Nhà văn Đỗ Tiến Thụy: Tự “làm mịn” mình trong tiểu thuyết mới

Thứ Sáu, 22/12/2017, 12:40
Để có “Con chim joong bay từ A đến Z” giới thiệu tới bạn đọc, Đỗ Tiến Thụy đã mất tới 5 năm thai nghén, 1 năm ngẫm ngợi, 4 năm viết đi sửa lại, từ bản thảo dài 180.000 chữ được cắt gọt chỉ còn một nửa, từ gần 700 trang bản thảo chỉ còn 316 trang tiểu thuyết. 

Anh kể, trong quá trình viết, anh chỉ có cắt và cắt. Thậm chí, viết lại toàn bộ. Anh gọi đó là “một cuộc tinh giản đầy đau đớn”.

Mỗi chữ viết ra, là máu nhỏ ra, sao không đau cho được khi chối bỏ nó? “Nhưng nếu để thì có hay hơn không; nếu cắt đi thì có ảnh hưởng gì không?”, lúc nào Đỗ Tiến Thụy cũng tự hỏi mình như thế. Tuy nhiên, khi nhìn lại quá trình 10 năm đằng đẵng mang thai đứa con tinh thần với không ít lần đau đớn ấy, cuối cùng nó cũng được ra mắt, lại đúng ý đồ với mình. 

Sau khi “đẻ” nó ra, nó có một đời sống mạnh khỏe hay ốm yếu, đó là chuyện của độc giả tiếp nhận. Còn bây giờ, anh tạm hài lòng khi cầm nó trên tay. “Tôi đã dồn hết 10 năm cho một cuốn tiểu thuyết, rung động một cách thành thực với nó, lao động một cách nghiêm túc vì nó và không hề cảm thấy ân hận khi nó được in ra”, anh nói.

Để có Con chim joong bay từ A đến Z giới thiệu chính thức tới bạn đọc, nhà văn Đỗ Tiến Thụy đã trải qua 4 cuộc “đại trùng tu” lớn, không kể các cuộc “tiểu phẫu”. Anh kể, anh đã tự “Photoshop”, “làm mịn” chính mình. Lao động văn xuôi là lao động cơ học, khác kiểu “một phút lóe lên” rồi viết của thơ. 

Cũng không thể ngồi một lúc là viết xong một cuốn tiểu thuyết được. Trong quá trình viết văn, có khi căng thẳng nhưng cũng có lúc dãn ra, rỉ rả; đôi khi đang làm công việc gì đó, nghĩ đến một cái tứ nào đó lại phải ghi chú riêng ra không lại quên mất.

Lần sửa đầu tiên chính là khi viết xong mà không “tiêu hóa nổi” những điều mình viết. Anh đóng bản thảo, 1 năm sau mới mở ra xem lại. Khi có một khoảng lùi thời gian rồi, đọc lại mới thấy nó ngổn ngang bao nhiêu điều cần phải sửa lại. Rất nhiều lỗ hổng cần phải thêm vào. 

Tuy nhiên, khi sửa xong, vẫn thấy không ổn, chưa thể in được. Lúc đó, không có hình ảnh con chim joong hay khẩu súng gì cả. Tên bản thảo là “Từ A đến Z”, chứ không phải là Con chim joong bay từ A đến Z như bây giờ.

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy.

Sau 1 năm “gác bút”, Đỗ Tiến Thụy lôi bản thảo ra, đọc lại từ đầu. Một đứa con mình đang mang trong bụng mà chưa “đẻ” nó ra thì ấm ách lắm nên anh tự nhủ, mình phải trả nợ cho chính mình xong rồi làm gì thì làm. 

Anh quyết định sửa lần thứ hai. Lần này, anh sửa trong vài tháng. Tuy nhiên, khi xong xuôi, thấy nó vẫn chưa ổn, vẫn ngổn ngang, bề bộn nhiều thứ. Khi đó, bản thảo dài 180,000 chữ, nếu in ra khoảng 700 trang. 

Một cuốn sách dày thế này, lại không hay, ai đọc nổi? Anh lại treo bút. Anh cảm thấy mình vẫn chưa tìm được giọng kể phù hợp với câu chuyện này.

Đến một ngày nọ, Đỗ Tiến Thụy đi uống café trên Bờ Hồ, nhìn sang bàn bên cạnh thấy một số anh em báo chí làm phóng sự về hồ Gươm bằng flycam. Lúc đó là năm 2014, flycam mới vào Việt Nam. Anh bị thứ công nghệ này cuốn hút. Nó đã cho anh một gợi ý thú vị.  

