Nhạc trưởng Trần Nhật Minh: Âm nhạc nâng đỡ con người...

Thứ Bảy, 17/10/2020, 13:33
Tôi đã nghe, đã xem và đã thấy: Trần Nhật Minh thật xứng đáng được nhắc đến với hai chữ “tài ba”, mặc dù anh sống lặng lẽ với truyền thông. Mà có vẻ truyền thông cũng ngại viết về anh,  bởi vì khó viết sâu về lĩnh vực âm nhạc hàn lâm của anh thì phải?

Trần Nhật Minh không phải là con nhà nòi âm nhạc, nhưng mẹ anh, một nhà báo giỏi tiếng Nga, ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Nga, từng làm Ban Văn hóa Đài TNVN, lại có giọng hát, biết chơi guitare, có thể tự đệm để hát những bài tiếng Nga có sức quyến rũ… nên ước mơ đời bà là cho con theo đuổi âm nhạc. Bà mời giáo viên piano dạy con mình học từ lúc 6 tuổi. Sau đó Trần Nhật Minh thi đỗ vào khoa Piano của Nhạc viện TP HCM.

Ban đầu anh chỉ học thụ động, bản thân không có định hướng rõ ràng, chỉ cố học cho xong. Nhưng, rồi số phận đã dẫn Minh tới một may mắn khi nghệ sỹ violin Bùi Công Thành gợi ý để Minh tiếp tục học âm nhạc ở Nga, cùng đồng hành với ông trong một cuộc phiêu lưu, khi ông nhận vị trí Phó giám đốc phụ trách khối học sinh nước ngoài tại Nhạc viện (NV) Quốc gia Liên bang Nga, thành phố Magnhitogorsk.

Và Minh đã bước đi trên con đường số phận ấy, với ý nghĩ được tự do suy nghĩ trước một áp đặt có sẵn, và cũng muốn cảm nhận cuộc sống ở nước ngoài. Tuy nhiên, không khí học tập âm nhạc ở NV Magnhihtogorsk và tình cảm chân thành của các giáo sư ở đó đã biến Trần Nhật Minh thành một người khác.

Tuổi trẻ sôi nổi đã khiến Minh chọn ngành chỉ huy hợp xướng, thay vì học lý luận hay tiếp tục tập luyện piano thành một pianist chuyên nghiệp có đẳng cấp... Quyết định lựa chọn đó có được là bởi sự thành công trong kỳ biểu diễn báo cáo năm học dự bị đầu tiên tại NV. Minh chỉ huy dàn hợp xướng nữ của khoa, với một tác phẩm ngắn, nhưng cảm xúc được đứng trên sân khấu khi mỗi động tác của đôi tay, của khóe mắt, thần thái gương mặt người chỉ huy đã được đáp lại bằng âm thanh trong trẻo của từng bè, tạo nên một thực thể thống nhất đầy hoà quyện, và tác phẩm đã hiện hữu tuyệt vời trong một khoảnh khắc của thời gian và không gian...đã khiến anh không còn một băn khoăn nào khác về chọn lựa đó.

Chỉ ít lâu sau Minh đã giành Giải Nhì ở Cuộc thi Quốc tế danh giá dành cho chỉ huy trẻ tại Vladivostok (4-2003) trong bối cảnh nước chủ nhà Giải Nhất và các nước khác có nền âm nhạc hơn chúng ta rất nhiều đều dự thi mà không có giải nào. Trước đó, với sự chuẩn bị chu đáo về chuyên môn, và đi một quãng đường rất dài (2/3 nước Nga với 6 ngày ngồi tàu hoả và 1 ngày xe bus để trở về Magnhitogorsk từ Vladivostok) Minh đã vượt qua vòng loại rất suôn sẻ, và kết thúc cuộc thi với vị trí thứ nhì đó.

Tôi biết về Giáo sư Boris Tevlin, một người rất nổi tiếng của thế giới, sống tại Nga, và lại biết giáo sư đã có thời gian hướng dẫn Trần Nhật Minh, tôi hỏi Minh, “Giáo sư đã ảnh hưởng đến bạn như thế nào?”. Minh bảo: “Sau thành công ở cuộc thi Vladivostok, tôi may mắn được gặp Giáo sư B. Tevlin trong một lần ông cùng dàn hợp xướng thính phòng của mình về Magnhitogorsk biểu diễn.

