Sài Gòn trong Việt là...

Thứ Hai, 27/02/2017, 12:05
Việt sẽ chẳng thuộc về nơi nào cả. Hà Nội: Không. Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Lạt: Không. Sài Gòn: Cũng không. Nhưng trong những trạm dừng chân mà Việt đã ghé, Việt nói với tôi, Sài Gòn là trạm dừng chân đông đúc nhất.

"Bởi Sài Gòn đông đúc nhất nên Sài Gòn cũng phức tạp nhất", Việt bảo. Cái sự đông nghẹt người với những giao lộ chi chít như được dựng sẵn để nuốt chửng hàng triệu người vào một vòng quay nhàm chán và nhạt nhòa. Cậu sống ở Sài Gòn trong giai đoạn trái tim cậu cảm thấy hoang mang nhất. Vì hoang mang nên hoảng loạn mất một thời gian.

"Tớ không thể dừng lại việc đi của mình", Việt thừa nhận. Khi con người ta nhận ra mình thuộc về "sự đi" ("đi" với nghĩa của danh từ, không phải động từ), có nghĩa là, anh ta sẽ chẳng bao giờ dừng lại. Cảm giác đó vừa sung sướng (vì biết mình là ai) nhưng cũng cô độc (vì nhận ra rồi từ đây, sẽ chẳng có ai đồng hành cùng mình cả). Phiêu dạt sẽ trở thành ý niệm thường trực. Việt bảo với tôi, cậu cảm thấy cậu là chính mình khi trên đường.

Mình là ai? Nghe cậu hỏi, tôi lại nhớ tới Ryszard Kapuscinski, một phóng viên chuyên viết phóng sự ở nước ngoài, suốt 40 năm phụ trách các khu vực châu Á, châu Phi và Mỹ La Tinh, trong cuốn "Du hành cùng Herodotus" của ông, có đoạn viết: "Cho dù đã thay comple, nhưng tôi không thể giấu vào trong nó những gì đã tạo thành và thể hiện tôi. Tôi đang ở trong một thế giới tuyệt vời nhưng nó nhắc nhở tôi rằng, tôi chỉ là một phần xa lạ của nó". 

Câu hỏi mình là ai mà Việt bật ra, có nét gần gũi với cái phần xa lạ mà Ryszard Kapuscinski đã từng nói chăng? Từ bao giờ, việc đi tìm bản thể của mình lại riết róng, lại trở thành tâm thế để khám phá chính mình như vậy?

Tôi hỏi, bao giờ cậu rời nơi này mà đi? Việt bảo, khi cậu hiểu Sài Gòn. Như cách cậu đã rời Hà Nội - nơi cậu sinh ra và lớn lên; như cách cậu rời Huế, rời Vũng Tàu, Nha Trang - những nơi chốn dung thân Việt năm thì mười đoạn, nơi nửa năm, nơi một thời gian dài.

Lần Việt bỏ Hà Nội vào làm quản lý nhà hàng ở Nha Trang, tôi đã sốc… mất mấy giây. Rồi bẵng một thời gian hai đứa không liên lạc, một hôm bỗng nhớ Việt quá, rủ đi cà phê thì mới hay, Việt vào Sài Gòn mấy tháng rồi, cậu đang là phóng viên ảnh ở Zing. 

Lúc đó, tôi nghĩ chân cậu ta như chim. Cậu cứ là giai phố cổ, ngày ngày đi làm, cuối tháng nhận lương, chụp ảnh đẹp, thỉnh thoảng chém gió trên mạng, làm thơ và cua gái, có phải ổn rồi không?

Nhưng như thế nào là ổn? Để trả lời câu hỏi này, thực sự quá khó với những đứa như chúng tôi - những đứa trẻ cuối cùng của thế hệ 8X, sống trong một cơn say dài và không muốn bốc hơi khỏi mặt đất, nhưng dễ dàng biến mất ở một nơi nào đó, bất cứ lúc nào.

Tôi hỏi Sài Gòn ra sao? Cậu vui không? Cậu hạnh phúc không?  Việt kể, lúc mới vào đây, cậu gặp ông anh họ từ Bắc vào, sau 3 năm đã trở thành giám đốc, mua được nhà và xe ô tô. Tưởng thế là ngon nhưng anh cậu lại bảo rằng, "anh đang đ. biết anh làm cái gì?". 

