Phỏng vấn lá vàng
Phóng viên (PV): Thưa anh, nói tới lá vàng là nói tới mùa thu, đúng không ạ?
Lá vàng: Đúng. Nhưng đấy là ở trong rừng. Còn ở thành phố, nói tới lá vàng, người ta nghĩ tới vỉa hè
PV: A, vỉa hè. Đó là một nhân tố quan trọng của đô thị.
Lá vàng: Quan trọng đến nỗi không biết bao nhiêu thơ ca, không biết bao nhiêu sách vở và âm nhạc đã có từ “Hè phố”.
PV: Nói chung hè phố là một danh từ thơ mộng và bình an.
Lá vàng: Rõ ràng. Hè phố luôn là nơi để người ta đi, người ta suy ngẫm hoặc quan sát, rất ít khi để người ta vấp ngã hoặc người ta ăn.
PV: Ý anh muốn nói gì?
Lá vàng: Ý tôi vô cùng sửng sốt khi nghe nói thành phố Hồ Chí Minh có ý định thu thuế vỉa hè.
PV: Ủa. Nghĩa là ai đi trên đó phải trả tiền sao?
Lá vàng: Tất nhiên không. Mà ai kinh doanh mới bị thu tiền.
PV: Ơ kìa. Nhưng vỉa hè về nguyên tắc đâu phải chỗ kinh doanh.
Lá vàng: Đúng thế. Vỉa hè sinh ra từ ngàn năm nay, từ Đông sang Tây đều để dành cho người đi bộ.
Lá vàng: Ai chả biết. Cho nên cũng từ lâu, tất cả các thành phố trên đất nước ta đều đã bao nhiêu lần ra quân làm sạch, làm đẹp và làm thông thoáng vỉa hè.
Lá vàng: Cuộc chiến đó chưa bao giờ kết thúc, cuộc chiến đó vẫn còn dai dẳng như không khi nào được phép đầu hàng.
PV: Tất nhiên.
Lá vàng: Vậy mà nếu thu thuế vỉa hè, chúng ta đầu hàng đấy.
PV: Tại sao?
Lá vàng: Tại vì thuế chỉ thu những gì kinh doanh hợp pháp, đúng chưa?
PV: Đúng ạ.
Lá vàng: Do đó việc thu thuế thừa nhận việc kinh doanh vỉa hè là xứng đáng còn gì.
PV: Ơ, nhưng nếu không thừa nhận người ta vẫn kinh doanh.
Lá vàng: Đó là vì quản lý kém, là vì pháp luật không nghiêm, chứ việc kinh doanh kiểu ấy đời đời vẫn không nên làm. Tôi có lòng tin sắt đá như vậy.
PV: Nhưng có nhiều người không tin nữa.
Lá vàng: Nhân danh một công nhân thành phố, tôi phản đối bất cứ một biện pháp gì xây dựng từ sự mất lòng tin.
PV: Nhưng anh đâu phải công dân, anh là một cái lá lìa cành.
Lá vàng: Lìa cành là để rơi xuống vỉa hè. Đối với rất nhiều người, nơi ấy là chỗ cuối cùng của họ. Tôi chả hiểu có gì thích thú khi thế giới nói thành phố này tràn ngập ăn uống trên mọi lối đi.
PV: Anh yên tâm, thế nào khi hàng quán tràn ngập mọi lối đi, sẽ có nhiều nhà nghiên cứu bảo rằng “Đó là nét đẹp văn hóa”.
Lá vàng: Tôi cũng đoán thế “Cà phê đường tàu” là nét văn hóa, “Quán nước lề đường” là nét văn hóa thì cái gì chưa được nâng cao!
PV: Với lại anh à, thành phố luôn luôn thiếu kinh phí, cho nên đánh thuế vỉa hè cũng là một phương án bổ sung.
Lá vàng: Thiếu kinh phí và thiếu văn hóa thì điều gì kinh khủng hơn?
Tại sao không nghĩ vỉa hè thông thoáng, đường phố văn minh thì du lịch phát triển, đầu tư hấp dẫn, tiền sẽ đến từ những khoản khác chứ chưa chắc ngân sách kém đi.
PV: Ừ nhỉ.
Lá vàng: Ví dụ như tôi đã tới Luân Đôn. Ở đấy người ta không thu phí bảo tàng. Nhưng chính nhờ các bảo tàng đó mà khách sạn, taxi, sân bay và cửa hàng đông khách.
PV: Ý anh việc thu phí vỉa hè là thiếu tầm nhìn?
Lá vàng: Đúng vậy. Là hạ thấp các tiêu chuẩn đô thị văn minh, là chạy theo những lợi ích con con trước mắt. Và trên hết là thua!