Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Vũ Như Canh: Danh thơm còn mãi

Thứ Sáu, 31/05/2019, 19:18
Tôi hẹn làm việc với ông vào một chiều cách đây vài năm, Sài Gòn đã lên đèn, tôi đến trễ giờ. Vừa dừng xe trước cửa đã thấy kỹ sư Đỗ Quang Giám, con rể của ông đứng đợi và nói: “Ông cụ đang ngóng anh”.

Một năm học nhảy 4 lớp

Vốn sống hiền lành, lặng lẽ, giờ đây ông càng lặng lẽ hơn. Tôi chăm chú nhìn vào gương mặt của một bậc trưởng lão trong ngành khoa học tự nhiên Việt Nam để cố tìm xem dấu vết của những gánh nặng cuộc đời phần nào chất lên vai ông mà không thấy. Chỉ thấy gương mặt ông vẫn bình thản, tự tại an nhiên. May chăng có gánh nặng của thời gian với tuổi 93 làm mái tóc ông bạc trắng, cùng với đó là lần ốm mới khỏi khiến trí nhớ của ông suy giảm phần nào. Với giọng nói ấm, vang, ông chậm rãi kể cho tôi nghe những ký ức cuộc đời.

Giáo sư, nhà giáo nhân dân Vũ Như Canh quê ở làng thêu Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Bố mẹ ông sớm nhận thấy nếu chỉ quanh năm bám lấy quê nhà cày sâu cuốc bẫm sẽ chẳng thể mở mày mở mặt được với thiên hạ nên sớm tìm đường ra Hà Nội buôn bán. 

Với nghề thêu truyền thống của quê hương, cùng sự đảm đang, tảo tần, chắt chiu, hà tiện, hai cụ đã nhanh chóng xây dựng được cơ ngơi trên phố Hàng Nón rồi thêm một villa nhìn ra hồ Hoàn Kiếm. Có tài sản lớn, cha mẹ ông không cho con cái theo nghề kinh doanh, mà đều hướng theo con đường học hành.

Người con trai cả của ông bà (anh trai ông Vũ Như Canh) sang học ở Pháp và tốt nghiệp Đại học Luật khoa Paris, lấy bằng thạc sĩ rồi trở về hành nghề luật tại Hà Nội. Ông trở thành một học giả lớn về luật pháp của Việt Nam: Thẩm phán Tòa Thượng thẩm Sài Gòn, giáo sư Đại học Luật khoa Sài Gòn. Uyên thâm cựu và tân học, ông còn được biết đến với cương vị của một chính trị gia nổi tiếng: thượng nghị sĩ quốc hội, bộ trưởng ngoại giao rồi thủ tướng của chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Đó là giáo sư - luật sư Vũ Văn Mẫu (1914-1998).

Điều độc đáo và hấp dẫn đầu tiên ở GS, tiến sĩ khoa học, nhà giáo nhân dân Vũ Như Canh là những cú nhảy lớp ngoạn mục thời phổ thông và danh tiếng của người Việt Nam đầu tiên giảng dạy tại bậc đại học của nước Pháp.

Hồi nhỏ, như bao cậu bé khác, Vũ Như Canh rất ham chơi. Có năm phải lưu ban, không lên được lớp vì mải chơi. Bà mẹ thấy vậy, liền giao Vũ Như Canh cho anh trai cả kèm cặp. Từ đó, Vũ Như Canh có hứng thú học hành. Nhờ tinh thần tự học miệt mài, để rồi trở thành hiện tượng “lạ lùng”, một năm học nhảy 4 lớp, khiến nhiều người phải bất ngờ.

GS Vũ Như Canh kể cho tôi nghe: “Lúc bấy giờ, song song với hệ trung học dành cho con em người Việt do thầy giáo người Việt dạy, còn có trường Albert Sarraut dành cho con em người Pháp. Tháng 9 hằng năm, trường Albert Sarraut có dành một số chỉ tiêu tuyển con em người Việt học xuất sắc vào. Thi tuyển sinh gồm các bài luận cho các môn toán, lý, Pháp văn, tất cả đều bằng tiếng Pháp. Tôi học trường Bưởi thì đứng thứ nhất nhưng thấy bên Albert Sarraut nhiều cái tiện lợi nên thi sang”.

