Phỏng vấn cô bảo mẫu

Chủ Nhật, 23/09/2018, 13:33
Phóng viên (PV): Chào cô, sao hôm nay nom cô đẹp thế?

Bảo mẫu: Xinh đẹp à? Tôi đang cáu đây. Tôi đang buồn đây.

PV: Buồn về chuyện gì vậy thưa cô?

Bảo mẫu: Vì chắc tôi sắp phải chia tay các em bé. Chia tay rất đột ngột.

PV: Trời ơi, việc của bảo mẫu là lo cho các em bé. Cô đi thì chúng ra sao? Mà cô đi đâu mới được chứ?

Bảo mẫu: Tôi đi làm bảo mẫu cho một đám người lớn.

PV: Người lớn? Bao nhiêu tuổi?

Bảo mẫu: Đủ các lứa tuổi. Đủ cả trai gái. Đủ mọi thành phần.

PV: Tại sao vậy? Họ là ai?

Bảo mẫu: Họ là khán giả xem bóng đá.

PV: Sao kỳ lạ thế?

Bảo mẫu: Đúng, tôi cũng thấy kỳ. Nhưng sự thực như vậy đó. Rất đông những khán giả bóng đá nước ta đột nhiên biến thành những đứa trẻ con.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Ở đâu?

Bảo mẫu: Ở giải vô địch Châu Á vừa qua chứ đâu... Chắc nhà báo cũng biết trước khi bước vào giải ấy, chúng ta hầu như rất ít hy vọng đi xa. Chúng ta luôn luôn thua từ những vòng đầu trong những năm trước. Nói rất thật lòng  là đẳng cấp chúng ta chưa bao giờ là lớn cả.

PV: Vâng. Đẳng cấp của bóng đá không thể đo bằng một vài trận thắng hay thua. Nó còn phụ thuộc vào nhiều thứ khác.

Bảo mẫu: Rất chính xác. Không thể đơn giản hễ cứ thắng là "tớn" lên, còn thua thì xìu xuống.

Thể thao không phải bong bóng, không thể đột ngột xì hơi. Thể thao, suy cho đến cùng, là một dạng khoa học, cần nghiêm túc, lâu dài.

PV: Đồng ý ạ.

Bảo mẫu: Trong giải đấu Châu Á, rõ ràng đội tuyển U23 của chúng ta đã rất cố gắng, xứng đáng nhận được nhiều ngợi khen.

PV: Thì rất nhiều khán giả đã khen đó thôi. Chả những khen, họ còn tung hô cuồng nhiệt.

Bảo mẫu: Tôi biết. Nhưng sau một trận thua, hoặc sau khi có cầu thủ sút hỏng trái phạt đền, nhiều khán giả bỗng quay ngoắt ra, bỗng đột nhiên dùng nhiều lời lẽ không hay trên mạng. Họ biến thành những đứa trẻ con, thậm chí còn trẻ con hư.

PV: Tại sao?

Bảo mẫu: Tại chỉ có trẻ con mới liên tục đòi quà, đòi kẹo bánh, chả cần biết tình hình cha mẹ ra sao. Tại chỉ trẻ con mới có quyền hễ không bằng lòng là lăn ra quấy khóc, ném đồ ném đạc lung tung.

PV: Ừ nhỉ.

Bảo mẫu: Khán giả của bất cứ thể thao hay nghệ thuật đều có quyền xúc cảm và cảm tính trên sân. Nhưng khi về nhà, khi ngồi trước bàn phím phải khác, phải có cái đầu người lớn và phải công bằng.

PV: Nếu không?

Bảo mẫu: Nếu không một số cầu thủ trẻ có thể mang cảm giác chua chát. Họ chợt nhận thấy đám đông hâm mộ, tuy sôi nổi nhưng cũng quá vô tâm, không công bằng và không văn minh. Họ sẽ chợt nhận ra vinh quang và buồn tủi trong thể thao đều có thể tới bất ngờ, và người hâm mộ chả đáng tin cậy.

PV: Buồn thật.

Bảo mẫu: Các cầu thủ trẻ Việt Nam sau sự cố này, có thể mất đi một thứ rất quý, đó là sự hồn nhiên. Họ sẽ trở nên đề phòng hơn và cẩn thận hơn.

Họ sẽ già đi nhanh chóng.

PV: Đúng là sự trẻ con của một đám khán giả đã làm cho bóng đá đột nhiên có mùi ăn thua, cay cú, giảm đi vẻ khỏe khoắn, công bằng.

Trẻ con như thế cần phải đánh đòn, cô nhỉ?

Bảo mẫu: Ừ. Nếu tôi có quyền và có khả năng, tôi sẽ đánh đòn thật đấy!

Lê Thị Liên Hoan
.
.