Sài Gòn nhớ nhớ quên quên

Chủ Nhật, 02/04/2017, 10:44
Vừa về lại Sài Gòn sau một đêm ở Hà Nội, Hà Nội mưa rây rây lạnh tím tái. Thoáng cái đến phi trường Tân Sơn Nhất đã nghe không khí nong nóng như cũ.

Chắc thành thói quen rồi, những lúc ấy hay nghĩ ngợi lung ta lung tung. Nghĩ ngợi thì chuyển điện thoại sang chế độ từ chối cuộc gọi, mở phần ghi chép, nhớ gì viết nấy.

1. Nãy ngồi taxi, nghe anh taxi nói chuyện với khách, chị khách làm rớt cái ví có giấy tờ với 131 ngàn. Chị gọi tổng đài, tổng đài gọi anh taxi, anh taxi trả lời có lượm được nên chị gọi xin lại.

Ảnh nói, "Tui chở khách rồi, khoảng 5 giờ rưỡi sáng tan ca xe về cây xăng Lê Trọng Tấn đậu đó, chị ghé đó lấy lại nha. Tui đưa cho điều hành, điều hành trả cho chị. Ừ, đúng rồi, cái chỗ có nhiều xe taxi đó. Giờ đó chị nhớ lại, nha". 

Xong ảnh kể chị khách đón taxi đưa người nhà đi cấp cứu, làm rớt cái bóp. Khách đến bệnh viện rồi ảnh mới phát hiện cái bóp nằm dưới sàn xe, ảnh báo cho điều hành kiểm tra bóp rồi canh điện thoại tổng đài gọi để biết mà liên lạc với khách.

Nghe chuyện vui vui, nên viết xíu cho Sài Gòn. Mình yêu nhất là quê mình, yêu nhì là Sài Gòn. Có đi đâu rồi mỗi lần về lại Sài Gòn cũng cảm thấy thoải mái, như hôm nắng gắt ở Tây Nguyên, hôm mưa phùn xứ Bắc, hôm lâm râm man mát miền Tây.

Sài Gòn sống dễ queo, dân nhập cư làm gì cũng sống được. Không làm công nhân thì làm bưng bê, không bưng bê trong nhà hàng thì bưng bê ngoài quán cóc. Không thôi thì sắm cái xe đẩy dạo bán cóc ổi mía ghim, bán bánh tằm, bán cháo lòng, bán bánh tráng trộn, bán kẹo bông gòn, bán bò bía mặn, bán xôi dứa ống…

Cái quầy bán cà phê cóc dưới gốc cây có mấy chai nước ngọt với mấy chai cà phê pha sẵn, nuôi sống được một gia đình, dựng vợ gả chồng cho con cũng từ đó.

Ở Sài Gòn thì vui, mấy giờ xuống đường chơi cũng không phải ngại. Nửa khuya rồi, bạn gọi lâu quá không ngồi với nhau hay thành sinh viên lại chút. Ờ, thì mấy thằng lại ngồi đến tảng sáng, có bia có hột vịt lộn, có hột gà, có trứng cút lộn, có lẩu, có tôm nhúng mù tạt, có bolero vỉa hè, có ông già như thương binh gẩy guitar hát nhạc lính… rồi có xiếc, có nuốt lửa, có biểu diễn rắn chui vào miệng thò ra ngoài mũi…

Sài Gòn mấy giờ cũng còn thức, 0h cũng được, mà 1h cũng được, 2h cũng được mà 3h cũng được, 4h cũng được mà 5h cũng được.

Sài Gòn có nhiều bar, rượu tràn như suối. Bên cạnh bar thì cũng có quán nép vỉa hè, cá đuối chấm với nước mắm me.

Dân Sài Gòn thích ăn thịt, phải là rất nhiều thịt. Cái gì cũng có giò nạc, loại giò to như nắm đấm, cắn ngập răng chấm nước mắm ớt từ cái chén con con để sẵn trên bàn. Bún bò Huế cũng có giò nạc mà hủ tíu cũng có giò nạc, bánh canh bột gạo cũng có giò nạc mà bánh canh ghẹ cũng có giò nạc. Ai không thích giò nạc thì đổi thành giò gân, giò móng.