Nhờ học nhảy mà một người bạn vốn học cùng lớp ở trường Bưởi là Nguyễn Đình Nam (thân sinh họa sĩ Nguyễn Đình Đăng), thành ra học sau Vũ Như Canh 4 lớp. “Lúc bấy giờ các thầy giáo ở trường rất lấy làm ngạc nhiên. Tại sao tôi giỏi tiếng Pháp là vì ông anh dạy”, GS Vũ Như Canh nhớ lại.

Năm 1938, gia đình cho Vũ Như Canh sang Pháp du học. Lênh đênh trên đại dương, tàu đến trễ, Vũ Như Canh nhập học muộn Đại học Montpellier. Với chế độ giáo dục của người Pháp thời đó, nhập học sớm hay muộn không thành vấn đề, cốt yếu là phải lấy đủ tín chỉ mới có bằng cử nhân. Có người sang Pháp học 10 năm về nước vẫn chỉ là cậu tú tài.

Năm sau, Chiến tranh thế giới 2 nổ ra, gia đình không gửi tiền qua kịp. Sáng ông xếp hàng ăn cơm từ thiện. Cơm chỉ ăn một bữa, ông lại học suốt ngày đêm. 

Chỉ sau 2 năm, ông lấy được đầy đủ các tín chỉ của Đại học Montpellier. Thời gian đó, trường thiếu trợ giảng cho giáo sư nên tổ chức thi tuyển. Có 13 người dự tuyển làm trợ giảng. trong đó 12 người Pháp, 1 người Việt Nam. Vũ Như Canh được chọn làm trợ giảng. Tốt nghiệp thủ khoa, Vũ Như Canh bắt đầu làm trợ giảng tại Đại học Montpellier, một trường danh giá trong nền giáo dục nước Pháp.

Năm 1949, bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ vật lý quốc gia (docteur d état) tại trường Đại học Montpellier, năm sau Vũ Như Canh về nước, được phong hàm Giáo sư thực thụ (professeur titulaire) tại trường Đại học Khoa học cơ bản (Faculte des Sciences) Đông Dương ở Hà Nội. 

Từ đây, Vũ Như Canh là người Việt Nam đầu tiên dạy đại học bằng tiếng Pháp ở Việt Nam. 2 năm sau,  ông được cử làm Phó Giám đốc trường Đại học Khoa học cơ bản, mà hiệu trưởng là người Pháp.

Nguồn nước mát cho cánh đồng tri thức

Điều độc đáo, hấp dẫn thứ hai của GS. nhà giáo nhân dân Vũ Như Canh là một trí thức có địa vị cao sang lại chưa có điều kiện tiếp xúc, hiểu biết về đời sống cách mạng nhưng ông đã ở lại Hà Nội giảng dạy cho nền giáo dục miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Năm 1954, hòa bình được lập lại ở miền Bắc nhưng đất nước tạm chia hai miền. Niềm vui giải phóng đi đôi với nỗi buồn chia cắt. Nhiều người miền Nam theo kháng chiến tập kết ra miền Bắc. Nhiều người miền Bắc di cư vào miền Nam. 

Một số giảng viên, viên chức của đại học Hà Nội cũ, đã bỏ Hà Nội để vào Sài Gòn hoặc các đô thị miền Nam khác. Riêng GS Vũ Như Canh cùng một số nhà trí thức lớn khác như GS Đặng Văn Chung đã ở lại.

GS Đàm Trung Đồn, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội kể với người viết bài này: “Thời kì sắp tiếp quản Hà Nội, tôi cùng một số anh em trong Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội tổ chức đi vận động các thầy cô giáo không di cư vào Nam. 

Cùng với một anh nữa, tôi đến nhà thầy Vũ Như Canh, định bụng nói: Thầy ở lại đây để dạy cho chúng em. Đến nơi, chưa kịp nói gì thì thầy Canh đã nói: Tôi ở lại Hà Nội chứ tôi không đi vào Sài Gòn. Và thầy nói thêm: Chúng tôi phải ở lại. Sinh viên các anh ở lại thì chúng tôi cũng phải ở lại chứ”.

Giáo sư, nhà giáo nhân dân Vũ Như Canh và gia đình con gái - bác sĩ Vũ Anh Lê.

