Nhà biên kịch Đặng Thanh: Không dễ kiếm tiền đâu!

Thứ Tư, 10/11/2010, 15:35
Đặng Thanh (Đặng Trần Triều Thanh) đã viết và Việt hóa khoảng 20 phim truyền hình dài tập như "Thụy khúc", "Vòng tay ấm", "30 ngày làm cha", "Gọi giấc mơ về", "Sóng đời", "Đồng hồ cát", "Ra giêng ai cưới em", "Sóng gió cuộc đời", "Cái bóng bên chồng"…

Sau thời gian làm việc tại Công ty Lasta, chị đã quyết định lập công ty riêng để chế tác kịch bản chuyên nghiệp cho các công ty sản xuất phim. Nhưng chính chị cũng thừa nhận, làm nghề này không dễ kiếm tiền và khá vất vả. Làm trước tiên phải có đam mê nghề…

Sau thời gian làm việc tại Công ty Lasta, chị đã quyết định lập công ty riêng để chế tác kịch bản chuyên nghiệp cho các công ty sản xuất phim. Nhưng chính chị cũng thừa nhận, làm nghề này không dễ kiếm tiền và khá vất vả. Làm trước tiên phải có đam mê nghề…

- Chị học văn và xã hội học, đã từng đi làm nhiều việc khác nhau, nhưng rồi chị lại chọn biên kịch phim truyền hình. Có vẻ như đây là một công việc hay tới mức chị dám từ bỏ mọi thứ?

- Tôi có may mắn là gặp nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. Chị yêu thương tôi như đứa em út trong gia đình, không ít lần mắng để khôn, rồi cùng chia sẻ những quan niệm sống để tôi có thể phát huy chính mình trong nghề biên kịch, biên tập. Yêu phim từ lâu nhưng tôi chưa có dịp thực hiện, nên khi có lời đề nghị Việt hóa phim "Vòng xoáy tình yêu" của Hãng Lasta, tôi háo hức làm quen với lĩnh vực mới… Dần dà tham gia vào những dự án lớn của phim và rồi tôi "bị nghiện" nghề biên kịch, biên tập lúc nào không hay.

- Chị có nghĩ đây là nghề đang… hốt bạc?

- Nghề biên kịch, biên tập phim hiện nay có nhiều người đánh giá là rất dễ và hốt bạc. Nhưng có làm mới biết. Nó rất vất vả và đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn, đam mê phim ảnh và có nhiều kinh nghiệm sống. Khi hội đủ những điều kiện trên chúng ta mới có thể phát triển được nghề. Kinh nghiệm sống sẽ cho ta những cái nhìn sinh động về con người, sự vật, hiện tượng trong xã hội và giúp ta xây dựng hình tượng nhân vật logic, tuyến truyện thực tế đi vào lòng người bằng những cảm xúc thật. Sau đó là niềm đam mê và kiên nhẫn sẽ giúp ta hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh như nhà sản xuất mong muốn.

- Vậy làm thế nào để có được một tác phẩm như nhà sản xuất mong muốn?

- Muốn thực hiện một bộ phim tốt, trước hết cần phải có ý tưởng lạ và hay, sau đó mới bắt đầu xây dựng những đường dây nhân vật, câu chuyện phải thật logic và lôi cuốn. Và phải có được một ê kíp làm việc tốt. Bên cạnh những tác phẩm độc lập, tôi kết hợp với các nhóm viết tùy theo từng dự án kịch bản phim. Tôi tổ chức những nhóm viết theo từng đề tài khác nhau, có nhóm chỉ viết về trẻ con và có nhóm chỉ chuyên về tâm lý xã hội…

Nói chung, tôi đã thành công một phần nào vì đã nhìn thấy được những thế mạnh của các thành viên trong nhóm và điều phối công việc một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên cũng không ít lần bị vỡ nhóm vì nhiều cái tôi bùng phát.

