Nhà biên kịch Đoàn Tuấn: Trong ký ức rì rầm

Thứ Năm, 18/08/2016, 08:48
Mùa khô năm 1978, tại cung đường 19B ở biên giới Đắk Lắk. Tiếng ve kêu râm ran, rền vang, rầu rĩ như đồng ca của bọn ca sĩ thất nghiệp dù khán giả không thèm vỗ tay nhưng vẫn ra rả suốt ngày.

 

Sau một chặng đường hành quân, đơn vị tôi trở về hậu cứ đóng bên triền suối cạn lại càng điên tiết với tiếng ve. Rất thèm một chút yên tĩnh để nghỉ ngơi. Nhưng không thể. Tôi vừa mắc võng xong, chưa kịp cơm nước đã có lệnh tập trung cả đại đội đón tân binh. Trước mắt tôi là hàng chục gương mặt non choẹt, nói giọng Hà Nội. Da dẻ trắng trẻo, môi còn đỏ tươi, thư sinh hết biết.

Theo nội quy, bất kỳ cánh tân binh nào về đơn vị chiến đấu cũng phải khám xét ba lô. Tất tần tật những gì đã mang theo đều bỏ ra ngoài, sau đó, đứng nghiêm phía sau. Bấy giờ ban chỉ huy sẽ đi qua quan sát, nếu thấy những gì không cần thiết cho sinh hoạt chiến trường thì sẽ tịch thu.

Sở dĩ được đi chung với ban chỉ huy vì lúc nhập ngũ, tôi sắp học xong lớp 11 và trở thành người có "trình độ văn hóa" nhất ở đơn vị nên được giao nhiệm vụ quản lý. Lúc đi ngang qua hàng đầu, tôi giật nảy người khi nhìn thấy quyển Truyện Kiều đang nằm tênh hênh dưới đất, bèn cúi xuống nhặt lấy, "tịch thu" luôn.

Quyển Truyện Kiều này đã đi theo tôi suốt năm tháng ở chiến trường Tây Nam. Và chủ nhân của nó, chàng binh nhất có tên Đoàn Minh Tuấn, từ ngày đó cặp kè với tôi như hình với bóng.

Về sau, khi đã tiếng tăm, tôi bảo Tuấn bỏ quách đi chữ lót vì trùng tên với một vài người khác. Chỉ ký Đoàn Tuấn. Vậy là đủ. Cả hai thân thiết với nhau, chỉ vì một sợi dây thiêng liêng gắn kết bền chặt, có tên là "Nàng Thơ".

Thơ viết từ chiến hào. Viết dưới ngọn đèn dầu khộp. Viết nhọc nhằn trên quê hương Chùa Tháp. Xin ghi nhớ sự cưu mang của đơn vị C7, D8, E29 (F 307) đã nuôi dưỡng thơ thế hệ tôi trưởng thành.

Những bài thơ này, năm 1998, nhân đoạt giải cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ TP HCM, có được ít tiền thưởng, tôi đã gom thơ của Tuấn và tôi in chung thành tập Đất bên ngoài Tổ quốc.

Ngày ở chiến trường, Tuấn luôn giữ trong túi áo một cuốn sổ tay nhỏ bằng gói thuốc lá. Khi có hứng, bất chợt tìm ra câu thơ hay là ghi vội vào đó. Những bài thơ này, sau khi ra quân, Tuấn gửi Tạp chí Văn nghệ Quân đội và lập tức đoạt Giải A cuộc thi thơ năm 1984. Những câu thơ này, thỉnh thoảng lại vọng về trong trí nhớ. Lúc đó, chúng tôi làm thơ, chuyền tay nhau đọc.

Tuấn đã viết: "Không đủ ngón tay/ Để mà đếm bao nhiêu kiểu ngủ/ Sốt rét nằm co/ Ngủ hầm lưng đau nhức/ Có giấc ngủ lưng chừng đỉnh dốc/ Chân quặp vào hòn đá khỏi lăn/ Ngủ cho quần áo khô/ Ngủ cho qua cơn đói/ Giấc ngủ chông chênh đứt rồi lại nối/ Mắt suối mắt đèo trũng xuống đêm đêm.../ Nhìn đồng đội nằm thêm yêu thêm thương/ Người còn đeo ba lô, người còn mang dây lưng có bi đông, lựu đạn".