Anh biết tại sao cuốn tiểu thuyết của mình bị “bẹt”. “Bẹt” theo cách nói của cánh văn xuôi là không thăng hoa lên được, cứ rù rì rù rì theo kiểu buồn ngủ rất chán. Khi nhìn chiếc flycam ấy, một ý tưởng mới lóe lên. Anh cần phải có một góc nhìn khác để có thể vừa nhìn được đại cảnh, vừa có thể nhìn được trung cảnh, cận cảnh được. 

Hay là dùng ngay chiếc flycam để làm ngôi kể? Nhưng vẫn thấy không ổn. Flycam nói cho cùng cũng chỉ là một thiết bị mang tính công nghệ, không thể cảm nhận được cuộc sống. 

Mặt khác, flycam chỉ có thể bay thôi, không dừng được, không thể chui vào chỗ này chỗ kia để quan sát, kể lại được. Thế là, hình ảnh con chim ra đời. Đỗ Tiến Thụy nhớ lại, lúc đó anh vẫn chưa biết gọi là chim gì. Con chim lúc đó cũng không biết nói, không tham gia gì vào câu chuyện. Nói chung là một con chim rất chán. Anh cần một con chim biết nói cho sinh động, một con chim có số phận, có khả năng tương tác với các nhân vật để mạch truyện có thể sinh sôi. 

Rồi hình ảnh con chim joong trong câu hát của người Ba-Na: “Anh với em như một đôi chim joong tung cánh. Ta mang lúa về chật kho” lóe lên trong đầu. Con joong chính là con chim vẹt ở dưới xuôi. Tác giả quyết định đặt tên cho con chim kia là “joong”. Đỗ Tiến Thụy viết lại. Lần này, viết ào ào. Đó là lần sửa thứ ba.

Tuy nhiên, khi viết xong anh lại nhận ra, đoạn viết về chiến tranh đòi hỏi phải được tái hiện bằng giọng kể khác. Con chim joong kể chuyện thời hiện đại thì được rồi nhưng nếu để nó kể từ A đến Z cũng buồn ngủ và không ổn lắm. Vậy là, mới được nửa cuốn sách mà thôi, nửa cuốn sau vẫn thấy “bẹt”, đòi hỏi phải có một giọng kể khác. 

Khi sửa đến đoạn ông Bẩm lau súng chuẩn bị cuộc săn thì anh như òa lên, sao không cho khẩu súng kể? Đỗ Tiến Thụy hỏi nhà văn Hồ Anh Thái, đã thấy ai dùng khẩu súng để kể chuyện chưa? Nhà văn Hồ Anh Thái bảo chưa. Anh hỏi những người khác, họ cũng nói chưa. 

Khi tìm được giọng kể là khẩu súng đại liên, Đỗ Tiến Thụy như “mở cờ trong lòng”. Ngoài việc tái hiện kí ức của một người đi qua chiến tranh bằng tâm thế của một người trong cuộc, tính ấn tượng và thuyết phục cao, khẩu súng còn có khả năng cảm nhận đầy đủ hơn. 

Văn học chiến tranh lâu nay là văn học được viết bằng mắt và nghe bằng tai. Có người thấy gì tả đó, chứ ít khi viết bằng những cảm nhận của mình. Ngoài tham gia với tư cách một nhân vật, thông qua khẩu súng, nhà văn còn có thể miêu tả rất sâu những điều mà nó trải nghiệm. Ai biết mùi máu như thế nào, mùi não, mùi quả tim có viên đạn đi qua nó như thế nào?

Khẩu súng với những viên đạn xuyên qua những sinh thể nó giết chóc và cảm nhận về sống chết một cách chân thực. Khẩu súng ở giữa hai chiến tuyến, nó là công cụ, nó lạnh lùng. Hình ảnh khẩu súng đối lập với hình ảnh con chim joong. Một bên thì mềm mại, đầy tính thơ; một bên thì dữ dằn, khốc liệt. Hai thái cực âm - dương đối nghịch nhau.

Trong khi đó, giọng kể của tác giả như một sợi chỉ mảnh, bện 2 giọng của con chim joong và khẩu súng lại. 3 giọng được trộn vào nhau. Đây là lần sửa thứ tư. Trong lần “làm mịn” này, tác giả tước những cái gì không cần thiết của khẩu súng, cái gì quá đà của con chim, tiết chế luôn giọng kể của tác giả. 

