Giáo sư, nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai: Đức độ, tài hoa…

Thứ Năm, 20/12/2012, 10:30

Đối với chúng tôi, những sinh viên khóa 8 (1963-1967) của Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) thì Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai là một trong những người thầy mà chúng tôi hết sức kính trọng, cảm phục, bởi tấm lòng bao la và sự tận tình giảng dạy của thầy.

Thầy đã truyền cho chúng tôi ngọn lửa nhiệt tình và niềm say mê văn học - nghệ thuật để hướng tới chân, thiện, mỹ. Những giờ lên lớp của thầy thường để lại cho chúng tôi những ấn tượng sâu sắc, không sao có thể quên được. Trời đã phú cho thầy một giọng nói rất ấm và ngân vang, đầy sức truyền cảm như thầy từng nhận xét: “Tôi nói hay hơn viết”. Thầy giảng các chuyên đề về văn học Việt Nam hiện đại, đề cập một cách tự nhiên, trực tiếp một số vấn đề gai góc, đã từng tốn không ít giấy mực và thời gian để tranh luận. Chúng tôi cảm thấy thầy như một người trong cuộc, trực tiếp được chứng kiến hoặc sống trong không khí văn học thuở ấy để giới thiệu, phân tích cho chúng tôi hiểu, đánh giá đúng những xu hướng, trào lưu văn học và những tác giả, tác phẩm tiêu biểu. Thầy nắm chắc vấn đề, thuộc lòng, làm chủ bài giảng, kể cả những đoạn thơ văn trích dẫn. Hầu như thầy chẳng phải nhìn vào giáo trình và những tư liệu, sổ tay chuẩn bị mà thầy mang theo để phục vụ bài giảng.

Tôi nhớ tại nơi sơ tán chiều hôm ấy - một chiều hè năm 1966, khi bọn giặc nhà trời, gồm những chiếc “thần sấm” (F105), “con ma” (F4) Mỹ vừa cút khỏi, chúng tôi liền ba chân bốn cẳng từ giao thông hào chạy ùa vào lớp học tranh tre nứa lá dựng bên đồi Tràng Dương, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) để nghe tiếp bài giảng của thầy Hoàng Như Mai về thơ ca kháng chiến chống thực dân Pháp. Lần đầu tiên cánh sinh viên chúng tôi được nghe thầy phân tích, bình giảng một cách khách quan, có lý, có tình về mấy bài thơ “có vấn đề” đã từng bị phê phán gay gắt như Tây tiến của Quang Dũng, Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Không nói của Nguyễn Đình Thi. Phải đặt vào hoàn cảnh, bối cảnh lúc đó có phần khắt khe, cực đoan khi đánh giá tác phẩm, tác giả thì mới thấy tính cách thẳng thắn, khảng khái, trọng lẽ phải của thầy - một người thầy tài hoa, lịch lãm, từng trải. Trong lớp chúng tôi, có anh đã say mê, thuộc lòng một số bài giảng của thầy, bắt chước được giọng nói đầy truyền cảm của thầy.

Mấy tháng đầu đi sơ tán chỉ có thầy lên trước để giảng dạy và chuẩn bị điều kiện đón cả gia đình lên. Thế rồi được sự giúp đỡ của địa phương và của trường, thầy đã làm được ngôi nhà tranh nho nhỏ bên dòng suối Đôi nước chảy rì rầm ngày đêm để làm nơi sum họp của cả nhà. Chỉ có cô con gái lớn của thầy là công nhân Nhà máy dệt 8-3 nên phải bám Hà Nội để sản xuất. Khi ấy, cô Phạm Kim Trang (vợ thầy) được chuyển về công tác tại Văn phòng Trường Đại học Tổng hợp, sơ tán cách nhà thầy một đoạn đường đồi. Ngày nghỉ, sinh viên chúng tôi kéo nhau ra thăm thầy cô và cũng là để đỡ đần gia đình một vài việc. Có hôm, tôi theo thầy giáo vào trong xóm mượn được cái cày và con trâu của dân để cày nốt vạt đất trước nhà, giúp thầy cô và các em trồng sắn.

