Phỏng vấn loa quận

Thứ Hai, 10/04/2017, 17:45
Phóng viên (PV): Thưa anh, thật ngạc nhiên quá vì cuộc đời tôi chỉ thấy loa phường chứ chưa gặp loa quận bao giờ?

Loa quận: Nhà báo nói đúng. Thật ra tôi làm gì có. Tôi chỉ là một sản phẩm tưởng tượng mà thôi.

PV: Nghĩa là anh chưa sinh ra?

Loa quận: Đúng, hoàn toàn đúng. Hoàn toàn chưa sinh ra. May quá.

PV: Tại sao may?

Loa quận: Tại tôi nhìn sang tấm gương loa phường và tôi luôn toát mồ hôi.

PV: A, loa phường. Có thể nói khá nhiều người thất vọng sau bao nhiêu bàn cãi Hà Nội vẫn không chịu dẹp hết hoàn toàn.

Loa quận: Đúng thế, thú thật tôi chả hiểu họ tiếc nỗi gì một thứ đáng lẽ phải bỏ đi từ lâu lắm.

PV: Xin hãy nói rõ hơn?

Loa quận: Loa, thực chất là một công cụ dùng để truyền tải thông tin. Đúng không nhà báo?

PV: Vâng.

Loa quận: Đầu tiên, thông tin ngày nay có quá nhiều định dạng: Từ báo chí, từ tivi, từ facebook, từ hình quảng cáo trên tường.

PV: Vâng.

Loa quận: Mọi công dân đều có quyền chọn dạng thông tin mình ưa thích, trong khi đó loa phường cứ bắt người ta phải chấp nhận đọc một dạng âm thanh.

PV: Ừ nhỉ.

Loa quận: Đã vậy, âm thanh còn phát ra với một cường độ chả người dân nào có quyền tăng giảm, từ trẻ con cho tới người già 90 tuổi đều phải nghe một lượng như nhau, như thế rõ ràng áp đặt.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Tôi đồng ý.

Loa quận: Thêm vào nữa, loa phường còn phát vào những giờ không phải ai cũng thích, đặc biệt là những công nhân cần ngủ muộn khi làm ca đêm và những giáo sư cần nghiên cứu buổi chiều. Tự do ngôn luận được ghi trong hiến pháp phải được hiểu là tự do nói và tự do không cần phải nghe người khác nói, phải không nào?

PV: Phải ạ.

Loa quận: Thêm vào nữa, mỗi cá nhân quan tâm tới cuộc sống theo mỗi kiểu khác nhau. Cô gái teen cần biết tin Sơn Tùng, bà bán xôi cần biết thông tin giá gạo, còn bác lái xe muốn hiểu giá xăng dầu.

PV: Phóng viên cần thông tin thời sự.

Loa quận: Trong khi đó loa phường luôn luôn phát một bản tin chung, như một bữa cơm cứ thế dọn lên, ai cũng phải ăn từng ấy món, chả được lựa chọn gì theo cá tính của mình.

PV: Ơ, chí phải.

Loa quận: Nói tổng quát, loa phường không cho dân chúng lựa chọn tiếp nhận tin tức theo sở thích của mỗi con người, nó thủ tiêu cái riêng và không tôn trọng cái riêng, là thứ mà chúng ta ngày càng thấy tầm quan trọng.

PV: Và thấy cần bảo vệ.

Loa quận: Cũng xin nói cho thành thực, thông tin là một dạng văn hoá. Văn hoá phải có chọn lọc và điều chỉnh, hay gọi cho chuyên môn là biên tập. Nhưng chắc chắn tôi có quyền nghi ngờ trình độ biên tập ở hầu hết cấp phường, do họ đâu có kinh qua đào tạo.

PV: Dạ, phần lớn anh em làm do được phân công ạ.

Loa quận: Cho nên câu cú loa phường, nếu xem xét kỹ thường khô khan, ngây ngô và rất quê mùa, như một dạng bản tin thô ráp, khiến những ai có trình độ phải nhíu mày.

PV: Nhíu cả chân tay nữa ạ.

Loa quận: Cuối cùng, vấn đề bảo vệ môi trường luôn luôn là điểm nóng, mà một trong những thứ ô nhiễm chúng ta cần khẩn cấp cứu chữa là ô nhiễm tiếng ồn. Bà con thành phố từ lâu đã khổ vì tiếng còi xe, tiếng rao bán hàng và tiếng chân đi rầm rập.

PV: Dạ, sự yên tĩnh nghỉ ngơi luôn quý như vàng.

Loa quận: Thế mà có loa phường nào phát ra thì thầm không nhỉ? Hay đa phần chúng cứ oang oang.

PV: Dạ, oang oang ạ.

Loa quận: Đấy, chỉ cần hiểu như vậy đã biết loa phường nên tồn tại hay không?

Lê Thị Liên Hoan
.
.