Vui Tết rồng, ngựa kim ăn cỏ chỉ

Thứ Năm, 08/02/2024, 12:50

Năm hết Tết đến, có lúc nhà thơ Tú Mỡ ngửa mặt kêu trời:

Sắm Tết xoay tiền, lo sốt vó

Làm thơ túng vận, nghĩ băn khoăn

Mấy câu thơ này, nếu là “dân trong nghề” lại càng thấm thía của cái sự túng vận. Vận là nói trại của vần. Trong thơ Việt, có nhiều thể văn với luật lệ quy định khác nhau về niêm, luật bằng trắc v.v…, cực kỳ nghiêm ngặt, muôn hình vạn trạng, không "dễ ăn". Dám nói một câu chắc như bắp rang, chắc nụi là dù có biết tường tận, đã "tỏ đường đi lối về" nhưng không một ai, kể cả các nhà thơ chuyên nghiệp có thể làm được hết các văn thể đó.

Vui Tết rồng, ngựa kim ăn cỏ chỉ -0
Tranh dân gian “Cậu bé cưỡi ngựa bắn cung”.

Với câu thơ của Tú Mỡ là ông nói đến lối thơ "hạn vận", nói nôm na, bài thơ đó do người khác ra đề tài, ngoài việc bài thơ phải diễn giải đề còn phải thỏa mãn một vài yêu cầu khác, thí dụ, bài đó phải làm theo thể thơ gì, lấy vần gì? Hoặc người ta cho trước cả vần nữa, thí dụ, "chà, và, la, ma, tà" thì các câu thơ hạ vần phải trúng. Cái sự "nghĩ băn khoăn" của ông Tú Mỡ chính là đây. Tuy nhiên, chắc chắn là ông không rơi vào trường hợp cực kỳ hiểm hóc, éo le mà "Bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương đã ra đề: "Thí sinh hãy làm bài thơ vịnh cái chuông, phải hạ vần 'uông' vào câu thứ 2".

Đề thơ này, cho đến nay không một ai có thể làm nổi, ngoại trừ… người ra đề thi. Các thí sinh chỉ ngẩn tò te, ngồi cắn bút, thộn mặt bởi làm sao từ "chuông" có thể hạ được vần "uông"? Chịu chết. Cho đến lúc nhà trường cho gióng giả reo lên hồi chuông đã kết thúc thời gian làm bài, bấy giờ bà mới thong thả đọc:

Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông

Nó bảo nhau rằng: "Ấy ái uông"

Quá tuyệt. Quá hay. Quá chuẩn. Đúng là "vô tiền khoáng hậu". Thế nhưng có lúc dù "túng vận" nhưng nhà thơ cũng phải nặn óc cho ra, nhất là năm hết Tết đến. Thơ tắc tị, lấy gì đăng báo đặng có… nhuận bút sắm Tết? Với từ "Tết", cắc cớ hỏi rằng, chừng hơn 300 năm trước, người Việt có gọi Tết là… Tết? Ông A. De Rhodes đã trả lời, thì đó, qua “Từ điển Việt-Bồ-La”, từ năm 1651: "Tết: Lễ đầu năm mới. Ăn Tết ba ngày: Mừng ba ngày đầu năm mới bằng tiệc tùng". Cái lệ ăn Tết đã có từ xưa. Tục ngữ có câu: "Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng con cháu thì lo". Lo trăm thứ hằm bà lằng xắn cấu, do đó, có người đâm ra… ghét Tết, trong làng văn có thể kể đến nhà thơ Tú Mỡ (1900-1976).

Sắm Tết xoay tiền, lo sốt vó

Làm thơ túng vận, nghĩ băn khoăn

Nắng mưa thay đổi người ngây ngất

Kinh tế buồn tênh lúc khó khăn

Buồn thì buồn, khó thì khó nhưng Tết vẫn… Tết. Xưa nay, vẫn có lệ mọi công nợ/ nợ nần ai ai cũng đều phải thanh toán cuối năm, không thể kéo qua năm mới, vì thế cứ như phải chạy vắt chân lên cổ: "Hàng họ bán rốn, vốn liếng thu về/ Réo công réo nợ, tiếng bấc tiếng chì/ Chủ nợ gắt gay, con nợ năn nì/ Kỳ cùng tối mịt, mới hết ê chề". Theo lệ người Việt, mọi công nợ trong năm phải thanh toán dứt điểm xong trước Tết nhưng rồi bí quá, đành phải "xoay/ xoay tiền" trong tâm trạng "lo sốt vó".