Còn anh Trịnh Hồ Khoa, lớp trưởng, vốn là học sinh cũ của thầy từ hồi ở Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc thì cặm cụi sửa cho thầy cái bếp và chái nhà vừa bị cơn lốc làm siêu vẹo. Lúc giải lao, thầy kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện lý thú về quá trình thầy đến với cách mạng, đến với văn chương, nghệ thuật và ngành giáo dục. Vốn là “cậu ấm”, con quan tuần phủ Bắc Giang, quê gốc ở Hà Đông, nay là thôn Nội Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội, thầy được học hành tử tế: học sinh Trường Bưởi (Hà Nội), sinh viên Trường Đại học Y, rồi Đại học Luật. Những năm 1945, 1946 lần đầu tiên thầy đến với cách mạng bằng những vở kịch lấy đề tài lịch sử và hiện đại do thầy sáng tác hoặc chính thầy làm diễn viên. Đoàn kịch tuyên truyền do thầy phụ trách đã bôn ba vào Nam ra Bắc, liên tiếp phục vụ công chúng, được bà con hoan nghênh, ủng hộ nhiệt liệt. Từ năm 1948, thầy được cấp trên mời sang ngành giáo dục công tác, bị mất “hộ khẩu” bên sân khấu như thầy nói vui và gắn bó với giảng đường cho đến bây giờ. Chính những năm gắn bó với sân khấu ấy đã giúp thầy có được phương pháp độc đáo để truyền thụ kiến thức cho học sinh.

Thầy đi theo cách mạng, theo kháng chiến như là một lẽ tự nhiên của người thanh niên trí thức yêu nước, yêu cách mạng. Có lần Bác Hồ đến thăm Trường Trung học Sư phạm trung ương ở Khu học xá Nam Ninh Trung Quốc, do thầy làm hiệu trưởng, thầy đã đứng lên bắt nhịp cho cả trường hát bài Kết đoàn để Bác nghe.

Cuộc đời thầy đã trải qua không ít gian nan, vất vả. Tuy vậy, thầy vẫn giữ được phong cách ung dung, đàng hoàng và tận tình, hết lòng vì học sinh thân yêu. Thầy sống giản dị, gần gũi với sinh viên nên chúng tôi rất kính trọng thầy và dám bộc bạch với thầy những điều mà mình muốn tìm hiểu để thầy giảng giải cho.

Tôi nhớ mãi lần tôi và Nguyễn Phú Trọng cùng lớp (anh Nguyễn Phú Trọng nay là Tổng Bí thư BCHTW Đảng) vào khoảng tháng 4/1967, từ nơi sơ tán về Hà Nội để tìm thêm tài liệu viết luận văn tốt nghiệp. Trước khi về, chúng tôi rẽ vào thăm thầy Hoàng Như Mai. Thầy nhờ chúng tôi mang chiếc xe đạp của thầy về cho cô con gái có phương tiện đi làm. Hồi ấy cả nhà thầy ở trong một căn phòng chật hẹp khoảng 20m2 của khu nhà tập thể xập xệ, xuống cấp, sát ngã tư phố Quang Trung và phố Nguyễn Du, Hà Nội. Khi xe lửa đến ga Hàng Cỏ, tôi liền đạp xe đến nhà thầy, nhưng không gặp con gái thầy, vì em đi làm chưa về. Tôi băn khoăn quá, liền nảy ra ý nghĩ mượn tạm chiếc xe đạp này để “vù” về Phủ Lý thăm gia đình. Chiều hôm sau, tôi mới lên Hà Nội thì gặp Nguyễn Phú Trọng từ quê Đông Hội, huyện Đông Anh sang đọc tài liệu ở Thư viện Quốc gia. Anh Trọng cho biết: “Nhân tiện có ô-tô của trường về Hà Nội, thầy Mai có việc nên về luôn. Trưa nay gặp thầy, thầy hỏi: “Xe đạp của thầy đâu?”, mình khó nói quá. Thôi, ông đến xin lỗi thầy đi”.

Tối hôm ấy, tôi mang xe đạp đến nhà thầy. Tôi cứ tưởng là sẽ bị thầy “xạc” cho một trận ra trò, nào ngờ sau khi nghe tôi trình bày, thú thật với thầy, thầy chỉ cười và nhẹ nhàng nói: “Thôi, chả sao...”. Tôi càng thêm kính trọng thầy, vì thầy rất hiểu, rất thông cảm cho nguyện vọng của một sinh viên như tôi xa nhà đi sơ tán đã lâu rất muốn được về quê thăm gia đình.

Sau này khi đã ra công tác, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn được nghe thầy nói chuyện ở Câu lạc bộ Hội Nhà báo Việt Nam. Chúng tôi lại được nghe thầy nói về những điều mới lạ, những cảm nhận sâu sắc của thầy về một số vấn đề của báo chí, của văn học hiện đại. Thầy vẫn giữ nguyên phong độ và những nét xưa như hồi thầy dạy chúng tôi học. Nếu có thể giúp được học trò việc gì, thầy đều sẵn sàng. Biết tin một sinh viên cũ học khá, sau khi tốt nghiệp đã vui vẻ nhập ngũ vào Binh chủng Tên lửa phục vụ mấy năm liền muốn được chuyển về làm phóng viên một tờ báo tuần, thầy đã sốt sắng đến tòa soạn để giới thiệu, giúp cho người học trò cũ của mình đạt được nguyện vọng. Sau này anh trở thành Tổng biên tập Báo Tiền phong.