Câu hỏi "mình là ai" lại xốc vào óc Việt. Ôi dào, ở cái xứ mà hễ mở mắt ra là thấy nắng ngang đầu như thế này, người ta không có nhiều thời gian để hỏi mình là ai thì Việt - gã lang thang lại tự vấn. Cậu hỏi mình, rồi đi tìm câu trả lời bằng các trải nghiệm.

Nếu năm 2006 và năm 2010, Việt ghé chơi và thấy Sài Gòn còn trong lành, chưa đông đúc lắm thì Sài Gòn của năm 2016, năm 2017 đã chẳng còn mang khuôn dáng ấy nữa. 

Khi ta đến Sài Gòn với tư cách người du lịch, ta sẽ khám phá nó nhiều hơn, sẽ thấy nó tinh khiết hơn, ta cũng nhìn nó với một dáng vẻ bao dung hơn. Nhưng khi đến đây để kiếm sống, để tồn tại thì gần như, ta phải hòa mình vào thành phố ấy. Người ta trở nên đua chen hơn, ích kỉ hơn, khắc nghiệt với nó hơn. Dễ thấy nó xấu xa hơn.

Việt kể rằng, may mắn một điều là, cậu biết tách bạch được hai câu chuyện: kiếm sống và khám phá Sài Gòn. Công việc của một phóng viên ảnh bản tin nóng tạo điều kiện cho cậu gặp gỡ được mọi hạng người, mọi tầng lớp, từ Tổng thống Obama, Bí thư Đinh La Thăng,… cho tới những người quét rác, bán vé số, những người xa xứ từ miền Tây quần tụ về đây để mưu sinh. Và dù có đôi lần thâm tâm muốn phủ nhận Sài Gòn thì cậu cũng phải thừa nhận, cái Đẹp vẫn còn. Ở nơi nắng cháy này.

Những người sống ở đây xởi lởi hơn, vui vẻ hơn. Người ta chỉ đường nhiệt tình hơn. Việt thấy nhiều cái "miễn phí" hơn. Giao tiếp với những người nghèo ở Sài Gòn dễ hơn ở Hà Nội. 

Tính tự ái, tính sĩ của họ không cao như người Bắc. Trong quá trình làm việc, khi đi tìm hiểu thông tin viết bài, cậu ít thấy người nghèo nào trong này ngại lên báo. Họ không che mặt hay la ó khi phóng viên giơ máy ảnh lên, họ thừa nhận mình nghèo và họ vẫn lao động.

Nhưng nhìn chung, người Sài Gòn không sâu sắc bằng người Hà Nội. Người Hà Nội thích tìm hiểu mọi thứ.

Người Sài Gòn thiên về tận hưởng những cái họ muốn. Và bên cạnh sự nhạt nhòa, trôi tuột ấy, là một Sài Gòn nghĩa tình. Đơn giản mà ấm áp. Ở cách người ta đối với nhau, cách người ta thương nhau. Điều đó làm cho Sài Gòn thơ mộng. Việt chỉ muốn là một người kể chuyện tử tế về con người, về lòng tốt, về tình yêu, về chất thơ, về những mảnh người trôi nổi ở Sài Gòn.

Là nơi có hẻm "Ông Tiên" (hẻm 96 Phan Đình Phùng, Quận Phú Nhuận), có chú Út chạy xe ôm mở nhiều dịch vụ miễn phí cho người nghèo, thậm chí, miễn phí áo quan cho người chết. Lí do cũng chỉ bởi cách đây 15 năm, mỗi lần ra đường, chú chứng kiến bao nhiêu cái chết thương tâm, những người vô gia cư nghèo khó đến nỗi không thể mua một cái hòm để cho người chết. 

Cũng là Sài Gòn "phồn hoa còn đó/ những con đường buồn vui ngập lối" đó, có ông Minh 74 tuổi nhìn những bức tường cũ kỹ, tự bỏ tiền túi, đi mua sơn về vẽ những bức tường mới, xinh xắn cho mọi người trong khu phố; có gã giang hồ Anh Tú hoàn lương phố "Kho Đạn" (Quận 1) làm nghề thợ xăm đất Sài Thành, mở lớp dạy nghề xăm miễn phí cho những thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn hoặc khuyết tật; có "anh gù Nhà thờ Đức Bà" với xe hàng rong suốt 25 năm; có chuyện của Lượm - "thằng bé" 21 tuổi lớn lên bên những lọ sơn móng tay của mẹ; có chú Phương - người vẽ biển hiệu cuối cùng của Sài Gòn… 

Chúng ta biết rất ít về năm tháng này. Nhưng năm tháng vẫn hiện hữu. Năm tháng không biết dối lừa. Cứ thế, Việt cần mẫn kể, hòa vào Sài Gòn bằng những bộ ảnh xã hội, ảnh tư liệu của mình. Trong ảnh là chân dung Sài Gòn, một Sài Gòn đời thường, được chụp lại bằng nhiều mảnh ghép. Có xấu có đẹp. Đôi khi, cái đẹp của đời sống đến từ chính những đường ranh giữa hai phạm trù xấu - đẹp đó.