Đã nhiều lần, tôi bảo với Tuấn: "Những năm tháng ở Campuchia, Lào, ở biên giới Thái Lan vẫn còn đậm tình đồng đội và sự hy sinh rất lớn. Chẳng bao giờ có thể quên được những buổi chiều vàng vọt ở các nghĩa trang Đức Cơ (đường 19B), An Lung Veng, Kulen... nơi an nghỉ của nhiều đồng đội.

Chẳng thể quên được những cánh rừng trong mùa khô, mùa mưa mà mìn KP2, K63, 65.2A, 45.2A,... rải đầy như lá. Đối đầu với biết bao sự gian khổ, khắc nghiệt, làm sao quên? Tuấn viết thêm cái gì đi chứ?".

Thúc giục mãi, hắn ta cũng không nói gì. Ít lâu sau, Tuấn gửi vào tập bút ký Những người không gặp lại nữa. Đọc bản thảo đánh máy, nét mực màu xanh, có không ít lần tôi lặng lẽ ứa nước mắt.

Sực nhớ lại ngày 29/12/1980 tại Anlungveng - sát biên giới Campuchia - Thái Lan, tôi viết Gởi từ hòm thư 5A-2106. Đó là ngày vĩnh biệt đồng đội Hoàng An vướng mìn: "Quan tài che kín gió đông/ Hay mưa gió xuống lạnh lòng em tôi?/ Hình hài còn gửi trăm nơi/ Ngủ đi em để rong chơi thiên đường/ Mộ em trăm hoa hướng dương/ Của giọt máu rụng còn vương mắt người".

Và gần hai năm sau, Tuấn cho biết: "Theo sự chỉ dẫn của người hàng xóm với nhà An, tôi đến khu Hào Nam, tìm chị Điệp, chị cả của An.

Chị kể: "Dạo nhà chị còn ở Giảng Võ. Một hôm, buổi trưa, chị nằm ngủ gần cửa sổ. Thiếp đi. Chị mơ thấy mưa hắt vào chân. Lạnh quá! Chị gặp An cùng mấy người bạn đang ngồi ở chợ. Thấy chị đi qua, An gọi: "Chị Điệp ơi, em đói quá!". "Ô sao em lại ở đây?" - chị hỏi rồi giật mình tỉnh dậy.Em biết không, từ dạo An mất, bữa nào mẹ chị cũng cúng một bát cơm cho cậu ấy, toàn khấn về nghĩa trang ở biên giới Campuchia - Thái Lan. Sau này, gặp mấy đứa bạn An trở về, thông báo mộ An đã chuyển về Tây Nguyên. Chị khấn lại. Từ đó không thấy cậu về nữa".

Bản thảo này, tôi chuyển ngay cho nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, ít lâu sau tập sách được NXB Trẻ ấn hành. Cứ mỗi năm họp mặt cựu chiến binh của Trung đoàn, Sư đoàn, tập sách này và tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc, đồng đội lại photo cả trăm bản tặng nhau. Nghĩ vậy, đã thấy vui lòng. Bài thơ tình tặng một người, chỉ một người đọc, đã vui. Hà huống gì đồng đội cũ năm nào cũng đọc lại. Đọc để nhớ về ngày tháng đã hằn một vết sẹo trong ký ức.

Mà thời đó, ở chiến trường, Tuấn làm gì?

Hãy nghe bạn tôi kể lại mà tôi đã chứng kiến: "Những ngày đó thật ác liệt. Ngày nào cũng đánh nhau. Hết bị địch phục lại bị địch tập kích. Đi gùi gạo, gùi đạn thì vấp mìn. Ngày nào cũng có người bị thương hoặc hy sinh, không của đơn vị tôi thì của đơn vị khác chuyển đến. Tôi nhớ mấy cái sạp làm tạm ở bìa rừng dành cho thương binh, tử sĩ, lúc nào cũng đầy máu.

