Nhà văn – nhà biên kịch Đoàn Tuấn: Cái hôm mười tám trắng trong
Dù ăn không nên đọi, nói không nên lời, chính tả viết sai be bét, tư cách hèn kém đến độ nằm dưới thắt lưng nhưng vẫn hiên ngang bước lên diễn đàn, vênh mặt dạy dỗ hàng trăm, hàng ngàn người khác về chuyên môn lẫn đạo đức.
Quái lạ chưa?
Trong khi đó, mà thôi, chẳng nên bàn thêm gì nữa. Mỗi người sinh ra đời có mỗi phận sự. Tự mình phải phấn đấu, nỗ lực làm hết sức mình, cứ cố gắng hết sức, sau đó dù kết quả có như ý hay không lại là câu chuyện khác. Tuy nhiên, những con người ấy, theo y, hầu hết họ đều hài lòng, vui sống bởi tự nhủ đã tận tâm, tận lực rồi.
Chẳng gì phải lăn tăn, so sánh với ai khác cho mệt cái đầu. Trong số nhiều, rất nhiều bạn bè của y đã có đức tính ấy. Họ làm việc mỗi ngày, chẳng cần phải có tiếng vỗ tay ầm ĩ, chẳng cần PR ồn ào, náo nhiệt, khua chiêng gõ mõ ầm ĩ, loạn xạ đến đinh tai nhức óc.
Chỗ ngồi của họ vẫn là căn phòng yên tĩnh và từng ngày lao động miệt mài trên trang viết. Những con người ấy dù nổi tiếng, dù chỉ là cái bóng mờ nhạt, với y đều là sự thán phục.
Mà đã là sự thán phục, quan tâm, vì lẽ đó, có những người bạn thân thiết, dù ít gặp, dù không mấy bia bọt bù khú gái gú lăng nhít nhưng y vẫn thực tâm theo dõi. Rằng, thời gian này, thời gian qua, bạn mình đã viết thêm gì mới, đã có gì cho người đọc, đã làm phim, đã vẽ tranh, đã triển lãm... ra làm sao? Y chỉ lặng lẽ tìm hiểu, cảm nhận, đôi khi chỉ mỗi mình mình biết, mỗi mình mình hay, chẳng cần phải vỗ vai, điện thoại nọ kia với bạn. Chỉ thêm rườm lời. Chẳng cần thiết đâu.
Trong số những người bạn ấy, với y, còn phải kể thêm Đoàn Tuấn nữa. Một phần cũng do từ năm 18 xuân xanh phơi phới nắng mới yêu đời đã là tri âm, tri kỷ nơi chiến trường đạn bom, chết chóc.
Còn sống sót trở về, càng thêm quý tháng ngày gian khó, chia nhau từng mẩu thuốc rê, từng ngụm nước uống, đọc chung từng lá thư nhà, thậm chí chia nhau cả hòn tên mũi đạn... Kỷ niệm ấy làm sao quên và chính nó đã là bề sâu của tình bạn. Rượu càng lâu càng quý, bạn bè chơi với nhau và chịu được tình nết của nhau cũng quý nốt.
Còn nhớ lúc mới ra quân, trở về với chăn êm nệm ấm, buổi trưa nọ, đang ngủ say sưa bỗng nghe có tiếng nổ sát bên tai, như quán tính, như thói quen, y đã lăn ngay xuống gầm giường. Nhìn nền gạch bông sáng loáng, nhìn qua ô cửa sổ nắng xanh, phượng đỏ nên bẽn lẽn, cười thầm, thì ra đó là tiếng nổ của pháo cưới nhà bên cạnh.
Bấy giờ, Đoàn Tuấn đã sang Nga học về biên kịch, y viết thư dò hỏi đời sống bên đó thế nào? Nếu được, có thể tìm mọi cách sang đó chăng? Nào ngờ dội vào mặt y là gáo nước lanh như đã đóng băng: "Q ơi, bên này chẳng khác gì thời anh em mình sống ở K", thư Tuấn hồi âm. Vậy là xong béng, đứt đuôi con nòng nọc về cái ước mơ làm một chuyến đi xa.