 "Xoay", ta hiểu là xoay xở, tìm mọi cách, kể cả "Nung nấu tâm can vò vò trán" (Huy Cận) để đạt được mục đích gì, việc gì đó. Còn "lo sốt vó" là lo ra làm sao? Trước hết cần tách từ sốt để tìm hiểu xem sao. Sốt là nóng/ nóng sốt. Ta nhớ đến câu cửa miệng: "Cơm sốt, canh nóng". Nóng và sốt là từ đồng nghĩa, trái ngược với trường hợp "Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" mà lành - ngọt cũng "đôi bạn" y chang nhau. Tuy nhiên, còn có từ tương tự nữa là bức/ nóng bức, vì thế, ông thi sĩ trào phúng số một nước Nam là Tú Xương mới viết:

Bức sốt nhưng mình vẫn áo bông,

Tưởng rằng ốm dậy hóa ra không.

Tùy ngữ cảnh nóng sốt/ bức sốt còn là từ dùng để chỉ người đang bị bệnh sốt, cảm cúm, sổ mũi, nhức đầu… Nói về cảm giác nóng, thiết nghĩ câu thơ của truyện Nôm khuyết danh Hoàng Trừu đủ sức khái quát:

Nóng như lửa để vào lưng

Chúa xem xót ruột, nóng lòng lắm thay

Xem ra, cái nóng ấy, cũng chưa bằng cái sự nóng lòng sốt ruột, tương tư khắc khoải khiến kẻ tình si dằn dặt nhớ, da diết thương, bổi hổi bồi hồi: "Như đứng đống lửa, như ngồi đống than". Vậy, nóng/ sốt ấy có là gì nếu so với "sốt vó"? Muốn trả lời, cần tìm hiểu từ vó. Dễ quá, ta hoàn toàn có thể hình dung ra hình ảnh của vó qua bài đồng dao nồng nàn tình cảm trong gia đình của người Việt: "Trời mưa trời gió/ Mang vó ra ao/ Được con cá nào/ Về xào con ấy/ Được con cá nậy/ Thì để phần cha/ Được con rô ba/ Thì để phần mẹ/ Được con cá bẹ/ Thì để phần em".

Vậy, vó trong "sốt vó" là ngư cụ dùng đánh bắt cá? Không. Vó là từ dùng để chỉ bàn chân có móng của loài thú như ngựa, lừa... Từ vó nay, khi đọc thơ văn cổ điển ta thường gặp hàng loạt từ quen thuộc như vó câu/ bóng câu/ bóng ngựa qua, chẳng hạn, "Vó câu pha nhẹ gió bon" (Nhị Độ Mai), "Tuyết in sắc ngựa câu giòn" (Truyện Kiều) - nhằm chỉ thời gian qua rất nhanh chẳng khác gì "Ngựa chạy, tên bay".

Thử hỏi "câu" là gì mà đi chung với "vó"? Nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ giải thích: "Câu: Ngựa nhỏ con mà mạnh sức chạy mau". Thế nhưng hết sức bất ngờ khi ta biết từ thế kỷ XVII, người ta còn dùng "ngựa cu" để chỉ "ngựa câu". “Từ điển Việt-Bồ-La” (1561) còn ghi bồ cu/ bồ câu. Từ cu nghe ra không thanh lịch, vì thế, khi ông Nguyễn Văn Vĩnh dịch thơ La Fontaine dù không sai nghĩa nhưng thiên hạ cảm thấy tức cười: "Nhưng mà cá đã cắn cu/ Thả ra, tôi nghĩ còn ngu nào tầy". Dấu vết của u/ âu, nay ta còn thấy bà con xứ Nghệ vẫn đùa tếu táo: "Con trâu thì gọi con tru/ Con du thì gọi con dâu trong nhà".

Với loài ngựa nói chung, xưa nay, để nó có thể bền bỉ chạy đường trường dù chạy kiệu hay phi nước đại thì cũng đều phải đóng móng sắt theo khuôn móng của nó. Khi ngựa chạy, người ta còn dùng từ cất vó: "Ngựa đà cất vó đường dài/ Để xem người nghĩa trổ tài nam nhi" (ca dao). Nhờ đóng móng, dù đường xa vạn dặm, ta vẫn thấy "Ngựa chạy hết nước" là chạy đến lúc không sức chạy nữa mới thôi, chạy bon bon ngon lành. Trái ngược với  "Ngựa chạy nước nạp" là chỉ chạy được nước đầu rồi đứng ì ra đó.

Một khi đã được đóng móng sắt, con ngựa đó đã "chạy lanh/ chạy lẹ làng/ chạy nhẹ cương" - cứ bon bon như bay trên dặm trường ắt đến lúc nóng vó/ sốt vó. Mà, cũng do ngựa có móng sắt nên sự lợi hại này được so sánh "Mồm chó vó ngựa", khuyên người ta nên cẩn thận đề phòng khi bước đến gần, coi chừng nguy hiểm bất trắc do chúng gây ra, chẳng khác gì lời khuyên chớ nên "Vuốt râu hùm, sờ dái ngựa".

Một khi nói "Lo sốt vó" là nhằm ngụ ý "Lo lắng tới mức đứng ngồi không yên" - theo “Đại từ điển tiếng Việt” (1999). Nói cách khác đó là lúc người ta có nỗi lo/ lo lắng: "Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng" (Truyện Kiều), chạy ngược chạy xuôi đến độ như ngựa chạy đến sốt vó/ nóng vó. Thế thì mới biết sự lo lắng ấy dồn dập, liên tục đến mức nào.