- Phim ảnh bây giờ quá nhiều và người ta chẳng nhớ nổi nhân vật nào trong phim nào. Tôi nghĩ chị cũng dư biết điều đó. Vậy thì vai trò của nhà biên kịch ở đâu trong sự yếu kém đó?

- Nói thật là rất vất vả. Nếu ai đã cộng tác với tôi đều biết tôi rất nghiêm túc. Có nhiều người cộng tác một lần rồi bỏ chạy bởi tính gắt gao khó khăn của tôi, tôi đã phải đưa ra bản "phong thần" trước khi bắt tay vào việc. Mọi người cũng như bản thân tôi phải tuân thủ những nguyên tắc rành mạch để có thể đảm bảo cho chất lượng kịch bản, bảo vệ thương hiệu cho tác phẩm kịch bản đến cùng.

Tôi quan niệm thà ít mà chất lượng, còn hơn đông người lại gây xáo trộn. Chính vì vậy mà hiện nay, tôi có được một êkíp biên kịch khá ưng ý bởi tính chuyên nghiệp cao. Chúng tôi phải làm việc rất nhiều để có được những kịch bản tốt. Nhưng chúng tôi không được tôn trọng lắm. Bán bản quyền cho nhà sản xuất và họ tự xử lý chúng. Vẫn kịch bản đó giao cho 10 đạo diễn sẽ có 10 bộ phim hoàn toàn khác nhau. Nhiều khi tôi không nhận ra đó là nhân vật của mình nữa.

- Sao chị không phản ứng?

- Có ý kiến thì mọi chuyện cũng đã rồi. Và bạn biết đấy, nếu mình làm căng thì chắc chắn nhà sản xuất sẽ trừng phạt bằng cách không sử dụng kịch bản của mình nữa. Nếu coi đó là nghề thì mình phải tính cả việc làm sao để tồn tại với nghề nữa. Vì thế đành phải im lặng thôi.

- Chị nói đây là cái nghề chuyên nghiệp. Có khi nào những khóc cười của phim ảnh cũng là những công thức có sẵn, và chị như một người thợ làm bánh, bỏ đủ liều lượng là xong?

 - Tôi là người luôn lưu giữ nhiều cảm xúc, cho nên khi viết đến những phân cảnh xúc động tôi đều khóc, rồi khi chuyển sang công đoạn biên tập tôi lại khóc như tươi nguyên giây phút đầu, sau đó thì xem phim cũng lại khóc bởi đứa con tinh thần tròn trịa như mình mong muốn. Và lúc nào cũng vậy, khi kết thúc những phân cảnh cuối cùng của phim, tôi lại bần thần ngồi thừ ra, cảm giác lâng lâng vui buồn lẫn lộn, có khi thức trắng đêm vì cái lâng lâng ấy…

Tuy vậy, cũng có không ít lần giận bởi phim không như mình mong muốn, một phân cảnh hoặc quá dài hoặc quá ngắn để diễn tả tâm trạng nhân vật, rồi có những đoạn tự trào "vô duyên" ngẫu hứng xen vào làm cảm xúc bị ngắt mạch phim, khiến cho nội dung phim trở nên nhàn nhạt không điểm nhấn. Tôi nói thế, bạn còn nghĩ tôi là thợ làm bánh nữa không?

- Rời Công ty Lasta, chị tính lập công ty chế tác kịch bản riêng. Phải chăng chị nghĩ, đây là một nghề tiềm năng và chị muốn đi trước người khác?

- Làm cái gì mà chuyên tâm cũng tốt hơn. Lập công ty để tạo ra được những sản phẩm tốt thì tôi nghĩ mình nên làm. Không thể mãi manh mún được. Thời gian này tôi làm nhiều việc, chồng tôi phải kiêm công việc quản lý cho tôi. Tôi nghĩ, nghề viết kịch bản nếu đã quen thì sẽ rất thuận lợi và chắc chắn nó sẽ phát triển mạnh hơn. Tôi muốn nắm bắt cơ hội này.

- Cảm ơn chị!

P.V (thực hiên)
.
.