Phỏng vấn một giáo sư

Thứ Tư, 14/02/2018, 09:16
Phóng viên (PV): Thưa ông, nhiệm vụ quan trọng nhất của một nhà khoa học là gì?

Giáo sư: Nghiên cứu thế giới và cải tạo nó.

PV: Nghiên cứu thì tôi hiểu rồi. Nhưng muốn cải tạo phải làm sao?

Giáo sư: Phải đề ra những giải pháp thay đổi. Và sự thay đổi ấy đôi khi vô cùng táo bạo.

PV: Táo bạo đến mức nào ạ?

Giáo sư: Tới mức có thể bị thiên hạ coi là điên rồ.

PV: Đúng vậy. Phải công nhận rằng rất nhiều thứ được coi là bình thường hôm nay, cách đây mấy chục năm không ai hiểu nổi. Vậy thưa ông, xin hỏi tiếp, đâu là một xã hội văn minh?

Giáo sư: Xã hội văn minh khi trong đó người ta đối xử văn minh với những ai đề xuất ra các cải cách, dù cho nó có vẻ kỳ dị đến đâu.

PV: Ý ông là gì?

Giáo sư: Ý tôi là những nhà khoa học lúc đầu bị coi là những người kỳ quái. Nhưng họ vẫn thành công do xung quanh có thái độ đúng đắn và tôn trọng hết mình.

PV: Ví dụ?

Giáo sư: Có cả ngàn ví dụ về chuyện ấy. Nhưng tôi lại muốn lấy một ví dụ ngược lại. Đó là việc một ông giáo sư đề nghị cải cách chữ viết của nước ta.

PV: À, nhớ ra rồi.

Giáo sư: Và ông ấy đã bị nhiều người đả kích tơi bời, đả kích mạnh đến mức dùng nhiều từ vô văn hóa. Đó là điều không thể chấp nhận được.

PV: Vâng.

Giáo sư: Trong khoa học, không có gì là bất khả xâm phạm. Nhà khoa học có quyền nghi ngờ tất cả, suy nghĩ và muốn thay đổi, muốn làm mới tất cả, đấy là sứ mệnh chân chính của họ.

PV: Vâng.

Giáo sư: Chữ viết là một dạng ký tự. Ký tự ấy do con người làm ra chứ không phải do thần thánh ban tặng. Cho nên con người cũng có quyền thay đổi nó.

PV: Nhưng thưa giáo sư, xin thú thực là sự thay đổi kia có vẻ kinh khủng lắm.

Giáo sư: Rất nhiều phát minh của nhân loại thoạt đầu cũng rất kinh khủng, tôi xin nhắc lại điều này. Nhưng đâu vì vậy mà chúng chết đi.

Ai chả biết cải cách chữ viết là điều cực kỳ khó, vì nó đã ăn sâu vào từng cuốn sách, từng bài thơ, bài văn và tâm trí; chữ viết đã trở thành một thứ gần như có tâm hồn.

Nhưng giáo sư ấy vẫn dám nghĩ dám làm, đó là một hành vi cần ngưỡng mộ.

PV: Dạ vâng.

Giáo sư: Chấp nhận công trình nghiên cứu của ông ấy, có đưa nó ra áp dụng trong thực tế hay không là một quá trình dài.

Ông chỉ mới đưa ra một đề xuất. Quyền đề xuất của người trí thức cũng như quyền tự do ngôn luận của nhà báo, là một quyền cao quý vô cùng.

Không đồng ý việc cải cách chữ viết là một chuyện bình thường. Nhưng giễu cợt ông ấy, ném đá và mạt sát ông ấy là những hành vi vô cùng tệ hại.

PV: Đồng ý.

Giáo sư: Nhà khoa học muốn gì? Muốn cơm ăn, muốn áo mặc như mỗi con người. Nhưng hơn nữa, họ còn muốn một môi trường tiến bộ, nơi các phát minh của họ được xem xét chân thực và công bằng.

Hãy công tâm mà xem: Tại sao các tài năng đạt quán quân bao nhiêu năm nay trong chương trình nổi tiếng "Đường lên đỉnh Olympia" đều ở lại nước ngoài khi du học chứ không về? Tại sao nhiều tiến sĩ Việt Nam đang làm việc tứ  phương?

PV: Một phần do họ chê lương thấp.

Giáo sư: Đúng vậy. Nhưng phần khác quan trọng hơn, là do họ không thấy một môi trường "sạch" khi phát minh và nghiên cứu. Và tôi cam đoan điều ấy còn quan trọng hơn tiền.

PV: Tất nhiên.

Giáo sư: Không đồng ý với đề xuất của ai đó là một chuyện. Nhưng xúc phạm họ lại là chuyện khác. Tôi rất tiếc, đáng ra nhân vụ cải cách chữ viết ấy cộng đồng khoa học phải lên tiếng, những người lãnh đạo khoa học phải lên tiếng để bảo vệ đồng nghiệp.

Lê Thị Liên Hoan
.
.