Về sau, từ sốt ấy không còn mấy thông dụng, nếu còn chăng là trong "nóng sốt" - chỉ về sự rất nóng. Do đó, khi nói về sự lo lắng này, do từ "sốt" không còn được phổ biến với nghĩa vừa nêu, người ta dần dần nói trại thành "sút" cho dễ hiểu. Ai lại không hiểu sút là tụt ra, bung ra? Vậy lo ở đây có hàm ý lo đến độ không khác gì ngựa chạy mãi, chạy miết, chạy ngày, chạy đêm đến nỗi sút cả vó. Lo đến thế, kinh khiếp thật. "Lo sút vó" dần dần cũng khó hiểu nốt, gần đây lại nghe nói hài hước: "Lo sút quần", tức lo đến độ… tụt luôn cả dây lưng quần. Tếu quá đi mất. Rồi từ sốt, chúng ta còn có thêm từ "sốt dẻo" là hiểu theo nghĩa chỉ thông tin gì đó mới toanh, "mới ra lò", mới xẩy ra, còn nóng hổi.

Ngoài "lo sốt vó", còn có những cách nói khác cũng ấn tượng không kém như: Lo đứng lo ngồi, Lo như cha chết, Lo méo mặt, Lo rối ruột… Ngày trước, còn có một nỗi lo nữa mà nay có thể nhiều người ngạc nhiên không hiểu tại sao: "Lo bằng lo sang sứ". Đọc lại “Lịch triều hiến chương loại chí” của nhà bác học Phan Huy Chú, ta biết, đại khái, ngày xưa giao thông đường xá chưa thuận tiện, trên đường đi còn nhiều gian nan trắc trở vì thế một khi đi sứ sang nước khác, không thể biết cụ thể ngày về; thậm chí không về được, bỏ xác dọc đường, vì thế, nếu chẳng may như vậy thì người nhà lấy ngày người đó rời nhà đi sứ làm ngày giỗ.

Trở lại với nỗi niềm của ông Tú Mỡ, xin hỏi thêm, ngoài công nợ, còn lo gì nữa?

Những ngày chờ Xuân đón Tết lại còn bận rộn ghê gớm, chẳng hạn, vì ở đời: "Giàu nghèo ba mươi Tết mới hay", dù nghèo cũng cố vay nợ sắm Tết cho đặng cũng bằng chị bằng em, kẻo không "thiên hạ cười chê": "Giàu thời tíu tít, khó cũng sê mê/ Sắm ăn sắm mặc, mua rượu mua chè/ Ngày dưng rã họng, Tết cũng đầy mề/ Bánh chưng chán bứ, giò mỡ ngấy lè/ Mứt bí ngọt sắt, mứt gừng cay sè/ Dưa hành một vại, rượu mùi dăm be". Nào đã hết đâu: "Ăn đã hoang ghê, sắm càng dữ dội/ Chậu cúc vàng hoa, cành đào đỏ ối/ Mười củ thủy tiên, mấy tràng pháo cối…".

Câu thơ này cho biết ngày trước có lệ đốt pháo ầm ĩ, thiên hạ đã cười vào mũi những ai đó: "Thừa tiền mua pháo đốt chơi/ Pháo nổ lên trời, tiền vứt xuống ao", đúng là dại thật. Nhưng rồi rồi đâu vẫn vào đó, Tú Mỡ một lần nữa la toáng lên: "Kiết xác như vờ rồi/ Còn ngông đốt pháo mãi/ Pháo kêu, tiền hỡi tiền/ Dại". May mà, hiện nay Nhà nước đã cấm đốt pháo, trừ đi được một cái hại không chỉ tiền mà còn vì chơi pháo/ đốt pháo không khéo "tiền mất tật mang". Nào riêng gì Tú Mỡ, nhiều người hiện nay cũng ghét kiểu đón Tết mà tiêu xài hoang phí đến mang nợ. Cứ làm như lời ông bà ta đã dạy "Liệu cơm gắp mắm", có như thế mới thật sự là ý nghĩa của vui Xuân, đón Tết với tâm thế nhẹ nhàng, thanh thản…

Tóm lại, Tết tới tằn tiện thì thong thả. Thế thì dù thế nào, cũng chẳng việc gì phải "lo sốt vó". Ngay cả con ngựa khi không "chạy sốt vó" thì cũng thảnh thơi, nhàn nhã lắm, nghĩ thế xin mời các bạn thưởng thức qua vế đối mà lâu nay thiên hạ cắn bút suy nghĩ nhưng vẫn ngắc ngứ: "Ngựa kim ăn cỏ chỉ, chó vá cắn thợ may". Đối lại ra làm sao trong dịp Tết con rồng?

Nào xin mời bạn.

Lê Minh Quốc
.
.