Phỏng vấn một bức tượng

Thứ Ba, 07/09/2021, 11:38

Phóng viên (PV): Thưa ông, đâu là đặc điểm nổi bật nhất của một bức tượng?

Tượng: Nhà báo hỏi như vậy tầm thường quá. Đáng ra phải đặt câu sau: Đâu là vẻ vĩ đại nhất của một bức tượng?

PV: Vâng. Cám ơn ông. Đúng là tôi còn đơn giản. Tôi chưa nghĩ ra câu nào hay hơn.

Tượng: Cái hay nhất, cái tuyệt vời nhất và khó bắt chước nhất của bức tượng, đó là sự bất động.

PV:  Bất động ư?

Tượng: Đúng vậy. Không có một bức tượng nào trên thế giới này nhúc nhích. Nhưng chính sự im phăng phắc vĩnh cửu của chúng khiến tất cả chúng ta phải lay động đầu óc.

PV: Hay thiệt.

Tượng: Nhưng hay nhất là chúng ta nói về điều đó đang trong những ngày phòng dịch COVID-19 này.

PV: Những ngày mà xã hội cách ly.

Tượng: Và rất nhiều người đang hiểu rằng, cách ly là bất động, mặc dù họ chẳng giống tượng tí nào.

PV: Nghĩa là sao?

Tượng: Nghĩa là trong những ngày hôm nay, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy nhiều người thuộc giới trí thức la làng trên mạng xã hội là không sợ đói bằng sợ sự cô đơn.

PV: Cô đơn? Vì sao?

Tượng: Vì họ cách ly trong nhà chứ sao. Họ không đến công ty, họ không ra ngoài đường, họ không dự hội nghị, họ không đi cà phê. Tóm lại, họ không tiếp xúc được giữa người với người.

PV: Mà giao lưu giữa người với người là quan trọng nhất chứ còn gì nữa.

Tượng: Chết thật. Nhà báo nghĩ thế thì quá nông cạn. Đúng là người với người cực kỳ cần thiết, nhưng đâu phải tiếp xúc bằng tay chân, mà phải bằng tư tưởng.

PV: Tư tưởng?

Tượng: Đúng thế. Suy cho cùng, thời đại bùng nổ thông tin là sự bùng nổ về những tư tưởng khác biệt giao thoa với nhau, đúng không nào?

PV: Đúng ạ.

Tượng: Mà tư tưởng thì trời ơi, ngày hôm nay có máy tính, có sách vở, có ti vi, có mạng internet 5G... Những thứ đấy làm sao cách ly được.

PV: Ừ nhỉ.

Tượng: Tôi không hề có ý nói thời kỳ cách ly chống dịch này là tuyệt vời hay đẹp đẽ. Nhưng tôi khẳng định nó không hề là một bi kịch ít ra với những người làm việc đầu óc, vì họ có quá nhiều phương tiện để giao lưu.

PV: Ấy thế mà hình như họ lại nằm trong cái giới kêu ca về sự buồn chán nhất.

Tượng: Vậy mới đáng cười và mới đáng buồn. Từ đó suy ra, trí thức nước mình, khả năng làm việc, tư duy độc lập kém quá.

PV: Chắc không?

Tượng: Chắc chắn. Nếu nhìn rộng ra, trí thức nước ta rất hay họp, rất hay bàn, rất hay đi tìm sự đồng thuận tập thể, khả năng độc lập suy nghĩ, ra quyết định hoặc nghiên cứu một mình rất kém, cho nên những ngày chống dịch này, nhược điểm đó mới nổi bật lên.

PV: À.

Tượng: Chúng ta có rất nhiều tượng đặt khắp nơi, nhưng nhiều người lại quên rằng, sở dĩ các vĩ nhân được tạc tượng vì khi sáng tạo ra rất nhiều khám phá, tìm ra rất nhiều chân lý cho loài người, những nhà bác học, những nhà văn hay nhà cải cách đó phải tự tìm ra giải pháp cho mình trong sự cô đơn.

PV: Nghĩa là họ phải tự cách ly dù chả gặp thứ dịch bệnh nào.

Tượng: Chính xác. Thậm chí rất nhiều tác phẩm, cả khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội, rất nhiều tiểu thuyết và trường ca đã ra đời khi tác giả của nó bị giam cầm trong nỗi cô đơn.

PV: Ừ nhỉ. Nói chung các nhà khoa học hay nhà văn không phải là giới thích ồn ào.

Tượng: Hãy nhớ rằng trong xã hội hôm nay, sự khác nhau giữa một viện nghiên cứu và một cái chợ chính là sự tĩnh lặng.

PV: Nghĩa là theo ý ông, nếu chúng ta là người trí thức thật sự, chúng ta sẽ không thấy những ngày cách ly này là bi kịch lớn.

Tượng: Rõ ràng như thế. Tôi đồng ý đây không phải là khoảng thời gian vui nhưng cũng chẳng là một điều gì đó kinh khủng, nếu như chúng ta là những người hoạt động trí tuệ. Thậm chí, với một số cá nhân xuất sắc, khoảng thời gian im lặng này lại có những giá trị bất ngờ mà nhiều lúc cả cuộc đời không thể nào tìm ra.

PV: Nếu nói theo văn học, khoảng thời gian cách ly này của xã hội là gì?

Tượng: Là một khoảnh khắc gần như duy nhất của cuộc đời. Mà một bức tượng trở nên vĩ đại do đâu, thưa nhà báo?

PV: Do tìm đúng khoảnh khắc của mình.

Tượng: Hoàn toàn chính xác.

Lê Thị Liên Hoan
.
.