Thời gian này, Tuấn học về cái nghề mà y hoàn toàn không biết gì về chuyên môn. Hắn ta học khoa Biên kịch Trường Đại học Điện ảnh Mạc Tư Khoa. Học về lý luận điện ảnh, biên kịch, viết kịch bản phim... chà, hấp dẫn quá đi chứ?
Ít lâu sau, Tuấn có có được kịch bản Ngõ đàn bà, rồi Đi tìm chỗ ngủ. Sau khi viết xong Đi tìm chỗ ngủ, Tuấn gửi cho y một bản đánh máy. Cũng là một cách chia sẻ cho nhau công việc đã làm. Để mừng cùng cho nhau.
Kịch bản này được làm phim. Cứ theo như thông cáo báo chí lúc bấy giờ: "Đạo diễn: Lê Hoàng; diễn viên: Mỹ Duyên, Tạ Ngọc Bảo; nhà sản xuất: Hãng phim Giải Phóng; thể loại: Tâm lý; độ dài: 97 phút; quốc gia: Việt Nam; năm sản xuất: 1999". Ối dào, dư luận hồi đó khen ngợi khiếp lắm. Y tự hào và sung sướng về bạn.
Bên cạnh đó, Tuấn còn viết thêm cả phim hoạt hình như Én con và chiếc lá; phim truyền hình như Thổ cẩm, Sân chơi, Con chó Nhật, Trung du, Ông trẻ về ăn tết, Những cuộc đời ngộ nhận, Có gì mới v.v… Không chỉ có thế.
Thời xa xăm ấy, chỉ mới vừa thoát ra khỏi cơ chế bao cấp, do đó, đời sống của người viết lách cũng chẳng khấm khá gì mấy, hắn ta nhảy sang viết báo. Tựa nhiều nhà báo chuyên nghiệp khác, Tuấn cộng tác cho nhiều tờ trong Nam ngoài Bắc và ký hàng loạt bút danh khác nhau. Nhiều không kể xiết.
Tuấn viết khỏe, khi y cần bài, chỉ điện thoại báo tin và ngồi liếc qua máy fax chờ đợi, y như rằng chỉ chừng một hai tiếng đồng hồ sau là có bài. Phong cách của người làm báo chuyên nghiệp là phải thế. Viết dăm ba bài báo vặt, cần gì phải cảm với hứng.
Thật kỳ cục, có những địa danh, lòng ta yêu mến vì nơi đó có danh lam thắng cảnh, đặc sản thức ăn khoái khẩu nên những muốn thăm thú thêm nhiều lần; đành rằng là vậy, nhưng vẫn chưa đủ. Yếu tố đủ ở đây vẫn là có được người bạn thân thiết, thân tình, thân thương, thân mến. Với y, ở Hà Nội là Đoàn Tuấn.
Nếu không có bạn, sức mấy y cảm hứng để có Phở Bắc với cảm nhận: "...Phở ạ! Sao mà trân trọng vậy/ Thưởng thức quán nào cũng thấy ngon/ Nước trong. Khói biếc. Tương cay đậm/ Tuyệt lắm. Trời ơi! Tái nạm giòn/ Thêm một chút tiêu/ Thêm chút ớt/ Cong cớn môi hồng cứ xuýt xoa/ Yêu em có lẽ vì... mê phở/ Vị ngọt trên môi cũng đậm đà/ Phở Bắc nóng, nồng như gái Bắc/ Quán xá nhường nhau chật chội ngồi/ Tôi nâng tô phở như... thành khẩn/ Mơ thấy nắng vàng lững thững rơi!".
Sức mấy có được Bát Tràng với cảm nhận: "...Con đường quê cỏ mượt/ Khói chiều lên mướt xanh/ Gạch Bát Tràng mát lạnh/ Mang giày đi sao đành".
