Cuộc chiến đích thực trong lòng nước Mỹ

Thứ Năm, 14/07/2022, 11:40

Một tuần trước, nước Mỹ còn hân hoan đón chào một "thay đổi mang tính lịch sử", khi đương kim Tổng thống Joe Biden ký ban hành dự thảo Luật kiểm soát súng đạn và tuyên bố rằng "Nếu chúng ta có thể đạt được thỏa hiệp về kiểm soát súng, chúng ta sẽ có thể tìm được tiếng nói chung về các vấn đề quan trọng khác".

Song, một tuần sau, ngay trong ngày Quốc khánh Mỹ 4-7, những diễn biến chấn động tại Chicago dường như đã cho thấy: Những cam go chính trường - mà ông sẽ còn phải đối mặt trong nửa cuối nhiệm kỳ - lớn đến mức độ nào, với những đợt phản chấn dữ dội xuất hiện nối nhau trong hiện thực xã hội.

Buổi diễu hành đẫm máu

Ít nhất 6 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Đoàn người tham gia cuộc diễu hành kỷ niệm Quốc khánh Mỹ - Ngày Độc lập 4-7 - tại Highland Park, Chicago bị xé toạc bởi những làn đạn bắn từ mái một ngôi nhà. 20 người, trong đó có cả trẻ em, phải nhập viện cấp cứu, không ít trong số đó rơi vào tình trạng nguy kịch. Những người khác của đoàn diễu hành chạy trốn khắp con đường, trong hoảng loạn.

Ngay trong ngày, từ manh mối là những hình ảnh có được, cũng như một khẩu súng bị vứt lại hiện trường, cảnh sát Chicago đã bắt giữ nghi phạm. Đó là Robert E.Crimo III, một thanh niên 22 tuổi - kẻ bị cảnh sát đánh giá là có vũ khí và cực kỳ nguy hiểm.

Cuộc chiến đích thực trong lòng nước Mỹ -0
Cuộc bầu cử giữa kỳ vào cuối năm sẽ là thách thức rất lớn đối với quyền lực của đương kim Tổng thống Mỹ.

Động cơ gây án của Robert E.Crimo III chưa được cảnh sát tiết lộ. Nhưng, có lẽ, điều đó không thực sự quan trọng. Ở Hợp chúng quốc Hoa Kỳ lúc này, ngay cả khi đạo luật mới mang tên Safer Communities Act (Vì những cộng đồng an toàn hơn) đã được lưỡng viện Quốc hội thông qua cũng như được tổng thống ký ban hành, vẫn đang có rất nhiều họng súng nằm trong tay những chủ nhân không thể xác định. Chỉ cần một trong số đó rơi vào trạng thái mất kiểm soát tinh thần, bị kích động quá mức hay sử dụng chất kích thích, thảm kịch sẽ sẵn sàng xuất hiện, bởi những thứ vũ khí giết người cũng đã luôn sẵn sàng ở đó.

Nước Mỹ được biết đến như quốc gia có tỉ lệ sở hữu súng theo đầu người cao nhất thế giới, bởi sở hữu súng là quyền hiến định của công dân Mỹ (theo Tu chính án Hiến pháp số 2). Cũng vì thế, nước Mỹ là quốc gia có số vụ xả súng hằng năm cao nhất trong số các nước phát triển.

Thực trạng đáng kinh hãi này đã và đang được khắc họa rõ rệt thêm từng ngày. Ngày 24-5, vụ xả súng tại Trường Tiểu học Robb ở Uvalde (bang Texas) khiến 19 trẻ em và 2 người lớn thiệt mạng là một tiếng chuông cảnh báo gay gắt, một "giọt nước tràn ly" làm dấy lên những cuộc tuần hành đòi chính phủ "phải làm gì đó", với những đường phố tràn ngập các tấm biển "Hãy bảo vệ trẻ em, chứ không phải bảo vệ súng đạn! (Protect kids, not gun!)". Đạo luật mới được thông qua, cũng nhờ sự thúc đẩy đầy đau đớn ấy.

