Phỏng vấn một cầu thủ bóng đá
Phóng viên (PV): Chào anh, anh đang có tâm trạng gì mà trầm ngâm thế?
Cầu thủ: Tôi đang lo, nhà báo ạ.
PV: Trời ơi, cầu thủ trẻ có tài năng như anh thì chỉ cần lo lên tuyển và lo đá cho tốt chứ còn phải băn khoăn chi nữa.
Cầu thủ: Ấy, chính vì tôi có tài năng và sắp lên tuyển nên tôi mới lo và buồn.
PV: Vô lý quá.
Cầu thủ: Có gì vô lý đâu. Xin hỏi nhà báo: Cầu thủ bóng đá là gì? Là vận động viên đúng không?
PV: Ừ đúng. Không những bóng đá, mà tất cả những người bắn súng, vật, điền kinh, cầu lông, bóng chuyền... đều có tên chung là vận động viên hết.
Cầu thủ: Còn bơi lội thì sao?
PV: Bơi lội tất nhiên là vận động viên rồi, thậm chí còn là vận động viên quan trọng, vì đường đua xanh luôn luôn nằm trong top các bộ môn thi đấu quốc tế chủ lực.
Cầu thủ: Vậy xin hỏi nhà báo, bao nhiêu năm qua, có vận động viên bơi lội nào của Việt Nam đạt được thành tích quốc tế nhiều hơn cô Nguyễn Thị Ánh Viên không?
PV: Không, không có ai. Tuyệt đối không ai. Ánh Viên là vận động viên sáng nhất của nước mình có lẽ sau nửa thế kỷ.
Cầu thủ: Chính xác. Nếu với độ nổi tiếng, độ đóng góp thì tôi so với Ánh Viên chả nghĩa lý gì.
PV: Có lẽ đúng thế. Ít ra là lúc này, khi chưa ai nghe tới tên anh.
Cầu thủ: Còn cái tên Ánh Viên đã một thời chỉ mới đây thôi chứ chả hề lâu lắc, xuất hiện dày đặc trên các báo đài, trên các diễn đàn và lễ hội.
PV: Tôi nhớ điều đó chứ.
Cầu thủ: Rất nhiều người cũng nhớ. Nhưng thưa anh, thưa tất cả mọi người, vận động viên chúng tôi không phải máy móc, chúng tôi có tuổi tác, có chiều cao, cân nặng. Và tất nhiên có những nỗi lo toan vụn vặt của cuộc sống hàng ngày.
PV: Ý anh là sao?
Cầu thủ: Ý tôi là tất cả các vận động viên trên thế giới này, dù tài năng tới đâu, dù chói sáng tới đâu cũng sẽ có giai đoạn không còn đỉnh cao nữa. Thậm chí giai đoạn ấy có thể tới rất nhanh vì thi đấu chuyên nghiệp vô cùng khắc nghiệt.
PV: Tôi biết. Khắc nghiệt tới mức thành công và thất bại chỉ chênh nhau 1% giây.
Cầu thủ: Ánh Viên không những là một con người, mà là một cô gái, hay nói đúng hơn, một thiếu nữ. Để có được những thành tích bơi lội vinh quang, cô ấy bao nhiêu năm qua mỗi ngày 5,6 tiếng đồng hồ dưới nước, không son phấn, không váy đầm, không giày cao gót. Nói tóm lại gần như không có tất cả những gì của thiếu nữ bình thường phải có.
PV: Tôi biết.
Cầu thủ: Thế mà trong kỳ Olympic Tokyo vừa qua, nơi phải thi đấu với những vận động viên hàng đầu thế giới, có thể hình và thể trạng, có sự huấn luyện và điều kiện tập hơn Ánh Viên rất nhiều lần, khi cô không đạt được thành tích mong muốn, Ánh Viên nhận được cái gì?
PV: Tôi không biết.
Cầu thủ: Tôi thì biết đấy. Một tờ báo lớn còn đăng dòng tít lớn: Ánh Viên “về bét” trong cuộc thi vòng loại. Anh nghe rõ chưa? Họ dùng đúng chữ ấy: Về bét!
PV: Sao lại thô thiển thế?
Cầu thủ: Những nhà báo có tư duy hạng bét như vậy cũng chả ít đâu. Họ dốt tới mức không hề hiểu một điều cơ bản: Thể thao xét cho cùng không phải là những tấm huy chương. Thể thao là văn hóa, là hoàn thiện các kỹ năng của con người.
PV: Rất đúng.
Cầu thủ: Một quốc gia khỏe mạnh là một quốc gia toàn dân đều tham gia rèn luyện chứ không phải là một quốc gia chuyên khoe những thành tích thi đấu.
PV: Chúng tôi biết điều đó.
Cầu thủ: Hãy nhìn ra thế giới, khi một cầu thủ bóng đá ngôi sao chia tay sân cỏ, người ta làm lễ long trọng thế nào để tôn vinh. Còn chúng ta, khi Ánh Viên thất bại, hỏi có bao nhiêu bài báo động viên, bao nhiêu lời thăm hỏi?
PV: Rõ ràng rất nhiều người đang có một tâm lý thực dụng rất đáng hổ thẹn khi suy nghĩ về thể thao và thi đấu.
Cầu thủ: Nhà báo nói đúng. Thực dụng đáng hổ thẹn. Cho nên mới có biết bao vận động viên nổi tiếng một thời hôm nay hoặc chìm vào quên lãng, hoặc đang vất vả mưu sinh. Nghề vận động viên trở thành nghề bạc bẽo. Thế thì hỏi làm sao tôi không buồn, tôi không có chút tâm tư khi nghĩ tới số phận mình ngày mai.