Nước Mỹ ứng xử với những cơn “địa chấn” đổ vỡ ngân hàng
Nửa tháng qua, vụ sụp đổ chóng vánh của Ngân hàng Silicon Valley (SVB), ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ và là đối tác chính của các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ tại thung lũng Silicon đã gây chấn động thị trường Mỹ và toàn cầu. Với 209 tỉ USD tài sản tính đến cuối năm ngoái, SVB trở thành ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ bị sụp đổ.
Tuy nhiên, đây không phải cuộc khủng hoảng đầu tiên mà chính phủ Mỹ đối diện. Từ suy thoái 1929 cho đến đại dịch COVID-19, nước Mỹ đã không ít lần chứng kiến hàng nghìn ngân hàng vỡ nợ. Cách xử lý của chính phủ Mỹ trước mỗi rủi ro luôn để lại những bài học giá trị, trong đó quyền lợi của các cá nhân và doanh nghiệp luôn là thứ cần được nhắc đến đầu tiên…
Phao cứu sinh FDIC
Ngày 29/10/1929, hàng tỷ USD bốc hơi nhanh tới ngỡ ngàng trên sàn giao dịch chứng khoán New York. Phố Wall chứng kiến hàng nghìn nhà đầu tư bỏ cuộc, đánh dấu "ngày thứ Ba đen tối" chưa từng có trong lịch sử, dấn một bước đưa Mỹ và thế giới công nghiệp hóa đi sâu vào cuộc Đại suy thoái.
Trước đó, kinh tế tăng trưởng nuôi dưỡng lòng tin tưởng trong lòng nước Mỹ, đồng thời cũng là chất men gây nên cơn sốt đầu cơ. Và làn sóng đầu cơ rầm rộ là một yếu tố dẫn đến cuộc đại suy thoái này. Tỷ lệ thất nghiệp tăng tỉ lệ thuận với sức tăng của giá cổ phiếu - vượt qua cả giá trị thực của chúng. Ngoài ra, nhiều công ty đã không trung thực với các nhà đầu tư về tình hình tài chính. Vì thế, năm 1930, Mỹ bắt đầu trải qua tình trạng cạn kiệt ngân hàng do làn sóng phá sản ồ ạt.
Tháng 3/1933, tân Tổng thống Roosevelt công bố Bank Holiday, tất cả các ngân hàng được lệnh ngừng hoạt động cho đến khi được xác định là có khả năng thanh toán. Bank Holiday kết thúc, nước Mỹ có tới hơn 9.000 ngân hàng phá sản trong cuộc khủng hoảng kéo dài từ 1920 đến 1933. Đây cũng là thời kỳ mà các quỹ bảo hiểm ngân hàng chưa được thiết lập, dẫn tới cách vô số người dân Mỹ mất hoàn toàn tiền tiết kiệm.
Nhưng, cũng chính cuộc khủng hoảng này đã dẫn đến việc thành lập Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) vào ngày 16/6/1933, trở thành mô hình bảo hiểm tiền gửi công khai đầu tiên trên thế giới. FDIC đảm bảo rằng những khách hàng sẽ không bị mất tiền gửi tại các ngân hàng thành viên trong trường hợp ngân hàng phá sản, cho đến một giới hạn nhất định. Kể từ khi thành lập FDIC, hoạt động rút tiền của ngân hàng không còn là mối đe dọa lớn đối với hệ thống ngân hàng Mỹ, với thông điệp đầy tự tin: "Từ năm 1933, không có người gửi tiền nào bị mất một xu tiền do FDIC bảo hiểm".