Song, ngày 4-7 ở Chicago chứng minh rằng câu chuyện này vẫn chưa thể có hồi kết. Mà trước đó một ngày, ở thành phố Haltom (Texas) cũng đã có một vụ xả súng khác khiến 2 người thiệt mạng, 4 người bị thương, trong đó có 3 sĩ quan cảnh sát. Theo Sở Cảnh sát Haltom, ngay sau khi gây án, hung thủ đã tự sát.

Trước đó, ngày 27-6, một thanh niên da màu 25 tuổi mang tên Jayland Walker bị cảnh sát Akron (bang Ohio) bắn chết, với xuất phát điểm của sự vụ chỉ là việc anh ta lái xe tháo chạy sau khi vi phạm giao thông. Trên thi thể anh ta, có đến hơn 60 vết đạn. 8 cảnh sát liên quan bị đình chỉ nhiệm vụ tạm thời. Lễ hội kỷ niệm Quốc khánh Mỹ, vì thế, cũng bị hủy bỏ. Và, một làn sóng biểu tình đòi "Công lý cho Jayland" bùng phát.

Ở đất nước này, súng đạn vẫn được sử dụng - với đúng mục đích ra đời của chúng - một cách quá bừa bãi và dễ dàng, trong tay bất cứ ai.

Cuộc chiến đích thực trong lòng nước Mỹ -0
Sở hữu súng đạn - quyền hiến định rất khó thay đổi trong tâm thức phần không nhỏ người dân Mỹ.

Những rào cản vô hình

Sau tất cả chuỗi sự kiện tang tóc này, hiển nhiên, những gì mà đạo luật kiểm soát súng đạn mới được ban hành hướng đến là vô cùng cần thiết, trong mắt số đông những người quan sát ở vai trò trung lập. Song, với đặc thù văn hóa kể từ khi lập quốc của mình, việc siết chặt kiểm soát vũ khí lại không phải là điều được đông đảo công dân Mỹ, nhất là các thành viên Hiệp hội súng trường quốc gia Mỹ (NRA) ủng hộ.

Ngay từ thời tổng thống đảng Dân chủ trước đây là Barack Obama (và từ trước đó nữa), kể cả sau thảm kịch xả súng ở Trường Tiểu học Sandy Hook (bang Connecticut, ngày 14-12-2012, do hung thủ Adam Lanza thực hiện, giết chết 26 người, bao gồm cả chính mẹ mình là bà Nancy Lanza cùng 20 trẻ em), NRA vẫn luôn phản đối mọi ý tưởng về kiểm soát súng đạn. Vậy nên, đến lúc này, đại diện cho một bộ phận công dân Mỹ, NRA vẫn tuyên bố rằng họ sẽ "hỗ trợ luật cải thiện an ninh trường học, thúc đẩy các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và giúp giảm tội phạm bạo lực", nhưng vẫn "phản đối đạo luật kiểm soát súng, vì nó còn khiếm khuyết ở mọi cấp độ. Nó không thực sự giải quyết được tội phạm bạo lực, trong khi mở ra cánh cửa cho những gánh nặng không cần thiết đối với việc thực hiện quyền tự do của Tu chính án số 2 bởi những người sở hữu súng tuân thủ luật pháp".

Hiến pháp và luật pháp Mỹ, đi kèm với "tinh thần tự do kiểu Mỹ", đã và đang trở thành một rào cản không dễ vượt qua đối với quyết sách của đương kim Tổng thống Mỹ trong vấn đề này. Do đó, đạo luật mới được ban hành cũng chỉ có thể dừng ở mức thắt chặt việc kiểm tra lý lịch của những người muốn mua súng, cho phép nhà chức trách truy cập thông tin về những tội ác nghiêm trọng do người chưa thành niên thực hiện, cho phép nhà chức trách tạm thu súng của người có dấu hiệu gây nguy hiểm cho bản thân và xã hội, hay tăng cường an ninh xung quanh các cơ sở giáo dục... chứ chưa thể vươn đến những biện pháp triệt để hơn (nâng độ tuổi sở hữu súng trường tấn công bản dân sự, cấm mua bán các loại súng trường tấn công bán tự động cùng các băng đạn có dung lượng lớn...).