Ông nói, nếu cố gắng, tôi có thể tiếp tục học Cao học ở Nhạc viện Tchaikovsky tại thủ đô Moscow. Thực sự là lúc đó tôi khá hoài nghi những lời nói của ngài, nhưng như đã nói, tôi thích những thử thách. Và kết quả còn hơn cả mong đợi: tôi được học lớp của Giáo sư Tevlin, còn được tham gia dàn hợp xướng Thính phòng Nhạc viện Tchaikovsky danh giá của ông…

Đây cũng là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời sinh viên của tôi. Tôi được tham gia rất nhiều chương trình lớn, được tận mắt chứng kiến các nhạc trưởng nổi tiếng trong buổi tập cũng như trên sân khấu, được đi lưu diễn nhiều nơi trong Liên bang Nga và cả Châu Âu. Tôi học được từ giáo sư rất nhiều, có lẽ sự ảnh hưởng lớn nhất đến từ thầy là kỷ luật trong công việc. Ông luôn nói với các học trò rằng kỷ luật là yếu tố đầu tiên để dẫn đến thành công. Và thầy cũng là người cho tôi sự tự tin lớn lao để quyết định trở thành chỉ huy chuyên nghiệp. “Ta biết con có thể làm được tốt hơn, cho nên hãy tự tin và cố gắng hơn nữa.” – câu thầy nói với tôi sau buổi thi tốt nghiệp”...

Tôi biết rất nhiều nhạc sĩ, nhạc công của âm nhạc cổ điển Việt Nam, hầu hết đều do yêu nghề mà sống với nghề, còn cuộc sống thì khá khiêm tốn, thậm chí chật vật vì khán giả loại hình âm nhạc này tại Việt Nam còn ít, vé bán khá rẻ vẫn ít người đến Nhà hát. Giai đoạn trước đây, nhất là TP HCM còn chưa có một lượng khán giả định hình khiến cho Nhà hát cũng như không ít các sinh viên tốt nghiệp các đại học âm nhạc thế giới không dám về Việt Nam hành nghề.

Nhưng Trần Nhật Minh một lần nữa lại chọn lội dòng nước ngược. Tôi đem thắc mắc đó hỏi Minh: “Phải chăng ngay từ lúc đó bạn đã nghĩ đến chiến lược phát triển công chúng nhạc cổ điển tại Việt Nam?”.

Minh bảo: Thực ra ban đầu tôi cũng chưa có tầm nhìn vĩ mô thế đâu! Tôi trở về vì đơn giản là muốn ở gần gia đình một thời gian và thử sức trong việc bước những bước đầu tiên trên con đường hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Thế rồi, quá trình làm việc với một sự chân thành, nhiệt huyết và đam mê tôi đã được vòng tay ấm áp của Nhà hát giao hưởng vũ kịch TP HCM (HBSO) đón nhận một cách chân thành. Điều này cũng may mắn giống như là tôi được đi theo học ở Tchaikovsky vậy. Càng làm việc tôi càng thấy yêu công việc này”.

Tốt nghiệp xuất sắc chỉ huy Hợp xướng, đã biểu diễn nhiều chương trình, nhưng 8 năm trở lại đây Trần Nhật Minh còn là chỉ huy Dàn nhạc. Một bước không dễ dàng. Nhưng Minh cho biết đó là điều anh ấp ủ ước mơ từ lâu. Trong thời gian học ở NV Tchaikovsky, Minh cũng được học ngoại khoá về chỉ huy dàn nhạc, cộng thêm thường xuyên dự thính các giờ tập luyện với dàn nhạc của các chỉ huy nổi tiếng nên niềm đam mê ngày càng cháy bỏng. Đến khi bắt đầu làm việc tại HBSO, với cơ hội đứng trước dàn nhạc lớn, Minh đã tự mình phấn đấu khắc phục được những thiếu sót của việc chuyển đổi, anh cho rằng điều quan trọng nhất là tư duy âm nhạc khi dàn dựng các tác phẩm khí nhạc, thay vì chỉ là 4 bè thanh nhạc như trước đây, khi điều khiển một bản giao hưởng, trước đó anh đã lên kế hoạch rất rõ ràng, phân tích tính cách từng câu nhạc, pha màu âm thanh ra sao, các đoạn chuyển tiết tấu, tốc độ, hoà thanh như thế nào... mọi chi tiết đều  được anh ghi nhớ và thực hiện rất mạch lạc và tự nhiên.