Quả thật, trong năm 1934, chỉ có 9 vụ đổ vỡ ngân hàng xảy ra tại Mỹ. Bên cạnh đó, Đạo luật Ngân hàng cho vay mua nhà liên bang đã ra đời năm 1932 với việc tạo ra hệ thống Ngân hàng cho vay mua nhà liên bang mua các khoản thế chấp không trả được nợ từ các ngân hàng và tái cấp vốn cho chúng với lãi suất thấp hơn, giúp một triệu gia đình được hưởng lợi từ lãi suất thấp hơn đối với các khoản thế chấp được tái cấp vốn. Chính phủ Mỹ đồng thời triển khai một số sáng kiến khác trong khuôn khổ New Deal (Tân chính sách) để giúp quốc gia vượt qua cuộc Đại khủng hoảng. Mặc dù những sáng kiến này không phải là gói cứu trợ, nhưng đã giúp cung cấp tiền và hỗ trợ tạo ra hàng chục nghìn việc làm mới cho người dân.
Khôi phục niềm tin S&L
Cuộc khủng hoảng Tiết kiệm và Cho vay (S&L) bắt đầu vào những năm 1980 và kéo dài đến đầu những năm 1990 của Mỹ được coi là một trong những thảm họa tài chính tồi tệ nhất của thế kỷ 20 với sự thất bại của 747 trong số 3.234 tổ chức tiết kiệm và cho vay. Mức tổng thiệt hại dự kiến để bù đắp cho cuộc khủng hoảng này khoảng 500 tỷ USD, bao gồm thiệt hại của người dân khoảng 150 tỷ USD và những khoản chi phí bán trái phiếu mà Chính phủ Mỹ phải bỏ ra trong vòng 30 năm để cứu giúp cho ngành tài chính Mỹ.
Cuối những năm 1970, trong nỗ lực nhằm giảm thiểu lạm phát, Cục dự trữ Liên bang (FED) đã thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất ngắn hạn, với lãi suất trên 15%. Các hợp đồng kinh tế rơi vào suy thoái vào đầu những năm 1980. Lúc này, Hiệp hội Tiết kiệm và Cho vay (S&L) xuất hiện giống như ngân hàng, nhưng chuyên nhận tiền gửi tiết kiệm và cho vay thế chấp. Vào những năm 1980, các S&L bắt đầu thực hiện các khoản đầu tư rủi ro bằng tiền của người gửi tiền sau khi được cởi trói khỏi các quy định giám sát khắt khe, đem đến cho mô hình này nguồn lợi nhuận rất cao. Song, S&L bị thua lỗ ngay khi FED tăng lãi suất. Điều đó có nghĩa là nhiều người đi vay không đủ khả năng trả nợ. Kết quả là đến năm 1982, các S&L thua lỗ 4 tỷ USD mỗi năm sau. Hơn 1.000 S&L đã thất bại vào năm 1989 và những thất bại đó tiếp tục kéo dài đến đầu những năm 1990.
Chính phủ Mỹ đã phải vào cuộc ngay lập tức để giải cứu chuỗi thất bại liên tiếp này, trong đó nổi bật là việc ban hành Đạo luật Cải cách, Phục hồi và Thực thi Tổ chức Tài chính (FIRREA) năm 1989. FIRREA ra đời nhằm khôi phục niềm tin vào ngành tiết kiệm và cho vay bằng cách trao trách nhiệm bảo hiểm tiền gửi tiết kiệm cho FDIC, song song với việc thành lập hai cơ quan mới là Ủy ban Tài chính Nhà ở Liên bang và Văn phòng Giám sát Tiết kiệm; cũng như thành lập Công ty Resolution Trust Corporation để quản lý và định đoạt tài sản của các tổ chức đổ vỡ. Đạo luật Cải thiện FDIC cũng được ra đời sau đó hai năm bao gồm các điều khoản về "hành động khắc phục nhanh chóng" và "giải pháp với chi phí thấp nhất", quy định về khả năng vay từ FED của các tổ chức thiếu vốn và thiếu vốn trầm trọng, và yêu cầu về chu kỳ kiểm tra hàng năm hoặc 18 tháng đối với ngân hàng. Một lần nữa, ngành ngân hàng Mỹ được giải vây ngoạn mục sau chuỗi ngày trượt dài và đánh mất niềm tin.
