Phỏng vấn thượng đế
Thượng Đế: Cái đó cũng tùy, trong vũ trụ còn có Trời, có Chúa, còn có Phật… nên Thượng Đế cũng nằm trong hàng ngũ lãnh đạo mà thôi.
PV: Dạ, nhưng dù sao Ngài cũng là bậc quan trọng, có địa vị rất lớn, chả thế mà rất nhiều người trên trần thế khi có việc gì hay nói câu "Thượng Đế ban cho".
Thượng Đế: Ta cũng công nhận điều đó. Quả là ta cũng có đóng góp một vài thành tích. Nhưng nhân loại có câu "của cho không quan trọng bằng cách cho".
PV: Nghĩa là sao ạ?
Thượng Đế: Nghĩa là rất lắm khi ta ban một cái gì đấy, ta phải tự nguyện chứ không chờ bà con phải cầu xin.
PV: À, ra thế. Ngài thật tốt bụng. Thật hào phóng. Nhưng Ngài ơi, cầu xin Thượng Đế cũng là chuyện bình thường.
Thượng Đế: Đấy là nhà báo nghĩ thế. Chứ ta không cho như vậy. Nhiệm vụ của Thượng Đế, trách nhiệm của Thượng Đế và nói rõ hơn để xứng đáng với đồng lương được nhận, Thượng Đế phải tự động xem xét việc cung cấp mọi thứ cho thiên hạ chứ không phải ban ơn.
PV: Hay thật.
Thượng Đế: Cho nên ta rất bất bình, rất buồn cười và rất lấy làm lạ khi một số cơ quan dưới trần thế có thói quen bắt ai đó phải trình hồ sơ, trình lý lịch, trình thành tích sau đấy mới trao giải thưởng hoặc trao danh hiệu.
Minh họa: Lê Tâm. |
PV: Ví dụ?
Thượng Đế: Ví dụ như cho tới tận bây giờ muốn nhận được nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân hoặc các giải thưởng thì bản thân nghệ sĩ phải có hồ sơ do cơ quan chủ quản hoặc do chính mình gửi lên đề nghị xem xét. Thật lạ lùng. Với tư cách Thượng Đế, ta nghĩ rằng chả có ai làm như thế.
PV: Vì sao ạ?
Thượng Đế: Vì chính Thượng Đế để có được địa vị và tên gọi này, đã phải từ trên cao, ngày đêm tự mình xem xét theo dõi, cập nhật từng giờ, từng phút mọi hoạt động của mỗi cá nhân, có thế mới được tôn vinh là lãnh đạo. Chứ động cái gì cũng bắt bên dưới giải trình thì phi lý quá.
PV: Ừ nhỉ.
Thượng Đế: Hãy nhìn giải Nobel, một giải thưởng vô cùng danh giá, tất cả các vĩ nhân nhận được nó đều không phải và không hề cần thiết nộp bất cứ mảnh giấy nào cho bất cứ ai. Việc của họ là sáng tạo hay tìm tòi, giải thưởng sẽ được một hội đồng bí mật theo dõi bàn bạc và công bố vào phút cuối cùng.
PV: Chính xác.
Thượng Đế: Tôi tin rằng nếu ủy ban xét giải Nobel đề nghị một ai đó "bổ sung hồ sơ" thì rất nhiều thiên tài sẽ từ chối ngay lập tức, vì mục đích của họ khi lao động không phải hướng tới sự chú ý của ủy ban.
PV: Vâng.
Thượng Đế: Cụ thể ở Việt Nam vừa qua có hai nghệ sĩ lập thành tích lừng danh thế giới đó là Quốc Cơ và Quốc Nghiệp. Họ cũng đã bao lần đại diện cho quốc gia đi biểu diễn ở khắp năm châu.
PV: Rất nhiều người dân Việt Nam đã tự hào về họ.
Thượng Đế: Hai chàng trai ấy đã mấy chục năm qua tự mình tập luyện, tự tìm tòi và tự cố gắng vượt bậc cho mọi người thấy được sức mạnh và ý chí Việt Nam. Họ xứng đáng hoàn toàn với danh hiệu nghệ sĩ nhân dân chứ nhỉ?
PV: Theo tôi thì rất xứng đáng.
Thượng Đế: Nhưng đã mấy tháng qua, mặc dù rất nhiều báo chí khen ngợi, Quốc Cơ và Quốc Nghiệp chưa được một sự biểu dương chính thức từ các cơ quan nhà nước. Điều họ làm được là phi thường không bàn cãi, nhưng có lẽ họ chưa… trình được hồ sơ.
PV: Trời ơi, tác phẩm là hồ sơ quan trọng nhất. Thậm chí là duy nhất còn gì.
Thượng Đế: Ta cũng nghĩ thế. Ta còn nghĩ hơn nữa, với tư cách người dân, Quốc Cơ và Quốc Nghiệp mới chính là Thượng Đế chứ không phải ta. Nhưng thành tích của hai chàng trai đến phút này vẫn chìm vào im lặng.
PV: Điều ấy có nghĩa gì thưa Ngài?
Thượng Đế: Có nghĩa là hóa ra ta cũng không phải là Thượng Đế tối cao, duy nhất trên đời. Ta cay đắng hiểu ra như vậy.