"Rồi ngay trong bộ phận lao động ở Sài Gòn cũng khác nhau", Việt nói dưới đôi mắt của một người từ nơi khác đến cư ngụ tại thành phố này. Người lao động sinh ra ở Sài Gòn trước 1954 khác người lao động từ các vùng miền khác dạt về đây. Họ có vẻ gì đó rất lãng mạn. Họ yêu và thuộc rất nhiều nhạc của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên,… 

Và có những buổi chiều xanh xao, mệt nhoài, ốm lừ đừ nằm gác trọ, ông chú đầu ngõ tinh tế bật Khánh Ly hát "Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần/ Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng/ Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng/ Một đời bỏ ngõ đêm hồng...", Việt cũng như đang trôi. 

Cậu bảo, cậu đã, đang và sẽ ở trong nó. Trong cái cuộc đời phê pha này. Trong cái thời mà nhiều giá trị đảo lộn, hát tuồng cả đêm chẳng bằng Ngọc Trinh nhe răng cười dăm ba phút ấy. Chẳng biết bao lâu, nhưng hi vọng đủ để yêu Sài Gòn.

Sài Gòn cũng có những nỗi đau chứ? Việt nói, buồn thì đúng hơn. Cậu cảm thấy lạc lõng. Cậu cố tồn tại nhưng không thuộc về nó. Cậu cũng không thuộc về Hà Nội. Hay bất cứ nơi nào. Việt nói với tôi: "Vấn đề khốn nạn nhất là nhận ra mình không thuộc về đâu, không có chỗ nào để có thể gắn bó lâu dài". 

Việc di chuyển từ vùng trời này sang vùng trời khác, từ năm tháng này qua năm tháng khác như một định mệnh. Việt sắp 30 tuổi rồi. Tuổi băm "khói trời lộng lẫy". Mẹ cậu vẫn hay kể lúc mới đẻ ra, bà đã bảo chân dài thế này, lại có nốt ruồi là hay đi lắm... Ai ngờ lớn lên thành sự thật...

"Khi sinh ra, bạn không được chọn hình dáng. Và có những khuôn mặt như là một bức tranh trào phúng. Như mặt tôi vậy. Chó không chê chủ nghèo, con không dám chê mẹ cho khuôn mặt vô lí... 

Lần nào, từ Sài Gòn về thăm nhà đột xuất, mẹ cũng thốt lên: Thằng bệnh hoạn, mày bê đê, cấm về nhà tao. Lắm lúc nghĩ thân cứ như con mèo mới đẻ, thấy hơi người lạ là cắp ổ dọn đi... Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang, Huế, Đà Lạt,... Nơi nào rồi cũng bị xâm lấn bởi những con người vội vàng ngông cuồng kiêu ngạo... Thế rồi sẽ đi đến đâu...?".

Mấy năm trước, khi hai đứa còn ở Hà Nội, cậu nói rằng cuộc đời này quá nhiều người giỏi giang rồi. Thêm hoặc bớt một người giỏi giang, cuộc đời có lẽ chẳng đui què sứt mẻ gì đâu. Nhưng cuộc đời thiếu những người vui, hiểu mình muốn gì.  Vì thế, cậu muốn trở thành người vui, người đi tìm mình. 

Tôi không biết bao giờ, cậu sẽ rời Sài Gòn, trạm dừng đông đúc nhất thời thanh niên sôi nổi của mình. Để "đi rong chơi như là gió, như là mây, đi tìm quên cơn mê này?". Mà nếu ngay ngày mai, cậu có đi, tôi cũng chẳng lấy làm lạ.

Một lần nào đó, đứa em (theo Đạo Phật) hỏi: "Chị là ai"? Tôi bảo: "Chị là Dung". Em bảo: "Không phải, đó là tên của bố mẹ chị đặt cho chị". "Tôi là ai", xin mượn bước chân của Việt để cắt nghĩa theo một cách nào đó.

Đậu Dung
.
.