Phỏng vấn một luật sư

Chủ Nhật, 10/10/2021, 16:15

Phóng viên (PV): Thưa anh, đang có tâm trạng gì mà mặt mũi anh căng thẳng thế?

Luật sư: Tôi đang rất bực mình. Rất cáu, rất phẫn nộ.

PV: Vì sao vậy? Không nên như thế, không tốt cho sức khoẻ đâu, nhất là trong mùa đại dịch này.

Luật sư: Chính vì đại dịch nên tôi mới cáu, nhà báo hiểu không?

pv mot luat su - mh le tam anct 9 - 2021 ok.jpg -0
Minh họa: Lê Tâm.

PV: Chưa hiểu.

Luật sư: Những ngày này tôi cũng như bao nhiêu người khác, ở nhà. Và cũng như bao nhiêu người khác, tôi hay xem các tin tức trên mạng.

PV: Vâng. Trên mạng có cả chữ lẫn hình. Có cả những đoạn phim dài ngắn đủ kiểu.

Luật sư: Và tôi thấy rất nhiều những đoạn clip lan truyền trên đó nói về việc thi hành biện pháp cách ly.

PV: Vâng. Ai cũng xem mà. Chính các nhà báo cũng thế thôi.

Luật sư: Đã cách ly thì phải hạn chế. Đã hạn chế thì phải có rào cản. Đã rào cản phải có người gác.

PV: Nếu tính cả thành phố Hà Nội thì có cả ngàn người gác ấy chứ.

Luật sư: Mà gác nghĩa là ngăn chặn, kiểm soát. Ngăn chặn tất nhiên có giữ lại, có giải thích và cấm cản.

PV: Và sẽ xảy ra va chạm về quan niệm, về ngôn ngữ. Điều đó là bình thường.

Luật sư: Nhưng tôi vô cùng bức xúc khi thấy rất nhiều kẻ luôn có sự tranh luận với những người làm nhiệm vụ, buông ra những câu chửi vô cùng thô bỉ và kém giáo dục, kém văn hóa.

PV: Những kẻ đó thuộc thành phần nào?

Luật sư: Đủ loại. Nam có, nữ có, già có, trẻ có. Tuổi tác khác nhau, giới tính khác nhau, trình độ khác nhau, nhưng sự khác nhau chung nhất là “mất dạy” nếu nói theo ngôn ngữ thông thường.

PV: Mất dạy ư?

Luật sư: Xin lỗi, tôi không còn cách dùng từ nào khác. Nếu nhà báo không thích câu ấy thì đừng phỏng vấn tôi nữa.

PV: Đúng là tôi không thích, nhưng tôi vẫn tiếp tục cuộc nói chuyện này.

Luật sư: Xem những đoạn phim chửi bới đó, tôi có cảm giác luật pháp của chúng ta chưa chặt, cần phải bổ sung khẩn cấp.

PV: Bổ sung điều gì ạ?

Luật sư: Ta có điều khoản chống người thi hành công vụ là tội hình sự. Chuyện đó không có gì bàn cãi.

PV: Và ai cũng đồng ý.

Luật sư: Nhưng chữ chống đó đang được hiểu chưa toàn diện. Chỉ khi nào các đối tượng dùng đến hành động bạo lực thì pháp luật mới ra tay, đúng ra phải thêm chi tiết: Xúc phạm người thi hành công vụ.

PV: À.

Luật sư: Việc dùng những ngôn ngữ tục tĩu, mất dạy, vô văn hóa để đối đáp với các lực lượng thực thi pháp luật đã tới lúc không thể chấp nhận được, không thể tha thứ được.

PV: À.

Luật sư: Bất cứ hành động xử phạt nào của chính quyền đều có tính răn đe và tính giáo dục. Trong thời đại hôm nay, mọi hành động xử phạt đều có khả năng quay phim và đưa lên mạng, cho nên đã đến lúc phải tính tới sự lành mạnh của xã hội. Không thể cho phép sự lăng mạ những người làm nhiệm vụ được diễn ra một cách công khai, bừa bãi và thô bỉ như thế.

PV: Thế này luật sư ạ, thật ra thì cái cảnh nhiều kẻ khi bị xử phạt, bị chặn xét buông ra những lời tục tĩu đã có từ lâu và nhiều người phẫn nộ. Nhưng khổ nỗi, nếu như hành vi chống đối bằng tay chân hay vũ khí có thể đo đếm được thì ngôn ngữ hơi khó, luật pháp không muốn bị lạm dụng.

Luật sư: Tôi hiểu. Cho nên trên thực tế, rất nhiều đối tượng chửi bới thô thiển, nhưng người thi hành công vụ vẫn đứng im, tuy nhiên chỉ cần chúng có hành vi bạo lực là bị trấn áp liền.

Song nhiều kẻ xấu cũng hiểu rõ điều này. Chúng chỉ chửi bới chứ không manh động, khiến cho các vụ việc có một hình ảnh rất tồi tệ và phản cảm.

PV: Đồng ý, có lẽ đã tới lúc đưa hành vi xúc phạm bằng ngôn ngữ vào luật hình sự.

Luật sư: Chúng ta có bao nhiêu tiến sĩ, giáo sư về xã hội học, cho nên việc đưa những từ ngữ có tính xúc phạm vào luật để xử phạt một cách cụ thể và chính xác đâu có khó gì.

PV: Đồng ý. Đã tới lúc làm trong sạch đời sống xã hội, đã đến lúc cho những kẻ thiếu văn hóa về ngôn ngữ những bài học đích đáng.

Lê Thị Liên Hoan
.
.