Kiểm soát rủi ro ngân hàng
Năm 2008, Mỹ bắt đầu trải qua những tác động của cuộc suy thoái kinh tế lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Giai đoạn suy thoái kinh tế này thực sự bắt đầu vào năm 2007, nhưng nó đã trở thành một cuộc khủng hoảng toàn diện vào tháng 3/2008 khi Bear Stearns bắt đầu gặp vấn đề về thanh khoản. Ngày 15/9/2008, Ngân hàng Lehman Brothers Holdings (Mỹ) nộp đơn xin phá sản sau 158 năm hoạt động. Cùng ngày, một tập đoàn ngân hàng lớn khác của Mỹ là Merrill Lynch tuyên bố sáp nhập với Bank of America do thua lỗ từ cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp nhà ở cũng tại Mỹ.
Ngân hàng Lehman Brothers phá sản đã để lại một khoản nợ khổng lồ gần 700 tỷ USD, gây ra sự hỗn loạn hệ thống tài chính thế giới, kéo theo cỗ xe kinh tế toàn cầu suy giảm nghiêm trọng. Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush và nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới lên tiếng kêu gọi người dân bình tĩnh, nhưng lời kêu gọi đó cũng không cứu vãn được tình thế. Thị trường chứng khoán Mỹ đổ dốc nhanh chóng. Nhiều ngân hàng do quá hoảng sợ đã tức khắc khóa van tín dụng dẫn tới hiện tượng khan hiếm tiền mặt. Điều này khiến hàng loạt các nhà xây dựng và công ty môi giới địa ốc mất khả năng thanh toán. Nhà đất tuột giá. Các hộ gia đình nước Mỹ trước kia đi vay với lãi rẻ để mua nhà, nay không thể trả nợ đáo hạn. Cuộc khủng hoảng khiến nền kinh tế toàn cầu thất thoát 4.500 tỷ USD vào năm 2009. Nền kinh tế Mỹ lâm vào suy thoái.
Có nhiều yếu tố kinh tế dẫn đến cuộc Đại suy thoái nhưng tình trạng đầu cơ tràn lan - lần này là ở thị trường nhà ở - lại là một yếu tố quan trọng. Môi trường lãi suất đang ở mức vừa phải sau khi FED nới lỏng vào đầu thập kỷ khiến hoạt động kinh doanh nhà đất bùng nổ, dẫn đến gia tăng nợ thế chấp, bảnh lãnh thế chấp. Chứng khoán MBS nhảy vọt và giá nhà liên tiếp tăng. Cuối cùng, bong bóng nhà đất cũng vỡ; tỷ lệ nợ quá hạn thế chấp tăng. Tháng 9/2008, Thượng viện Mỹ phải thông qua Đạo luật ổn định kinh tế khẩn cấp cho phép Bộ trưởng Tài chính chi tới 700 tỷ USD cứu nền tài chính của nước này bằng cách mua lại các khoản nợ xấu của ngân hàng, đặc biệt là các chứng khoán đảm bảo bằng bất động sản.
Năm 2010, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Bảo vệ Người tiêu dùng và Cải cách Phố Wall Dodd-Frank giám sát rủi ro trong hệ thống tài chính, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc đóng cửa các công ty tài chính lớn bị thua lỗ và thành lập một cơ quan mới bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Các cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng thường xảy ra đồng thời với nguy cơ phá sản ngân hàng gia tăng và đại dịch COVID-19 không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra khác hoàn toàn so với các cuộc khủng hoảng trước đây. Để ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19, FED đã hành động một cách quyết liệt, vận dụng các công cụ truyền thống cũng như áp dụng hàng loạt các biện pháp mới để hỗ trợ dòng tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Tính từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021, tổng giá trị các gói hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế được Quốc hội Mỹ thông qua là gần 5.800 tỷ USD, tương đương khoảng 28% GDP Mỹ. Ngoài ra, gói kích cầu chưa từng có trong thời gian này do chính phủ Mỹ đưa ra đã dẫn đến việc tăng thêm tiền gửi ngân hàng, thay vì vội vã rút tiền như trong các cuộc suy thoái trước đó. Vì những lý do này, chỉ có 4 ngân hàng Mỹ phá sản vào năm 2020 và không ngân hàng nào phá sản vào năm 2021.