏ. Thoạt đầu tôi dùng nó để thể hiện cá tính, tâm tình mình. Không ngờ những gì tôi viết, vẽ đều có bóng dáng của trẻ em. 

Rồi có ý thức hơn, tôi nghĩ trẻ em là hiện thân của ngày mai; ai yêu cái ngày mai đó của mình, của dân tộc, đất nước mình hẳn phải cảm thấy cần làm gì có ích cho trẻ. Và tôi đã cố hết sức làm, thông qua văn học và hội họa.

Lỗ Tấn có viết: “Quắc mắt coi khinh nghìn lực sĩ/ Cúi đầu làm ngựa đứa nhi đồng”. “Lực sĩ” gì gì thì tôi chửa dám khinh, nhưng với “nhi đồng” thì tôi xin làm con ngựa thồ văn học phục vụ cho các cháu. Nay tuổi đã gần 80, bút lực không còn sung mãn, nhưng mỗi ngày nhiều ít tôi vẫn tranh thủ viết. Và đọc nữa chứ. Với thơ, bất chợt nghĩ ra đôi ba câu tôi chép ngay vào giấy và để đó, chờ cảm hứng nối tiếp để hoàn chỉnh thành bài..

Lại hỏi, giả dụ ngay bây giờ, nếu đọc một bài thơ hay một đoạn thơ mình đã viết, ông sẽ đọc những câu thơ gì? Ông nói ngay: “Ồ, thời gian này tôi đang trông nom đứa cháu gái hai tuổi gọi tôi bằng ông nội. Tôi xin đọc ngay một đoạn đang “chắp vần” để ru cháu: “Cháu ngủ đi, cháu ngủ đi/ Lời ông ru cháu thầm thì bên tai/ Cháu nép má, ấm bả vai/ Nhẹ nhàng ông bước chắp vài ý ru/ Cứ cho là những câu thơ/ Miễn sao cháu được giấc mơ, ông tìm.../ Ông nghe như trái tim mình/ Hoài hơi thở thật yên bình cháu ngoan...”.

Nhà thơ Thy Ngọc và độc giả thiếu nhi.  Ảnh: Cao Xuân Sơn.

Kể cũng lạ, viết cho thiếu nhi thì dường như trong nền văn học Việt Nam hiện đại không mấy người chuyên sâu và bền bỉ như Thy Ngọc. Phải chăng vì loại này không mấy “có giá” như  những tác phẩm viết cho người lớn? 

Cứ tìm đọc lại tuyển tập thơ của Hội Nhà văn Việt Nam như Tuyển tập 1945-1975, Tuyển tập 1975-1985 v.v… thì mảng thơ thiếu nhi đã không được chú trọng đến. Và tên tuổi Thy Ngọc đứng ra ngoài những đánh giá, tuyển chọn ấy. 

Trao đổi với tôi về điều này, ông tâm sự: “Dù sao, tôi đã quen, không thấy chua xót, cũng không băn khoăn gì nữa. Chỉ cúi xuống trang giấy mà tâm sự, giải bày”. Và sự bền bỉ của ông, tôi nghĩ, cũng giống như con ong đem mật ngọt cho đời, bởi vì điều quan trọng nhất là hãy tự quên mình đi.

Về quan niệm viết văn làm thơ cho thiếu nhi, có lần ông bảo: “Viết cho thiếu nhi trước hết phải có tính giáo dục, song lại phải giản dị mà vẫn hấp dẫn. Ngay cả đến giờ, càng viết tôi càng thấy khó. Bởi hấp dẫn không phải là cầu kỳ, mới lạ, mà là cách viết câu chuyện như thế nào. Nhưng trên hết, mình phải hết lòng với các em thì mới viết được”.

Suy nghĩ này, không khác nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, có lần tác giả Kính vạn hoa bảo rằng: “Trong con người nhà văn viết cho thiếu nhi còn là một nhà giáo dục nữa”. Ngẫm lại thấy rất đúng. 

Về sự nghiệp của mình, nhà thơ Thy Ngọc khiêm tốn: “Tôi có may mắn là được sống và làm việc cùng các nhà văn như Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, những bậc thầy hết lòng khi viết truyện thiếu nhi. Rồi các họa sĩ Mạnh Quỳnh, Tạ Thúc Bình, những người vẽ, dù chỉ là phác thảo thôi cũng công phu, kỹ lưỡng...”. Và điều bất ngờ với nhiều người là ông tự học vẽ mà thành tài.