Vừa khiêng người này đi, chưa kịp lau máu đọng trên sạp thì đã phải đặt người khác vào. Tranh thủ lúc rỗi, chiều nào tôi cũng bẻ mấy cành tre xua ruồi, đuổi muỗi cho anh em bị thương nằm la liệt không cử động được”.

Chính dạo ác liệt đó, tôi được chuyển từ thông tin lên thay anh Nguyễn Văn Cúc, người Nghĩa Bình, làm trợ lý chính trị Tiểu đoàn. Anh Cúc về làm Phó Đại đội trưởng C6. Quân số hy sinh quá nhiều. Lúc đầu còn có máy bay lên thẳng HU-IA đến chở đi hoặc chuyển lên Sư đoàn bằng cách khiêng bộ. Sau máy bay không có nữa.

Khiêng bộ thì tốn kém. Hai trung đội dải đường dài 16 kilômét từ đơn vị đến phum Camtuất, cộng một tiểu đội dẫn đường, lại thêm mấy người thay nhau khiêng một ca. Mà vẫn bị phục, vẫn bị mìn clâymo quạt. Thêm bao nhiêu người hy sinh. Người chết rồi bị chết thêm lần nữa.

Cuối cùng, Sư đoàn quyết định làm một nghĩa trang ở ngay giữa Tiểu đoàn tôi. Cử thêm một trung đội vận tải xuống chuyên cưa cây, xẻ gỗ, đóng quan tài. Nghĩa trang được làm nằm giữa Tiểu đoàn bộ và đơn vị Quốc. Tôi biết Quốc phải đi tuần, đi phục liên tục. Rất dễ hy sinh. Mà tôi được tiểu đoàn giao nhiệm vụ giữ di vật tử sĩ và tổ chức chôn liệt sĩ cho chu đáo.

Chính trị viên Nguyên Văn Vẳng giao nhiệm vụ cụ thể cho tôi: "Chôn vì người sống chứ không chỉ vì người chết. Làm sao để anh em đang sống, nhìn vào, biết được rằng, khi họ hy sinh, cũng được đối đãi tử tế như thế!".

Tôi hiểu. Và làm hết sức mình. Đun nước. Nhặt thịt xương. Rửa ráy. Chắp lại. Xếp cho đủ các bộ phận cơ thể. Mặc quần áo. Quấn vải liệm. Gác đêm, canh thú rừng khỏi mò đến ăn xác. Đào huyệt. Tổ chức đội vệ binh đứng bên bờ huyệt. Đọc lời điếu và bắn súng tiễn biệt đàng hoàng. Sau đó mới chôn. Hết sức "oách" theo kiểu nhà binh.

Có những người bạn bộ đội sau khi rời quân ngũ, trở về quê nhà, vẫn "lạc quẻ" với nhịp sống. Vẫn sống như thời còn ở chiến trường. Có người bảo chắc chắn có "hội chứng chiến tranh" ở những người lính từng tham gia chiến trường K.

Không rõ thế nào. Chẳng có một cuộc điều tra nào về tâm lý, xã hội học nên khó có một kết luận rõ ràng. Vấn đề này, Đoàn Tuấn suy ngẫm nhiều. Sau bút ký Những người không gặp lại nữa, hai năm trước, Tuấn tỉ tê cho biết đang tiếp tục với Mùa chinh chiến ấy. Tập bút ký này đã viết đến đâu rồi?

Khoảng mùa khô năm 1982, chúng tôi rời quân ngũ. Tuấn viết: "Ngày tôi rời mặt trận/ Vừa đặt chân về đến Hà Nội/ Dốc hết tiền/ Mua một chiếc đồng hồ đeo tay...".

