Phỏng vấn một họa sĩ
Họa sĩ: Tôi đang viết đơn xin việc ở công ty xây dựng. Tôi muốn trở thành thợ sơn.
PV: Ồ, thợ sơn là một nghề rất cao quý. Nhưng hội họa cũng cao quý mà sao anh lại bỏ.
Họa sĩ: Vì khi làm thợ sơn, nếu như có bức tường nào cần sơn lại, người ta chắc chắn kêu ông thợ khác. Chứ nếu làm họa sĩ vẽ tranh, nếu cần tu sửa tranh người ta sẽ kêu ông… rửa bát.
PV: Anh đùa sao?
Họa sĩ: Đùa nỗi gì. Tôi là họa sĩ vô danh, tên tuổi tôi ngàn năm có lẽ cũng không bằng các bậc danh họa hàng đầu Việt Nam.
PV: Mọi người đều biết. Có bốn vị mà giới nghệ thuật truyền tụng: nhất Trí, nhì Lân, tam Vân, tứ Cẩn.
Họa sĩ: Ai chả biết trong bốn vị đó thì họa sĩ Nguyễn Gia Trí đứng hàng đầu.
PV: Hàng đầu theo nghĩa nào?
Họa sĩ: Theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tranh của ông Nguyễn Gia Trí bây giờ có thể giá lên tới hàng triệu đô la.
![]() |
Minh họa: Lê Tâm. |
PV: Đã thế, còn không có mà mua.
Họa sĩ: Đúng. Còn không có mà mua. Bất cứ một nhà sưu tập nào hiện nay cả trong nước và quốc tế nếu có một bức tranh của ông Trí cũng giữ như vàng.
PV: Tất nhiên.
Họa sĩ: Còn tất nhiên hơn nữa khi tác phẩm của ông Nguyễn Gia Trí còn coi là bảo vật quốc gia, được nhà nước bỏ ra một số tiền khổng lồ để treo trong chỗ trang trọng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
PV: Vinh dự quá.
Họa sĩ: Vâng. Vinh dự lắm. Cả đời tôi có lẽ không đạt được điều này.
Nhưng nếu như đạt được thì sao? Thì tranh của mình có thể treo vài năm sau đó được lau chùi bằng một ông thợ rửa bát hoặc lau nhà.
PV: Sao lại thế?
Họa sĩ: Vừa qua, người ta đã trao cho một ông thợ dùng kiểu vệ sinh như thế lau bức tranh “Vườn Xuân” của bác Trí, lau cẩn thận, lau chi li, lau đi lau lại.
PV: Rất kỹ càng.
Họa sĩ: Ừ. Rất kỹ càng. Nhưng than ôi, tranh sơn mài chứ không phải bát đĩa, hay ít ra, không phải bát đĩa để ăn cơm. Thế là nó hỏng bét?
PV: Hỏng đâu nào? Theo như tuyên bố của họ chỉ hỏng 15% thôi.
Họa sĩ: Đấy là các ông ấy nói thế, chứ theo mắt nhìn của kẻ mắt thường thì hỏng bét rồi, không phải “Vườn Xuân” mà là “Vườn cây xơ xác”.
PV: Do đâu có chuyện tày trời như vậy?
Họa sĩ: Do đủ thứ. Nhưng theo tôi chỉ có một lý do: tuy bức tranh là bảo vật quốc gia, nhưng lại chẳng của riêng một cá nhân nào, đặt biệt là cá nhân có trách nhiệm bảo quản.
PV: Đúng.
Họa sĩ: Nếu bức tranh này treo trong nhà của họ, tôi xin cam đoan cả ngàn năm nó vẫn mới nguyên, và hễ có việc muốn tu sửa gì họ sẽ nghĩ vô cùng cẩn thận.
PV: Rồi sao nữa?
Họa sĩ: Rồi sau khi bức tranh bị tàn phá, người ta lại kết luận cần rút kinh nghiệm sâu sắc là xong.
PV: Trời đất. Thế trong luật hình sự có điều khoản “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” để làm gì?
Họa sĩ: Chắc chỉ đề trừng trị đứa nào làm hại sắt thép, xi măng, hoặc cổ phiếu ngân hàng chứ làm hại tranh là thứ nhỏ.
PV: Tranh không hề là thứ nhỏ. Trên thế giới có nhiều bức tranh nổi tiếng tới mức chỉ mình nó cũng làm nên cái bảo tàng.
Họa sĩ: Vậy mời anh ra thế giới mà vẽ! Còn ở ta một chai nước lau nhà bán ở chợ cũng làm nên sự nghiệp tiêu hủy bức tranh.
PV: Vì thế mà anh buồn ư?
Họa sĩ: Tôi không còn sức mà buồn. Tôi quyết định đổi nghề, chuyển sang làm thợ sơn. Vì sao? Vì sơn không thể rửa bằng loại nước vớ vẩn nào được.
PV: Để quay lại nghề vẽ, anh muốn gì?
Họa sĩ: Muốn kẻ nào chịu trách nhiệm về sự hư hỏng của các giá trị văn hóa quốc gia phải ra tòa.