Nhiều lần ra Thủ đô, có thể không gặp người này người nọ, y tiếc rồi tặc lưỡi: "Ừ, lần sau". Nhưng với Tuấn thì không thể. Phải gặp cho bằng được. Vậy mà nhiều lần có gặp đâu - nhất là những lần ra dự hội nghị, hội hè lằng nhằng của Hội Nhà văn Việt Nam, đơn giản chỉ vì Tuấn không phải hội viên.
Hôm nọ, gặp nhau tại Hội nghị Lý luận văn học tại Sa Pa, nhà thơ Ngô Thế Oanh nhăn mặt, nhíu mày: "Anh đã nói nhiều lần nhưng Tuấn vẫn không chịu làm đơn. Hắn nói chỉ vào Hội Điện ảnh là đủ rồi. Ham hố làm chi. Dù rằng hắn xứng đáng lắm". Y cũng nghĩ như anh Oanh.
Khi sang Nga, có tư duy và tâm hồn sâu nặng với thơ, Đoàn Tuấn đã dịch Thơ trữ tình Xéc gây Êxênhin (NXB Văn học - 1995) từ nguyên bản tiếng Nga. Hắn ta tâm tình: "Mình thường dịch thơ Êxênhin vào những lúc tâm trạng buồn buồn, cảm thấy không yên.
Thơ Êxênhin giúp mình tìm thấy sự yên tĩnh trong đời riêng hình như lại giúp mình xem lại, sửa chữa những gì đã dịch từ mươi năm trước. Đôi lúc mình thoáng nghĩ như số phận". Những dòng thơ này, theo Tuấn, Xéc gây Êxênhin là "nhà thơ Nga nhất".
Đã có nhiều bản dịch của các dịch giả tên tuổi như Thúy Toàn, Xuân Diệu, Đào Xuân Quý, Tế Hanh, Bằng Việt, Thái Bá Tân, Anh Ngọc, Trần Đăng Khoa, Hồng Thanh Quang, Tạ Phương, Nguyệt Vũ, Nguyễn Viết Thắng, Việt Thương... nhưng y vẫn thích của Đoàn Tuấn hơn cả. Đơn giản, sự yêu thích ấy ngoài phong cách dịch còn là tình bạn nữa.
Rồi cũng từ những năm đầu thập niên 1980, Đoàn Tuấn đã đoạt giải thơ sáng giá của Tạp chí Văn nghệ quân đội. Những bài thơ viết từ chiến trường K đã khiến công chúng giật mình tìm thấy một tiếng nói mới.
Thủ thỉ. Thân tình. Và có gì đó khác với thời các anh đã từng đi qua cuộc chiến: "Những dãy núi con đường và vị trí các C/ Như đồ vật trong nhà, tôi nhớ/ Bao đồng đội thành cây rừng ở đó/ Mỗi gương mặt bạn bè một địa chỉ không quên/ Dũng đi phục mùa mưa xé túi quần hun muỗi/ Cởi áo ra mình đắp chóng sáng hơn/ Mạc Văn Tướng trèo cây bắn B41/ Mười hai giờ đêm ăn cháo khỉ xì xòm/ Lính 71 đào hầm, lính 80 nạp đạn/ Có điều gì tin cậy chở che nhau/ Bên cửa hầm dáng bạn ngồi đan rổ/ Lá lồ ô vàng thơm sắc rơm phơi/ Mùa khô ấy áo bạc theo suối cạn/ Ai nhắc mình vò áo nhẹ tay thôi/ Mặt chúng tôi gầy như gương mặt núi/ Hào phóng như trời xanh/ Tính thẳng như nòng súng...".
Chừng mươi năm trước, lúc y đoạt giải thưởng thơ của tuần báo Văn nghệ TP HCM, số tiền đó, cả hai bàn với nhau là sử dụng để in tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc (NXB Văn học - 1997). Rồi nữa, lúc nhà thơ Cao Xuân Sơn mới về NXB Kim Đồng và xây dựng Tủ sách tuổi mới lớn, cả hai lại viết chung tập truyện dài Mùa thu đến muộn. Cùng đứng chung tên trong một hai tập sách đã là một kỷ niệm.