GS Vũ Như Canh đã ở lại với miền Bắc, là vị giáo sư chính thức trên bục giảng đại học sư phạm khoa học, là người Việt Nam đầu tiên dạy ngành vật lý bằng tiếng Việt kiêm giữ chức Phó Giám đốc nhà trường bên cạnh Giám đốc là GS. TS Lê Văn Thiêm. 

Cùng với GS Ngụy Như Kontum, GS Dương Trọng Bái,... GS Vũ Như Canh cũng là một trong những người đầu tiên xây dựng Khoa Vật lý chung cho cả hai trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội).

Trong ký ức của những sinh viên đại học Hà Nội, họ luôn nhớ đến người thầy đẹp như một tài tử có cặp mắt sâu và sáng, lúc nào cũng như vừa chăm chú, vừa lơ đãng. “Nước da hồng hào và miệng tươi như hoa làm cho thầy vừa rất trí thức, vừa giống như một tài tử điện ảnh. Mà thầy cũng hay nhắc tới Robert Taylor, Eroll Flynn, thầy luôn thích nói đến sức khỏe siêu hạng của anh chàng tài tử điện ảnh Mỹ này”.

Ba mươi năm có lẻ giảng dạy trên giảng đường đại học, ông ăn nói rất thoải mái theo lối Tây, luôn gọi sinh viên theo cách tu (anh), te (anh), toi (anh). Mỗi giờ lên lớp, không bao giờ ông dùng tài liệu hay giáo trình. Mọi kiến thức dùng cho bài giảng luôn sẵn trong đầu như một nguồn nước tưới mát cho cánh đồng tri thức.

“Cho đến ngày hôm nay, hầu hết các anh chị đã được thầy giảng dạy cũng đều khâm phục thầy về tri thức uyên bác cũng như về phương pháp truyền thụ kiến thức. Thầy không nói thừa một lời, không lặp lại một ý. Mọi lời giảng đều mạch lạc, khúc chiết. Thầy còn vạch hướng để sinh viên tự nghiên cứu. Thầy đích thực là một nhà khoa học, một nhà sư phạm, một tâm hồn phong phú, giản dị và rộng mở”.

Còn GS Đàm Trung Đồn cho biết: “Tôi phải nói rằng: Trong tất cả những thầy giáo dạy tôi, thầy Vũ Như Canh là người để lại phương pháp sư phạm rất tốt, kiến thức rất sâu sắc, đã tạo nên lớp người như tôi, anh Vũ Đình Cự, sau là anh Nguyễn Văn Hiệu, anh Vũ Thanh Khiết, anh Phạm Quý Tư...”.

GS, tiến sĩ khoa học, nhà giáo nhân dân Vũ Như Canh (1920-2016) tốt nghiệp cử nhân toán - lý năm 1940 và tiến sĩ toán - lý năm 1949 tại Pháp. Năm 2008, ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.

Ông đã đào tạo nhiều thế hệ học trò trưởng thành từ chuyên ngành vật lý. Những nhà khoa học vật lý sáng giá hiện nay đều được thụ giáo ông như PGS.TS Vũ Thanh Khiết (nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội), GS.TS Đàm Trung Đồn (nguyên Trưởng khoa Vật lý chất rắn - Đại học Quốc gia Hà Nội), GS, viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam), GS.TS Phạm Quý Tư (nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội), ông Cao Minh Thì - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh...

Kỹ sư Vũ Quang Giám (cán bộ hưu trí Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh), con rể GS Vũ Như Canh chia sẻ: Ông vất vả về đường con cái. Hai người con trai mắc bệnh, đi xa trước ông. Khi hai con trai rồi vợ ông lâm bệnh, ông quán xuyến hết mọi việc trong nhà.

“Từ năm 1992, ông vào TP Hồ Chí Minh sinh sống. Ông thích độc lập, tự do, mua nhà riêng ở. Ông có lối sống Tây, chúng tôi rất quý. Ông tôn trọng tất cả mọi người, từ con cháu đến người giúp việc; không nói nặng, không mắng ai lời nào. Khi cô giúp việc nấu ăn không ngon, ông ăn ít rồi đi lên lầu”.

Kiều Mai Sơn
.
.