Lê Tùng Sơn: Người cộng sự gần gũi của Bác Hồ

Chủ Nhật, 20/06/2021, 13:20
Thiếu tá tình báo người Mỹ, ông Patti viết trong hồi ký “Tại sao Việt Nam” (Why Vietnam) đã chia sẻ một kỷ niệm khi gặp gỡ lãnh tụ Hồ Chí Minh ở một quán trà tại Côn Minh (Trung Quốc): “Tôi nắm lấy bàn tay gần như mỏng mảnh của ông Hồ và bày tỏ sự vui sướng của tôi vì được gặp một người có nhiều người bạn Mỹ ở Côn Minh. Sau đó, ông Hồ giới thiệu người Việt Nam khác, ông Lê Tùng Sơn, như là một người cộng tác gần gũi của mình trong Liên minh”. Ông Lê Tùng Sơn là ai?

Chiến sĩ cách mạng dạn dày

Vật đổi sao dời, tìm người xưa không dễ, chẳng khác nào mò kim đáy biển. Nhưng rồi, những người đã đóng dấu mốc vào lịch sử dù thế nào cũng tìm được ra. Qua những chặng lần tìm, cuối cùng những nhịp cầu lịch sử cũng đưa tôi tới với người thân của ông Lê Tùng Sơn. Cuộc gặp gỡ với người con gái của ông tại Hà Nội giúp cho bức chân dung của một nhân vật lịch sử đã lui vào quá khứ từ hơn một phần tư thế kỷ qua được phát lộ sáng láng.

Gia đình ông Lê Tùng Sơn (Ảnh gia đình cung cấp).

Trước hết, xin được giới thiệu qua đôi nét tiểu sử nhân vật Lê Tùng Sơn. Ông sinh trưởng tại Hưng Yên, từ nhỏ đã được nghe những người có chữ trong làng đọc câu thơ của danh tướng Phạm Ngũ Lão đời Trần “Múa giáo non sông trải mấy thâu/ Ba quân khí mạnh nuốt sao Ngưu...”. Năm 1929, ông tham gia tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng, được phân công cùng anh em đánh đồn Thông (Sơn Tây) do Phó Đức Chính và Phó quản Nguyên chỉ huy. Việc đánh đồn không thành. Ngày 15-2-1930, Phó Đức Chính, Phó quản Nguyên và Thanh Giang (một trong những người chỉ huy đánh đồn Yên Bái, thất bại chạy về Sơn Tây) bị bắt. Lê Tùng Sơn cũng bị chính quyền thực dân Pháp lùng bắt. Sau một thời gian trốn ở nhiều nơi giữa Sơn Tây và Vĩnh Yên, bị truy nã gắt gao, ông chạy sang Vân Nam (Trung Quốc) hoạt động.

Thời gian ở Trung Quốc, ông vào học tại trường Quân quan học hiệu ở Côn Minh. Tốt nghiệp, ông có thời gian nửa năm làm việc trong quân đội Trung Hoa. Năm 1935, Lê Tùng Sơn và Bùi Đức Minh (tức giáo Hách, sau Cách mạng Tháng Tám 1945 là Giám đốc Công an Liên khu 10, Cục trưởng Quản lý trại giam, Bộ Công an) tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương, là một trong những người thành lập Chi bộ Vân - Quý (Vân Nam - Quý Châu) của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Vân Nam (Trung Quốc). Nhật xâm lược Việt Nam, ông thành lập Việt Nam dân chúng vận động giải phóng hội, mục đích đánh đuổi phát xít Nhật, giải phóng dân tộc. Khi Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, ông cùng Trịnh Đông Hải (sau này về nước mang tên Vũ Anh, là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp...) tổ chức hội Việt Nam dân chúng hưởng ứng Trung Quốc kháng địch hậu viện.

Còn Liên minh mà Patti nhắc đến đó là Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Tổ chức này được những người Việt Nam yêu nước hoạt động ở Trung Quốc lập ra vào năm 1942. Thời gian đầu, Hội chỉ ở trong tay một thiểu số không có tính cách cách mạng, không đủ uy tín để thâu nhập những lực lượng cách mạng chân chính ở hải ngoại nên Hội vận động giải phóng của Lê Tùng Sơn không tham gia.

