Phỏng vấn một thẩm phán

Thứ Năm, 18/10/2018, 17:43
Phóng viên (PV): Thưa anh, suy cho tới cùng thì thẩm phán tồn tại để làm gì?

Thẩm phán: Để bảo vệ luật pháp.

PV: Mà luật pháp cụ thể nhất là sao ạ?

Thẩm phán: Là bảo vệ hai thứ: Tính mạng và tài sản của mỗi công dân.

PV: Quyền sở hữu tài sản là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Ai chả hiểu điều đó.

Thẩm phán: Rõ ràng là ai cũng hiểu. Trừ một nơi: Bộ Giáo dục Việt Nam.

PV: Bộ Giáo dục ư? Vô lý. Vì đấy là nơi tập trung rất nhiều trí thức. Mà trí thức thì phải quá hiểu những điều cơ bản. Dựa vào đâu anh dám nói như vậy?

Thẩm phán: Dựa vào việc vừa qua, Bộ vĩ đại ấy đã ra một chỉ thị, thực chất là cấm học sinh được viết hay vẽ, hay ghi bất cứ ký hiệu gì vào sách giáo khoa.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: A, thế sách giáo khoa ấy do nhà trường cho học sinh mượn à?

Thẩm phán: Nếu vậy còn nói làm gì. Toàn bộ sách đều do cha mẹ học sinh bỏ tiền sắm cho con cái cả.

PV: Như vậy sách là sở hữu tư nhân, đúng không?

Thẩm phán: Chính xác.

PV: Vậy Bộ lấy tư cách gì để can thiệp vào?

Thẩm phán: Đúng. Hoàn toàn không có một tư cách nào cả.

PV: Ví dụ như nếu noi gương Bộ Giáo dục, ông bán bánh mì cấm trẻ con cắt vụn bánh mì, bà bán xôi cấm học sinh rắc thêm muối vào xôi, bác bán áo dài cấm cô nữ sinh mặc áo dài thêu thêm hình lên đó, thì sao nhỉ?

Thẩm phán: Thì đất nước chúng ta tràn ngập những lệnh cấm vi hiến chứ sao. Tôi không hiểu dựa trên cơ sở nào, trên lý luận nào mà một cơ quan công quyền có thể ra một chỉ thị xâm phạm quyền tư hữu đến như thế mà cũng có ông dám đề xuất ra và có ông dám ký.

PV: Sau đó dám ban hành.

Thẩm phán: Đúng vậy. Khủng khiếp nhất là dám ban hành.

Đã độc quyền in sách giáo khoa, thu lợi hàng ngàn tỷ đồng bao nhiêu năm nay thì chớ, bây giờ thì muốn độc quyền sử dụng.

PV: Muốn cái chỉ thị kỳ quái đó hợp lệ, theo anh phải thế nào?

Thẩm phán: Phải làm một việc toàn dân Việt Nam lâu nay mãi khao khát, mong chờ, là bỏ tiền mua tất cả sách giáo khoa cho mỗi học sinh mượn, sau đó mỗi năm thu hồi lại. Nếu thế, chỉ cần em nào bôi một nét vô sách, sẽ kỷ luật được ngay.

PV: Ôi, chuyện đó xa vời quá.

Thẩm phán: Xa vời thì không biết. Nhưng nếu thế thì… chả ăn gì!

PV: Anh ạ, chúng ta hãy bình tĩnh, hãy cố gắng hiểu Bộ. Có khi họ muốn bảo vệ sự trân trọng, bảo vệ tinh thần của sách giáo khoa thôi.

Thẩm phán: Không có chuyện đó đâu vì những lý do sau:

Thứ nhất: Sách giáo khoa không phải là Kinh thánh. Không phải trong đó chứa những nguyên lý cần giữ muôn đời. Chính Bộ. Không ai khác ngoài Bộ. Gần như năm nào cũng hăng hái chỉnh lý và bổ sung, sửa chữa vào sách. Không có sự xâm phạm nào lớn hơn về nội dung. Mà chính Bộ đã hào hứng, đã say mê, đã làm nhiều hơn bất cứ học sinh nào trên đất nước này để lấy lý do in sách mới.

PV: Rất đúng.

Thẩm phán: Thứ 2, nếu một nền giáo dục tiến bộ, nhìn sự việc theo góc nhìn vận động, thì ngược lại, phải dạy cho học sinh coi sách giáo khoa một cách nghi ngờ. Học sinh, đặc biệt học sinh Việt Nam cần phải được giáo dục không có cái gì là chân lý có sẵn, không có cái gì là chân lý bất biến, và chính mỗi em cũng có thể tham gia vào việc sửa chữa, cải tiến, có ý kiến của mình vào chân lý.

PV: Rất tuyệt.

Thẩm phán: Nếu hiểu như thế, thậm chí Bộ còn phải ra kiến nghị mong các em luôn ghi chú, luôn tẩy xóa, luôn can thiệp vào sách giáo khoa của mình. Một ông bố bà mẹ nhìn vào sách giáo khoa của con, thấy nó dày đặc những câu hỏi, những bức xúc, thì phải vui mừng và các thầy cô cũng thế.

PV: Hoan hô.

Thẩm phán: Còn gì buồn hơn sau một năm học, đứa trẻ mang về một bộ sách giáo khoa thơm phức, mới tinh. Không, sách giáo khoa cần phải bị dằn vặt, cần phải bị vắt kiệt sức, được bôi và xóa, được thêm thắt mới tạo ra những con người hiện đại. Sách giáo khoa là hàng sử dụng, không phải hàng trưng bày.

PV: Sách giáo khoa của mỗi học sinh phải mang dấu ấn riêng của học sinh đó. Chứ không phải mang khuôn mặt chung chung, tẻ nhạt của Bộ.

Lê Thị Liên Hoan
.
.