Nhà biên kịch Châu Thổ: Qua sông vắng

Thứ Sáu, 15/04/2016, 22:52
Không chỉ là nhà biên kịch xuất sắc, chị còn được biết đến là nhà sản xuất phim quyết đoán và nhanh nhạy. Trong cuộc sống, ngoài làm mẹ, chị còn kiêm thêm vai trò làm cha của một cậu con trai nay đã trưởng thành và cũng đang mang trong mình tình yêu với nghệ thuật thứ bảy - tình yêu mà chị đã nuôi nấng từ những năm tháng thanh xuân của mình. 


“Một mình đóng hai vai” - không quá lời khi người ta vẫn thường nói như vậy về Châu Thổ, một trong những nhà biên kịch hàng đầu Việt Nam hiện nay.

1. Chúng tôi ngồi trò chuyện với nhà biên kịch Châu Thổ, trong phòng của chị ở Hãng phim Sena. Rất nhiều poster, là hình ảnh các bộ phim do hãng của chị sản xuất, được treo trang trọng trên các bức tường. 

Trên các poster phim ấy, ở phần biên kịch hầu hết đều có tên Châu Thổ, lúc thì đứng một mình, có lúc lại đứng chung với một cái tên nào đó, là chủ nhân của ý tưởng kịch bản. Tất cả những bộ phim ấy đều đã được công chiếu và tạo được tiếng vang trong thời gian qua như: Gió nghịch mùa, Ở lại thế gian, Huyền thoại tím, Đường chân trời, Người giúp việc... 

Phải chăng chị là người cầu toàn, và không tin tưởng ở những biên kịch khác? Chúng tôi đặt nghi vấn nhưng chị chỉ cười: “Thực tế là tôi luôn bận rộn với công việc điều hành, sản xuất nên rất ngán khi phải làm nhiều việc cùng một lúc”.

Rồi chị nói thêm: “Hãng phim cũng có đặt các biên kịch viết nhưng thường họ bị lố thời gian, lúc cần quay vẫn chưa xong, một số lại không đạt chất lượng và yêu cầu của Sena đặt ra. Lúc đó chỉ có hai hướng: hoặc là tôi phải viết lại, hoặc hướng dẫn người ta. Mà phương án nào cũng rất vất vả ở giai đoạn đầu. Vì nếu yêu cầu người ta viết lại từ 5-7 lần, người ta sẽ nản và bỏ cuộc. Tôi gặp nhiều lần như vậy rồi nên chi bằng, mình cố thêm một tí nữa để tiến độ công việc được đảm bảo, không phải phấp phỏng lo âu nữa!”.

Trước khi gắn bó với nghề biên kịch, Châu Thổ từng là một phóng viên trẻ năng nổ và xông xáo của Báo Đồng khởi (Bến Tre). Chị thường khai thác những đề tài mà nhiều người e ngại. Nhiều bài viết của chị là tiếng nói mạnh mẽ trong việc chống tiêu cực và tham nhũng. Nhưng rồi những bài báo đó, thay vì được cổ vũ thì lại bị phê bình, buộc phải chỉnh sửa. 

Nhà biên kịch Châu Thổ tại phim trường.

Không dễ thỏa hiệp với bản thân, cô phóng viên trẻ Nguyễn Thị Bích Thủy (tên thật của nhà biên kịch Châu Thổ) đã tìm đến con đường khác, để tiếp tục được cất lên tiếng nói của một người trẻ giàu lý tưởng và hoài bão. Chị bắt đầu bén duyên với công việc viết kịch bản. Kịch bản đầu tiên của chị, Người tự nhận chức nhanh chóng ra đời, và đạt giải Nhì cuộc thi sáng tác kịch bản của Hội Sân khấu TP HCM. 

Chính từ lúc đó, đam mê với nghề biên kịch đã được nhen nhóm trong chị. Năm đó, Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh chiêu sinh lớp biên kịch, chị thi đậu và được Hãng phim Giải phóng cử đi học.