Sang năm 1943, Việt Nam cách mạng đồng minh hội triệu tập đại hội đại biểu ở hải ngoại. Trước đó, Lê Tùng Sơn đã đi Trùng Khánh giao thiệp với các nhà cầm quyền Trung Hoa để vận động cải tổ Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Ông tạo được uy tín trong giới tướng lĩnh Trung Quốc khi đó và những người yêu nước Việt Nam sinh sống, hoạt động trên đất Trung Quốc. Tại Hội nghị Hải ngoại của tổ chức liên minh này, ngoài những phần tử hẹp hòi, có đại biểu của nhiều đoàn thể cách mạng chân chính, Lê Tùng Sơn trúng cử Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương chính thức Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Cũng trong thời gian này, ông gặp nhà yêu nước Hồ Chí Minh mới thoát khỏi nhà giam của Quốc dân đảng nhưng vẫn chịu sự quản thúc của chính quyền Trung Hoa Quốc dân đảng. Trong hồi ký mang tên “Nhật ký một chặng đường” xuất bản năm 1978, ông Lê Tùng Sơn đã kể lại quãng đường gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh rồi trở về nước, tham gia đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Thái Bình (1946)...

Gặp đại biểu Hồ Chí Minh ở Liễu Châu

Vào khoảng tháng 8-1943, tướng Trương Phát Khuê, Tư lệnh Chiến khu 4 ở Quảng Tây, mời Hội Giải phóng cử đại biểu họp Hội nghị toàn quốc của Việt Cách ở Liễu Châu. Hội đã cử ông Lê Tùng Sơn đi dự hội nghị.

Liễu Châu là một châu của tỉnh Quảng Tây. Dân cư ở đây chủ yếu là người Choang. Đường từ Côn Minh đi Liễu Châu trên một ngàn cây số, hồi đó chỉ có con đường ô tô mới làm, dọc trên xương sống của cao nguyên Vân Quý. Núi non hiểm trở, đường xấu rất khó đi. Khí hậu lại khắc nghiệt, như ông mô tả là gió rét như róc xương, vạc da. Đi hơn một tuần thì tới nơi. Ông Lê Tùng Sơn nhớ lại:

Hội Việt kiều yêu nước hoạt động tại Trung Quốc trước năm 1945. (Tư liệu Trần Tuấn Sinh.)

“Tới Liễu Châu, tôi vào Bộ Tư lệnh Chiến khu 4, đóng ở Đại Kiều, vì tôi có mang theo giấy của Hội Giải phóng giới thiệu với Trương Phát Khuê, Tư lệnh chiến khu. Người tiếp tôi là Hầu Chí Minh, Chủ nhiệm chính trị chiến khu. Ông ta mời tôi ăn cơm, tới dự có cả Trần Bảo Thương, trung tướng, là em trai Trần Thành, Chủ nhiệm công tác tình báo ở Tĩnh Tây”.

Sau cuộc gặp gỡ, Hầu Chí Minh viết thư giới thiệu Lê Tùng Sơn với Thường vụ Hội Việt Cách. Sang làm việc với Việt Cách, Lê Tùng Sơn được Nguyễn Hải Thần tiếp đón.

Nguyễn Hải Thần vốn người tỉnh Hà Đông, tuổi trẻ đã tham gia phong trào Đông Du theo Phan Bội Châu sang Nhật Bản vào học quân sự ở trường Chấn Vũ học hiệu, rồi lại sang Trung Quốc học trường quân sự Hoàng Phố. Mưu sự chống Pháp mà chưa lần nào thành công, Nguyễn Hải Thần cùng các lực lượng trong nước chạy sang Trung Quốc như Vũ Hồng Khanh, Nông Kính Du, thành lập Việt Nam cách mạng đồng minh hội... Xa nước lâu, lại không hoạt động nên theo đánh giá của Lê Tùng Sơn thì Nguyễn Hải Thần “không hiểu gì về tình hình trong nước”.

Tuy nhiên, trong buổi gặp gỡ đầu tiên, Nguyễn Hải Thần tỏ vẻ cởi mở, chân thành với Lê Tùng Sơn. Trong hồi ký, ông Lê Tùng Sơn cho biết: “Chuyện trò hồi lâu rồi sực nhớ ra một việc quan trọng, ông ta mới gọi tôi và nói oang oang:

- À này ông Lê, ở đây có ông Hồ Chí Minh đấy, ông có muốn gặp không, tôi đưa đi gặp.

