Phỏng vấn một con tê giác

Thứ Tư, 03/11/2021, 09:12

Phóng viên (PV): Thưa ông tê giác, niềm mơ ước lớn nhất của ông là gì ạ?

Tê giác: Tôi nói điều này hơi kỳ lạ, chứ bao nhiêu năm nay, tất cả tê giác đều muốn thành người.

PV: Vì sao, thưa ông? Người có nhiều nỗi khổ lắm, trong khi tê giác chỉ có mỗi một nỗi khổ về cái sừng thôi.

Phỏng vấn một con tê giác -0
Minh họa: Lê Tâm

Tê giác: Sừng ư?

PV: Đúng vậy. Và do cái sừng trứ danh đó, tê giác đã  nhiều lần  được các tổ chức toàn cầu kêu gọi bảo vệ.

Tê giác: Con người không có sừng ư?

PV: Không có ông ạ? Mặc dù trong văn học thỉnh thoảng có ai đó bị cắm sừng. Nhưng trên thực tế, chúng tôi chả có sừng nào hết.

Tê giác: Nhưng rõ ràng người bảo vệ lẫn nhau nhiều hơn bảo vệ các thú vật hoang dã cơ mà.

PV: Cám ơn ông. Xin ông cho ví dụ?

Tê giác: Chẳng hạn như nạn dịch COVID vừa qua.

PV: Mà tê giác hoàn toàn không mắc phải.

Tê giác: Chưa chắc. Có thể tê giác, cọp, beo hoặc khỉ vẫn mắc nhưng chẳng ai lôi đi xét nghiệm.

PV: Xét nghiệm làm gì khi nhìn chung muông thú sinh ra đã bị cách ly xã hội.

Tê giác: Vậy nhân tiện nói tới cách ly, tê giác tôi chợt phát hiện ra rằng, hóa ra loài người cũng còn lâu mới hoàn hảo. Làm người ngay lúc này chưa chắc đã sướng đâu.

PV: Chết, sao ông lại nói thế.

Tê giác: Tôi xin hỏi nhé, việc cách ly, suy cho cùng nhằm mục đích gì hả nhà báo?

PV: Nhằm bảo vệ mỗi cá nhân.

Tê giác: Mà cá nhân loài người, hơn cả các loài, luôn gồm hai thứ: thể xác và tâm hồn.

PV: Dạ vâng.

Tê giác: Mặc dù tôi khẳng định, thật ra tê giác hay thỏ và gấu, mèo, chó cũng có tâm hồn nhưng không rõ ràng và không đáng kể. Tâm hồn của mỗi cá nhân con người là ghê gớm lắm. Nhờ đó, họ mới sáng tạo ra thơ, văn, nhạc, họa. Họ mới làm ra bao nhiêu công trình đẹp đẽ khắp thế giới này, mà tất cả các con vật đều không mơ ước nổi.

PV: Cám ơn ông.

Tê giác: Cho nên bất cứ một sự bảo vệ con người nào mà không chú trọng tới phần tâm hồn của họ, là rất thiếu sót, thậm chí là rất sai lầm.

PV: Chính xác ạ.

Tê giác: Trong dịch bệnh hôm nay, biện pháp mà loài người áp dụng nhiều nhất và phổ biến nhất, hiệu quả nhất là cách ly, không ai được gần ai cả.

Rõ ràng thế. Nhưng tất cả mọi cá nhân đều biết cách ly là về thể chất chứ không thể cách ly về tâm hồn. Đáng ra trong lúc này, tâm hồn nhân loại còn phải gần gũi và gắn bó với nhau hơn bao giờ hết.

PV: Ơ, thưa ông tê giác, hóa ra ông không chỉ có sừng mà còn có cả cái đầu biết suy nghĩ.

Tê giác: Cám ơn. Nhưng nhà báo đừng lạc đề. Muốn cách ly thật tốt, người phải làm sao để tâm hồn không bị tổn thương đúng không ạ?

PV: Rất đúng.

Tê giác: Nói cách khác, họ một mình nhưng không hề cảm thấy cô đơn. Phải như thế chứ?

PV: Nhất định phải.

Tê giác: Tóm lại không ai được nhân danh cách ly để làm mất cảm xúc, để cho sự liên kết giữa cá nhân và xã hội bị cấm đoán.

PV: Đồng ý với ông.

Tê giác: Nhưng trên thực tế thì sao? Rất nhiều nơi đã cách ly theo kiểu cực đoan. Nào rào kẽm gai, nào ổ khóa sắt thép.

PV: Trong khi người nghi nhiễm bệnh không phải tội phạm.

Tê giác: Mục đích của cách ly là để tránh lây lan chứ không phải để xua đuổi, càng không phải để gạt ai đó ra khỏi cộng đồng.

PV: Người bị cách ly dù ở mức độ nào cũng vẫn là người công dân chân chính và toàn diện.

Tê giác: Rất chính xác. Và nếu như tê giác có quyền giữ sừng của mình thì người bị cách ly có quyền giữ tâm hồn của họ.

PV: Mà tâm hồn thì không thể xét nghiệm được.

Tê giác: Nhưng lại có thể bị tổn thương khi xét nghiệm tràn lan, khi bị dán niêm phong ở cửa xe hơi, lúc di chuyển khi bị hạch hỏi.

PV: Ra vậy.

Tê giác: Không được nhân danh bất cứ mục đích gì để vi phạm quyền con người. Đó là điều mà tê giác muốn nhắc nhở. Chẳng hạn, nếu bảo vệ tê giác bằng cách đưa hết vào sở thú, thì chúng tôi thà mất sừng con hơn.

Lê Thị Liên Hoan
.
.