Ăn phở thì phải có giá trụng, có đầu hành, có tương đen, có chén hột gà có chén thịt thêm. Ăn cơm tấm nhất định phải sườn nướng, mà miếng sườn phải to, tẩm đầy gia vị, mỡ tràn ra bên ngoài.

Sài Gòn đi ăn ốc, gọi đủ ốc hương nướng muối ớt, ốc giác xào sa tế, ốc mỡ xào tỏi thì cũng phải có ốc len xào nước dừa. Ăn vừa ngọt nhiều vừa béo nhiều lại mằn mặn. Sài Gòn thích bánh mì không, cái gì cũng chấm bánh mì không được, ăn ốc xào sa tế vẫn có bánh mì quẹt sa tế ăn kèm.

Sài Gòn dân chơi, vỉa hè có thùng nước uống miễn phí, có tủ kính bánh mì cho người nghèo. Có quẹt xe nhìn nhìn liếc liếc phát rồi đi, tức quá thì văng tục câu rồi bỏ đi. Ờ, thi thoảng mấy anh máu lên não nhanh hơn nghĩ cũng đấm cũng đá, cũng đâm cũng chém mà cái này ít thôi, hảo hán xứ nào chẳng có.

Sài Gòn được cái ai giàu thây kệ, ai nghèo thây kệ. Ngồi cà phê túm tụm trong câu chuyện của mình, còn thằng ngồi kế bên vừa trúng Vietlott thì cũng kệ, uống xong bàn ai nấy trả tiền thôi.

Sài Gòn bận lắm, chẳng đủ thời gian để tạo thị phi cho ai hết.

Y như thằng bạn chơi bài một đêm thua sạch túi, sáng đứng dậy cười hềnh hệch về tắm đi làm, tỉnh queo!

2. Có anh nhà văn viết sách, quyển tản văn có tựa "Sài Gòn bao nhớ", mình cũng chưa đọc nữa chỉ là nghe nhắc lại cái từ "bao" thấy thương thương.

Sài Gòn hay có kiểu bao này, như sầu riêng bao ăn, chôm chôm bao ngọt, dưa hấu bao cân đủ ký. Hồi sinh viên ở trọ đường Võ Duy Ninh, quận Bình Thạnh có quán cơm bao no, giá 3 nghìn một đĩa. Cứ có ba nghìn là được chọn một món, thịt kho, canh khoai mỡ, cá chiên. Có năm nghìn thì được chọn hai món, cơm thì ăn nhiêu bới nhiêu.

Cô chủ quán không già không trẻ lắm, có cô em gái kế, mỗi lần mình ra ăn thế nào cũng được ưu tiên nhiều thịt hơn. Hồi đó mình đã viết báo, kiếm được chút tiền, đời sống cũng không khó khăn lắm. Nên ra quán cơm bao no chỉ để tận hưởng cái cảm giác có cô gái vì mình mà cho thêm vài miếng thịt kho vậy. Tuổi trẻ đúng là không thể dứt được những câu chuyện từa tựa như hoang đường.

Hai thằng bạn của mình hồi thanh xuân, nhân ngày Tám tháng Ba mua hoa tặng mấy cô đào trên cầu Thị Nghè, kiểu rất diễm tình lãng mạn của văn học cổ điển Pháp, đọc riết chắc nhiễm. Cô đào nào nhận hoa xong mắt cũng ướt lem nhem, nghe hay hay mà buồn buồn.

Chuyện phấn son chắc đâu cũng như vậy, có chỗ này chỗ kia không khác nhau là mấy. Nhưng những cô đào Sài Gòn biết mình làm chỗ này, biết mình làm chỗ kia, chỗ mà mấy cô hay đứng thi thoảng cũng có thể tán chuyện cùng nhau. 

Toàn chuyện trong nghề, chuyện nhỏ này vay nợ ra sao, chuyện nhỏ kia kiếm tiền nuôi con thế nào, chuyện mới cặp được với ông xe ôm mà ông này toàn muốn xài hàng chùa thôi, lâu lắc cũng không dám cho mấy trăm ngàn mua nước hoa cho ra vẻ tình nhân âu yếm.