Ở vào hoàn cảnh của chị, để ra Hà Nội theo học không phải dễ, nhất là khi đó con trai chị vẫn còn nhỏ. Nhưng chính niềm đam mê biên kịch đã tiếp thêm sức mạnh cho chị. Gửi lại con nhờ mẹ đẻ chăm sóc, chị một mình ra Hà Nội học suốt ba tháng trời. 

Một thân một mình nơi đất khách, thêm nỗi nhớ con cồn cào ruột gan nên đó là những ngày thực sự khó khăn với chị. Nhưng đó cũng là động lực để chị dồn hết tâm sức vào những bộ phim mà mình ấp ủ bấy lâu. Nhiều kịch bản cũng như ý tưởng được ra đời trong thời gian đó, sau này trở thành những bộ phim được yêu thích trên truyền hình như: Họ từng chung kẻ thù, Sóng tình, Ghen, Gió nghịch mùa...

Nói chuyện với nhà biên kịch Châu Thổ, người đối diện không chỉ cảm nhận đam mê của chị qua cách nói chuyện, cách làm việc mà còn qua cách chị theo đuổi một đề tài hay ý tưởng nào đó. Gần đây nhất, chị vừa giới thiệu tới khán giả bộ phim truyền hình dài 32 tập, Biệt thự Penssé do chính mình viết kịch bản và đạo diễn. 

Không chỉ gói gọn trong cuộc sống, mâu thuẫn, hận thù của hai gia đình, hai thế hệ trong ngôi biệt thự mà hơn cả, bộ phim còn tái hiện một chặng đường lịch sử dân tộc một cách hấp dẫn và dễ hiểu. Phim là kết quả của 12 năm chị ấp ủ và theo đuổi ý tưởng, kể từ khi được đọc truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện của nhà văn Lại Văn Long. 

Chị nhớ lại: “Ngay khi được đọc truyện ngắn của nhà văn Lại Văn Long, tôi đã có ý định làm một bộ phim điện ảnh, và đã từng thuyết phục Hãng phim Giải phóng. Tuy nhiên, do nội dung phim có phần quá khốc liệt và nhạy cảm nên thời điểm ấy, ý định đó đã không thành”. 

Không từ bỏ, ngày ngày Châu Thổ vẫn điều hành công ty, viết và sản xuất những bộ phim mới nhưng vẫn không thôi nghĩ về bộ phim dựa theo truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện từng để lại ấn tượng mạnh cho chị. 12 năm cho một bộ phim, chừng đó cũng đủ để khẳng định tình yêu của Châu Thổ với nghề biên kịch. Và nhất là khi bộ phim lên sóng, đã không làm khán giả thất vọng. 

Qua bàn tay biên kịch dày dạn kinh nghiệm, những cao trào, bi kịch trong phim được đẩy lên tới đỉnh điểm. Cùng với đó là bức thông điệp đầy nhân văn: Chủ nhân của một ngôi nhà cũng giống chủ nhân của một đất nước. Ngôi nhà không thể được giữ gìn bền vững nếu chủ nhân ngôi nhà thiếu sức mạnh của tri thức, lòng nhân ái và niềm tin.

Viết nhiều nhưng không ẩu, các bộ phim do Châu Thổ làm biên kịch đều được khán giả đón nhận bằng thái độ tích cực, dường như chưa có bộ phim nào bị xếp vào phim “thảm họa”. 

Gác lại sự ngưỡng mộ, chúng tôi tỏ ý e ngại về nguy cơ cạn vốn mà hầu như ai làm nghề viết cũng phải đối diện. Nhưng Châu Thổ cười xòa: “Tôi không thấy đây là nguy cơ, mà càng ngày tôi càng thấy mình có nhiều ý tưởng và đề tài. Điều quan trọng nhất của người sáng tác là vốn sống. Vốn sống ở đây không nhất thiết phải do chính bản thân mình trực tiếp trải nghiệm mà có thể qua tivi, sách báo… Cái nguy cơ như bạn nói, nó sẽ đến khi tâm hồn, cảm xúc của mình “cạn”.

Nhà biên kịch Châu Thổ và diễn viên Việt Trinh.

