Phỏng vấn một thầy giáo

Thứ Tư, 12/09/2018, 09:27
Phóng viên (PV): Ơ kìa, chào thầy, thầy đi đâu mà vội vã thế?

Thầy giáo: Chào nhà báo. Tôi lên ban giám hiệu. Tôi muốn đổi nghề.

PV: Chết, chết. Thầy đừng làm thế. Nghề giáo viên luôn luôn cao quý. Nhất là khi thầy dạy môn Toán, một môn quá cần thiết cho cuộc sống hôm nay.

Thầy giáo: Tôi biết rồi. Chính vì thế tôi mới đi, mà tôi không ra khỏi ngành đâu, bà con cứ yên tâm. Tôi chỉ xin dạy môn khác.

PV: Môn gì vậy?

Thầy giáo: Môn Văn.

PV: Chết chết. Sao lại Văn. Văn và Toán khác nhau một trời một vực cơ mà. Vì đâu thầy bỏ Toán.

Thầy giáo: Vì Toán cần chính xác. Còn Văn cần tưởng tượng. Nhưng hôm nay, tôi thấy người ta làm ngược lại hoàn toàn.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Người ta là ai?

Thầy giáo: Là đủ nơi. Nhưng đặc biệt các nơi làm dự án bằng ngân sách nhà nước.

PV: Xin thầy nói tiếp đi.

Thầy giáo: Dự án là công trình. Công trình là khoa học. Khoa học là tính toán. Tham gia vào việc tính toán đó chắc chắn phải có đủ các phòng ban, trong ấy chắc chắn chả có ai không tốt nghiệp đại học. Khéo còn khối tiến sĩ, giáo sư.

PV: Vâng. Thì sao ạ?

Thầy giáo: Thế mà khi dự án hoàn thành hoặc sắp hoàn thành, luôn luôn đội vốn lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Không biết bao nhiêu nơi như thế, và có những con số đội vốn tới mức cả xã hội sững sờ.

PV: Ôi, nguyên nhân từ đâu?

Thầy giáo: Toàn thể giới toán học đang hỏi câu đó. Nguyên nhân từ đâu? Chả lẽ cách tính toán kinh phí ban đầu quá khó khăn, quá phức tạp?

PV: Không, thầy ạ. Các phương pháp tính toán ấy thực ra đều có biểu mẫu, tồn tại trong xây dựng đã cả trăm năm.

Thầy giáo: Tôi cũng biết thế. Thậm chí tôi còn biết rằng tất cả các dự án đều dự trù hoặc cho phép trước khoảng 10% dao động. Thế nhưng họ chẳng hề đếm xỉa tới 10% đó mà vượt lên đấy cả ngàn lần thì tôi hoang mang quá. Tôi buộc phải tự hỏi cái nghề dạy Toán của mình có còn cần thiết không?

PV: Cần chứ. Cần chứ. Thầy phải tin tưởng như thế. Chỉ có điều thầy phải dạy cho ai?

Thầy giáo: Tất nhiên tôi không hy vọng gì tới các cơ quan vĩ đại ấy để dạy dỗ. Tôi chỉ là một giáo viên quèn, suốt cả đời chỉ tính toán làm sao đồng lương mua đủ gạo nấu cơm. Nhưng việc Toán học đang bị coi thường ở các cơ quan nhà nước khiến tôi hoảng sợ.

PV: Tại sao thầy phải hoảng sợ.

Thầy giáo: Với cái kiểu làm toán như thế này, chả mấy chốc xã hội có thể không cần tới tôi. Nếu một cộng một không còn bằng hai mà bằng một trăm thì trước sau gì tôi cũng phải giảm biên chế.

PV: Thầy đừng lo lắng quá. Có thể trong xã hội chúng ta, trẻ con cần một môn Toán khác và người lớn cần một môn toán khác.

Thầy giáo: Nhà báo đừng lạc quan quá. Trẻ con hôm nay tiến bộ rất nhanh. Khi phát hiện ra có thể lớn lên và làm toán với sai số cả ngàn lần cũng không sao cả, thì trẻ con cũng chả thiết học Toán nữa đâu. Tin tôi đi.

PV: Cho nên thầy đã quyết rồi?

Thầy giáo: Vâng. Tôi đã quyết rồi. Tôi đi lên ban giám hiệu, xin chuyển sang dạy Văn. Ít ra ở môn Văn, cũng không có biên giới cho người ta tưởng tượng, có thể chỉ nhìn một ngôi sao lờ mờ mà vẫn có quyền miêu tả một vũ trụ đầy sao lấp lánh. Chứ môn Toán của tôi không thế.

PV: Thầy ơi, thầy đừng bi quan thế. Toán học không thay đổi, toán học là chân lý. Thầy cứ dạy Toán, còn việc con người thay đổi là kệ họ.

Thầy giáo: Làm sao kệ được. Toán học là tư duy. Tư duy phải toàn diện mới tồn tại được chứ! 

Lê Thị Liên Hoan
.
.