Có cô đào trước là sinh viên trường múa, trò chuyện mấy lần xong bị đưa đi trường. Dò hỏi chỗ nào để ghé thăm gửi chút quà, mà tìm hoài không ra. Nghĩ đời người đúng là như khói như sương thiệt, chẳng biết làm sao.

Sài Gòn cơ bản là dễ trò chuyện cùng nhau, đi ra quán xem đá banh hai thằng thích cùng một đội bỗng dưng trở thành bằng hữu thì không nói. Nhưng ra quán thấy thằng kia ngồi một mình, mình cũng ngồi một mình, thôi thì kiếm cớ nói vài câu cho qua phút qua giờ. Toàn chuyện không đâu vào đâu, chuyện đập vỉa hè, chuyện ngập nước, chuyện kẹt xe. Vui miệng xíu rồi chào nhau về.

Biết đâu mấy tuần sau đang ngồi lọ mọ gõ laptop, có bàn tay chìa trước mặt nhìn lên đúng là thằng cha hôm trước phiếm chuyện. Vậy là bắt đầu một câu chuyện khác, vậy là bắt đầu kết bạn facebook rồi trao đổi số điện thoại, thân thì không thân nhưng chắc chắn không còn xa lạ nữa.

Sài Gòn nhiều cái vụn vặt như không vậy à, mà nghĩ cứ thương thương.

3. Nhà có tiệc, bia uống xong xếp lon cẩn thận bỏ phía sau. Chai nước mắm xài xong cũng bỏ chỗ đó, rồi thau nhựa cũ, rồi thùng carton, báo cũ (trừ tờ báo mình đang công tác) cứ dồn lại một chỗ cạnh nhau, chất đống.

Đợi thấy nhiều nhiều rồi thì canh chú đổ rác đi ngang, gọi vào cho. Thây kệ, cho người ta bán ve chai được bao nhiêu thì được, người ta cực khổ cả ngày ngoài đường rồi.

Đôi lúc thấy mấy chị mấy cô nhập cư vào Sài Gòn, lục bịch rác nhà ai để trước cửa tìm phế liệu. Tìm xong rất lịch sự cột bịch rác lại như cũ, tỉnh queo và cũng tự nhiên như chuyện đó đáng phải làm.

Ngồi với đứa em, có anh thanh niên chạy vào than thở nhà em có chuyện này, nhà em có chuyện kia, anh cho em mấy chục ngàn với. Rút ví ra đưa, mỉm cười bỏ đi. Ông em bảo chắc nó lừa anh rồi, nó lên thuốc chắc luôn. Trả lời, ừ thì biết họ lừa mình chứ, nhưng không đáng bao nhiêu nên thôi coi như cho họ luôn cũng được.

Như hôm cuối Chạp cứ canh lì xì cho chú đổ rác, canh hoài mà không thấy đâu áy náy mãi. Qua Tết nhìn thấy mừng quá, chạy ra đưa một phong bao đỏ cứ như mới trả xong món nợ ân tình. Sài Gòn kiểu này vốn dĩ đã quen, không làm thì người khó chịu có cảm giác như người có lỗi vậy.

Sài Gòn lạ nhiều hay lạ ít, chắc tùy người cảm nhận thôi. Nếu khó quá có thể bước  vào quán cà phê, gọi một ly cà phê đó rồi xin trà đá liên tục xem nhân viên có rót không, chắc chắn là rót rồi, vừa rót vừa mỉm cười mà anh nào nói chuyện duyên duyên còn cho cả số điện thoại để làm quen nữa.

Sài Gòn đơn giản như nắng mới lên sau mưa, như cơn gió thoảng ngoài hiên vậy.

Đi ở, nhớ quên gì cũng nhè nhẹ như xa xưa được nắm bàn tay thon mềm của cô gái đầu tiên.

Sài Gòn còn nhiều chuyện thương thương, như chuyện Sài Gòn trong hẻm, hẻm của Sài Gòn vậy. Nhưng bài này dài quá rồi, hôm nào thư thư lại viết, mười mấy năm lưu ngụ phố phường rồi, đâu thể kể ngày một ngày hai là hết đâu, mà hết chuyện này ngẫu nhiên lại nảy sinh chuyện mới, đời sống nào không chuyển động liên tu bất tận, phải không?

Ngô Kinh Luân
.
.