Vậy, ông học vẽ từ khi nào? Ông trả lời hóm hỉnh: “Tôi mê hội họa cũng rất sớm, gần như đồng lúc với mê văn chương. Trên tờ báo thiếu nhi “Cậu ấm”, tôi rất mê tranh vẽ của họa sĩ Mạnh Quỳnh. Theo tôi, ông là họa sĩ vẽ truyện tranh đầu tiên ở Việt Nam. Thầy dạy vẽ của tôi thời đi học Thành chung là thầy Trần Quang Trân với bút danh NGYM. Ðầu những năm 1940, tôi học hàm thụ vẽ tại Paris (Pháp).

Bấy giờ, có một trường ở Paris đào tạo theo lối gửi bài chấm rồi mình trả tiền. Cứ vẽ bài xong thì mình gửi bài qua đường bưu điện sang bên đấy. Họ xem, chấm bài bằng cách viết thư lại cho mình, đề cập tỉ mỉ lỗi của mình, khuyên nên chữa như thế nào với bài mẫu gửi kèm theo. Rất quy củ, nghiêm túc. Nói nôm na như bây giờ là đào tạo từ xa. 

Cứ thế vài ba năm là mình đã nắm khá căn bản kiến thức hội họa. Nếu ai yêu thích thì đều có thể học như thế. Về sau đó, quen biết họa sĩ Bùi Xuân Phái, tôi hay đến xưởng vẽ của ông để trao đổi và luyện vẽ”.

Lúc thành lập NXB Kim Ðồng (1957), cùng với Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng... ông là thành viên sáng lập, được phân công biên tập nội dung và trình bày, vẽ minh họa, vẽ bìa sách. Ðể làm tốt nhiệm vụ, nhiều khi ông phải đạp xe 50 cây số, đến tận vùng cao, miền hẻo lánh để vẽ tại chỗ rồi trở về ngay để kịp in ấn, vì minh họa theo sách hồi đó hầu hết là người thực việc thực. 

Việc in ấn hãy còn thô sơ nên phải vẽ theo lối tranh khắc gỗ, đừng chi tiết quá, khó khắc, nhưng vẫn đảm bảo nội dung, bố cục, đường nét và tính mỹ thuật. Ông thường kể lại một kỷ niệm (cũng là kỷ vật) quý cả về nghề viết lẫn nghề vẽ, đó là lần ông được NXB giao công việc tự trình bày, vẽ bìa minh họa cho chính cuốn sách mình viết, cuốn Ði vàng về xanh (in năm 1977).

Cần mẫn đi theo con đường đã chọn, nhà thơ Thuy Ngọc có nhiều trăn trở lắm. Ngày 7-8-1996, Ban Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn TP HCM tổ chức tại cung Lao động hội thảo “Thơ thiếu nhi - thiếu nhi và thơ”, trên diễn đàn, ông phát biểu: “Nội dung thơ thiếu nhi dứt khoát phải mang tính giáo dục một cách nghệ thuật - có nghĩa là không khô khan, lộ liễu, không phải là một bài luân lý có vần. Nhưng tôi nghĩ, khỏi phải tranh cãi vấn đề “luân lý” hay “không luân lý” - mà điều cần bàn là “hay” hoặc “chưa hay” và làm thế nào để có nhiều bài thơ hay về mọi đề tài, mọi nội dung”.

Điều khiến tôi kinh ngạc, không chỉ lý luận mà Thy Ngọc còn là người viết rất hay khi giãi bày, tâm sự dù hết sức dịu dàng nhưng không kém phần thân mật:

Muốn leo lên cao
Có thang từng nấc
Từ cao xuống thấp
Có nấc cầu thang
Ai mà hấp tấp
Muốn nhanh muốn mau
Lên, xuống cách bậc
Nhất định té đau.

Thơ dành cho thiếu nhi hay người lớn? Có lẽ cả hai đấy chứ.

Với Thy Ngọc, tôi thuộc thế hệ sau. Điều cảm động nhất, không bao giờ quên là thái độ và tình cảm của ông dành cho tôi. Những ngày này bận rộn quá, tôi chưa có thời gian để tìm lại hết các lá thư ông đã viết. Hầu hết là những tâm sự về nghề, kể cả những sáng tác của ông chép tặng.

Nhớ đến ông, tự thâm tâm tôi biết rằng khó có thể còn gặp được một người viết mà từ trang văn đến nhân cách sống là một sự nhất quán.

Lê Văn Nghệ - Bảo Trân
.
.