2. Vài ba năm trở lại đây, trong các bài báo viết về biên kịch Châu Thổ thường lấp ló hình ảnh của giai nhân một thời - nữ diễn viên, đạo diễn Việt Trinh. Cũng vậy, trong những bài báo viết về Việt Trinh, người ta thấy giai nhân này thường dành những lời lẽ ưu ái cho biên kịch Châu Thổ. 

Sự kết hợp giữa Châu Thổ và Việt Trinh mang đến những thành quả ấn tượng, trong số đó phải kể đến loạt phim truyền hình Trở về 1, 2, 3 hay gần đây là phim điện ảnh Trót yêu. Và người ta càng có lý do để đồn đoán.

Gặp Châu Thổ vào ngày cuối tuần, rất tình cờ, hôm đó giai nhân một thời cũng xuất hiện. Nhìn cách hai người trò chuyện và trao đổi với nhau, nhận ra ở đó mối tri âm mà không dễ dàng bắt gặp trong đời. Vậy còn lời đồn đoán kia? Chẳng có gì khuất tất đằng sau mối quan hệ của hai người! Đơn giản, cả Châu Thổ và Việt Trinh đều là những người đàn bà truân chuyên, cùng trải qua những lận đận đa đoan của cuộc đời, giờ đây lại gặp nhau trong tình yêu với nghệ thuật thứ bảy. Không những thế, theo biên kịch Châu Thổ, chính Việt Trinh là người đưa chị đến với đạo Phật. 

Chị kể: “Thời gian trước, mỗi lần đau buồn tôi thường vào chùa ngồi. Nghe người ta tụng kinh, có lúc còn ngủ gật vì không hiểu gì nhưng cảm giác rất dễ chịu. Đến năm 2007, khi Việt Trinh dẫn tôi đi làm phim Duyên trần thoát tục, cũng chính cô ấy dẫn tôi đến với đạo Phật. Và kể từ lúc đó, tôi mới tìm hiểu về Phật”.

Khi đoàn phim quay ở Ấn Độ, Châu Thổ tranh thủ tìm hiểu về đức Phật Thích Ca. Chị trải lòng: “Đó thực sự là một nhà khoa học về tâm lý con người. Đã trải qua đau khổ, khi tìm đến với Phật, tôi càng thấm thía những điều răn dạy của Phật. 

Càng tìm hiểu, càng tu tập, tôi cảm thấy mình giống như cánh chim đại bàng bị ràng rịt nhiều dây, giờ được cắt hết. Và khi đó, mình được bay giữa thảo nguyên tự do. Còn khi mình bị vướng mắc bởi cái này cái kia, vô hình trung mình bị trói và không bay được. Khi buông bỏ, mình cảm thấy nhẹ tênh!”.

3. Trong mấy năm gần đây, người ta nói nhiều về tinh thần tự chủ của phụ nữ: tự chủ về tài chính, về cuộc sống, kể cả nuôi con một mình. Nhưng sự quyết liệt và tự chủ của Châu Thổ có từ cách đây gần ba mươi năm. Đương nhiên, đó chẳng phải là niềm tự hào gì ghê gớm, chỉ là trong một số hoàn cảnh, người ta không thể có lựa chọn nào khác. Dù vậy, chúng tôi cũng rất muốn được hiểu thêm về tâm tư của chị lúc đó, khi phải nuôi con một mình, không có một bờ vai vững chắc để tựa nương.

Không giấu giếm, Châu Thổ trải lòng: “Hồi trẻ cũng một vài lần tôi cảm thấy chạnh lòng nhưng bây giờ thì qua lâu lắm rồi. Lúc ở tuổi hai mươi, ba mươi, tôi cũng khao khát mình là một người phụ nữ có chồng, có con, thích được nép vào một bờ vai vững chắc nhưng tìm mãi không thấy nên thôi, mình làm cây đa, cây đề đi vậy! Đến giờ chẳng có gì phải chạnh lòng, nhất là giờ đây tôi đã theo đạo Phật thì càng tin vào luật nhân quả: mình làm nhiều việc tốt, việc thiện thì mình sẽ được hưởng nhiều quả tốt”.

Hồ Huy Sơn
.
.