Liều lượng kể của 3 giọng linh hoạt. Với lần sửa này, các tuyến truyện gần như xong, nhà văn chỉ còn sửa vài chỗ nhỏ nữa. Sau khi hoàn tất, Đỗ Tiến Thụy gửi cho một số bạn bè, đồng nghiệp đọc.

 Nhờ nhà thơ, dịch giả Thụy Anh kiểm tra lại phần tiếng Nga (vì nhân vật trong cuốn sách có một giai đoạn sinh sống ở Nga). Nhờ nhà văn Hồ Anh Thái kiểm tra lại phần ngoại ngữ, địa danh nước ngoài. 

Nhờ nhà văn Khuất Quang Thụy kiểm tra lại những chi tiết, câu chuyện liên quan tới chiến tranh. Sau mấy tháng, tổng hợp tất cả lại, “tuốt” một lần nhẹ nhàng cuối cùng, coi như cuốn sách cơ bản hoàn thành. 

Trong quá trình đó, có những lúc, nhà văn phải quên mình là tác giả đi. Anh in bản thảo ra, nằm đọc cuốn sách như đọc cuốn sách của người lạ. Đọc trong tâm thế của một độc giả. Chỉ khi đó, chỗ nào thừa, chỗ nào lỏng thấy rất rõ.

Bìa cuốn “Con chim joong bay từ A đến Z”.

Viết một cuốn sách mà cần tới 10 năm, trong đó có 4 năm sửa đi sửa lại. Ở cái thời buổi người ta viết sách như “đong gạo”, người người ra sách, nhà nhà ra sách, có khi 1 năm in 1 cuốn tiểu thuyết dày cộp, tôi hỏi nhà văn Đỗ Tiến Thụy anh có cần cực đoan như thế không? 

Đỗ Tiến Thụy nói, anh là người sẵn sàng bỏ công bỏ sức, bỏ cả thì giờ để trăn trở, đảo đi đảo lại về cuốn sách, thậm chí một chi tiết hay một giọng kể nào đó cho phù hợp. Anh cũng là người sẵn sàng bỏ số lượng để chạy theo chất lượng, chủ trương “quý hồ tinh bất quý hồ đa” như các cụ. 

Anh không phán xét đúng sai ở đây, nhưng đó là con đường anh chọn lựa và đi theo. Hơn nữa, anh viết nhanh cũng không được. Bản thân anh không có hứng thì không thể viết được cuốn sách “ăn xổi ở thì” như thế.

Đỗ Tiến Thụy kể, sau khi đọc bản thảo, có tới 5 người xúi anh tách cuốn sách thành 2 cuốn, tiền nhuận bút sẽ được nhận gấp đôi (đoạn nói về thời bình một cuốn, đoạn nói về chiến tranh một cuốn - PV). Nhưng nếu vậy, sẽ ảnh hưởng tới ý đồ của anh. Hơn nữa, 2 cuốn sách nhàn nhạt với 1 cuốn sách đọc được thì Đỗ Tiến Thụy sẽ chọn in 1 cuốn sách đọc được. Anh nói: “Nhiều nhưng vô nghĩa cũng có để làm gì đâu. Văn chương cần chất lượng chứ không cần số lượng”.

Có lẽ, vì vậy mà Đỗ Tiến Thụy gần 50 tuổi, mới chỉ có mấy đầu sách giới thiệu tới bạn đọc. Văn anh cũng như người: Kén và kĩ. Con chim joong bay từ A đến Z chính là cuốn tiểu thuyết thứ hai của anh sau Màu rừng ruộng. Ngoài ra, có một số truyện ngắn khác nữa. 

Lao động văn chương gắn với những sáng tạo không ngừng nghỉ. Mỗi lần đặt bút viết một cái gì đó, Đỗ Tiến Thụy nói, anh phải quên luôn anh trước đó. Anh phải phủ định mình đi. 

Cũng như sau cuốn Con chim joong bay từ A đến Z này, anh không thể viết kiểu ấy nữa. Đó là áp lực anh tự đặt ra và đi theo nó. Đó trở thành nguyên tắc của Đỗ Tiến Thụy.

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy nói, anh đang ở độ tuổi trung niên và anh đang già đi. Anh không thể ngô nghê, dễ thương, hồn nhiên như ngày xưa được. Nên làm cái gì cũng phải nghiêm túc và thành thực. Và với nhà văn quân đội này, viết văn là một nghề khắc nghiệt, càng dấn thân vào, càng thấy sợ. 

Cho nên, 10 năm, thậm chí là 20 năm, 30 năm để thai nghén và cho ra đời một tác phẩm, cũng không bao giờ là một điều thừa thãi.

Đâu Dung
.
.