Từng nghĩ rằng, cái thú của tình bạn còn là ở chỗ: có thể chia sẻ cho những gì đã đọc, đã xem, đã biết. Tuấn xem phim nhiều hơn y gấp bội phần. Tại sao lại nghĩ thế? Nghĩ thế, vì đêm qua nằm đọc lại tập sách Những vấn đề lý luận kịch bản phim (NXB Văn hóa Thông tin - 2008) của Đoàn Tuấn mới rút ra kết luận đó.
Có thể ghi nhận đây là giáo trình của ông giáo đang là Trưởng khoa Điện ảnh Trường Đại học SK & ĐA mà hắn ta đang giữ cương vị đó. Đọc và phát hiện nhiều chi tiết hay, có liên quan đến văn học. Các bạn trẻ cần đọc để làm phim, còn y, đọc cũng là một cách thư giản vì không theo nghề này.
Gạch dòng dưới dòng chữ, hắn ta bình về cái tên Chí Phèo của nhà văn Nam Cao trong chương Đặt tên người, tên nhân vật: "Nếu tách riêng và phân tích từng từ, ta nhận thấy cái tên "Chí" chỉ một người có tầm vóc tương đối, có khi chất khá mạnh mẽ và đương nhiên có ý muốn vươn lên. Song tên "Chí" đặt cạnh tên "Phèo" lại gây một bi kịch.
Trong biển từ tiếng Việt, cái tên Chí được dùng ở chỗ cao sang, trang trọng và sạch sẽ bao nhiêu thì cái tên Phèo lại bị đặt ở chỗ thấp kém bấy nhiêu. "Phèo" trong tiếng Việt để chỉ cái phèo lợn (ruột non). Ngày trước ở nông thôn khi có đám, ngả lợn, các cụ thường hối hả và lăm le bắt cho được cái phèo... Từ phèo còn có nghĩa chỉ cái gì đó nhỏ bé, nhẹ hẫng, thoảng qua, mất hút. Chẳng hạn như câu: "Que diêm đánh trong gió lớn cháy phèo rồi vụt tắt".
Từ trong sâu thẳm tâm hồn, Nam Cao, không biết thiên tính nghệ thuật nào mách bảo, nhà văn đã chọn đúng hai từ đích đáng tuyệt đối để đặt tên cho nhân vật là Chí Phèo" (tr.131). Cách lý giải, cách nhìn này, y khoái quá bèn vỗ đùi cái đét. Được vậy đã là vui trong một giấc ngủ lẻ loi và tẻ nhạt thường nhật hằng đêm.
Và bây giờ, Đoàn Tuấn vẫn đang tiếp tục công việc của mình. Vẫn những bộ phim thực hiện gần đây như Đường thư, Sống cùng lịch sử, Trên đỉnh bình yên... và gần đây nhất là tập hồi ước chiến binh Mùa chinh chiến ấy (NXB Trẻ).
Mà không chỉ có thế. Đã là một dòng chảy thì vẫn cứ chảy mãi. Chẳng gì nôn nóng. Chẳng gì vội vã. Nhịp đời đi ngoài ô cửa số. Phía bên trong của sắp xếp yên tĩnh tâm hồn, vẫn lặng lẽ cùng trang viết của mỗi ngày. Tận hiến cùng niềm vui. Nhọc nhằn cùng niềm vui.
Để rồi đến một lúc rồi mãi mãi là cảm hứng như bài thơ Tuấn viết tặng y vào trai tơ bên cánh rừng biên giới ầm súng nổ: "Tuổi 18/ như rượu/ của đời/ xin mời/ nâng lên/ hạ xuống/ Tuổi 18/ lên núi/ núi vọng/ xuống sông/ sông rền/ Tuổi 18/ trắng trong...".