Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Có người say mê và có người qua quýt cho xong

Thứ Tư, 04/05/2011, 15:46
Buồn cho đời sống điện ảnh hiện tại có nhiều bộ phim làm quá chóng vánh, nội dung nhạt nhòa, lời thoại rời rạc, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam vẫn tin tưởng vào tương lai với nhiều nghệ sĩ còn say với nghề.

Nói về chất lượng của điện ảnh trong thời gian qua, bà Hồng Ngát ví von một cách hình tượng rằng: "Thời gian như người vặt lông vịt, con nào béo, con nào gầy sẽ tự nhiên trơ ra. Phim ra rạp bây giờ chỉ chạy theo khán giả rồi kêu xem rất đông, thu được nhiều tiền. Thế nhưng xong một mùa vụ thì không đọng lại điều gì. Giá trị cứ đảo lộn như vậy".

Trên thực tế, có thể nhìn thấy, các nhà sản xuất phim tư nhân nhạy bén với thị trường nhiều hơn. Thêm vào đó, họ có vốn và rất biết cách truyền thông cho các dự án phim của mình. Trong khi đó, các hãng phim của Nhà nước thì ít có điều kiện để làm phim hơn. Cộng với việc thiếu vốn và sức ì rất lớn, thiếu kịch bản hay, và nhiều lý do khác khiến cho hoạt động của các hãng phim rất cầm chừng. Đây là điều rất nhiều nhà làm phim suy nghĩ và chờ đợi một sự thay đổi.

Một trong những vấn đề được đặt ra với phim Việt, đặc biệt là phim truyền hình trong thời gian qua là chất lượng của những kịch bản. Nhiều người thấy rõ sự vội vàng, đôi khi cẩu thả của một số nhà biên kịch khi tham gia guồng máy sản xuất phim như hiện nay, khi mà yêu cầu tiến độ cứ hối thúc người viết đến độ họ đưa ra những sản phẩm mà có khi, bản thân những người viết cũng không hài lòng với tác phẩm của mình.

Bà Hồng Ngát cho biết, bản thân rất phục những tác giả có khả năng viết hàng trăm tập phim trong một thời gian rất ngắn. Thời của bà, người ta viết kịch bản rất lâu, ngâm ngợi để bố cục các tình tiết trong phim có thể liên kết với nhau. Các hành động đều phải có ý nghĩa và phải được suy nghĩ hết sức thấu đáo.

"Bây giờ các em trẻ mà giỏi. Viết hàng trăm tập phim nhanh như không. Chỉ tiếc là phim chiếu thì nhiều mà đọng lại chẳng được bao nhiêu trong đầu người xem. Làm phim cốt để cho xong và có cái để phát. Những bộ phim khiến người ta đau đáu và cố công theo dõi như: Đơn giản tôi là Maria, Người giàu cũng khóc phải chăng do nó theo đuổi những số phận của con người và các chi tiết, các tập phim liên kết chặt chẽ với nhau" - Nhà biên kịch này chia sẻ.

Bàn tiếp về chất lượng phim truyền hình hiện tại, bà Hồng Ngát cho rằng, lời thoại của một số bộ phim Việt hiện tại được đánh giá là hạn chế, là những chuyện đâu đâu, vụn vặt. Người đẹp trong phim cũng vậy, nếu chỉ xem một lúc thì thích, xem mãi người đẹp không thì rất chán.

Nhưng lỗi cũng không phải của những người làm phim mà do nhu cầu phim Việt quá lớn gây nên sự khủng hoảng. Với sự ra mắt của hàng loạt các kênh truyền hình với yêu cầu ưu ái phim Việt, dành giờ vàng cho phim Việt của Nhà nước khiến cho nghệ thuật thứ bảy rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười như hiện tại.

- Nhưng thưa bà, nếu người làm nghề có lòng tự trọng và bản lĩnh sẽ không làm bộ phim ăn xổi như thế?