Sau đó, Tuấn sang Nga học điện ảnh. Tôi tiếp tục học bổ túc văn hóa ban đêm để lấy bằng lớp 12 rồi thi đại học. Lúc đó, tôi có ý định làm "một chuyến đi" như Tuấn, gửi thư từ qua lại, còn nhớ có lần hắn bảo: "Bọn sinh viên ở đây, sống còn khổ hơn cả thời ở chiến trường". Đọc thư xong, bao nhiêu náo nức, cảm hứng hân hoan đang bay bổng trên trời xanh đột ngột tắt ngúm.

Có điều lạ, chẳng rõ vì sao, sau này, Tuấn không còn làm thơ nữa. Mới đây thôi, gặp nhà thơ Ngô Thế Oanh tại Tam Đảo, anh nói: "Chịu chết, tớ đã nhiều lần bảo Tuấn làm đơn để vào Hội Nhà văn Việt Nam. Nó có chịu nghe đâu. Q. nói lại lần nữa xem sao?".

Chẳng biết sao. Chỉ biết, Tuấn viết rất nhiều kịch bản phim. Ngay cả kịch bản đầu tay Đi tìm chỗ ngủ, sau này đạo diễn Lê Hoàng dựng phim đổi lại thành Chiếc chìa khóa vàng đã gây ầm ĩ dư luận một thời. Như trao cho nhau một kỷ niệm đẹp của tình bạn, bản thảo kịch bản này, Tuấn đã chuyển cho tôi cất giữ.

Khó có thể liệt kê hết những gì bạn mình đã viết. Cứ như con ong cần mẫn, viết từng ngày, đi dạy, làm báo, rồi lại viết. Có thể tìm thấy đó là mẫu người đàn ông của gia đình. Chỉn chu. Không bia bọt lằng nhằng. Nhưng cái chất nghệ sĩ thể hiện ở chỗ, một khi đã vui thì sẵn sàng "xả láng sáng về sớm", chơi hết mình.

À, có chuyện này có nên kể không ta?

Chắc cũng chẳng sao. Vì ngày ở chiến trường, thư từ của người yêu Tuấn (nay là vợ) thì tôi đã đọc chung. Và dù sao chuyện này cũng đã xưa lắc xưa lơ rồi. Rằng, khi Tuấn từ Hà Nội vào Sài Gòn, thỉnh thoảng bọn tôi cũng dẫn nhau đi hát karoke có "bàn tay vàng". Sau đó, chẳng bao giờ tôi dám dẫn đi chung nữa.

Mỗi lần rời khỏi quán, chẳng rõ trước đó, cô gái ngồi cạnh tỉ tê, than thở, ỉ ôi thế nào mà Tuấn móc sạch tiền ra "bo" không để lại một xu. Lại có lúc, hắn ta hào phóng tặng luôn đồng hồ đeo tay, bút viết... Đố ai cản nổi.

Có lần hắn bảo: "Những hoàn cảnh ấy tội nghiệp quá, chẳng biết thế nào, thôi thì mình giúp được gì thì giúp". Con người ấy dễ tin người, dễ mủi lòng, hay thương người. Cười đó, vui đó nhưng khi chứng kiến một hoàn cảnh thương tâm thì nét mặt lại khác hẳn.

Thoáng đó, đã ngũ thập. Tập Truyện Kiều ngày trước đã không còn. Ở rừng thiếu thốn quá. Chúng tôi xé dần từng trang vấn thuốc rê những lúc thèm thuốc lá. Cũng chẳng sao. Tất cả đều tan vào hư không.

"Bỗng tất cả cùng lấy khăn nhúng nước/ Tất cả cùng rửa mặt giữa dòng sông/ Dù thời gian chỉ còn bốn phút/ Dăm mét nữa thôi trận đánh bắt đầu/ Tôi cảm thấy gương mặt mình nhẹ nhõm/ Gió thấm vào từng hạt nước li ti/ Bước lên bờ lòng tôi thanh thản/ Trận đánh này có thể sẽ ra đi". Tuấn ạ, đọc lại đoạn thơ của bạn, mình nghĩ đến bao nhiêu người đã ra đi - "Những người không gặp nữa". Chao ôi, thế hệ của chúng mình.

Lê Văn Nghệ
.
.