Giáo sư Hoàng Như Mai rất gắn bó với Khoa Ngữ Văn, nơi thầy đã giảng dạy suốt mấy chục năm trời, kể từ năm 1959. Sau này thầy chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống và tiếp tục giảng dạy. Ngoài nhiệm vụ đó, thầy còn đảm đương chức Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh, Tổng chủ biên sách giáo khoa văn học phổ thông trung học. Thầy miệt mài làm việc, đóng góp cho văn học - nghệ thuật và ngành giáo dục.

Tuy sống ở phương Nam, nhưng thầy vẫn nhớ da diết đồng nghiệp và nhiều thế hệ học sinh, sinh viên ở Hà Nội đã được thầy dạy dỗ, chăm sóc. Năm 1986, thầy ra Hà Nội dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp. Trở về Khoa - ngôi nhà xưa của mình, thầy xúc động làm một bài thơ nói lên ý nghĩ và tình cảm của thầy cũng là của bao thầy giáo, cô giáo và sinh viên:

Nhớ khi Ký Phú, Đồng Văn,
Mấy phen mì độn, mấy lần đạn bom.
Thầy, cô người mất, người còn,
Sinh viên mấy nấm mồ chôn chiến trường.

Những câu thơ rất thực này khiến cho ai đã từng học tập, trưởng thành ở Khoa Ngữ Văn không nén nổi xúc động, ngậm ngùi và tự hào.

Đối với lớp Văn 8 chúng tôi, thầy có tình cảm đặc biệt. Cách đây gần 10 năm, ngày 25/11/2003, thầy đã viết cho tôi một lá thư tay dài 4 trang giấy khổ A4 với những dòng chữ hết sức cảm động. Thầy đã nhắc đến những kỷ niệm rất đẹp trong cuộc đời dạy học của mình, đến nghĩa tình thầy trò sâu nặng và tấm lòng của các thế hệ học trò đối với thầy, trong đó có lớp chúng tôi. Thầy viết: “Những tình cảm thân thương, hồn nhiên ấy khiến tôi quên cả tuổi già, muốn được làm thầy giáo mãi mãi... Tác phẩm của tôi là học trò...”.

Có thể nói cuộc đời của Giáo sư Hoàng Như Mai thật phong phú và sôi động. Chẳng những là người thầy giỏi có khiếu cảm thụ văn học tinh tế và phương pháp sư phạm đặc biệt, giáo sư còn là nhà viết kịch, diễn viên kịch, nhà báo, nhà thơ. Năm nay thầy giáo đã 94 xuân, nhưng vẫn khỏe mạnh và dồi dào niềm tin yêu cuộc sống. Càng sắp đến ngày kỷ niệm 50 năm tựu trường đại học (1963-2013), chúng tôi càng nhớ đến công lao của thầy cũng như của các thầy giáo, cô giáo trong Khoa đã tận tình dìu dắt, truyền cho chúng tôi kiến thức và lẽ sống làm người trong suốt 4 năm học ở Đại học. Tôi vẫn nhớ ngày 18-9-2008, với tư cách là một học trò cũ, nhân dịp thầy thượng thượng thọ 90 tuổi, Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng đã gửi lẵng hoa và thư chúc mừng “Thầy Hoàng Như Mai - Giáo sư, Nhà giáo nhân dân - một người thầy đức độ, tài hoa, tâm huyết, chân tình...”.

Đối với tôi, tôi rất nhớ những kỷ niệm sâu sắc về thầy, kể từ ngày được gặp thầy lần đầu tiên, nghe thầy nói chuyện về đề tài: Hình ảnh con người mới, cuộc sống mới trong văn học Việt Nam hiện đại, do Thư viện tỉnh Hà Nam tổ chức tại thị xã Phủ Lý vào tháng 4/1963 (khi đó chúng tôi đang học lớp 10 - lớp cuối cùng của hệ giáo dục phổ thông hồi đó), đến khi vào Đại học được nghe thầy giảng và cho đến khi ra trường làm việc, thỉnh thoảng lại được gặp thầy.

Đáng kính biết bao thầy giáo Hoàng Như Mai của chúng tôi.

Hà Nội, 10-12-2012

Nguyễn Huy Thông
.
.