Phỏng vấn một ca sĩ

Thứ Sáu, 09/03/2018, 09:23
Phóng viên (PV): Anh ơi, mùa Xuân đến rồi kìa. Anh làm gì đi chứ.

Ca sĩ: Còn làm gì được nữa. Ca sĩ mùa Xuân chỉ có hát thôi.

PV: Đúng rồi. Ca sĩ phải hát. Chả khác gì thợ hồ phải xây nhà, Bác sĩ phải khám bệnh, cảnh sát phải bắt trộm và giáo sư phải nghiên cứu khoa học.

PV: Ý anh là gì?

Ca sĩ: Ý tôi không hiểu tại sao vừa qua Việt Nam mình bất ngờ bùng nổ giáo sư, phó giáo sư. Khiến tất cả đều ngỡ ngàng, đều giật mình, đều buồn cười và đều ngơ ngác.

PV: Tại sao ngơ ngác?

Ca sĩ: Tại giáo sư, phó giáo sư là khoa học. Mà ai chả biết, một trong những đặc điểm quan trọng cực kỳ của khoa học là tính hợp lý. Vậy lý do gì lại bùng nổ giáo sư, phó giáo sư trong một nền kinh tế kỹ thuật nói thẳng ra là yếu kém.

PV: Ừ nhỉ.

Ca sĩ: Nhiều người đã lên tiếng, phát hiện ra quá nửa số giáo sư và phó giáo sư chưa hề có công trình nghiên cứu nào. Chả khác gì một người chưa hề hát, chưa hề lên sân khấu lại được kêu là danh ca.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Ồ, anh ơi, âm nhạc thì ầm ĩ? Trong khi nhiều thứ khoa học lại âm thầm.

Ca sĩ: Vậy thì để tôi nói cho nhà báo biết vài con số âm thầm đây nhé: trong 300 trường đại học hàng đầu của Châu Á, Việt Nam chả có trường nào. Số lượng bài trên tạp chí khoa học của Việt Nam thấp hơn Singapore tới 15 lần trong khi số dân gấp hàng chục lần.

Việt Nam là một nước trồng lúa nhưng 70% giống lúa hàng năm phải nhập ngoại. Việt Nam cũng chưa chế tạo được ti vi, xe máy, tủ lạnh là những đồ gia dụng thông thường. Vậy mọi người chắc chắn phải có quyền tự hỏi, tại sao lại nhiều giáo sư đến vậy.

PV: Chả khác gì trong một nhà nghèo tại sao lại có lắm cá nhân giàu.

Ca sĩ: Tôi thiết nghĩ chỉ có phát minh khoa học là bùng nổ thôi, chứ đào tạo khoa học chắc chắn phải có một quy trình. Lấy đâu ra các quy trình làm bất ngờ tăng vọt lên cả ngàn giáo sư.

PV: Đúng thế.

Ca sĩ: Cho nên có thể khẳng định rằng những người quyết định cấp chức danh khoa học ở Việt Nam vừa qua đã làm ăn chưa chuẩn, đã ban phát một cách vô tội vạ những học hàm, học vị đáng ra rất cao quý, rất nghiêm khắc và cẩn trọng.

PV: Buồn thật.

Ca sĩ: Có gì hay ho không khi âm nhạc, sân khấu, điện ảnh tràn ngập các giải thưởng nhưng hầu như chả có ai trên thế giới biết đến các tác phẩm của nước mình. Có gì hay ho không khi đi đâu cũng gặp giáo sư, phó giáo sư nhưng nền khoa học yếu kém còn sinh viên ra trường thất nghiệp tràn lan.

PV: Chả có gì hay ho cả.

Ca sĩ: Hầu như tất cả các sinh viên đoạt giải nhất hàng năm trong chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" của chúng ta sau khi học ở Úc đều ở lại không về. Đó là một con số hùng hồn nói lên môi trường khoa học của Việt Nam thực chất ra sao.

Muốn cải tạo nó, phải bắt đầu từ những thay đổi nghiêm khắc, tận gốc chứ đâu thể bằng cách trao các danh hiệu tràn lan.

Theo ý tôi, nếu để việc công nhận tuỳ tiện và bừa bãi các giáo sư, phó giáo sư xảy ra, phải xem xét gấp những ai xét duyệt, nếu không thì các giá trị chân chính sẽ lâm nguy.

PV: Thôi, anh đừng nổi nóng quá.

Ca sĩ: Sao lại không nổi giận cho được. Ca sĩ rởm hát vớ vẩn cùng lắm bà con bỏ về hoặc tắt ti vi chứ giáo sư, phó giáo sư kém chất lượng lên lớp dạy sinh viên hoặc đưa ra nhận định về các công trình thì tai hại không biết bao nhiêu mà kể.

Bệnh thành tích, hay nói thẳng ra là bệnh háo danh, tưởng xưa hay chỉ có trong các trường phổ thông, hoá ra đã lan vào các viện hàn lâm mất rồi. Xã hội có ăn chay chứ làm sao lại có một nền khoa học chay, khi những người ở trong đó không hề thực hiện các công trình. Hoá ra, bằng cấp của giáo sư, phó giáo sư cũng học thuộc lòng là có.

PV: Đồng ý.

Ca sĩ: Một quốc gia có nhiều tri thức đáng lẽ phải vui mừng, nhưng nhà báo đã thấy khi con số giáo sư, phó giáo sư vừa loan ra, cả nước đã bàng hoàng, ngạc nhiên và nhiều người đã nổi giận. Kết quả  là hình như việc phong giáo sư, phó giáo sư đang được xem xét, được "phúc khảo" lại. Như thế hợp lý. Nhưng đáng ra, nó đã không được phép như vậy! 

Lê Thị Liên Hoan
.
.