Thực ra, để chính thức được ký ban hành như một "thay đổi mang tính lịch sử", ở Hạ viện Mỹ, đạo luật này cũng vấp phải những trở lực không nhỏ, với tỷ lệ 234 phiếu thuận trên 193 phiếu chống. Ở Thượng viện, tỷ lệ này là 65 phiếu thuận/33 phiếu chống.

Thêm một khía cạnh khác: Giới quan sát quốc tế hẳn vẫn chưa ai quên kỳ lễ Giáng sinh năm 2012, ngay sau vụ thảm sát Sandy Hook. Doanh thu của các loại vũ khí trên thị trường dân sự Mỹ cũng tăng vọt, khi tâm trạng chung của phần đông người dân Mỹ là muốn có đủ điều kiện để tự bảo vệ mình, trước khi phải trông cậy vào cảnh sát. Và, đến tận lúc này, ngành công nghiệp chết chóc ấy vẫn cứ là một "con gà đẻ trứng vàng", được bảo vệ bởi những "truyền thống cổ điển" theo phong cách cao bồi viễn Tây trong các bộ phim Hollywood.

Bởi lẽ đó, chính Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng không hoàn toàn thực sự hài lòng với đạo luật mới. Ông thừa nhận là nó "chưa hoàn hảo" và ông chấp nhận sự "chưa hoàn hảo" đó, với hy vọng tạo nên bước thay đổi mang tính hợp tác nhiều hơn trên chính trường.

Vấn đề là, theo số liệu mới nhất mà hãng Reuters công bố hồi trung tuần tháng 6-2022, tỷ lệ ủng hộ dành cho đương kim chủ nhân Nhà Trắng đã tụt xuống mức 39%, gần thấp nhất kể từ đầu nhiệm kỳ (cho dù đã nhích lên so với mức 36% vào cuối tháng 5). Khả năng cầm quyền của đảng Dân chủ mà ông dẫn đầu đang bị hoài nghi, giữa vòng xoáy của các hệ lụy đan xen chằng chịt: Xung đột Nga - Ukraine, đàm phán hạt nhân Iran, các vấn đề hậu COVID, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, lạm phát, chi phí sinh hoạt tăng vọt...

Có những nhà phân tích bi quan đã kịp vạch ra viễn cảnh đảng Dân chủ có thể sẽ đánh mất quyền kiểm soát một trong 2 viện Quốc hội, sau cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 8-11 tới. Điều đương nhiên, đảng Cộng hòa đối lập sẽ tìm mọi cách để tận dụng tình thế hiện tại, biến viễn cảnh ấy thành hiện thực. Rõ ràng, vì thế, ông chủ Nhà Trắng cần những thắng lợi chính trường mang tính biểu tượng.

Nhìn từ nhiều khía cạnh, đạo luật kiểm soát súng đạn là một thành công theo nghĩa ấy. Song, với tình trạng kinh tế - xã hội hiện thời của nước Mỹ, cũng như với những sự vụ đột ngột xuất hiện một cách đầy thách thức ở Akron, Haltom hay Chicago, "cuộc chiến" trước mắt sẽ còn tiềm ẩn rất nhiều cạm bẫy đối với ông Joe Biden.

Ví dụ, nếu không kịp xoay chuyển tình thế và để mất quyền kiểm soát một trong 2 viện, ngân sách dự kiến 13 tỷ USD để thực hiện đạo luật vừa được ban hành cũng rất có thể sẽ va phải một "vách đá tài chính (Quốc hội phủ quyết ngân sách)" - điều đặc trưng quen thuộc trong thể chế chính trị Mỹ. Và, "những vấn đề quan trọng khác" cũng sẽ còn trở nên xa vời hơn...

Đông Phong
.
.