Làm được tốt trong một thời gian ngắn là bởi anh đã có “vốn liếng” khi chỉ huy hợp xướng, và nó thực sự bổ trợ, khiến Minh dễ dàng bước vào vị trí chỉ huy dàn nhạc với những tư duy hình tượng âm nhạc, nên, trong những buổi chỉ huy của anh các nghệ sỹ trong dàn nhạc và dàn hợp xướng (các bè cello, bè violon, bè hợp xướng nam, dàn kèn đồng, đã làm cho tác phẩm trở nên sinh động, với nội lực cảm xúc, tài hoa điều khiển nhạc cụ họ đã miêu tả được một bức tranh thiên nhiên mơ màng nhưng mạch lạc, hoặc một câu chuyện tình yêu… để người thưởng thức có thể đồng cảm và khích lệ được trí tưởng của họ…

Hầu hết các tác phẩm kinh điển đáng phải có của một Nhà chỉ huy âm nhạc thì Trần Nhật Minh cũng đã có như: Carl Orff  - Cantata Carmina Burana; P. Mascagni – Opera Cavalleria Rusticana; W. A. Mozart – Opera Die Zauberflote (Cây Sáo Thần); Tchaikovsky – Ballet Kẹp hạt dẻ…

Đôi khi tôi vào TP HCM nghe nhạc, cũng là dịp để nghe các chương trình của Trần Nhật Minh. Tôi quen với nhân viên phòng vé và quen với nhiều người trong HBSO họ nói tên Trần Nhật Minh là một bảo đảm phòng vé. Vậy mà Trần Nhật Minh vẫn không tự say mê bản thân trong thành công, Minh vẫn thực hiện các chuyến đi (hằng năm được mời/ với Grenoble - Pháp…, hoặc tự lo kinh phí để đi nhiều nước), để cập nhật/ học hỏi thêm những vấn đề đang diễn ra của thế giới về loại hình âm nhạc này. Anh cho rằng, anh phải tận dụng mọi chuyến đi để được học hỏi, từ chuyên môn cho đến các cách tổ chức, vận hành dự án (quy trình sản xuất một vở opera, concert cho cộng đồng...). Và quan trọng là tham dự các buổi hoà nhạc lớn nhỏ, để được sống trong không khí nghệ thuật chất lượng cao, để nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật bản thân…

Tôi từng sống và đi nhiều nơi trên thế giới, tôi biết các thành phố lớn ở các quốc gia phát triển, trong các tổ chức dàn nhạc lớn họ có dàn nhạc giao hưởng (Philharmonic Orchestra) và song song đó là một dàn nhạc “Nhẹ” (Pops Orchestra) ví dụ như Boston Pops Orchestra; Cincinnati Pops Orchestra; Hollywood Bowl Orchestra... Các dàn nhạc Pops sẽ biểu diễn các chương trình lễ hội, nhạc phim trong khán phòng lẫn ngoài trời để công chúng (Popular). Thụ hưởng dễ dàng hơn, dần dần có thể tiếp cận với âm nhạc hàn lâm, và nhạc hàn lâm là điều không thể không có đối với một xã hội cân bằng( lý trí và tình cảm… phóng túng)   

Nên khi nghe nói Minh đã và đang là người đồng sáng lập và duy trì Dàn nhạc nhẹ (Saigon Pops Orchestra), để đưa công chúng đến gần hơn với một thứ âm nhạc giàu lý tính hơn nhưng vẫn đủ để giải trí, tôi đã gặp anh và cuộc trò chuyện của chúng tôi thật là thú vị. Minh tặng tôi cuốn sách của Tricia Tunstall có tựa đề “Những nốt nhạc tỉnh thức”, trong đó có cả bài của pianist Tranh Trịnh Mmus, Lram. Cuốn sách khiến cho tôi cảm động.  Cuốn sách khá dày, nhưng tôi nhớ nhất câu “Âm nhạc có thể tỉnh thức và nuôi dưỡng những giá trị tốt đẹp… ”. Và muốn thế, phải tổ chức cho con người, bắt đầu từ trẻ em, biết cách tiếp cận với loại âm nhạc lành mạnh, có sức nâng đỡ và dẫn dắt tâm hồn đến các nấc thang có giá trị tích cực…  

Trần Nhật Minh đang sống hạnh phúc bên gia đình, bạn bè và một công việc có sức lôi cuốn lớn tại TP HCM…

Trần Thị Trường
.
.