Thật là hết sức đột ngột, bất ngờ, Hồ Chí Minh, người mà tôi ngưỡng mộ, tin tưởng và đang dò tìm nhưng chưa gặp được, bây giờ lại xuất hiện ở đây ư? Tôi rất xúc động, hồi hộp nhưng cố trấn tĩnh và hỏi lại Hải Thần:

- Ông Hồ Chí Minh là ai, tôi chưa biết.

- Tôi cũng chưa hiểu lai lịch thế nào. Ông Hồ bị bắt ở Tĩnh Tây, giải lên Quế Lâm. Nhưng, ông Lý Tế Thâm, Chủ nhiệm Hành dinh bảo ông Hồ là người Việt Nam thì đưa về Liễu Châu, ở đây có Hội Việt Cách của người Việt Nam. Bây giờ Trương trưởng quan (Trương Phát Khuê) tiếp đãi ông Hồ ở ngay trong Bộ Tư lệnh.

- Thế tôi vào thăm có tiện không hở cụ?

Nguyễn Hải Thần bô bô nói:

- Có gì mà không tiện. Ở đây ngày nào mà chả có anh em phục quốc vào thăm ông. Chưa biết tư tưởng chính trị của ông ta thế nào nhưng tướng người trông rất quắc thước, lỗi lạc. Tôi đoán chắc ông Hồ không phải người thường”.

Ngay hôm ấy, Nguyễn Hải Thần đưa Lê Tùng Sơn vào thăm lãnh tụ Hồ Chí Minh. Những trang hồi ký của ông Lê Tùng Sơn cho biết thêm:

“Khi tới chỗ Bác ở, Hải Thần gọi:

- Cụ Hồ ơi! Có ông Lê ở Vân Nam mới sang. Tôi đưa ông ấy vào thăm cụ đây.

Lúc này Bác đang viết gì trên bàn, nghe tiếng gọi, Bác đứng dậy bắt tay chúng tôi. Bác hỏi tôi:

- Ông ở Vân Nam mới sang? Đời sống của kiều bào ta bên đó thế nào?

Tôi trả lời câu hỏi của Bác. Sau đấy, Bác nói chuyện với Hải Thần và tôi. Tôi thấy Hải Thần đối với Bác có phần kính trọng.

Bác ở ngôi nhà 8 mái, xây dựng trên đồi sát sông Liêu Giang, cao ráo, khoáng đãng, chung quanh là rặng liễu, đồi thông xanh um, cảnh trí trông rất đẹp”.

Từ cuộc gặp gỡ không hẹn mà nên này, Lê Tùng Sơn trở thành cộng sự gần gũi của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Không chỉ trong các hoạt động của người Việt Nam yêu nước ở Trung Quốc, trở về nước, ông cùng các đồng chí của mình còn sát cánh với Chính phủ lâm thời trong những ngày nước sôi lửa bỏng trong năm đầu tiên nước nhà độc lập 1945-1946 với các chức vụ: Chủ nhiệm Báo Đồng minh, Đại biểu Quốc hội khóa 1 ứng cử tại tỉnh Thái Bình; Tham mưu trưởng Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam... 

Lê Tùng Sơn (1908-1983) quê huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Từ năm 1954, ông tham gia Ban phụ trách Biện sự sứ Việt Nam ở Vân Nam (1954-1955), Tổng lãnh sự Việt Nam ở Vân Nam - Trung Quốc (1956-1959), Vụ trưởng Vụ Á châu I - Bộ Ngoại giao (1960-1966), Tổng Lãnh sự Việt Nam tại thủ đô Miến Điện (bây giờ gọi là Myanmar) - hồi đó chưa có quan hệ ở mức đại sứ (1966-1969), Ủy viên Thường trực Ủy ban Liên lạc văn hóa với nước ngoài - nay là Ủy ban UNESCO (1971-1976).

Ông Lê Tùng Sơn nghỉ hưu năm 1976 và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì...


Kiều Mai Sơn
.
.