- Đúng vậy, thời nào cũng có người rất tự trọng, hết lòng. Có người tặc lưỡi làm cho xong để lấy tiền và có những người có cơ hội lại xem điện ảnh như trò chơi chứ không phải cái nghiệp của mình. Phải say mê, rất tự trọng và chi chút mới có thể làm điện ảnh chân thành, chân chính. Giờ mọi thứ còn lổn nhổn quá. Nếu có cơ hội mà tận dụng làm thật kỹ, hết mình sẽ có một sản phẩm được đánh giá cao. Trồng cây nào rào cây ấy. Không bao giờ những giải thưởng điện ảnh lại bỏ qua những bộ phim hay. Cuộc sống sẽ trả lại những giá trị của nó.

- Nhìn tình hình phim ảnh hiện tại, ai cũng thấy buồn nhiều hơn vui?

- Buồn chứ. Những người còn đau đáu có khi bị nghĩ thiếu thực tế. Bản thân tôi không chê trách phim truyền hình nhưng nếu biết tận dụng sóng truyền hình để phát sóng những bộ phim hấp dẫn thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Những bộ phim điện ảnh buộc những nhà làm phim dành nhiều thời gian, tâm huyết hơn.

Tôi nghĩ, chẳng ai đặt phim điện ảnh đứng chung với phim truyền hình. Cho nên Nhà nước muốn đầu tư cũng phải chú ý cân bằng. Đừng quá chạy theo phim truyền hình mà phải chăm chút nhiều hơn cho những tác phẩm điện ảnh hay, đọng lại trong công chúng nhiều hơn.  Năm tháng đã qua, đang qua sẽ qua vẫn còn một lớp nghệ sỹ đau đáu về những bộ phim như Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di…

- Nhưng ngay cả phim chiếu rạp cũng không ngồi chung một chiếu?

- Cũng đúng, nhưng hiện tại chúng ta đang xã hội hóa điện ảnh. Vì, ở bối cảnh nào cũng cần tìm nhiều nguồn vốn để sản xuất phim chứ không thể trông chờ vào túi tiền của Nhà nước. Điện ảnh Việt đang tập dần với sự xã hội hóa. Trước đây, chúng ta phải rất dè dặt với những nghệ sỹ ở nước ngoài về làm phim nhưng bây giờ cái e ngại ấy đã cởi mở hơn.

Nghệ sỹ nước ngoài trở về nước làm phim học được những điều hay từ cách dựng, tiết tấu phim nhưng cái yếu của các nghệ sỹ này là bị thiếu vốn sống thực tế. Họ đi vào mảng của họ đẹp đẽ, trai xinh gái đẹp, nhìn nước mình như nước nào, không thực tế. Nhưng cũng phải chấp nhận thôi. Cần có thêm thời gian để có những trải nghiệm để có thể làm tốt hơn.

- Là người làm điện ảnh, bà có thấy tiếc khi có những bộ phim quá dở?

- Tiếc khi bỏ tiền ra để làm những bộ phim nhạt nhẽo. Nhưng thực tế, có vốn chưa chắc đã làm được những bộ phim có người xem. Một bài toán đặt ra để dung hòa cái hấp dẫn và nghệ thuật là bài toán rất khó giải.

- Thời gian qua có quá nhiều bộ phim mà đếm scandal nhiều hơn là thời gian xem phim?

- Tôi không theo dõi hết các tập phim nên không thể nói nhiều. Nhưng nhiều lúc ngó vào các bộ phim trên truyền hình thấy lời thoại tầm phào và những chi tiết không đúng với thực tế. Đây là điều đáng tiếc và đáng phải suy nghĩ.

- Dường như, đưa ra chiến lược với Điện ảnh Việt Nam là rất khó?

- Người ta cũng đang bàn chiến lược. Nhưng chỉ ưu tiên cho dòng điện ảnh cách mạng thì rất phí. Tôi nghĩ cần phải khích lệ những sáng tạo mới, những người làm phim độc lập. Mấy chục năm làm mãi một đề tài chiến tranh sẽ rất nhàm chán

Đào Gia (thực hiện)
.
.